Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Liên minh các lực lượng biển Hoa Kỳ (American’s Sea Services – bao gồm Hải quân, Thuỷ quân lục chiến và Bảo vệ bờ biển) ngày 13 tháng 3 vừa công bố một báo cáo mới mang tên “Forward, Engaged, Ready: A Cooperative Strategy for 21st Century Seapower”. Báo cáo tiếp nối phiên bản năm 2007, cập nhật thêm các thay đổi trong môi trường an ninh và tài khoá, cũng như cập nhật mới các chiến lược hải dương có liên quan. Đây là một báo cáo quan trọng, do nó chỉ ra đường hướng chiến lược trong những năm sắp tới của các lực lượng biển Hoa Kỳ, cường quốc hải dương hàng đầu thế giới.
Các thay đổi địa chính trị nổi bật mà bản báo cáo nhắc tới có thể kể đến bao gồm sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc tại khu vực phía Tây Thái Bình Dương; sự nổi lên của các nhóm cực đoan ở Trung Đông và Bắc Phi; quá trình hiện đại hoá quân sự nhanh chóng của Nga cũng như các căng thẳng ở miền đông Ukraine, đi kèm với sự hợp tác ngày càng mật thiết giữa các thành viên NATO; nhu cầu năng lượng ngày càng tăng khiến cho yếu tố đảm bảo tự do hàng hải nổi lên như một thách thức chung; và cuối cùng là các diễn biến môi trường ngày càng khó đoán định tạo nên một nhu cầu phối hợp an ninh chung giữa các quốc gia. Điểm cuối cùng này, bản báo cáo nhấn mạnh đến các thách thức và cơ hội của Hoa Kỳ tại Bắc Cực.
Về các thách thức mang tính kỹ chiến thuật, bản báo cáo năm nay nhấn mạnh tới sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ có liên quan tới chiến lược A2/AD. Có thể kế tới như các loại tên lửa đạn đạo hay tên lửa chống hạm có sự hỗ trợ của các hệ thống C2 (command and control) kết hợp với mạng lưới điện tử và giám sát mạnh mẽ; các loại đạn pháo, tên lửa, rốc-két có định hướng; các loại tàu ngầm tiên tiến cùng với “mìn” thông minh; các hệ thống phòng không hỗn hợp hiện đại; các loại máy bay thế hệ mới; chiến tranh điện tử; chiến tranh mạng và chiến tranh không gian. Nổi bật hơn cả là vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD) được Hoa Kỳ nhắc kèm với các quốc gia như Bắc Triều Tiên, Iran hay các nhóm khủng bố cực đoan.
Để phù hợp với tình hình ngân sách quốc phòng mới, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì các lực lượng quân sự mạnh tại hải ngoại, đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn với đồng minh và đối tác tại từng khu vực địa lý cụ thể. Yếu tố này là một trong những đặc trưng quan trọng nhất giúp đảm bảo lợi ích của Hoa Kỳ tại nước ngoài. Theo bản báo cáo, lực lượng Hải quân và Thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ sẽ duy trì tại nước ngoài ít nhất 300 tàu chiến trong đó có 11 tàu sân bay, 33 tàu đổ bộ và 14 tàu ngầm mang tên lửa liên lục địa. Lực lượng bảo vệ bờ biển sẽ duy trì 91 tàu các loại.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng phải có khả năng huấn luyện và trang bị cho các lực lượng của mình đầy đủ năng lực để có thể thực hiện 5 nhiệm vụ chủ lực: (1) có khả năng triển khai lực lượng tại chiến trường một cách dễ dàng và không bị hạn chế; (2) duy trì được khả năng răn đe thông thường và răn đe hạt nhân; (3) đảm bảo kiểm soát được mặt biển; (4) có khả năng tận dụng được mọi nguồn lực quốc gia (ngoại giao, truyền thông, kinh tế, quân sự) để đối phó với khủng hoảng, răn đe hoặc đảm bảo an ninh khu vực.
Cuối cùng chính là phương hướng xây dựng năng lực. Ở đây báo cáo đề cập tới việc Hoa Kỳ phải tạo dựng được một kế hoạch nhằm tối ưu hoá khả năng phản ứng của các lực lượng chấp pháp. Kế hoạch đó sẽ bao gồm huấn luyện, bảo trì bảo dưỡng và thanh kiểm tra. Đối với huấn luyện, phải xây dựng được một môi trường mang tính thực tế cao. Đồng thời với đó là tiếp tục đầu tư phát triển những nguồn năng lượng thay thế và những công nghệ hiện đại phù hợp với tình hình mới.
Tóm tắt những ý chính của bản báo cáo, những ai quan tâm có thể xem tại: http://goo.gl/CndhxU
Bài viết của hai học giả Taylor Fravel và Christopher Twomey trên The Washington Quarterly về chiến lược “chống can thiệp” (counter intervention) – hay còn có cách gọi khác là A2/AD – đã thu hút sự quan tâm tranh luận của nhiều học giả khác. Theo Fravel và Twomey, “chống can thiệp” không thể được coi là định hướng chiến lược quân sự của Trung Quốc, hay nói cách khác là không có thứ gọi là chiến lược chống can thiệp. Hai tác giả đã rút ra kết luận này thông qua khảo sát các tài liệu chính thống được xuất bản tại Trung Quốc. Trong đó, không tồn tại những khái niệm mà theo Fravel và Twomey là có liên quan tới thuật ngữ “chống can thiệp” trên bình diện định nghĩa tổng thể về mặt chiến lược. Nhóm học giả cũng cho rằng các nhà phân tích quân sự phương Tây đã mắc phải lỗi “soi gương” (mirror-imaging) – một lỗi lập luận cho rằng đối tượng nghiên cứu cũng có những hướng suy nghĩ giống với bản thân nhà nghiên cứu. A2/AD có nguồn gốc xuất phát điểm từ Liên Xô, và các học giả đã áp dụng tư tưởng này cho chính Trung Quốc. Fravel và Twomey do đó đưa ra lời khuyên giới phân tích chiến lược nên có một cái nhìn toàn diện và chân thực hơn khi nghiên cứu về chiến lược quốc phòng Trung Quốc.
Tuy nhiên, Michael Carl Haas – một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh ở ETH Zurich – lại có quan điểm trái ngược. Ông cho rằng tham khảo các bài nghiên cứu chính thống chỉ coi như tìm được “một nửa sự thật” mà thôi. Cho rằng một chiến lược đột nhiên không tồn tại chỉ vì từ ngữ mô tả nó không được sử dụng rộng rãi, theo Haas, là không hợp lý. Khái niệm “chống can thiệp” có thể không giống với A2/AD, và Haas cũng đồng quan điểm khi cho rằng hai khái niệm này có thể không đồng nhất. Ông đã đề xuất một cái tên thay thế: “bảo vệ vùng nước lân cận” (defending China’s maritime periphery). Người Trung Quốc dường như không xây dựng bộ khung chiến lược của mình hoàn toàn vào A2/AD, mà khái niệm này đã được chia ra cho từng loại chiến dịch khác nhau, cho từng đối tượng cụ thể. Theo Haas thì Hoa Kỳ đã đánh giá quá cao tính cố kết trong cách tiếp cận của quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, bản thân Fravel và Twomey cũng đã đánh giá thấp ảnh hưởng thật sự của “chống can thiệp” về mặt bản chất. Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ – Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh – cuộc tranh luận về khái niệm “chống can thiệp” đang xảy ra có thể mang ý nghĩa như sự cáo chung của khái niệm A2/AD về mặt tranh luận, như những gì đã xảy ra với khái niệm Tác chiến Không – Hải (Air Sea Battle).
Trong một cuộc khảo sát mới đây được thực hiện bởi Perth USAsia Centre, phần lớn người dân Trung Quốc tin rằng quân đội nước này (PLA) có khả năng chiếm giữ các quần đảo tại biển Hoa Đông và biển Đông thậm chí ngay cả khi Hoa Kỳ can thiệp. Ít nhất 87% người được hỏi cho rằng quân đội Trung Quốc sở hữu đủ khả năng để có thể giành lại được quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ Nhật Bản. Nếu có sự can thiệp của Hoa Kỳ, tỷ lệ này giảm xuống còn 74%. Con số khảo sát là tương tự trong trường hợp biển Đông, khi 85,6% cho rằng Trung Quốc có khả năng chiếm giữ các đảo tại đây. Khi có Hoa Kỳ can thiệp, 73% vẫn cho rằng PLA sẽ chiến thắng.
Đó là thông tin tương đối tiêu cực đối với các quốc gia láng giềng xung quanh, vậy còn tin tích cực là gì? Theo cuộc khảo sát, phần lớn số người được hỏi cho rằng họ không muốn chiến tranh xảy ra ở cả biển Đông và biển Hoa Đông. Khi được hỏi rằng liệu sử dụng vũ lực để giành lại Senkaku/Điếu Ngư có phải là lợi ích quốc gia của Trung Quốc không, 55,5% số người trả lời là không. Trong khi đó 33% trả lời là có còn số còn lại không chắc chắn. Tương tự, với việc sử dụng vũ lực tại biển Đông, 54% trả lời là không mong muốn so với con số 33,5% đồng ý.
Khảo sát cũng cho thấy người dân không coi trọng các tranh chấp hàng hải nếu so sánh với những vấn đề nội bộ khác như tham nhũng, chênh lệch giàu nghèo, an toàn dược phẩm và thực phẩm, các vấn đề về đạo đức và môi trường. Tuy nhiên, các tranh chấp lãnh hải lại được cho là quan trọng hơn vấn đề Đài Loan (với 51% số người được hỏi chọn tranh chấp lãnh hải thuộc tốp 5 vấn đề quan trọng nhất, so với chỉ 22% của vấn đề Đài Loan).
Cuộc khảo sát được thực hiện dựa trên phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại đối với 1413 người tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Trường Sa và Thành Đô. Theo Zachary Keck trên trang The National Interest, khảo sát lần này sẽ có lợi cho chính phủ Trung Quốc trong việc theo đuổi các chính sách hung hăng hơn tại biển Đông. Tuy nhiên, leo thang căng thẳng thành chiến sự không phải là một lựa chọn đúng đắn nếu xét trên quan điểm của công chúng.