Sự thăng trầm của chủ nghĩa dân túy ở Mỹ Latinh

Ft-populismo-marty-1024x505

Nguồn: Jorge G. Castañeda, “The Tides of Latin American Populism”, Project Syndicate, 22/12/2015

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Những nhà chính trị mị dân và dân túy như ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen đang khiến chính trị phương Tây dậy sóng. Nhưng ở Mỹ Latinh, các nhà lãnh đạo dân túy đang mất đi sự ủng hộ: Tổng thống Cristina Kirchner của Argentina vừa thất bại trong cuộc bầu cử năm 2015; ở Venezuela, Đảng Xã hội của Tổng thống Nicolás Maduro đã gặp thất bại lớn trong cuộc bầu cử giữa kỳ; và Tổng thống Brazil Dilma Rousseff hiện đang đối mặt với viễn cảnh bị luận tội. Nhiều người suy đoán rằng “cơn thủy triều hồng” của chủ nghĩa dân túy, điều đã đẩy khu vực [Mỹ Latinh] về phía cánh tả trong vòng 15 năm qua, hiện đang đổi chiều. Nhưng liệu chủ nghĩa dân túy có thực sự là điều  mà các quốc gia này đang chối bỏ?

Thực tế, người dân dường như ít bị thúc đẩy bởi ý thức hệ bằng sự thất vọng của họ đối với những thách thức kinh tế đang lớn dần – những thách thức được gây ra chủ yếu bởi các tình huống mà các nhà lãnh đạo của họ ít có quyền kiểm soát, ví dụ như sự kết thúc bùng nổ giá hàng hóa cơ bản hồi đầu thế kỷ. Sự bùng nổ đó được duy trì bởi nhu cầu dường như không thể thỏa mãn được của Trung Quốc đối với khoáng sản thô và thực phẩm, và khi nó kết thúc vào năm 2012, sự sụt giảm giá mạnh đã gây thiệt hại trầm trọng cho các nhà xuất khẩu của Mỹ Latinh.

Mặc dù có một thị trường lớn trong nước và một khu vực công nghiệp mạnh, Brazil cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn đối với Argentina và Venezuela khi cả hai quốc gia này đều phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa cơ bản – chủ yếu là đậu nành và dầu – để có tiền chu cấp cho nhập khẩu, đồng thời đây cũng là nguồn thu ngân sách chính của chính phủ. Nếu xét đến các chương trình xã hội lớn mà chính phủ các nước này đã cam kết, sự sụt giảm giá đã nhanh chóng thể hiện những tác động tiêu cực. Venezuela tiếp tục chi tiêu cho đến khi cạn ngân khố. Thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng của Argentina đã dẫn đến lạm phát, đồng tiền bị phá giá, và suy thoái kinh tế.

Tất nhiên, các chế độ với những khuynh hướng tư tưởng khác nhau có thể có những thói quen chi tiêu khác nhau, và điều đó có khả năng làm giảm thiểu tác động của sự sụt giảm giá cả hàng hóa cơ bản. Đặc biệt, tại Brazil, chi tiêu đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát, thậm chí ngay cả khi chính quyền của Rousseff cố gắng che giấu nó trong suốt một thời gian. (Thật tình cờ, chính những phương pháp được sử dụng để che giấu nó bây giờ lại khiến Rousseff gặp rắc rối.)

Dưới thời Rousseff, lạm phát gia tăng và tỷ giá hối đoái của đồng real (đơn vị tiền tệ Brazil) đã sụt giảm; những dự án hạ tầng lớn không mang lại hiệu quả đã được triển khai và sau đó bị bỏ dở; và nỗ lực để hạ lãi suất một cách nhân tạo đã dẫn đến bong bóng tín dụng tiêu dùng. Ngược lại, người tiền nhiệm của bà Rousseff, Luiz Inácio “Lula” da Silva – một biểu tượng cánh tả cùng thuộc Đảng Công nhân của bà – đã phần lớn tuân thủ những nguyên tắc chính thống của kinh tế vĩ mô, ngay cả khi ông cũng mở rộng các chương trình hỗ trợ xã hội.

Trong mọi trường hợp, bởi vì môi trường toàn cầu bất lợi đã làm lộ ra sự quản lý kinh tế sai sót của các nhà lãnh đạo, điểm mấu chốt là việc các cử tri Mỹ Latinh đang ngày càng trở nên thất vọng. Không nhất thiết là họ cự tuyệt các nhà lãnh đạo cánh tả; mà thay vào đó, họ đang bác bỏ các lãnh đạo đương nhiệm dù là của đảng nào, và ngẫu nhiên phần lớn các lãnh đạo này đang thuộc về cánh tả.

Hãy cùng xem xét trường hợp của Chile và Peru, cả hai quốc gia này đều phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu đồng. Với giá đồng tuột dốc, các nhà lãnh đạo của cả hai nước có thể sẽ phải chịu sức ép thất cử. Thực tế rằng Tổng thống Peru Ollanta Humala ôn hòa hơn Tổng thống Chile Michelle Bachelet sẽ không thực sự quan trọng. Đồng thời, việc giảm giá chuối và dầu sẽ tạo ra những thách thức chính trị như vậy cho vị tổng thống cánh tả Rafael Correa của Ecuador, và tương tự là hậu quả mà việc cà phê, dầu, và than giảm giá gây ra cho vị tổng thống theo đường lối trung dung Juan Manuel Santos của Colombia.

Mặc dù vậy, dường như có luật nhân quả đối với các nhà lãnh đạo cánh tả Mỹ Latinh, những người đã chiếm ưu thế kể từ khi cựu tổng thống Venezuela Hugo Chavez nhậm chức vào năm 1999. Một vài người trong số họ – bao gồm Tổng thống Lula của Brazil, cũng như các nhà lãnh đạo kế tục nhau tại Chile và Uruguay – đã điều hành một cách hợp lý và có trách nhiệm. Những người khác thì đã quá tập trung vào các luận điệu ý thức hệ nên không thể cai trị tốt. Nhưng, bất kể kết quả như thế nào, những người này vẫn tiếp tục giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử (một số giành chiến thắng một cách công bằng hơn so với số khác), dựa trên quan điểm rằng họ đang dẫn dắt [quốc gia] hướng tới phát triển kinh tế. Tuy nhiên rõ ràng gần đây thực tế đã chỉ ra rằng sự tiến bộ đó bắt nguồn không phải từ sự quản lý “thực tế”, mà nhờ có điều kiện kinh tế quốc tế thuận lợi.

Tuy nhiên, hiện nay khi xu hướng phản ứng dữ dội chống lại các chính phủ đương nhiệm đã bắt đầu, các cuộc tranh luận về ý thức hệ chắc chắn sẽ gia tăng. Các chính phủ cánh tả như ở Argentina và Venezuela từ lâu đã áp dụng các chính sách gây phân cực, đặc biệt là về các vấn đề như bạo lực, đoàn kết với các nước bị cô lập (Cuba trong trường hợp Venezuela; Iran trong trường hợp Argentina), và tham nhũng – những chính sách mà hiện nay có thể bị thử thách hoặc bị đảo ngược bởi các nhà lãnh đạo mới.

Trường hợp của Venezuela là đặc biệt thú vị. Dù đang giữ đa số ghế trong Quốc hội, phe đối lập biết rằng họ sẽ phải thương lượng với nhánh hành pháp vốn vẫn đang được dẫn dắt bởi Maduro. Nhưng họ sẽ không thể thỏa hiệp trên mọi phương diện.

Một trong những thách thức quan trọng mà phe đối lập đang phải đối mặt là phải làm gì đối với việc viện trợ quy mô lớn cho Cuba bắt đầu từ năm 2004. Thông qua những cơ chế không rõ ràng như trợ giá dầu mỏ và trả tiền quá cao cho các bác sĩ, nhân viên an ninh, và giáo viên người Cuba, Venezuela đã giải cứu nền kinh tế đổ nát của Cuba trong hơn một thập niên qua. Mặc dù phe đối lập từ lâu đã tuyên bố rằng họ sẽ cắt viện trợ, thì điều cuối cùng mà Hoa Kỳ muốn thấy vào thời điểm hiện tại là sự sụp đổ của Cuba, khi mà số lượng người nhập cư từ hòn đảo này (vào Mỹ) đã tăng gấp đôi trong năm qua.

Trong bối cảnh này, dường như có thể Mỹ sẽ thúc ép phe đối lập của Venezuela không được cắt đứt nguồn cung dầu mỏ cho Cuba, ngay cả khi Mỹ vẫn gây áp lực lên chính phủ Venezuela phải giải phóng tù nhân chính trị và theo đuổi một đường lối quản lý công bằng và minh bạch hơn. Trong khi đó, các đồng minh của Maduro ở Mỹ Latinh sẽ bắt đầu mất hoặc rời bỏ quyền lực trong bối cảnh phe cánh tả đang gợi lại vở kịch nhiều thế kỷ qua tại khu vực này: giá cả hàng hóa cơ bản tăng rồi giảm, dẫn theo sự biến động của các chính phủ.

Jorge G. Castañeda là Ngoại trưởng Mexico giai đoạn 2000-2003, sau khi cùng đối thủ ý thức hệ của ông, Tổng thống Vicente Fox, tạo nên chính phủ dân chủ đầu tiên của nước này. Ông hiện là giáo sư ngành Chính trị học và ngành Nghiên cứu Mỹ Latinh và Caribe tại Đại học New York, và là tác giả của cuốn “The Latin American Left After the Cold War” và “Compañero: The Life and Death of Che Guevara.”

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Tides of Latin American Populism
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]