John Calvin – Người đặt hạt giống cho Thần học Calvin

john-calvin

Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 12/8/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

John Calvin khởi đầu một nhánh mới của đạo Tin lành bởi ông cho rằng Martin Luther chưa tiến hành đầy đủ cải cách với Nhà thờ Cơ đốc giáo. Calvin đưa ra đức tin vào thuyết tiền mệnh: ông cho rằng Chúa đã quyết định người nào sẽ lên thiên đường và kẻ nào phải xuống địa ngục. Một vài phái Tin lành khác sao chép lại những ý tưởng của Calvin và vẫn tiếp tục tuyên truyền chúng. Sự bất đồng quan điểm giữa các giáo phái dẫn đến các cuộc khủng bố, nội chiến và chiến tranh giữa các quốc gia. Cuối cùng, một vài nhóm đã tìm được tự do tôn giáo tại các thuộc địa ở Bắc Mỹ.

John Calvin học ngành luật tại Đại học Orleans, nhưng sau cái chết của cha, ông theo đuổi niềm đam mê về thần học. Lấy cảm hứng từ Martin Luther, Calvin khao khát làm nên những thay đổi vĩ đại hơn nữa trong cuộc Cải cách Kháng Cách (Protestant Reformation).

Calvin lý giải những ý tưởng của mình trong tác phẩm ‘Nguyên lý Cơ đốc giáo’ (1536). Ông nhấn mạnh ba nguyên lý trong đức tin của mình. Ông khẳng định quyền tối thượng của Kinh Thánh (rằng chính Kinh Thánh – chứ không phải giới tăng lữ – mới là nền tảng để đưa ra những quyết định về tôn giáo). Ông cũng tranh luận về sự cứu rỗi linh hồn bằng đức tin (rằng người nào tin vào Chúa sẽ được lên thiên đường). Nhìn chung các nhóm theo đạo Tin lành đều chấp nhận những ý tưởng này. Nguyên lý thứ ba, cũng là nguyên lý gây tranh cãi nhất của Calvin là đức tin vào thuyết tiền mệnh (predestination).

Theo thuyết tiền mệnh, Chúa chỉ cứu rỗi một vài tín đồ Cơ đốc giáo được lựa chọn và mang họ tới thiên đường. Thêm vào đó, Chúa cũng đã quyết định ai sẽ được cứu rỗi linh hồn, và ai sẽ bị đày xuống địa ngục. Bởi thế, ngay cả khi một người thay đổi cách cư xử của mình, anh ta vẫn mang trong mình những ham muốn tội lỗi và sẽ phải chịu sự đày đọa.

Calvin nhấn mạnh một lối sống sùng đạo cần tập trung vào sự đơn giản. Ông kêu gọi hủy bỏ những di tích và các ô cửa kính màu trong nhà thờ, cấm chơi nhạc cụ, nhảy múa và quần áo sặc sỡ. Vào ngày chủ nhật, chỉ có hoạt động thờ lễ được chấp nhận.

Calvin cũng tranh luận về chính trị thần quyền (theocracy) – một chính quyền do các nhân vật tôn giáo đứng đầu. Ông lý luận rằng chính quyền đó cũng cần tuân theo ý nguyện của chúa. Calvin phản đối bất cứ hình thức thứ bậc trong tôn giáo và cho rằng mọi mục sư đều bình đẳng. Do đó, bất cứ thành viên nào thuộc giới tăng lữ cũng có thể lãnh đạo giáo hội. Calvin có cơ hội để áp dụng thuyết chính trị thần quyền của mình tại Geneva, Thụy Sĩ. Khi ông lãnh đạo giáo hội tại đây, 58 người bị hành quyết và 76 người khác bị trục xuất vì đức tin tôn giáo của mình.

Điều quan trọng nhất là Calvin đã truyền cảm hứng cho mọi người để đi theo những đức tin tôn giáo của ông. Bên cạnh những người theo thần học Calvin, các phái tôn giáo khác cũng đi theo lý thuyết thần học của ông. Các giáo phái như Giáo hội trưởng lão, Thanh giáo, Cải Cách Nhà thờ, Huguenot (Giáo hội Kháng cách tại Pháp), Tân giáo, và Giáo đoàn đều tin vào thần học Calvin và vẫn tiếp tục hiện diện trong xã hội hiện đại.