Có phải Hồi giáo không tương thích với dân chủ?

Print Friendly, PDF & Email

Turks-continue-to-support-democracy-in-Egypt-2

Nguồn: Dani Rodrick, “The Problem is Authoritarianism, Not Islam”, Project Syndicate, 12/08/2013.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Về mặt cơ bản, đạo Hồi có phải là không tương thích với dân chủ không? Lần này qua lần khác, các sự kiện thôi thúc chúng ta hỏi câu hỏi này. Nhưng câu hỏi này gây bối rối nhiều hơn là giải thích.

Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Tunisia là những quốc gia rất khác nhau, nhưng các quốc gia này đều có một điểm chung là những chính quyền theo chủ nghĩa Hồi giáo (hoặc ít ra là gần đây trong trường hợp của Ai Cập). Ở nhiều mức độ khác nhau, các chính quyền này đã làm xói mòn sự tin tưởng vào nền dân chủ của họ vì không bảo vệ quyền dân sự và quyền con người, và đã sử dụng những biện pháp nặng tay để chống lại các đối thủ. Mặc cho những cam kết được lặp đi lặp lại, các lãnh đạo Hồi giáo đã cho thấy ít quan tâm đến dân chủ, trừ lúc cần chiến thắng ở thùng phiếu.

Vì thế những ai tin rằng việc lật đổ chính quyền của tổng thống Ai Cập Mohammad Morsi là chính đáng cũng có lý. Khi sự cai trị của nhóm Anh em Hồi giáo ngày càng chuyên chế, họ đã giày xéo lên những lý tưởng và hoài bão của cuộc cách mạng tại quảng trường Tahrir lật đổ cựu tổng thống Hosni Mubarak vào năm 2011.

Tuy nhiên, sự ủng hộ mà cuộc đảo chính quân sự nhận được từ nhiều người theo tư tưởng tự do của Ai Cập thật là khó hiểu. Những trò chơi chữ không thể che giấu được bản chất những gì đã diễn ra: một chính phủ được bầu chọn chính đáng bị quân đội lật đổ.

Một số người tin rằng những can thiệp quân sự có thể được dùng như một sự điều chỉnh hướng đi cần thiết. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng quân đội Ai Cập đang “phục hồi nền dân chủ”. Và đồng thời cựu đại sứ Mỹ James Jefferey đưa ra kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là cuộc đảo chính năm 1980, để cho rằng quân đội có thể giúp “làm ôn hòa hóa các phong trào Hồi giáo”.

Ý niệm cho rằng một vị trọng tài không thiên vị và ở trên lập trường chính trị có thể bước vào để ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực và đồng thời phục hồi nền dân chủ là một ý niệm rất hấp dẫn. Nhưng theo lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ thì đây là một ấn tượng sai lầm. Đúng vậy, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không quan tâm đến việc trực tiếp nắm quyền, và trao trả quyền lực cho các chính quyền dân sự sau những cuộc đảo chính. Ngay cả trong những trường hợp như thế, những can thiệp liên tục đã tác hại tới việc phát triển một nền văn hóa chính trị dân chủ.

Cuối cùng, nền dân chủ tùy thuộc vào những thỏa thuận ngầm giữa các nhóm cạnh tranh, theo đó mỗi nhóm đồng ý bảo vệ quyền của những nhóm khác để đổi lấy việc được công nhận quyền điều hành nếu họ chiến thắng trong cuộc bầu cử. Những điều khoản hiến pháp một mình không thể bảo đảm một kết quả như thế, vì những ai có quyền lực có thể giẫm đạp lên nó. Thay vào đó, những tiêu chuẩn hành vi chính trị thích hợp phải được đưa vào các thể chế lâu dài của chính thể – các đảng phái chính trị, cơ quan lập pháp, và hành pháp – để ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực.

Điều nuôi dưỡng những tiêu chuẩn trên là nhận thức rằng nếu chúng bị bào mòn thì sẽ đưa đến những hậu quả có hại cho tất cả. Nếu tôi hôm nay không bảo vệ quyền lợi của anh khi tôi nắm quyền, thì anh cũng sẽ có ít lý do để tôn trọng tôi khi anh lên nắm quyền vào ngày mai.

Khi một lực lượng bên ngoài như là quân đội can thiệp vào cuộc chơi này, một cách trực tiếp hoặc vì một trong các đảng phái có thể trông cậy vào sự can thiệp đó, thì các động lực hành vi chính trị sẽ biến đổi mà không thể phục hồi được. Việc gián đoạn các đảng phái chính trị, quy trình nghị viện và tiến trình tư pháp khuyến khích những tính toán ngắn hạn và sự phát sinh của những thủ đoạn phi tự do. Đây chính là căn bệnh của những nền dân chủ trẻ.

Đây cũng là vấn đề đeo bám nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ mặc cho nền dân chủ ở đây đã tồn tại lâu dài hơn. Khi đảng Công Lý và Phát Triển (AKP) của thủ tướng Recep Tayyip Erdogan nắm quyền vào năm 2002, họ không chỉ thiếu một nền văn hóa dân chủ, mà còn lo sợ phản ứng của lực lượng thế tục bảo thủ trong quân đội. Vì vậy họ hành xử theo nỗi lo sợ của họ, đưa ra một loạt những phiên tòa công khai nhắm đến những viên chức quân sự cao cấp và những đối thủ khác theo nhận định của họ. Cuối cùng, khi chính quyền Erdogan mất sự ủng hộ từ những người theo tư tưởng tự do, những người đã từng hỗ trợ họ trong những ngày đầu, thì họ đàn áp các phương tiện truyền thông và tự do ngôn luận.

Xét bối cảnh của sự đàn áp và nền dân chủ ngập ngừng đó, sự thất bại của những người theo chủ nghĩa Hồi giáo ở Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ cho chúng ta biết rất ít về khả năng tương thích của Hồi giáo với dân chủ hơn là chúng ta nghĩ. Có phải Morsi và Erdogan đã hành động như họ đã thực hiện bởi vì những lý tưởng tôn giáo của họ hay không, hay hầu hết những nhà lãnh đạo chính trị tìm cách duy trì quyền lực cũng sẽ hành động theo cách tương tự nếu ở trong vị trí của họ? Châu Mỹ Latinh, nơi Hồi giáo không có vai trò chính trị quan trọng, cũng không thiếu các nhà lãnh đạo độc tài theo chủ nghĩa dân túy, những người thường xuyên xâm phạm các quyền tự do dân sự và quyền chính trị.

Nói vậy không phải để bỏ qua việc lạm dụng quyền lực của những lãnh đạo theo chủ nghĩa Hồi giáo. Nhưng cũng như việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp liên tục để chống lại những đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo đã ngăn cản bước tiến của dân chủ, việc quân đội Ai Cập lật đổ Morsi sẽ không giúp phục hồi nền dân chủ. Chúng ta không thể tin cậy vào một chính thể chuyên chế và có thứ bậc để bảo vệ và thúc đẩy quá trình chuyển giao dân chủ. Trường hợp mà can thiệp quân sự là phương pháp hữu dụng là khi một quốc gia đang đứng trên bờ vực nội chiến, như Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1980 (và cũng có thể coi trường hợp của Ai Cập vào tháng 7/2013 vừa qua như thế). Nhưng đừng lẫn lộn việc phục hồi trật tự với việc phục hồi nền dân chủ.

Mặc dù cuộc chiến vì dân chủ sẽ phải phân định thắng thua trên sân nhà, những người ngoài cuộc cũng có một vai trò trong cuộc chơi này. Những nhân tố quốc tế như các tổ chức nhân quyền có thể thu thập và lên tiếng về những vi phạm quyền con người và những lạm dụng quyền lực khác.

Những quốc gia dân chủ – nhất là Hoa Kỳ và các thành viên Liên minh Châu Âu – có thể lên án những hành xử chuyên chế với một tiếng nói rõ ràng và kháng cự lại những cám dỗ của việc kết thân với những kẻ bắt nạt trong vùng vì những lợi ích chiến lược ngắn hạn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và phương tiện truyền thông toàn cầu thì sức mạnh của những lãnh đạo chuyên quyền dựa vào vị thế quốc tế không kém so với dựa vào kiểm soát các thể chế nội địa.

Điều không hữu ích – mà thậm chí còn phản tác dụng – là việc những người bên ngoài nhìn khủng hoảng chính trị của các xã hội Trung Đông như là kết quả của những chia rẽ giữa chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa Hồi giáo. Quan điểm này có lợi cho các lãnh đạo chuyên chế như Erdogan, họ có thể lợi dụng sự sợ hãi Hồi giáo của các thế lực nước ngoài để làm bàn đạp huy động các lực lượng chính trị ủng hộ họ. Những lạm dụng nhân quyền và những xâm phạm đối với nền pháp quyền cần phải được lên án đúng theo bản chất của chúng, chứ không gắn kết chúng với văn hóa hay tôn giáo.

Dani Rodrik là Giáo sư Khoa học xã hội tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, New Jersey. Ông là tác giả cuốn One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth và gần đây nhất là cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy.

Copyright: Project Syndicate 2013 – The Problem is Authoritarianism, Not Islam