Nguồn: Graham Ong-Webb, “New Viet port a clue to Kra Canal?”, The Straits Times, 20/08/2015.
Biên dịch: Nguyễn Thùy Giang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bàn tán về tuyến đường biển có thể sắp được xây dựng vẫn còn chưa kết thúc. Kênh đào Kra, nếu được hiện thực hóa, sẽ được xây cắt ngang eo đất Kra của Thái Lan, cho phép tàu thuyền không phải đi qua Eo biển Malacca cũng như trung tâm cảng Singapore.
Ý tưởng lâu đời về một kênh đào nối thẳng Vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương như vậy đang vấp phải nhiều nhạy cảm địa-chính trị khu vực. Các tiến triển gần đây cho thấy sự nhạy cảm gia tăng khi liên quan đến cả quan hệ Trung– Mỹ. Điều này càng rõ ràng hơn sau khi truyền thông Trung Quốc loan tin vào tháng 5 rằng Trung Quốc và Thái Lan đã ký một bản ghi nhớ tại Quảng Châu để xây dựng kênh đào Kra với chi phí khoảng 28 tỷ đô la Mỹ. Giới chức hai nước nhanh chóng bác bỏ thông tin trên chỉ trong vài ngày.
Tuy nhiên, điều đó không ngăn được những đồn đoán rằng dự án vẫn sẽ được triển khai.
Ngay tháng sau đó, Việt Nam tuyên bố sẽ xây một cảng biển nước sâu trị giá 2,5 tỷ đô la tại đảo Hòn Khoai, khoảng 17km ngoài khơi bờ biển Cà Mau – tỉnh cực nam của Việt Nam. Dự án đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông qua.
Nhìn sơ qua, mọi mối liên hệ giữa Cảng Hòn Khoai và Kênh đào Kra mà giới tinh hoa chính trị và doanh nghiệp Thái Lan rất mong muốn – sẽ không rõ ràng. Nguyên do là cảng này đã được đặt trong một vấn đề bao trùm hơn là quyết định gia tăng nhập khẩu than để phục vụ nhu cầu năng lượng ngày càng lớn của Việt Nam.
Thật vậy, một bài báo của tờ Wall Street Journal đã chỉ đích danh Indonesia và Australia nằm trong số bốn nhà cung cấp năng lượng “hứa hẹn nhất” của Việt Nam, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ. Nằm ngay giữa Vịnh Thái Lan và Biển Đông, Cảng Hòn Khoai có vị trí đắc địa để nhận hàng hóa từ Indonesia và Australia. Song quyết định xây dựng cảng không thực sự mang ý nghĩa kinh tế – cho đến khi kênh đào Kra mang lại cho cảng này một lượng tàu thuyền thương mại dồi dào.
Dự án đã trải qua hai lần thiết kế, song cả hai đều nhằm đáp ứng cả các loại hàng hóa khác bên cạnh than.
Thiết kế hiện tại là kết quả của một nghiên cứu khả thi được thực hiện bởi Tập đoàn Bechtel – công ty kiến trúc và xây dựng lớn nhất Hoa Kỳ, trong một thỏa thuận ký với doanh nghiệp Việt Nam là Vân Phong. Thiết kế này bao gồm 12 cầu cảng dự kiến, một nửa trong số đó sẽ được dùng cho nhập khẩu các mặt hàng khác ngoài than.
Thiết kế trước đó, do Cục Hàng hải Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp Úc N&M Commodities, dự kiến có tới 24 cầu cảng mà chỉ một nửa trong đó phục vụ cho nhập than. Phần còn lại phục vụ nhập khẩu hàng hóa, container, xăng dầu, khí hóa lỏng và các loại tàu Ro/Ro được thiết kế phục vụ vận chuyển hàng hóa có bánh xe – tức các mặt hàng sẽ đi qua Kênh đào Kra đến từ tận những nơi như Trung Đông và Châu Âu.
Nếu thỏa thuận hiện nay với Bechtel được thông qua, Cảng Hòn Khoai sẽ đóng dấu lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ ngay tại trung tâm của bức tranh địa-kinh tế được định hình bởi sự biến đổi quyền lực mà Kênh đào Kra mang lại. Cùng với ảnh hưởng mạnh mẽ của Hoa Kỳ thông qua Bechtel, Cảng Hòn Khoai được cho là sẽ được tài trợ 85% vốn bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (Ex-Im Bank). Ex-Im Bank là một cơ quan tín dụng hỗ trợ xuất khẩu của Mỹ.
Vai trò của Bechtel và Ex-Im Bank gần như là dấu hiệu cho động thái chiến lược của Hoa Kỳ nhằm đảm bảo nước này không bị gạt ra khỏi kiến trúc kinh tế châu Á được định hình bởi Trung Quốc.
Huyết mạch quan trọng cho Trung Quốc
Kênh đào Kra không chỉ biến Thái Lan trở thành một trung tâm hàng hải khu vực có thể lấn át các cảng trung tâm dọc eo biển Malacca của Singapore và Malaysia. Nó còn có vai trò như một huyết mạch quan trọng trong Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc mà giờ đây là một phần trong kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của nước này.
Nếu có sự tham gia của Trung Quốc thì chắc chắn Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) mới thành lập – được thiết kế để tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn – sẽ cân nhắc dự án này. Các thảo luận đượm màu dân tộc chủ nghĩa trên các cộng đồng ảo có ảnh hưởng của Trung Quốc như Thiết Huyết Luận Đàm (Tiexue Luntan) đã kêu gọi AIIB tiếp sức cho giấc mơ lâu đời của Thái Lan là xây dựng Kênh đào Kra.
Rốt cục, mối liên hệ giữa Kênh đào Kra và Cảng Hòn Khoai sẽ chỉ là phỏng đoán đơn thuần nếu truyền thông Việt Nam đã không đưa tin về dự án cảng này cùng lúc với cuộc họp Nội các chung Việt Nam – Thái Lan lần thứ ba được tổ chức tại Bangkok vào tháng 7 vừa qua.
Đáng chú ý, kết quả của cuộc thảo luận mới nhất giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha là một tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp Quốc về luật Biển năm 1982, cũng như thúc đẩy đối thoại và tham vấn để đạt được Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông.
Kênh đào Kra của Thái Lan và cảng Hòn Khoai của Việt Nam giờ đây cùng nằm trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đối với các dự án hợp tác kinh tế tại ASEAN trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách giành vị thế lãnh đạo khu vực – ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế; còn Mỹ thì “tái cân bằng” sang châu Á nhằm duy trì ảnh hưởng của mình. Do cả hai dự án đều kề cận với Biển Đông – nơi mà căng thẳng Mỹ – Trung đang được bộc lộ tại đây – kênh đào Kra và cảng Hòn Khoai cần được nhìn nhận trong một bối cảnh trật tự khu vực rộng lớn hơn được sắp đặt bởi hai cường quốc này.
Graham Ong-Webb là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore.