Nguồn: “Pope John Paul II is shot,” History.com (truy cập này 12/5/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Ngày 13 tháng 5 năm 1981, Đức Giáo hoàng John Paul (Gioan Phaolô) II bị bắn trọng thương trên Quảng trường Thánh Peter (Phêrô) ở Roma, Ý. Tên khủng bố người Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ali Ağca, đang chạy trốn sau khi bị kết án trong một vụ giết người trước đó, đã xả súng về phía nhà lãnh đạo tôn giáo, hai trong số loạt đạn đó đã làm bị thương một số du khách đứng gần. Ağca bị bắt giữ ngay lập tức.
Ağca khai nhận hắn đã lên kế hoạch ám sát nhà vua nước Anh, nhưng không thể vì nước Anh chỉ có Nữ hoàng mà “người Thổ Nhĩ Kỳ thì không bắn phụ nữ.” Hắn cũng khai nhận hắn có quan hệ với người Palestine, dù Tổ chức Giải phóng Palestine PLO đã nhanh chóng phủ nhận mọi sự liên quan. Các thám tử tin rằng lời thú tội của Ağca đã được sắp đặt để đánh lạc hướng phía điều tra.
Khi phiên tòa xét xử Ağca bắt đầu ngày 20 tháng 7 năm 1981, Ağca đã cố gắng lập luận rằng nước Ý không có quyền truy tố hắn vì vụ việc diễn ra ở Tòa thánh Vatican. Dù Ağca đe dọa sẽ tuyệt thực nếu như phiên tòa của hắn không được chuyển đến một tòa án Vatican, yêu cầu của hắn vẫn bị từ chối và Ağca đã bị kết tội hai ngày sau đó. Ağca phải nhận án chung thân nhưng đến năm 2010 thì được thả do một số lệnh đặc xá và luật hình sự được sửa đổi.
Nhiều người cho rằng phiên tòa xét xử Ağca diễn ra bất thường và nhanh chóng là một nỗ lực nhằm che đậy những bằng chứng về một âm mưu (ám sát Giáo hoàng). Trên thực tế, chính quyền Ý cũng có những nghi ngờ của riêng họ nhưng không muốn thể hiện trong một phiên tòa công khai. Thay vào đó, họ thầm lặng tiến hành một cuộc điều tra nhằm vào những mối liên hệ giữa Ağca và cơ quan tình báo Bulgary, một tổ chức vốn có mối liên hệ với KGB.
Động cơ của vụ ám sát bị cáo buộc là do Liên Xô chủ mưu này cần được xem xét trong bối cảnh cuộc Chiến tranh Lạnh năm 1981. Đức Giáo hoàng John Paul II sinh ra ở Ba Lan và công khai ủng hộ phong trào dân chủ tại đây. Chuyến thăm của ông đến Ba Lan năm 1979 đã khiến điện Kremlin lo lắng bởi nó có thể đưa sự kiểm soát Đông Âu của Liên Xô vào nguy hiểm.
Dù người ta vẫn chưa biết được mức độ chính xác của âm mưu này cho đến tận ngày nay, nhưng Ağca được cho là đã gặp gỡ những điệp viên của Bulgary là Sergei Antonov, Zhelio Vassilev, Todor Aivazov, và Bekir Çelenk ở Roma để bàn về âm mưu ám sát Lech Wałęsa, lãnh đạo công đoàn (Đoàn kết) của Ba Lan. Tuy nhiên, kế hoạch này đã được bãi bỏ khi Ağca được đề nghị một khoản tiền trị giá 1,25 triệu đô la Mỹ để sát hại Đức Giáo hoàng.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]