Tác giả: Hoàng Anh Tuấn
Cuộc bầu cử lãnh tụ Công Đảng tại Anh vừa qua và cuộc chạy đua tranh vé đề cử của 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm tới hiện đang thực sự làm rung chuyển tận gốc rễ nền tảng chính trị hai nước này. Việc phân tích kỹ các nhân vật này cùng cương lĩnh tranh cử của họ cho thấy có nhiều điểm khá thú vị.
Trước hết, nói về câu chuyện tuổi tác: Đây là các nhân vật khá “cứng” tuổi. Nghị sĩ Jeremy Corbyn, Lãnh đạo mới được bầu của Công Đảng Anh hiện 66 tuổi (sinh năm 1949). Còn tại Mỹ ứng cử viên hiện đang dẫn đầu cuộc đua tranh vé Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa là “cụ ông” Donald Trump cũng 66 tuổi (sinh 1949) bằng tuổi với lãnh tụ Công Đảng Anh. Còn 2 ứng cử viên đang dẫn đầu cuộc đua trong Đảng Dân chủ là “cụ bà” Hillary Clinton hiện đã 68 tuổi (sinh năm 1947) và “cụ ông” Thượng nghị sỹ Bernie Sanders hiện 74 tuổi (sinh năm 1941).
Giả sử nếu thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2016, thì Bernie Sanders khi nhậm chức ngày 20/1/2017 sẽ trở thành Tổng thống già nhất trong lịch sử Mỹ, nhậm chức ở tuổi 76; còn Hillary lúc này cũng đã bước sang tuổi “thất thập”. Hiện trong Đảng Dân chủ bà Clinton đang dẫn đầu với 42% số cử tri Dân chủ có đăng ký ủng hộ. Tuy nhiên, bài này sẽ không bàn đến Hillary mà chỉ tập trung bàn đến Bernie Sanders. Tại sao vậy? Hãy nhìn con số ủng hộ giành cho 2 ứng cử viên này trong khoảng thời gian từ T7-T9/2015: Theo thăm dò mới nhất của Washington Post – ABC, tỷ lệ ủng hộ Hillary Clinton giảm từ 73% xuống còn 42% (tức giảm 40%), trong khi đó tỷ lệ ủng hộ dành cho Bernie Sanders tăng gần gấp đôi từ 13% lên 24%.
Về mặt đường lối thì cả 3 nhân vật Jeremy Corbyn, Donald Trump lẫn Bernie Sanders lại bị hầu hết các đảng viên cốt cán của chính đảng mình xem là đi ngược dòng chính trị chủ lưu, thậm chí ở mặt nào đấy còn bị xem là đi ngược đường lối lâu nay, chống lại các thiết chế của Đảng mà họ là người đại diện. Điều gần như chưa từng có trong lịch sử chính trị Anh, Mỹ đương đại là thay vì ủng hộ các đảng viên của mình thì các lãnh đạo cao cấp của Công Đảng (Anh), Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ (Mỹ) lại hết sức lo ngại về tương lai, lý tưởng của đảng mình nếu các nhân vật “đại diện” cho đảng mình hiện nay thắng cử. Điều ngạc nhiên là sự chống đối mạnh nhất đối với các nhân vật đang dẫn đầu cuộc đua (front runners) lại không phải từ các nhân nhân vật/đảng đối lập mà lại từ chính trong nội bộ đảng!!!
Tại Anh, trước khi tranh cử chức Chủ tịch Công Đảng, Jeremy Corbyn chỉ nhận được sự ủng hộ rất ít từ các nghị sĩ Công Đảng trong Quốc hội Anh. Ngày Jeremy thắng cử, Thủ tướng Anh đương nhiệm David Cameron (Đảng Bảo thủ) gọi “Công Đảng giờ đây là mối đe dọa đối với an ninh nước Anh, mối đe dọa đối với an ninh kinh tế nước Anh và mối đe dọa đối với mỗi gia đình Anh Quốc”. Còn tờ Telegraph thì chạy Title: “Ngày Công Đảng băng hà!”.
Tại Mỹ, Donald Trump, nhân vật đang dẫn đầu cuộc đua bên phía Cộng hòa và đang tạo ra khác biệt từng ngày với các ứng viên còn lại thì bị “gán” là nhân vật “nổi loạn” chống lại các lý tưởng (anti-Republican) và thiết chế của Đảng Cộng hòa (anti-establishment). Trong Đảng Dân chủ (Mỹ), nỗi lo sợ Bernie Sanders thắng cử mạnh đến nỗi nhiều đảng viên cao cấp đang cố gắng thuyết phục Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ra tranh cử vì lo ngại thế đang lên như diều của Bernie Sanders cũng như một số dấu hiệu về sự tụt dốc của bà Hillary Clinton trong vụ khủng hoảng dùng email cá nhân.
Jeremy Corbyn được mô tả là nghị sĩ có vị trí “khiêm tốn” trong Công Đảng, suốt đời ngồi hàng ghế sau trong Quốc hội Anh và được các nghị sĩ Công Đảng bỏ phiếu thấp đến nỗi chỉ đủ qua “vòng loại” để có tên trong lá phiếu cho các đảng viên Công Đảng lựa chọn. Vậy mà Corbyn đã đánh bại các lãnh đạo gạo cội của Công Đảng, giành 59,5% trong tổng số 422,664 phiếu, hơn ứng viên về nhì là cựu Bộ trưởng Y tế Burnham chỉ giành 19%, cựu Bộ trưởng Nội vụ Cooper 17% và Nghị sĩ Ms Kendall (được cựu Thủ tướng Tony Blair ủng hộ) với 4,5%.
Tại Mỹ, trong khoảng thời gian từ T7-T9/2015 tỷ lệ ủng hộ dành cho Donald Trump tăng nhanh từ 23% lên 33%, tức tăng gần 50%, và tỷ lệ này hiện cao gấp 4 lần so với tỷ lệ ủng hộ dành cho ứng viên “tiềm năng” Jeb Bush (hiện được 8%, giảm từ mức 12% trong T7/2015).
Vậy hãy xem Jeremy Corbyn, Donald Trump và Bernie Sanders đã “mắc tội” gì để đảng của họ lo ngại, trong khi các đảng viên “thường” và cử tri lại ủng hộ đến vậy.
Jeremy Corbyn
Ở Anh, Công Đảng (đảng của những người lao động ở Anh) được “mặc định” xem là đảng cánh tả, tương tự như Đảng Dân chủ Mỹ, “bảo vệ” người nghèo, “bảo vệ” người lao động và đấu tranh cho công bằng xã hội. Tuy nhiên, ông Jeremy Corbyn lại được xem là một trong những người “cực tả” nhất của Công Đảng kể từ khi đảng này thành lập ngày 27/2/1900. Trong cương lĩnh tranh cử, Corbyn, một người chỉ đạp xe và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, kêu gọi tăng thuế đánh vào những người giàu, hứa tìm cách đầu tư 1 tỷ bảng để nâng cấp Cơ quan Hải quan và Thuế vụ để tránh tình trạng trốn và thất thu thuế, bỏ Sáng kiến đối tác Công – Tư (Public Private Partnership), lập Ngân hàng Anh Quốc để xây dựng nhà ở, các phương tiện giao thông công cộng…
Không chỉ có vậy, cách thức “đấu tranh” của Jeremy Corbyn cũng không giống ai. Ông thường xuyên xuống đường biểu tình chống chính quyền với những hình ảnh khó quên như tay cầm loa, miệng diễn thuyết, ngực treo biểu ngữ… đòi thu hẹp bất bình đẳng, thu hẹp khoảng cách giữa người giàu với người nghèo. Trong chính sách đối ngoại, trước đây Corbyn từng kêu gọi tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân của Anh, rút Anh ra khỏi NATO, phản đối việc ném bom ISIS, kêu gọi hòa đàm với Hamas và Hezbolla…
Donald Trump
Donald Trump được coi là “bảo thủ nhất” trong một Đảng Cộng hòa vốn nổi tiếng về bảo thủ trong các vấn đề kinh tế và xã hội. Khẩu hiệu tranh cử gây “xúc động” và ấn tượng mạnh của Donald Trump là “Lấy lại sự vĩ đại của nước Mỹ” (Make America Great Again). Donald Trump là người thường xuyên có mặt trong các cuộc diễn thuyết của Tea Party và nhận là thuộc nhóm này, những người tự nhận là trung thành với các giá trị cốt lõi và lý tưởng Cộng hòa. Tuy chỉ là một nhóm nhỏ, nhưng ảnh hưởng của Tea Party trong Đảng Cộng hòa lại rất lớn. Và đương nhiên, Tea Party luôn gây khó chịu và khó khăn cho lãnh đạo và các nhân vật cấp cao của Đảng Cộng hòa hiện nay. Các điểm chính trong cương lĩnh tranh cử của Donald Trump là:
- Một chính phủ nhỏ và ngày càng ít sự can thiệp của chính phủ vào các công việc cá nhân, doanh nghiệp, xã hội… càng tốt. Tư duy này không hẳn mới, nó thuộc trào lưu Libertarian (Tự do tuyệt đối) từ xưa, cho rằng chính phủ không phải là người “giúp”, thúc đẩy phát triển và tiến bộ xã hội, mà thực chất là “vật cản”.
- Giảm thuế đánh vào doanh nghiệp và người lao động. Theo những người Liberitarians, muốn có chính phủ nhỏ thì giảm thuế là điều bắt buộc. Nếu tăng thuế thì chính phủ sẽ có nhiều tiền, từ đó họ sẽ phình to bộ máy, tăng thuê mướn người làm vô hạn định, tăng sự quan liêu và do đó “cản trở” thêm cuộc sống của người dân, cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Chống lại thỏa thuận hạt nhân với Iran.
- Chống lại bất kì thỏa thuận nào về biến đổi khí hậu, cho rằng các nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu là những trò “lừa đảo”, “bịp bợm” và việc cam kết chỉ làm cho Mỹ mắc mưu Trung Quốc, tự làm giảm sức cạnh tranh của mình.
- Ngăn triệt để dòng người nhập cư từ Mexico tràn sang Mỹ bất hợp pháp, coi đó là những người “xấu”, những tên tội phạm và buôn ma túy. Trong các vấn đề xã hội, Trump chống việc nạo phá thai, coi đây là “sự lựa chọn của Chúa”; chống hôn nhân đồng tính…
Donald Trump không chỉ thu hút sự quan tâm của cử tri Mỹ bằng khả năng hùng biện, tác phong dứt khoát, mạnh mẽ mà còn ở việc nắm đúng điểm yếu đối thủ và công kích họ 1 cách không thương tiếc. Chẳng hạn, với ứng viên tiềm năng khác kế cận trong Đảng Cộng hòa là Jeb Bush thì Trump gọi đó là người “thiếu khí chất” (low energy).
Bernie Sanders
Trường hợp Bernie Sanders khá thú vị. Sanders là một trong những nghị sĩ lão làng nhất trong Quốc hội Mỹ: Hạ nghị sĩ đại diện cho Bang Vermont tại Quốc hội Liên bang từ 1991-2007 và Thượng nghị sĩ Liên bang từ năm 2007 đến nay. Tuy nhiên, điều khiến các lãnh đạo và đảng viên cao cấp của Đảng Dân chủ lo lắng là mặc dù bỏ phiếu và có quan điểm chính trị như một đảng viên Dân chủ, nhưng trong hầu hết sự nghiệp chính trị của mình, Sanders lại tranh cử với tư cách là ứng viên độc lập, không đảng phái. Chỉ tới gần đây khi ra tranh cử tổng thống thì Sanders mới nhận là người của Đảng Dân chủ để tăng cơ hội cho mình. Theo con số thăm dò mới nhất, Sanders đang dẫn trước Hillary Clinton tại 2 bang bầu cử sớm là Iowa và New Hampshire. Nếu chiều hướng này tiếp tục được duy trì thì Sanders sẽ có khả năng dẫn điểm ở nhiều bang khác cũng như trên phạm vi toàn quốc.
Cũng như Donald Trump của Đảng Cộng hòa sự thăng tiến của Bernie Sanders so với các ứng viên khác trong Đảng Dân chủ đến từ sự khác biệt: Sanders là người Dân chủ, nhưng chống lại “thiết chế” Dân chủ như phản đối và không nhận tiền hoặc sự vận động từ Uỷ ban Hành động Chính trị (Political Action Committee) hùng mạnh; được coi là người trung thực, thẳng thắn và đáng tin cậy… Cũng như các cuộc vận động tranh cử tổng thống của Obama trước đây, các cuộc diễn thuyết của Bernie Sanders thường thu hút từ hàng vài chục đến cả trăm ngàn người. Tất nhiên, cần nhắc lại là sự “đi lên” của Bernie Sanders có sự “đóng góp” một phần nhờ sự đi xuống của Hillary với khủng hoảng email.
Để “lấy lòng” lãnh đạo và các cử tri dân chủ, ban vận động tranh cử của Bernie Sanders gần đây có sự chuyển hướng, nhấn mạnh sự khác biệt giữa Sanders với Trump, cho rằng: Bernie Sanders là nhân vật trung dung, chưa bao giờ có các tranh cử “tiêu cực” với các nội dung đi ngược lại lý tưởng của Đảng Dân chủ; Sanders là người gần gũi với người lao động, xuất thân bình dân, còn Trump là tỷ phú thuộc tầng lớp trên, không gắn bó và không suy nghĩ như giới lao động; Trump là “tay mơ” về chính trị, còn Sanders là chính trị gia “lão luyện”, liên tục tranh cử và thắng cử vị trí Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ Liên bang từ 1991 đến nay.
Các nội dung chính trong vận động tranh cử của Bernie Sanders là:
- Tăng thuế đánh vào người giàu, tăng chi vào xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng lương tối thiểu cho người lao động;
- Ủng hộ hôn nhân đồng tính, ủng hộ quyền lựa chọn nạo phá thai của phụ nữ;
- Nâng chất lượng lao động bằng cách nhà nước miễn phí học phí Thạc sĩ và Tiến sĩ tại các trường công lập;
- Có các chính sách quyết liệt đánh thuế bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu;
- Chống lại các thỏa thuận thương mại tự do như NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ), CAFTA (Hiệp định thương mại tự do Trung Mỹ)… do lo sợ người Mỹ mất việc và hạ thấp các tiêu chuẩn lao động.
Một vài kết luận
Từ những câu chuyện tranh cử và bầu cử tại Anh và Mỹ có thể rút ra một số nhận xét sau:
Một là, xu hướng tách khỏi “dòng chủ lưu” của các đảng chính trị ở Anh và Mỹ đang chiếm ưu thế. Trong các cuộc bầu cử/tranh cử trước đây, xu hướng trung dung là chủ đạo. Những xu hướng thái quá thường chỉ để “mua vui”, cho các cuộc bầu cử thêm đa dạng, và các ứng viên ít có hy vọng giành phiếu cao chứ đừng nói đến chuyện thắng cử. Tuy nhiên, hiện nay gió đã đổi chiều và xu hướng cực tả, cực bảo thủ chống lại các giá trị cốt lõi và thiết chế truyền thống đang thẳng thế.
Hai là, sự bất ngờ về kết quả (ít nhất cho đến lúc này) của các lãnh đạo và những nhân vật chủ chốt của Công Đảng (Anh) và Cộng hòa, Dân chủ (Mỹ) cho thấy lãnh đạo các đảng này không nắm bắt được suy nghĩ và nguyện vọng của các đảng viên của mình nói riêng, cũng như của cử tri nói chung để có các bước đi thích hợp. Kết quả là những người “ngoại đạo” trong đảng lại là những người thắng thế, tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoạch định chính sách và tương lai của các đảng chính trị này.
Ba là, tranh cử và bầu cử chính trị luôn bất ngờ và đầy kịch tính, hấp dẫn như bóng đá. Không ai có thể “dàn xếp tỷ số” hoặc dự báo chính xác kết quả chung cuộc. Cơ hội luôn rộng mở đối với những người không đi theo khuôn phép, vượt qua các khuôn khổ sẵn có và đưa được thông điệp thay đổi mà cứ tri muốn nghe.
Bốn là, cách tiếp cận theo kiểu “chủ nghĩa dân túy” của các ứng viên Công Đảng hay Dân chủ hiện nay thường có tác dụng nhất thời. Tuy nhiên, về lâu dài thì các ứng viên này phải có các kế hoạch bài bản để hiện thực hóa. Chỉ lấy một ví dụ, tác động từ chính sách tăng thuế đánh vào người giàu và nâng lương tối thiểu cho người lao động sẽ làm cho nước Anh khó thu hút, khuyến khích người tài; đẩy dòng tư bản chạy khỏi nước Anh; làm cho nền kinh tế Anh trở nên kém cạnh tranh. Kết cục là, nếu được áp dụng thì nền kinh tế Anh sẽ trở nên bi đát, các công xưởng, văn phòng phải đóng cửa và những người lao động trực tiếp sẽ là những người bị đẩy ra đường trước tiên. Và như vậy, ý tưởng “đánh” nhà giàu theo kiểu này sẽ không bao giờ đem lại kết quả tích cực, mà lại “đánh thẳng” vào người lao động.
Tóm lại, các “cuộc chiến” giai cấp và cuộc chiến ý thức hệ vừa bắt đầu được khai chiến tại cả Anh và Mỹ. Các nhóm “nòng cốt” (establishment) trong từng đảng sẽ có 2 nhiệm vụ phức tạp trong thời gian tới: Một mặt, họ vừa mở cuộc “nội chiến” trong đảng để “uốn nắn” và “chấn chỉnh” các tư tưởng, chính sách lệch lạc của các ứng viên dẫn đầu. Điều này đang diễn ra trong nội bộ Đảng Cộng hòa tại các tiểu bang để đảm bảo các ứng viên, đặc biệt là Donald Trump, phải trung thành với giá trị cốt lõi của đảng. Mặt khác, họ phải tung sức để cạnh tranh với các đảng đối thủ để đảm bảo giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tới.
Hiện giờ, các trận chiến lớn vẫn đang nằm phía trước. Jeremy Corbyn mới thắng cử để trở thành lãnh đạo Công Đảng đối lập. Về lý thuyết, Jeremy Corbyn sẽ còn 5 năm nữa để thuyết phục các đảng viên Công Đảng và cử tri Anh lựa chọn chính sách của mình và Công Đảng trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 7/5/2020. Còn trong chính trị Mỹ, lịch sử các cuộc bầu cử gần đây cho thấy các ứng viên Tổng thống dẫn đầu cuộc đua trong tháng 9 của năm trước bầu cử thường “ngã ngựa” trong cuộc bầu cử sơ bộ như trường hợp Hillary Clinton của Đảng Dân chủ (Tháng 9/2007) hay Dick Perry Đảng Cộng hòa (Tháng 9/2011).
TS. Hoàng Anh Tuấn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao, Bộ Ngoại giao.