Trung Quốc “đại suy sụp”

china-l

Nguồn: Jeffrey Wasserstrom, “The Great Fall of China“, Wall Street Journal, 28/03/2016.

Biên dịch: Nguyễn Quang Dy

Trung Quốc đã bước vào “cái bẫy thu nhập trung bình”. Nó chỉ có thể thoát ra bằng cách dẫn dắt các ngành công nghiệp dựa vào tri thức chứ không phải cơ bắp.

Đúng là David Shambaugh viết rất khỏe. Cuốn sách mới nhiều thông tin về “Tương lai Trung Quốc” tiếp theo cuốn “Đảng Cộng sản Trung Quốc” (China’s Communist Party, 2008) và cuốn “Trung Quốc Toàn cầu Hóa” (China Goes Global, 2013). Cuốn sách này đề cập đến các lập luận đã được đưa ra lần đầu trong bài phân tích “Sự Đổ vỡ Sắp tới của Trung Quốc” (The Coming Chinese Crackup) cũng đăng trên tờ báo này cách đây một năm, gây nhiều tranh cãi. Lập luận chính của vị giáo sư ĐH George Washington rất dễ tóm tắt: Trừ phi Tổng bí thư đảng Tập Cận Bình tiến hành cải cách chính trị lớn, nền kinh tế sẽ thất bại và đảng sẽ sụp đổ. Vì các học giả thường thận trọng khi xác quyết về thời điểm các sự kiện sẽ xảy ra, nên Shambaugh chỉ viết rằng nó có thể xảy ra trong thập kỷ tới.

Tác giả không phải là người đầu tiên dự đoán sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước đó đã có một số bình luận theo “trường phái sụp đổ” (collapsist), nếu mượn thuật ngữ này của nhà sử học Geremie Barmé. Ngay sau vụ thảm sát tại Bắc Kinh năm 1989, đại sứ Mỹ Winston Lord đã khẳng định rằng đảng sẽ mất quyền lực trong vài tuần lễ nếu không phải là vài ngày. Mười hai năm sau, Gordon Chang xuất bản cuốn “Sự Sụp đổ sắp tới của Trung Quốc” (The Coming Collapse of China) và tự tin tuyên bố quyền lực của đảng sẽ chấm dứt năm 2011. Tuy nhiên, lập luận của Shambaugh khác biệt, vì vị trí nổi bật của tác giả và quan điểm trước đó của ông nhấn mạnh Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khôn ngoan học được bài học về “sự tuyệt chủng của tư tưởng Leninist” vào năm 1989-1991.

Cuốn sách mới nhất của Shambaugh đưa ra những nhận định súc tích và rõ ràng về những xu hướng chủ chốt – từ sự tăng trưởng của sức mua đến đô thị hóa nhanh – đã làm thay đổi một đất nước chỉ có các làng xã thành một đất nước của các đô thị, với “quy mô lớn” tới mức “khó hình dung nổi”. Tác giả so sánh “quyền lực mềm” của Trung Quốc (vẫn còn “rất mềm” so với thế giới) với “quyền lực cứng” đang “lớn lên từng ngày”, một thực tế được “trưng bày một cách cụ thể bằng lễ duyệt binh hoành tráng tại Quảng trường Thiên An môn” năm 2009 và 2015. Tác giả cũng phân tích kỹ lưỡng cách dùng thuật ngữ rất lạ của ông Tập Cận Bình khi nói đến “Pháp quyền” (rule of law), qua đó hệ thống luật pháp trở thành “công cụ trong tay của đảng cầm quyền để áp đặt ý chí và quyền lực của mình.”

Qua cách tác giả lý giải về cách hiểu võ đoán đáng lo ngại của đảng về “Pháp quyền”, chúng ta thấy rõ quan điểm của tác giả đã thay đổi từ chỗ tương đối lạc quan trước đây về triển vọng của đảng đến chỗ thất vọng. Shambaugh khẳng định đây là phản ứng hợp lý đối với sự chuyển đổi tự hủy diệt của đảng theo hướng “Chuyên chế Cứng” (Hard Authoritarianism) sau một thập kỷ rưỡi theo hướng “Chuyên chế Mềm” (Soft Authoritarianism). Nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân và sau đó là Hồ Cẩm Đào đã có những bước cởi mở đáng khích lệ, tuy quá chậm chạp, nhưng xu hướng này đã dừng lại năm 2007. Tập Cận Bình đã thay đổi cực đoan hơn theo hướng “Chuyên chế Cứng” từ khi lên cầm quyền năm 2012.

Tác giả so sánh Tập Cận Bình với một người lái xe tới ngã ba đường. Liệu anh ta sẽ tiếp tục theo hướng “Chuyên chế Cứng”? Hay quẹo theo hướng “Chuyên chế Mềm”, nới lỏng kiểm soát theo cách đã làm trước đó vào thời kỳ (1982-1989 & 1998-2008)? Hay thoát ra theo con đường “Độc tài Kiểu mới” (Neo-Totalitarian) đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ Mao trị (1949-1976)? Hay chọn con đường “Dân chủ Nửa vời” (Semi-Democratic), để biến Trung Quốc thành một Singapore khổng lồ, với hệ thống tranh cử hậu thuẫn cho một đảng và môi trường dân sự không giống một nhà nước chuyên chế mà cũng chẳng giống một nhà nước dân chủ? Shambaugh không thấy khả năng Tập Cận Bình sẽ đưa đất nước theo hướng dân chủ.

Shambaugh nói rằng con đường “Chuyên chế Mềm” và “Dân chủ Nửa với” sẽ có lợi nhất cho quyền lợi của Đảng cũng như của nhân dân Trung Quốc, nhưng ông không tin rằng Tập Cận Bình sẽ theo con đường này. Tác giả lo ngại xu hướng “Độc tài Kiểu mới” tuy không muốn điều này xảy ra. Có nhiều khả năng nhất là Tập Cận Bình sẽ duy trì hướng “Chuyên chế Cứng”, hy vọng bằng cách đó sẽ đảm bảo được sự ổn định.

Theo Shambaugh, vấn đề là Trung Quốc đã ra khỏi giai đoạn phát triển mà tăng trưởng nhanh có thể dựa vào sản xuất hàng rẻ trong những công xưởng lớn đông công nhân sẵn sàng chấp nhận lương thấp. Trung Quốc đã bước vào giai đoạn các nhà lý luận về hiện đại hóa (modernization theorists) gọi là “bẫy thu nhập trung bình” (middle income trap), mà chỉ có thể thoát ra bằng cách dựa hẳn vào khả năng sáng tạo ra sản phẩm mới và dẫn dắt các ngành công nghiệp dựa vào tri thức chứ không phải cơ bắp. Tác giả khẳng định kinh nghiệm của các nước chỉ rõ rằng thể chế hiệu quả nhất để đối phó với cái bẫy đó là thể chế dân chủ hoặc chuyên chế nhưng với lãnh đạo cởi mở sẵn sàng cho phép tự do thông tin chứ không như Tập Cận Bình. Phía trước Trung Quốc là hỗn loạn và khủng hoảng, chứ không phải ổn định.

“Tương lai Trung Quốc” là cuốn sách đặt ra nhiều giả thiết hơn là hai cuốn sách trước đó của Shambaugh, nhưng nó đủ bổ sung cho nhau để độc giả xem như bộ ba cuốn sách đáng đọc. Một lần nữa các quan điểm của Shambaugh dựa trên tham khảo rộng rãi nguồn tư liệu nghiên cứu bằng tiếng Anh, kết hợp với xem xét kỹ lưỡng một cách chiết trung các tài liệu bằng tiếng Hoa, và các quan sát trực tiếp rút ra từ các chuyến thăm Trung Quốc. Tác giả một lần nữa đã tóm tắt một cách súc tích và có lý những vấn đề cụ thể.

Tôi chia sẻ với Shambaugh về nhiều hy vọng và lo ngại, và nhất trí với hầu hết những gì tác giả nói đã diễn ra cho đến gần đây. Nhưng tôi không tán thành với quan điểm của tác giả cho rằng thành quả của các nước phát triển giúp chỉ dẫn về tương lai của Trung Quốc. Các nhà lý luận về hiện đại hóa không có nhiều kinh nghiệm thành công như tác giả nói. Dù họ có đi nữa thì tôi cũng nghi ngờ khả năng ứng dụng ý tưởng của họ vào tình huống bất ổn hiện nay. Sự diễn biến của các sự kiện thường chứng minh ngược lại với các giả thuyết về xu hướng chính trị liên quan đến chủ nghĩa chuyên chế dưới mọi hình thức. Trong thế giới liên kết với nhau chặt chẽ như ngày nay thì cái gì xảy ra chỗ này có thể tác độc lớn đến các chỗ khác, thay đổi cách nghĩ của dân chúng và lãnh đạo đối với các vấn đề như ổn định, phát triển, và rủi ro trong việc duy trì đường lối cũ hay thử nghiệm một đường lối mới.

Tập Cận Bình có thể giống như một lái xe đến ngã ba đường, nhưng chúng ta phải luôn để ý đến những vấn đề khác nữa chứ không phải chỉ có con đường đưa ông ta đến, và những con đường mà những người lái xe trước đó đã chọn. Trên quốc lộ có nhiều lái xe tính khí bất thường, nên việc họ đi thẳng hay quẹo đột ngột là rất khác biệt.

Đây là bài điểm cuốn “Tương lai Trung Quốc” (China’s Future, Polity Press, March 2016) của giáo sư David Shambaugh (George Washington University).

Nguồn: Viet-studies

Xem thêm: Tại sao thiên hạ luôn đoán Trung Quốc sắp sụp đổ?

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]