Nguồn: “Bush orders U.S. troops to Somalia,” History.com (truy cập ngày 03/12/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1992, Tổng thống Mỹ George H. W. Bush đã ra lệnh đưa 28.000 lính tới Somalia, đất nước Đông Phi đang bị chiến tranh tàn phá, nơi các lãnh chúa đối đầu nhau đang ngăn chặn việc phân phối viện trợ nhân đạo cho hàng ngàn người Somali thiếu đói. Trong sứ mệnh quân sự mà ông mô tả là “công việc của Chúa,” Bush nói rằng nước Mỹ phải hành động để cứu giúp sinh mạng của hơn một triệu người dân Somalia, nhưng trấn an người Mỹ rằng “chiến dịch này không phải là không có giới hạn” và “chúng ta sẽ không ở lại thêm một ngày nào không cần thiết.” Thật không may, đội quân nhân đạo của Mỹ đã bị cuốn vào cuộc xung đột chính trị của Somalia, và sứ mệnh gây tranh cãi này đã kéo dài tới 15 tháng trước khi bị Tổng thống Bill Clinton đột ngột chấm dứt năm 1993.
Năm 1992, cuộc nội chiến giữa các bộ lạc và một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất của châu Phi trong thế kỷ 20 đã gây ra tình trạng thiếu đói, đe dọa đến sinh mạng của một phần tư dân số Somalia. Tháng 8, Liên Hợp Quốc bắt đầu một sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở đất nước này để đảm bảo việc phân phối thực phẩm và thuốc men, nhưng phần lớn đều không thành công. Với việc quân đội Liên Hợp Quốc không thể kiểm soát các phe phái đang giao chiến ở Somalia, tình hình an ninh xấu đi, và hàng ngàn tấn lương thực kẹt lại trong các kho hàng, Tổng thống Bush đã ra lệnh đưa một lực lượng quân sự lớn của Mỹ đến khu vực này. Năm ngày sau đó, thủy quân lục chiến Mỹ tiến hành đổ bộ trong giai đoạn đầu tiên của “Chiến dịch Phục hồi Hy vọng.”
Cùng với sự hỗ trợ của quân đội Mỹ và lực lượng đến từ các quốc gia khác, Liên Hợp Quốc đã phân phối thành công thực phẩm thiết yếu cho nhiều người dân Somalia thiếu đói. Tuy nhiên, với việc xung đột phe phái tiếp tục không suy giảm và Liên Hợp Quốc thiếu một chương trình nghị sự hiệu quả để giải quyết căng thẳng chính trị, Chiến dịch Phục hồi Hy vọng dường như chưa có lối thoát khi Tổng thống Bill Clinton lên nắm quyền tháng 1 năm 1993.
Cũng như người tiền nhiệm, Clinton rất mong mỏi rút lính Mỹ về nước, và đến tháng 5 năm 1993 sứ mệnh chính thức được bàn giao lại cho Liên Hợp Quốc. Đến tháng 6, chỉ còn 4.200 lính Mỹ ở lại. Tuy nhiên, ngày 25 tháng 6, 24 lính gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc người Pakistan đã bị binh sĩ Somalia dưới quyền tướng Mohammed Aidid phục kích và sát hại trong khi đang kiểm tra một kho chứa vũ khí. Các lực lượng Mỹ và Liên Hợp Quốc lập tức bắt đầu một chiến dịch truy kích nhà lãnh đạo chuyên quyền đang lẩn trốn, và đến tháng 8, 400 lính Mỹ ưu tú từ Lực lượng Delta và Biệt kích Rangers được điều tới để bắt đầu nhiệm vụ bắt giữ Aidid. Hai tháng sau, vào ngày 3 và 4 tháng 12, 18 lính trong số này đã thiệt mạng và 84 lính bị thương trong một cuộc tấn công thảm khốc ở khách sạn Olympia ở Mogadishu trong khi đang tìm kiếm Aidid. Trận chiến đẫm máu kéo dài 17 giờ này là cuộc đọ súng dữ dột nhất của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. Khoảng 1.000 người Somalia đã bị sát hại.
Ba ngày sau đó, khi Aidid vẫn chưa bị bắt giữ, Tổng thống Clinton ra lệnh rút toàn bộ lính Mỹ. Ngày 25 tháng 3 năm 1994, tốp lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Somalia, để 20.000 lính Liên Hợp Quốc còn lại tạo điều kiện “xây dựng đất nước” tại quốc gia bị chia cắt này. Quân đội Liên Hợp Quốc rời Somalia năm 1995 và căng thẳng chính trị cũng như xung đột giữa các bộ lạc vẫn tiếp tục diễn ra ở đất nước này cho đến tận thế kỷ 21.
Ảnh: Lực lượng phản ứng nhanh của Mỹ cùng chiếc trực thăng Bell AH-1 tiến hành một chiến dịch truy quét gần bệnh viện Medina ở Mogadishu ngày 27 tháng 7 năm 1993.