Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Thông tin đáng chú ý tuần qua có lẽ là việc chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tuyên bố rằng Trung Quốc đang xây dựng “lâu đài cát” trên biển (Great Wall of Sand), gia tăng rủi ro đối đầu quân sự tại các vùng biển tranh chấp. Đây được coi là chỉ trích mạnh mẽ nhất và ở cấp cao nhất cho tới hiện nay của một quan chức Hoa Kỳ. Theo Chris Johnson tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trong 5 tháng vừa qua với khối lượng công việc nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại trong vòng 5 năm.
James R. Holmes tại Đại học Hải chiến Hoa Kỳ lại cho rằng “lâu đài cát” là một phép ẩn dụ khập khiễng. Cách ám chỉ này khiến mọi người dễ liên tưởng đến những lâu đài cát trên các bãi biển du lịch, vốn dễ dàng sụp đổ khi có sóng to gió lớn, hay chỉ đơn giản khi có ai đó tác động. Theo Holmes, đây là phép ẩn dụ hoàn toàn sai nếu so với tính chất thực sự của các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo. Các đảo nhân tạo có thể dễ bị tổn thương về mặt quân sự, tuy nhiên tấn công không phải điều dễ dàng. Tấn công các đảo này cũng giống như tấn công vào chính lãnh thổ Trung Quốc. Về mặt địa lý, Trường Sa không phải là một chuỗi đảo, mà chỉ là một cụm đảo. Ngay cả về mặt hình thức cũng khó có thể thể hiện hình ảnh như một “lâu đài cát”. Ở đây, theo Holmes, pháo đài có thể là một hình ảnh ẩn dụ hợp lý hơn. Có thể so sánh chiến lược này như là một cuộc chiến giành các điểm kiểm soát trên đất liền (War of Posts).
Vậy Hoa Kỳ và đồng minh có thể làm gì? Theo Holmes, về mặt chiến thuật, hãy cắt đứt mối liên hệ giữa các đảo mà Trung Quốc đang xây dựng. Cắt đứt con đường tiếp vận, cả trên không và trên biển là chìa khoá. Bên cạnh đó là chiến thuật tập trung hoả lực để áp đảo hoàn toàn một đối tượng đảo khi chiến tranh xảy ra.
Còn trong thời bình? Để giảm thiểu tác động của chiến lược kiểm soát này, hãy triển khai càng nhiều tàu hay máy bay càng tốt xung quanh các khu vực đảo nhân tạo, mục đích là làm suy yếu các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Bên cạnh đó là tích cực công bố các hành vi vi phạm của Trung Quốc trên các kênh truyền thông và mạng xã hội.
Trong một buổi họp báo hôm 26 tháng 3, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Chiến lược (đơn vị chịu trách nhiệm về lực lượng hạt nhân và tên lửa phòng thủ Hoa Kỳ), Đô đốc Cecil D. Haney cho biết Hoa Kỳ quan ngại trước khả năng Trung Quốc có thể phát động một cuộc chiến tranh trên không gian. Ông Haney dẫn ra việc Trung Quốc đã thiết kế và thử nghiệm các tên lửa đạn đạo chống vệ tinh tầm thấp, lần đầu tiên vào năm 2007 và một lần khác vào tháng 7 năm ngoái. Hoa Kỳ đã theo dõi các vụ thử tên lửa “bằng một sự kinh ngạc”. Theo Haney thì Hoa Kỳ “phải sẵn sàng cho bất kì chiến dịch nào nhằm mở rộng con đường của mình vào không gian”.
Khi được hỏi như thế nào là “sẵn sàng”, ông Haney nói đó là sự cần thiết phải “nhận biết được những gì đang xảy ra ngoài không gian”, điển hình như “Chương trình Nhận diện Tình huống Không gian”. Ông Haney cũng nói thêm rằng Hoa Kỳ đang phát triển “năng lực đáp trả trong không gian – từ chiến thuật đến kỹ thuật và quy trình với sự linh hoạt và nhanh chóng”.
Báo cáo năm 2014 của Lầu Năm Góc về phát triển quân sự Trung Quốc có lưu ý đến việc nước này “đang phát triển một chương trình đa chiều nhằm nâng cao năng lực của mình trong việc hạn chế hoặc ngăn cản kẻ thù sử dụng các tài sản không gian trong suốt thời gian khủng hoảng hay xung đột”. Cũng theo báo cáo này, “các nhà chiến lược của quân đội Trung Quốc xem khả năng sử dụng các hệ thống không gian và ngăn cản kẻ thù sử dụng các hệ thống tương tự trên không gian là vấn đề trọng tâm cho phép tiến tới tác chiến thông tin hiện đại”. Báo cáo cũng lưu ý, ngoài việc sử dụng tên lửa, Trung Quốc có thể sử dụng “vũ khí năng lượng định hướng và thiết bị làm nhiễu vệ tinh” để phá hủy hoặc vô hiệu hóa vệ tinh của kẻ thù trong trường hợp xảy ra xung đột.
Andrew F. Krepinevich Jr, nhà phân tích chiến lược quốc phòng và hiện đang giữ chức vụ giám đốc Trung tâm Phân tích Ngân sách và Chiến lược (CSBA), đã thảo luận về một thuật ngữ quan trọng: phòng thủ chuỗi đảo (Archipelagic Defense). Ông cho rằng răn đe về mặt quân sự, thông qua các cuộc phong tỏa hải quân và không quân, đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc. Song một mục tiêu khác của Hoa Kỳ và các đồng minh nên đặt ra là làm nản lòng Trung Quốc, khiến nước này không thể đạt được các mục đích của mình bằng vũ lực. Bằng cách tận dụng những khả năng tiềm ẩn của Hoa Kỳ, các lực lượng mặt đất của đồng minh và đối tác, Washington có thể đạt được mục tiêu “làm nản lòng” TQ bằng cách thiết lập một chuỗi phòng thủ dọc theo chuỗi đảo thứ nhất. “Chuỗi đảo phòng thủ” này sẽ vô hiệu hóa những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đạt được các mục tiêu thông qua con đường xâm lược hay gây sức ép lên quốc gia khác.
Để làm được điều này, có hai cách. Thứ nhất, Hoa Kỳ cần phải tích hợp hệ thống phòng thủ của các nước đồng minh trong chuỗi đảo thứ nhất thành một khối thống nhất. Những đơn vị tên lửa đánh chặn cơ động và tương đối đơn giản, điển hình như Sea Sparrow, vốn được trang bị trong các lực lượng đồng minh, có thể được hỗ trợ bởi các radar tầm cao của Mỹ. Việt Nam, tuy không phải là một phần của chuỗi đảo này, song năng lực phòng thủ gần đây cũng đã được cải thiện và có thể đóng góp vào một nỗ lực phòng thủ lớn hơn.
Thứ hai, hoạt động phòng thủ đảo cũng cần được chú ý. Các thành viên cấp cao trong Quốc hội gần đây đã khuyến khích quân đội Mỹ nên xem xét khôi phục lại các đơn vị pháo phòng thủ bờ biển, vốn bị giải tán kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ý tưởng này thật sự đơn giản, ít nguy hiểm và đặc biệt là có chi phí rẻ. Thay vì mạo hiểm đưa tàu chiến vào các vùng nước nằm trong tầm tác chiến của tên lửa, tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc, Hoa Kỳ và các đồng minh có thể sử dụng các lực lượng mặt đất trên chuỗi đảo thứ nhất, vũ trang thêm các hệ thống tên lửa và pháo phòng thủ để chống lại các tàu chiến tấn công và đổ bộ lên đảo. Nhật đã làm điều tương tự ở quần đảo Ryukyu, Việt Nam cũng đã nhận được các hệ thống phòng thủ bờ biển từ lâu. Các quốc gia khác, có thể độc lập trang bị hoặc nhờ sự giúp đỡ từ Washington. Năng lực rải mìn, chống ngầm và quét thủy lôi cũng là thế mạnh của Hoa Kỳ. Nếu các cảng hoặc đường tiến ra biển bị phong tỏa bằng mìn, thủy lôi, các tàu chiến của Trung Quốc sẽ không thể tiến ra được các vùng biển xa hơn.
Tuy lợi thế là như vậy, song ý tưởng về một chuỗi đảo phòng thủ cũng gặp nhiều khó khăn, mà lớn nhất là vấn đề tài chính và yếu tố địa chính trị. Rõ ràng, việc Lầu Năm Góc cắt giảm chi phí quân sự là đi ngược lại với những nguy cơ đang ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Thêm nữa, mặc dù Nhật Bản hay Việt Nam đang tỏ rõ nghiêm túc trong việc tăng cường các kỹ thuật phòng thủ đảo, nhưng Australia hay Singapore vẫn còn đang lưỡng lự. Nhưng theo Krepinevich, bất kỳ nỗ lực mang tính chiến lược nào cũng đều cần có thời gian.
Evan Braden Montgomery, cũng đến từ CSBA, vừa qua cũng công bố một báo cáo thú vị về mối đe doạ tên lửa từ Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng cường xây dựng và hiện đại hóa quân đội. Lực lượng tên lửa chiến lược của nước này đang ngày càng được hiện đại hóa và trang bị nhiều loại tên lửa tầm xa thế hệ mới. Đây cũng là một phần nằm trong chiến lược A2/AD của Trung Quốc. Việc sử dụng tên lửa có thể giúp nước này giành được lợi thế từ xa, đặc biệt là bù đắp đáng kể cho những thiếu hụt trong lực lượng không quân và hải quân. Nhưng thật sự thì vì sao Trung Quốc lại tập trung xây dựng lực lượng tên lửa?
- Thứ nhất, các đơn vị tên lửa có thể tạo ra sức mạnh lấn át trong giai đoạn đầu chiến dịch. Các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có giá thành rẻ hơn so với việc phải mua các máy bay, tàu chiến.
- Thứ hai, rất khó để xác định được vị trí của các hệ thống tên lửa và phản đòn.
- Thứ ba, rất khó để đánh chặn trong một lần duy nhất. Các tên lửa đạn đạo được thiết kế có thể bay ở nhiều tầm cao và tốc độ khác nhau, một số còn được trang bị thêm các đầu đạn con, đầu đạn giả, do đó rất khó để các hệ thống phòng thủ đánh chặn thành công trong một lần duy nhất.
Một mối nguy hiểm hiện nay nữa cho Hoa Kỳ là các căn cứ không quân và hải quân của nước này ở châu Á đều nằm trong tầm tác chiến của tên lửa Trung Quốc. Kể cả khi triển khai các tàu sân bay, chúng vẫn nằm gọn trong phạm vi mà tên lửa Trung Quốc có thể vươn tới. Washington vẫn có thể triển khai các máy bay ném bom tầm xa hoặc tàu ngầm hạt nhân bí mật trả đũa trong trường hợp bị tấn công. Song số lượng các máy bay ném bom tầm xa của Hoa Kỳ là khá ít và các tàu ngầm hạt nhân cần nạp lại vũ khí tại các quân cảng sau khi bắn tên lửa.
Hoa Kỳ có thể làm gì để đối phó lại tình trạng này?
- Tăng cường hoả lực, tăng cường khối lượng vũ khí mang vác
- Tạo thêm các tùy chọn quân sự mới cho quân đội Hoa Kỳ và tạo điều kiện cho sự phát triển của các học thuyết tác chiến mới.
- Tăng sức ép chi phí lên Trung Quốc: Bắc Kinh có thể sẽ phải tốn nhiều tiền hơn để đầu tư cho các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại, hệ thống giám sát, tác chiến trong khi chúng thật sự không cần đến ở thời điểm hiện tại.
- Tạo ra đòn bẩy mặc cả đối với Trung Quốc
- Trấn an đồng minh: khác với máy bay, tàu chiến hay tàu sân bay, các hệ thống tên lửa là không thể rút đi nếu xảy ra xung đột. Tuy nhiên, nếu rút các tài sản giá trị khác như máy bay, tàu chiến, tàu sân bay khi xảy ra xung đột, có thể làm rạn nút mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và đồng minh.
Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý khác:
Hoa Kỳ tăng số lượng tàu chiến có thể đóng lên 308 chiếc, theo kế hoạch đóng tàu 30 năm mới nhất vừa được công bố. Tuy nhiên, con số này chỉ là một sự thay đổi nhỏ, bởi số lượng tàu dự định trước đó là 306 chiếc. Một tàu đổ bộ (LPD) và một căn cứ nổi tiền phương (AFSB) là hai nhân tố mới được bổ sung. Trong khi đó, Quốc hội Hoa Kỳ vẫn duy trì lệnh cấm triển khai các tàu tuần tra ven bờ (patrol coastal ships) như một phần của lực lượng tác chiến. Hải quân Hoa Kỳ đã thể hiện sự không hài lòng với lệnh cấm này
Trung Quốc có thể đang phát triển hai biến thể khác nhau của lớp tàu khu trục Type 055 – một phiên bản chống ngầm và một phiên bản phòng không, Tạp chí quốc phòng Khán Hòa (Kanwa) cho hay. Những hình ảnh đầu tiên về tàu khu trục Type 055 đã được tiết lộ trên ấn phẩm mới đây của Khán Hòa. Theo những hình ảnh vệ tinh chụp được, Type 055 có chiều rộng khoảng hơn 19 mét, trong khi vẫn chưa rõ chiều dài là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo ước tính, lớp tàu khu trục mới này có thể dài hơn 130 m, lượng choán nước ít nhất cũng hơn 10,000 tấn. Loại tên lửa có thể được trang bị trên tàu là tên lửa chống hạm YJ-18 hoặc tên lửa tấn công mặt đất CJ-10. Type 055 được cho là có khả năng tấn công cả trên biển lẫn đất liền, và có thể sở hữu tên lửa dẫn đường Type WS-35R/B với tầm bắn tối đa 60 km. Thời gian đóng Type 055 có thể kéo dài trong 2 năm.