John Adams – Người khổng lồ của nền độc lập

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 6/4/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

John Adams (1735-1826) là một nhân vật nổi bật trong cuộc đấu tranh giành độc lập của người Mỹ và là Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ. Trong nhiệm kỳ của ông, Washington đã được chọn là thủ đô nước Mỹ.

John Adams sinh ngày 19 tháng 10 năm 1735 tại thành phố Braintree (nay là Quincy), Massachusetts, trong một gia đình làm nghề nông. Adams tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1755 (20 tuổi) và trở thành luật sư. Năm 1764, ông kết hôn với Abigail Smith, một phụ nữ thông minh và độc lập, người đã hỗ trợ ông rất nhiều trong suốt sự nghiệp của mình.

Kể từ giữa thập niên 1760, Adams bắt đầu lên tiếng phản đối luật lệ của người Anh trên thuộc địa Mỹ, đầu tiên là Đạo luật tem 1765.[1] Bất chấp sự đối đầu với chính phủ Anh, Adams đã đứng ra bào chữa cho lính Anh tham gia cuộc thảm sát ở Boston năm 1770. Việc này đã làm giảm sự ủng hộ dành cho Adams, nhưng lại chứng tỏ rằng ông là con người có nguyên tắc, chuẩn mực cao.

Trong cuộc họp của Đệ nhất và Đệ nhị Quốc hội Lục địa,[2] Adams đại diện cho Massachusetts. Ông sử dụng kĩ năng viết và diễn thuyết của mình trước hết để thuyết phục các thuộc địa khác thấy được sự cần thiết phải chống lại thực dân Anh, và sau đó là mục tiêu giành độc lập. Ông cũng là thành viên của ủy ban soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập Mỹ. Trong cuộc Cách mạng Mỹ, ông điều hành Ủy ban kháng chiến, phát triển và trang bị quân đội Mỹ và thành lập lực lượng hải quân.

Năm 1778, Adams được cử tới Paris để thực hiện nhiệm vụ ngoại giao. Năm 1780 ông về nước và tới năm 1783, ông là một trong ba người Mỹ ký Hiệp định Paris, kết thúc cuộc đấu tranh giành độc lập ở Mỹ. Từ năm 1785 đến 1788, Adams đảm nhiệm cương vị đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Anh.

Khi quay trở lại Mỹ, ông được bầu làm Phó Tổng thống dưới thời George Washington trong hai nhiệm kỳ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1796 – lần đầu tiên có sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị, Adams đứng về phía Đảng Liên bang (Federalist Party) và được bầu làm tổng thống.

Quan hệ tuột dốc của Mỹ với Pháp đã dẫn đến cuộc một cuộc chiến tranh hải quân không chính thức[3] giữa hai nước từng là đồng minh. Năm 1798, Adams ký các Đạo luật gây tranh cãi về ngoại kiều và chống nổi loạn[4], hạn chế quyền tự do ngôn luận. Các đạo luật này bị phản đối rộng rãi trên khắp đất nước. Adams cũng phải đối mặt với sự phản đối từ chính trong đảng của mình. Ông bác lại những yêu cầu tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực với Pháp, nhưng rồi lại thua Thomas Jefferson trong cuộc bầu cử năm 1800.

Adams rút khỏi chính trường và định cư tại quê nhà Quincy. Ông đã kịp chứng kiến người con trai cả John Quincy thắng cử và trở thành tổng thống thứ sáu của Mỹ (1825). Ông qua đời vào ngày 4 tháng 7 năm 1826.

———————————————- 

[1] Đạo luật tem (Stamp Act) là một đạo luật được chính quyền thực dân Anh ban hành áp dụng ở thuộc địa Bắc Mỹ ngày 22/3/1765. Đạo luật này quy định tất cả báo chí, biểu ngữ, sách nhỏ, giấy môn bài, hợp đồng thuê mướn và các loại văn bản pháp luật khác đều bị dán tem để đánh thuế. Số tiền do hải quan Mỹ thu được sẽ được sử dụng cho phòng thủ, bảo vệ và duy trì an ninh cho các thuộc địa. Những người thuộc địa xem đạo luật này là không công bằng, và nhiều người lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Mùa xuân năm 1767, Nghị viện Anh bãi bỏ đạo luật vì không thi hành được cũng như bị áp lực của những công ty bị tẩy chay. [ND]

[2] Quốc hội Lục địa (Continental Congress) là một hội nghị của các đại biểu đến từ 13 thuộc địa Bắc Mỹ và trở thành bộ phận chính phủ của 13 thuộc địa này trong cuộc Cách mạng Mỹ. Đệ nhất và đệ nhị Quốc hội lục địa họp tại Philadelphia năm 1774 và 1775. [ND]

[3]  Trong những thập kỷ tồn tại đầu tiên của Hoa Kỳ, đất nước này theo đuổi một chính sách cân bằng giữa Anh và Pháp, hai siêu cường lúc bấy giờ. Washington đã liên minh với Pháp chống lại Anh để giành độc lập, nhưng cũng vi phạm thỏa thuận trước đó với Pháp khi đàm phán riêng rẽ với người Anh sau khi chiến tranh kết thúc. Tổng thống Washington và Adams sau đó đã thoát ly đất nước khỏi Pháp bằng cách đưa ra một Tuyên bố Trung lập (Proclamation of Neutrality) năm 1793, ký kết Hiệp ước Jay với người Anh (1794), và tiến hành một cuộc chiến tranh hải quân không chính thức (hay còn được gọi là cuộc chiến Quasi) quy mô nhỏ với Pháp (1798-1800) để khẳng định quyền trung lập của mình. [ND]

[4] Các đạo luật về ngoại kiều và chống nổi loạn (the Alien and Sedition Acts) được thông qua năm 1798. Các biện pháp này gồm: (1) Đạo luật quốc tịch (Naturalization Act): người ngoại quốc phải cư ngụ tại Hoa Kỳ đủ 14 năm mới được phép nhập tịch, (2) Đạo luật ngoại kiều (Alien Act): Tổng thống có quyền trục xuất các ngoại kiều nào bị xét là “nguy hiểm cho hòa bình và an ninh của Hoa Kỳ”, (3) Đạo luật ngoại kiều thù nghịch (Alien Enemies Act, ngày nay còn áp dụng): khiến cho các công dân của một quốc gia thù địch có thể bị trục xuất hay bị cầm tù trong thời chiến, (4) Đạo luật chống nổi loạn (Sedition Act): cho phép kết án nặng nề các kẻ âm mưu hay có hành động chống chính quyền. [ND]