Tác giả: Nguyễn Phúc Bảo Kiếm
Hằng năm, cứ đến mùa xuân hoa nở tưng bừng, trong các chùa chiền tự viện thường thấy giăng những tấm băng – rôn đề dòng chữ “Mừng Xuân Di Lặc”, trên sách báo của Phật giáo cũng thấy đưa câu này lên trang bìa một cách trân trọng. Nhiều người không phải là tín đồ Phật giáo lấy làm lạ, không hiểu vì sao lại có một mùa Xuân mang tên một vị Phật. Hỏi ra mới hay, theo kinh điển của Phật giáo thì ngày mồng Một tháng Giêng âm lịch, tức mồng Một tết Nguyên đán, là ngày Vía của Phật Di Lặc, nên Phật giáo mới kính mừng ngày này như để mở đầu cho một mùa xuân, một năm mới với ước nguyện được nương uy đức và đạo hạnh của một bậc Vô Thượng Sư mà tu học theo Chánh pháp, đem đạo hoà vào đời sống hằng ngày.
Phật Di Lặc, gọi cung kính hơn là Di Lặc Tôn Phật, là một hình tượng quen thuộc trong tín ngưỡng dân gian, và đã quá quen thuộc với mọi người, đó là một vị sư to béo đẫy đà, mặc y áo không cúc, thường ngồi chễm chệ phanh ngực, hoặc đứng hiên ngang khoe cái bụng to tròn, mặt mày rạng rỡ, và đặc biệt là mãn nguyện luôn nở trên miệng khiến cho mọi người đều cảm thấy hoan hỷ, vui thích, có cảm tưởng như lúc nào cũng nghe được tiếng cười ha hả vang động của ông. Đó là nụ cười của Từ Bi, của Hỉ Xả, vô cùng cao quý, có thể làm tiêu tan hết mọi thù hận hờn ghét, làm tan biến mọi khổ đau phiền não, triệt trừ hết mọi ma vương quỷ dữ trong lòng dạ con người.
Thật ra, theo kinh sách thì Phật Di Lặc xuất thân trong một gia đình Bà La Môn, dòng quý tộc cao quý, ở thôn Kiếp – Ba – Lợi, thuộc nước Ba La Nại (Nam Thiên Trúc – Ấn Độ cổ đại), có hiệu là A – Dật – Đa (Adjita) nghĩa là “Vô Năng Thắng” (không gì có thể thắng nổi!). Di Lặc là tiếng phiên âm từ Phạn ngữ Maitreya Bodhisattva, nghĩa là “Từ Thị” (người có lòng từ bi), hoặc “Từ Bi”. Ngài và Phật Thích Ca là người cùng thời. Ngài theo đức Phật Thích Ca xuất gia, tu tập Chánh pháp và trở thành đệ tử của Phật, sau này Ngài nhập diệt (vào ngày mồng Một tháng Giêng Âm lịch) trước Phật Thích Ca.
Tín ngưỡng Phật Di Lặc đã được lưu hành rất sớm tại Trung Quốc theo dòng Phật giáo Đại Thừa, mà sau này truyền bá sang nước ta, ảnh hưởng rất sâu đậm. Đời Tây Tấn đã có tranh vẽ tượng Phật Di Lặc (còn được lưu ở chùa Bình Linh, tỉnh Cam Túc). Còn tượng Phật Di Lặc trước đời Tống, đời Ngũ Đại thì có hai loại hình tượng Phật Di Lặc là: Di Lặc Bồ Tát (do dựa theo kinh “Di Lặc thượng sinh”) mặc y phẩm Bồ Tát, giảng kinh cho chư Thiên ở cung trời Đâu Suất; và Di Lặc Như Lai (dựa theo kinh “Di Lặc hạ sinh”) sau khi hạ sinh thành Phật, hình tượng không khác biệt mấy so với Phật Thích Ca.
Phật Di Lặc – vị Phật của tương lai – vào thời ấy thường được mô tả không khác các vị Bồ Tát khác, chỉ khác ở vương miện Ngài đội có phù đồ, và trên tay Ngài có cầm bình nước. Trong suốt thời kỳ thành lập của Phật giáo Trung Quốc, Phật Di Lặc được mô tả ngồi trên một chiếc ghế, hoặc một ngai vua, với chân bắt chéo, hoặc chân trái buông xuống, tay phải chống cằm như đang suy nghĩ về tương lai. Cho đến sau đời Ngũ Đại, trong dân gian mới xuất hiện thêm một hình tượng Phật Di Lặc độc nhất vô nhị có miệng cười rạng rỡ hồn nhiên, sau lưng quảy bị vải gai, tính tình rộng rãi cở mở, rong ruổi khắp nơi. Đó là hình tượng Phật Di Lặc chúng ta thường thấy ngày nay trong những tranh tượng, kinh sách ở các tự viện của Phật giáo, được gọi là “Tiếu Khẩu Di Lặc Phật”, một hình tượng mà các nhà nghiên cứu phương Tây đã tấm tắc gật gù cho rằng “một biến đổi độc đáo trong sáng tạo gây kinh ngạc”, hay “một sự biến thái kỳ diệu hoàn toàn của người Trung Quốc”.
Tiếu Khẩu Di Lặc Phật, dân gian còn gọi là “Tiếu Phật” hay “Di Lặc Phật bụng phệ”, đã xuất hiện hàng loạt tại các tự viện ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) vào sau thời Ngũ Đại, do người ta tạo hình tượng theo tướng mạo của một vị hoà thượng có tên là Khế (Khiết) Thử. Hoà thượng Khế Thử là người ở vùng Minh Châu (Chiết Giang), hiệu là Trường Đinh Tử, thường hay chống tích trượng, trên trượng có quảy một túi vải gai, ngao du khắp nơi hành khất và thuyết pháp, mọi thứ xin được đều bỏ vào túi vải, nên người đương thời gọi ông là “Bố Đại Hoà Thượng” (hoà thượng túi vải).
Theo truyền thuyết thì Bố Đại Hoà Thượng có thân hình béo tốt, y phục tuỳ tiện, cả ngôn ngữ lẫn hành vi đều không câu nệ tiểu tiết, có tài dự đoán được lành dữ, biết trước nắng mưa gió bão rất linh nghiệm, thần bí khôn lường. Năm Minh Trinh thứ 2, đời Hậu Lương (916), Bố Đại Hoà Thượng ngồi trên một tảng đá ở Nhạc Lâm Tự mà nhập tịch, sau khi để lại một bài kệ rằng: “Di Lặc đúng Di Lặc, phân thân ra muôn vàn, mọi lúc đi dạy người đời, mà người đời không tự biết”. Dựa vào bài kệ đó mà người ta cho rằng hoà thượng Khế Thử chính là Phật Di Lặc hoá thân chuyển thế, bèn an táng nhục thân của ông tại một nơi cách Nhạc Lâm Tự hai dặm về phía tây, lập tháp thờ phụng đặt tên là “Am Di Lặc”, xây gác đắp tượng…
Dần dần sau đó, tượng Bố đại Hoà Thượng lưu hành khắp nơi với bụng lớn, miệng cười tươi tắn đầy lạc quan, khi đứng khi đi với tích trượng quảy túi vải, khi ngồi với sáu đứa trẻ tượng trưng cho “Lục Tặc – Lục Căn” đã được giáo hoá, theo thời gian hình tượng của Ngài biến hoá ngày càng sinh động. Tượng của ông Thần Tài ngày nay cũng có tướng mạo dáng dấp “nhái” chẳng khác gì Bố Đại Hoà Thượng, với tay nâng và tung lên những nén vàng lấp lánh, biểu hiện cho sự phồn vinh phú quý, khiến nhiều người rất dễ nhầm lẫn với hình tượng của Phật Di Lặc.
Trên điện Di Lặc trong một ngôi đại tự ở Bắc Kinh, ngày nay còn treo một đôi câu đối xưng tán Tiếu Khẩu Di Lặc Phật rất tuyệt diệu:
“Đại đỗ năng dung, dung thế gian nan dung chi sự
Hàm nhan vi tiếu, tiếu thế gian nan tiếu chi nhân”
Nghĩa là:
Cái bụng lớn có thể dung chứa những việc mà người đời không dung chứa được
Miệng nở nụ cười mỉm với những điều mà người đời khó có thể mỉm cười được.
Nguồn: Viện Nghiên cứu Trung Quốc
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]