Nguồn: Sanchita Basu Das, “Five Facts about the ASEAN Economic Community“, ISEAS Perspective, No. 20, 2015.
Biên dịch: Văn Cường
Mở đầu
Do thời hạn chót của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2015 đang đến gần, dự án này đang phải chịu nhiều sự chỉ trích hơn là ủng hộ. Phần đông mọi người dường như tin rằng các thành quả của sáng kiến này, cụ thể là một không gian sản xuất hợp nhất với sự lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ và lao động lành nghề, sẽ không đạt được vào tháng 12/2015.
Tuyên bố “thẳng thừng” này có một vài điểm hợp lý. Nhưng chúng ta phải tự hỏi bản thân xem định nghĩa về cộng đồng kinh tế là gì khi ASEAN quyết định thành lập AEC. Ngay cả nếu chúng ta có quan niệm rằng “ASEAN không thể đem lại AEC”, chúng ta có thể đổ lỗi cho tổ chức này đến chừng mức nào? Và liệu AEC, với tư cách là sáng kiến khu vực duy nhất, có thể bị đổ lỗi vì những sự thay đổi chính sách trong nền kinh tế trong nước của mỗi nước thành viên, và do đó những mối bất hòa tiêu cực có thể xảy ra hay không?
Để trả lời những câu hỏi này, bài viết này sẽ nỗ lực giải thích 5 thực tế cốt yếu về sự hợp tác kinh tế của ASEAN. Điều này rất quan trọng, bởi vì bất kể sự chỉ trích là gì, ASEAN cũng sẽ thông báo đạt được AEC vào ngày 31/12/2015.
Thực tế 1: AEC không được phát triển dựa trên cơ sở mô hình Liên minh châu Âu (EU), mặc dù có một số bài học liên quan được rút ra từ mô hình này.
Đúng vậy, thuật ngữ “cộng đồng kinh tế” ASEAN tương tự với cách thức hội nhập của châu Âu, tức là Cộng đồng kinh tế châu Âu, nhưng những sự tương đồng kết thúc ở đó. Trên thực tế, “cộng đồng kinh tế” truyền đạt thái độ sẵn sàng của các chính phủ của ASEAN nỗ lực để hội nhập kinh tế sâu hơn nữa. AEC, cùng với 2 cột trụ cộng đồng khác – Cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN và Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN – được cho là sẽ tạo ra nhận thức về bản sắc cho Đông Nam Á. Trong khi mô hình hội nhập của châu Âu được xem như là một hình thức hội nhập thành công, nhiều khía cạnh đã được điều chỉnh khi cân nhắc đến sự phát triển của các nền kinh tế và văn hóa của Đông Nam Á.
Kể từ những ngày đầu của ASEAN, chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác là các nguyên tắc chủ chốt dẫn dắt tổ chức này. Sự hợp tác kinh tế được tìm kiếm trong các lĩnh vực mà ở đó nó được xem là cần thiết, chẳng hạn như để đem lại cho các công ty đa quốc gia đang làm ăn ở Đông Nam Á các nền kinh tế có quy mô lớn hay để gắn chặt vào các mạng lưới sản xuất vốn đã phát triển ở khu vực châu Á rộng lớn hơn. Hợp tác kinh tế được hình dung như một quá trình dần dần trong ASEAN, với những khát vọng về dài hạn, thay vì như một cơ chế với những quy tắc nghiêm ngặt được áp dụng, bất chấp bản chất kinh tế của các nền kinh tế thành viên và hoàn cảnh toàn cầu đang thay đổi.
Có nhiều lĩnh vực mà ở đó ASEAN khác với cách thức hợp tác của EU. Chẳng hạn, EU được xác định là một nhóm quốc gia-nhà nước mà công dân của họ có thể sinh sống, làm việc và học tập ở bất cứ đâu thuộc khu vực này. Tuy nhiên, điều này không thể áp dụng được cho ASEAN và rất không có khả năng được chấp nhận vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai gần. Cuộc khủng hoảng mới đây ở EU cũng là một điều nhắc nhở cho các nước thành viên của ASEAN rằng các mục tiêu về bản chất là thiết thực, bởi sự đa dạng kinh tế-xã hội bên trong một nhóm khu vực có thể tạo ra những sự nhạy cảm cùng với thời gian.
Do bối cảnh này, đối với ASEAN, một định nghĩa về cộng đồng có thể chấp nhận được hơn là một khu vực mà ở đó tầng lớp lãnh đạo và một số lượng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng cảm thấy rằng họ có cùng bản sắc. Để làm được như vậy, lợi ích của cá nhân và đất nước có khả năng được thúc đẩy cùng với sự cố kết chính trị và kinh tế ngày càng tăng mà cuối cùng sẽ giúp khu vực phát triển.
Thực tế 2: Mặc dù AEC là một sáng kiến khu vực, nhưng lại do các nền kinh tế quốc gia thực hiện.
Mặc dù AEC là một sáng kiến khu vực, việc thực hiện các cam kết của AEC phụ thuộc vào hành động cấp quốc gia. Các sáng kiến như cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tự do hóa khu vực dịch vụ, đối đãi của quốc gia với nhà đầu tư nước ngoài, hiện đại hóa hải quan, và nhiều sáng kiến khác phải được thông qua theo luật pháp trong nước và các quyết định chính sách.
Các sáng kiến này không dễ thực hiện, bởi vì mỗi hành động của AEC không phải bị hạn chế bởi một mà nhiều bộ và cơ quan của chính phủ. Chẳng hạn, Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) là một thành quả then chốt đối với tổ chức này theo AEC. Nhưng trước khi đạt được điều đó, mỗi nước trong số 10 nước thành viên cần phải thiết lập Cơ chế một cửa quốc gia (NSW). Mặc dù trách nhiệm của NSW thuộc về cơ quan hải quan quốc gia, nó phải làm việc với một số cơ quan khác của chính phủ, các cơ quan chứng nhận, ngân hàng, bến cảng và với khu vực tư nhân. Điều này có thể đầy thách thức vì các cơ quan khác có thể không có cùng ý thức trách nhiệm và tầm nhìn. Đối với các nước ASEAN kém phát triển hơn, có thể có những sự tắc nghẽn về mặt trợ giúp tài chính, các hệ thống công nghệ thông tin và liên lạc (ICT), nhân lực và môi trường pháp lý.
Các thành viên ASEAN, bao gồm một loạt quốc gia với các mức độ phát triển khác nhau, chỉ có 8 năm kể từ năm 2007 để thực hiện tất cả biện pháp theo AEC. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng 2008-2009 đã thu hút các nguồn lực và sự chú ý khỏi việc theo đuổi AEC. Điều đó không nên bị phớt lờ rằng sự hợp tác kinh tế “thành công” cần có thời gian để diễn ra. Chẳng hạn, sau Hiệp ước Rome, Cộng đồng kinh tế châu Âu đã mất gần 40 năm để đạt được mục tiêu thị trường đơn nhất của mình.
Ngay cả sau khi một thỏa thuận hội nhập khu vực được đàm phán, việc thực hiện ở trong nước vẫn là một thách thức lớn hơn. Các thông tin về AEC chỉ lan truyền sau khi nó được đàm phán. Sự hiểu biết gia tăng cũng đặt ra nhiều thách thức hơn khi các nhóm lợi ích kết hợp với nhau xung quanh các vấn đề cụ thể. Sự nổi lên của các nhóm có tổ chức phản đối tiến trình này cũng có thể làm chậm quá trình thực hiện.
Do đó, người ta không thể chê trách ASEAN là một tổ chức không thực hiện các cam kết của mình đối với AEC. Cũng còn quá sớm để kết luận rằng AEC sẽ không hiệu quả. Một cách thức tốt hơn để theo dõi sự phát triển của AEC là nhìn vào các biện pháp riêng biệt của nó (hơn 150 biện pháp) và các diễn biến liên quan bên trong các nền kinh tế thành viên. Hơn nữa, AEC bao hàm nhiều sáng kiến và mỗi sáng kiến có thể cần hàng loạt kỹ năng khác nhau để đạt được.
Thực tế 3: AEC không nên bị đổ lỗi vì mọi sự thay đổi chính sách bên trong một nền kinh tế quốc gia.
Do thời hạn chót của AEC đang đến gần, các nền kinh tế thành viên lo ngại rằng họ sẽ sớm phải đối mặt với sự cạnh tranh tăng lên và trong quá trình này các công ty dễ bị tổn thương (hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) có thể bị loại bỏ, dẫn đến mất việc làm.
Cần lưu ý một điều rất quan trọng là tầm nhìn cho AEC được phát triển với một sự hiểu biết về các xu thế kinh tế toàn cầu hiện nay. Các mạng lưới sản xuất (hàm ý rằng hàng hóa không được sản xuất tại một nước mà tại nhiều nước) đã phát triển nhanh chóng trong một số ngành công nghiệp then chốt (điện tử, ôtô, dệt may) và lan rộng ra khắp các nền kinh tế châu Á. Trung Quốc đã trở thành “công xưởng của châu Á” với việc nước này gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001 và các nền kinh tế phương Tây đang thiết lập các khối thương mại, cụ thể là EU và Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Quả thực, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997-1998 đã trở thành chất xúc tác để 10 nước Đông Nam Á suy tính về một cơ chế tự lực toàn diện và tham vọng hơn so với những gì mà họ có vào những năm 1990 (chẳng hạn như khu vực thương mại tự do ASEAN, khu vực đầu tư ASEAN và hiệp định khung ASEAN về dịch vụ).
10 nước ASEAN đã nhận ra khá sớm rằng tư cách thành viên WTO bản thân nó không hữu ích vì có 150 quốc gia khác đại diện cho các trình độ phát triển kinh tế khác nhau, và do đó làm mờ đi những hy vọng về thành quả nhanh chóng. Hơn nữa, những lo ngại và sự phản đối của các nền kinh tế nhỏ như các nền kinh tế ở Đông Nam Á không có khả năng được chú ý đến. Trong bối cảnh đó, ASEAN hay AEC là một nhóm nhỏ mà ở đó các nền kinh tế thành viên sẽ xem xét lợi ích của tất cả và cũng có thể chấp nhận sự linh hoạt trong một giai đoạn ngắn. Dĩ nhiên, điều này có khả năng làm chậm lại việc thành lập AEC, nhưng các nước thành viên tiên tiến (như Singapore, Malaysia, Thái Lan) không chỉ bị hạn chế chỉ bởi khuôn khổ này. Họ đã theo đuổi các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại chủ chốt của mình, mà không chỉ bao gồm tự do hóa thương mại và đầu tư mà còn đi xa hơn nữa bao gồm cả các vấn đề như giáo dục và mua sắm của chính phủ, do đó khiến nó trở nên sâu sắc hơn nhiều so với các biện pháp đã được nhắc đến theo hợp tác AEC.
Do đó, AEC hẳn không phải là lý do lo ngại duy nhất về sự cạnh tranh tăng lên. Đối với bất kỳ nước nào, cải cách trong nước và các thay đổi chính sách khác là cần thiết để giải quyết những thách thức của toàn cầu hóa và có một số khuôn khổ song phương, khu vực và đa phương như là các phương thức để hợp tác kinh tế.
Thực tế 4: Hợp tác kinh tế ASEAN là một sáng kiến từ trên xuống và do đó sự hiểu biết giữa các bên tham gia là thấp và không đồng đều.
Nhìn lại quá trình lịch sử của ASEAN, người ta lưu ý rằng hợp tác kinh tế xuất hiện trong chương trình nghị sự muộn hơn nhiều so với việc theo đuổi hòa bình và ổn định. ASEAN được thành lập vào năm 1967 với ý định thúc đẩy hòa bình và ổn định để các nước thành viên có thể tập trung vào nền kinh tế trong nước của mình và thúc đẩy tăng trưởng và phát triển theo một cách thức bền vững. Do vậy, chỉ đến năm 1976 họ mới quyết định hợp tác hơn nữa để cho thấy tinh thần đoàn kết của mình. Dần dần, hợp tác kinh tế đã trở thành một hình thức ngoại giao và thường xuyên nhất được tiến hành ở bộ ngoại giao có sự tham vấn với bộ thương mại.
Nhưng thương mại quốc tế không được tiến hành giữa một vài cơ quan chính phủ. Thay vào đó, nó là nỗi lo ngại của một số cơ quan chính phủ khu vực, các cơ quan có thể có sự hiểu biết hạn chế về toàn cầu hóa và các vấn đề về hợp tác kinh tế. Hơn nữa, các nước khu vực vốn đang trải qua một sự hội nhập kinh tế theo định hướng thị trường, được dẫn dắt bởi các công ty đa quốc gia (MNC). Điều này đã khiến các nhà quan sát về thỏa thuận thương mại nói rằng chủ nghĩa khu vực kinh tế là một vấn đề của giới tinh hoa chính trị, mà hầu như không có sự can dự từ các bên tham gia khác. Đi cùng với vấn đề này là một trình độ hiểu biết chung thấp về các biện pháp hợp tác kinh tế có liên quan, đặc biệt là giữa những người sử dụng cuối cùng. Do đó, bất chấp các mức thuế quan thấp đối với thương mại trong khu vực, các cuộc khảo sát mới đây cho thấy rằng các công ty hầu như không chú trọng đến việc tận dụng những ưu tiên hiện nay.
Chỉ đến gần đây, với việc thời hạn chót năm 2015 đang tới gần, các nhóm khu vực tư nhân mới bắt đầu bày tỏ những quan ngại của họ. Nói chung, họ than phiền không phải về thuế quan mà về các hàng rào phi thuế quan và các vấn đề với các cơ chế tạo điều kiện thuận lợi khác. Mặc dù thế, sự ủng hộ đối với các sáng kiến thương mại là không đồng nhất về bản chất. Nó thường được thúc đẩy bởi sức mạnh tương đối của các công ty đặc biệt đem lại nhiều FDI hơn cho đất nước. Hầu hết các cơ quan chính phủ, ngoại trừ bộ ngoại giao và bộ thương mại, nói chung thiếu sự hiểu biết kỹ càng về AEC, và do đó có thể không có chung tầm nhìn về các vấn đề hợp tác kinh tế.
Thực tế 5: ASEAN cần phải được xem xét kết hợp với Cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN và Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN.
Việc xây dựng cộng đồng trong ASEAN phải được nhìn nhận theo một cách thức toàn diện, tính đến các khía cạnh kinh tế, chính trị và văn hóa-xã hội của nó. Một cộng đồng kinh tế trong ASEAN đòi hỏi hợp tác kinh tế tăng lên, đem lại sự tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, phát triển kinh tế hợp lý và giảm đói nghèo. Một cộng đồng an ninh chính trị làm việc hướng đến hòa bình và ổn định khu vực trong khi một cộng đồng văn hóa-xã hội bao gồm hợp tác khu vực trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường khu vực, hạn chế sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, chiến đấu chống tội phạm xuyên quốc gia, và hợp tác trong việc đối phó với thiên tai. Người ta cũng hy vọng rằng tất cả những điều này cùng nhau sẽ vun đắp nên nhận thức về một bản sắc khu vực. Nói cách khác, cộng đồng ASEAN trong tương lai có khả năng sẽ là một khu vực cố kết về chính trị và hội nhập về kinh tế, có khả năng hợp tác hiệu quả về những điều tốt đẹp chung của khu vực.
Do đó, AEC không nên chỉ được nhìn nhận về các khía cạnh kinh tế của nó khi người ta đưa ra những sự xét đoán về việc liệu ASEAN có thể thực hiện các cam kết xây dựng cộng đồng của mình hay không. ASEAN đã tìm cách thúc đẩy hòa bình ở khu vực trong hơn 2 thập kỷ qua. Các thành viên của hiệp hội này cũng đã can dự với các cường quốc chủ yếu trong các vấn đề của Đông Nam Á thông qua nhiều diễn đàn mà ASEAN đóng vai trò trung tâm và các hoạt động hợp tác chẳng hạn như một khu vực thương mại tự do và thông qua quan hệ đối tác kinh tế. Điều này đã trực tiếp góp phần vào sự ổn định của khu vực. ASEAN cũng đã nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của hợp tác trong việc bảo vệ môi trường khu vực và các lợi ích chung khác của khu vực theo phương thức hợp tác văn hóa-xã hội.
Kết luận
AEC có lẽ không nên được sử dụng như một phong vũ biểu về việc liệu khu vực có thể thực hiện những sự hứa hẹn xây dựng cộng đồng của nó hay không. Hòa bình, ổn định và sự cố kết xã hội đều cần thiết như nhau để thiết lập một cộng đồng kinh tế hiệu quả. Kế hoạch chi tiết của AEC là một tài liệu phức tạp và chi tiết. Bất chấp một số biện pháp không thành công, tuy nhiên vẫn còn khá sớm để kết luận rằng AEC sẽ không diễn ra. Một cách thức hiệu quả hơn để đánh giá AEC là xem xét các thành phần và hành động của nó. Đó là lý do tại sao các nước thành viên cũng đang tập trung vào một danh sách ưu tiên, thay vì toàn bộ kế hoạch chi tiết của AEC.
Một lần nữa, AEC không nên bị gạt bỏ. Nó cần phải được xem như là một công việc đang tiến hành, mà ở đó một số lời hứa hẹn đã được đáp ứng, nhưng những thách thức đáng kể vẫn còn. Chỉ mới một thập kỷ kể từ khi 10 quốc gia khác biệt về xã hội và kinh tế bắt đầu cuộc hành trình hướng đến AEC này. Nhận thức của cả các nhà hoạch định chính sách lẫn giữa những người sử dụng cuối cùng mới bắt đầu. Tuy nhiên chúng ta không nên kết luận rằng các nhà lãnh đạo chính trị thiếu quyết tâm và đang nỗ lực cạnh tranh lẫn nhau, do đó từ bỏ mục tiêu của AEC. ASEAN sẽ nhiều lần bị chỉ trích vì không có hoặc các thể chế yếu kém và điều đó có thể được cho là nguyên nhân chính tại sao việc thực hiện chưa được hoàn thành. Thời gian sẽ cho biết điều đó sẽ thay đổi ra sao. Với AEC và hiến chương ASEAN, khu vực này đã phát triển với tư cách là một hiệp hội dựa trên các quy tắc.
Tuy nhiên, giờ đây, hơn bao giờ hết, là lúc các nước cần phải cùng nhau củng cố cộng đồng kinh tế này. Nền kinh tế toàn cầu đã và đang ở trong một tình trạng thay đổi liên tục kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính mới đây, và sự phát triển theo hệ số mũ của phương tiện truyền thông xã hội có nghĩa rằng mọi sự kiện được truyền đi và thảo luận ngay lập tức trên toàn thế giới. Trong một môi trường như vậy, bất kỳ hình thức hợp tác nào giữa các nước đều đáng hoan nghênh. AEC 2015 có thể không đem lại một thị trường đơn nhất được hội nhập hoàn toàn và cơ sở sản xuất cho các bên tham gia của ASEAN, nhưng có khả năng nó sẽ là một nhóm các nước mạnh mẽ hơn trên nhiều phương diện. Điều này sẽ giúp các thành viên ASEAN đứng vững trước cuộc khủng hoảng toàn cầu kế tiếp với sự tự tin, bất kể nó tới vào lúc nào.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]