Nguồn: Philip D. Zelikow, “The Suicide of the East? 1989 and the Fall of Communism“, Foreign Affairs, November/December, 2009.
Biên dịch: Trần Ngọc Cư
Bài liên quan: Phần 1
Sự hấp dẫn của một đường lối mới
Sự tái khởi động cũng diễn ra trong lãnh vực ý thức hệ. Một lần nữa Châu Âu là điểm tựa của cán cân Nga-Mỹ. Những nhà chính trị tự xưng là “theo chủ nghĩa thực tế” bên cánh hữu cũng như bên cánh tả luôn tránh né một sự liên kết với cả Washington lẫn Moscow. Nhưng nhiều nhà lãnh đạo khác, như Schmidt, Kohl, và Mitterrand, không đi theo con đường đó. Việc Reagan thẳng thắn lên án Liên Xô là một “đế quốc ma quỉ” trở thành một tiếng gọi chiêu tập cho cả những ai ưa chuộng ông lẫn những ai sợ hãi ông. Cuộc thi đua tại Châu Âu được định đoạt do các thế lực bên ngoài thì ít, mà do trận chiến ý thức hệ trong nội bộ Châu Âu thì nhiều, với sự thắng lợi của khuynh hướng mà người Đức gọi là Tendenzwende (thay đổi đường lối), một khuynh hướng đã làm sống lại tinh thần “dân chủ tranh đấu” (militant democracy) trong tình hình đầy biến động của thập niên 1970.
Theo sử gia Jeffrey Herf, những nhà lãnh đạo của phong trào này vừa nói “bằng ngôn ngữ của [Konrad] Adenauer và Clausewitz, vừa nói bằng tinh thần giao lưu quốc tế của [Alexis de] Tocqueville và Karl Popper, của Raymond Aron và Leszek Kolakowski, Montesquieu và Tổng thống Jimmy Carter”. Cuộc xung đột chính trị dữ dội về việc NATO bố trí tên lửa hạt nhân của Mỹ để quân bình với những đợt bố trí mới của Xô-Viết, một sáng kiến do Schmidt tiên phong đưa ra, đã trở thành một cuộc xung đột chính yếu. Vấn đề này đã được định đoạt một cách tích cực ngay tại Tây Đức, với sự thành lập một chính phủ liên hiệp bảo thủ-tự do năm 1982.
Hầu hết các sử gia viết về sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản chỉ bàn rất qua loa, chiếu lệ về những bước phát triển rất quan trọng này tại Tây Âu, và nhất là tại Tây Đức. Một ngoại lệ nổi bật là tiểu luận có cái nhìn độc đáo của James Sheehan trong cuốn The Fall of the Berlin Wall (Sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh), một tuyển tập do Jeffrey Engel biên soạn đã kết hợp nhiều sử quan (perspectives) từ các quốc gia khác nhau về những biến cố lịch sử đã đưa đến sự sụp đổ nói trên. Đề tài tranh luận của Sheehan ít nhắm vào những chuyển biến tại Châu Âu vào năm 1989, nhưng tập trung nhiều hơn vào “sự kiện các chuyển biến tại Châu Âu sau năm 1945 đã ảnh hưởng lên thời điểm và tính cách của việc kết thúc Chiến tranh Lạnh như thế nào”. Như vậy, Sheehan nhấn mạnh sự kiện chiến tranh không còn chỗ đứng trong nền chính trị Châu Âu và sự kiện chính khách Châu Âu dần dần kiến tạo được một viễn cảnh Châu Âu mới mẻ đầy hấp dẫn đối với các xã hội hiện đại thực dụng. Sheehan chứng minh những thành quả này đã tạo được các lực hấp dẫn to lớn như thế nào, mà nhờ tiếp cận với đế quốc Xô-viết tại Châu Âu, những lực hấp dẫn này đã từng bước chắc nịch tháo tung những giả định suy tàn vốn làm nền móng cho chế độ cộng sản. Lý tưởng dân chủ đa nguyên của Châu Âu đã trở thành kim chỉ nam cho cả Michail Gorbachev lẫn các đảng viên Cộng sản và Xã hội tại Italy và Tây Ban Nha.
Trong bối cảnh này, hãy đối chiếu hai lựa chọn quan trọng của thế giới cộng sản vào năm 1979 và năm 1980. Cuối năm 1979, Liên Xô đưa quân chiếm đóng Afghanistan. Trên danh nghĩa, Liên Xô lấy lý do là để tự vệ, vì Afghanistan có thể rơi vào quĩ đạo của Trung Quốc hay các đối thủ phương Tây, nhưng ngay cả việc lý giải như thế cũng đã để lộ một tâm lý bất ổn rất nghiêm trọng. Mặc dù mục đích chính trị cũng có tính tự vệ thật đấy, nhưng những lực lượng Xô-viết lại được bố trí theo một cấu hình có khả năng xâm chiếm Tây Âu. Tác giả của cấu hình này là một thế lực hỗn hợp quân sự-công nghiệp (military-industrial complex), một thế lực luôn luôn giành lấy ưu tiên sử dụng nguồn lực quốc gia và ít khi bị hạn chế. (Sức mạnh chính trị và những di lụy của nhóm quyền lực này gần như không được xét đến trong hầu hết những sách trong danh mục nói trên, ngoại trừ Archie Brown có bàn luận ít nhiều trong cuốn The Rise and Fall of Communism (Bước thăng trầm của chủ nghĩa cộng sản). Những độc giả có quan tâm có thể tìm thấy chủ điểm này được đề cập chu đáo trong tác phẩm xuất bản năm 1998 của William Odom,The Collapse of the Soviet Military (Sự suy sụp của Quân đội Xô Viết).
Và vào cuối năm 1980, chính phủ Ba Lan tuyên bố thiết quân luật và cầm tù các lãnh tụ phong trào Đoàn Kết, một phong trào nhận được sự hỗ trợ tinh thần của một công đoàn và một vị giáo hoàng người Ba Lan. Cuốn There Is No Freedom Without Bread! (Không có tự do nếu không có bánh mì!) của Constantine Pleshakov đặt những diễn tiến tại Ba Lan ở vị trí trung tâm của công trình nghiên cứu. Pleshakov, một người Nga di cư hiện dạy tại Mount Holyoke College, viết rất nhiệt tình. Ông tập trung vào các nhân vật chính, như Giáo hoàng John Paul II, và cố gắng tìm lại thế giới quan của người đương thời. Pleshakove đưa những nhân vật lịch sử của mình vào kích thước con người và có khả năng sai lầm; chẳng hạn, ông đã cắt nghĩa tính bí nhiệm kỳ lạ của Mẹ đồng trinh Maria (the strange Marian mysticism), một tín lý rất quan trọng đối với Giáo hoàng John Paul II và người Công giáo Ba Lan.[1]Pleshakhov có một cái nhìn sâu sắc về sự tranh giành giữa các phe phái trong hàng ngũ những trùm Cộng sản, giữa những vị lãnh đạo tinh thần của Công giáo Ba Lan, và giữa những trí thức của nhóm Đoàn Kết. Sách của ông mô tả sự phá sản trí tuệ của giới thống trị chóp bu, bị khánh kiệt tư duy trước khi khánh kiệt tài chính. Đây là sự nghèo nàn văn hóa của đối phương mà lãnh tụ đảng Dân chủ Tự do Tây Đức Hans-Dietrich Genscher đã nắm bắt khi ông nói trước một đại hội đảng năm 1981 rằng “cũng như Hoa Kỳ, chúng ta [Tây Đức] thuộc về phương Tây. Chúng ta phải nói với những người rao giảng một ý thức hệ đối lập: Quân đội Hoa Kỳ đồn trú tại Tây Đức là để cho các công đoàn tự do có quyền tồn tại, và quân đội Xô-viết đồn trú tại Ba Lan là để đảm bảo các công đoàn tự do ở đó không thể thành hình. Đó là điều khác biệt”.
Sự lựa chọn chính sách của tất cả chính quyền cộng sản tại Châu Âu được thực hiện dưới nỗi ám ảnh về nợ nần tài chánh–mức độ thâm thủng của các chính quyền đó luôn luôn được canh giữ cẩn mật, không cho tiết lộ ra ngoài. Trong thập niên 1970, các nhà quản lý Cộng sản bắt đầu vay mượn tiền tệ cứng (hard currency), tức đồng tiền có uy tín, để mua các hàng hoá nhằm làm cho người dân trong nước khỏi bất mãn. Vào thập niên 1980, các chính phủ này phải đối phó một số lựa chọn phức tạp. Các nước kém mở mang nói chung đang đi vào một loạt khủng hoảng nợ nần, rất đặc trưng khi chủ nghĩa tư bản toàn cầu trải qua thời kỳ quá độ giảm phát (deflationary transition) để tiến tới loại tiền tệ cứng. Thay vì tìm cách giảm nợ, các nước cộng sản đã vay mượn thậm chí nhiều hơn nữa. Chúng tìm được những chủ nợ, phần lớn ở Tây Âu, sẵn sàng cho vay thêm nhiều khoản mới.
Một trong những ưu điểm lớn của sự đóng góp mà Stephen Kotkin đã dành cho nhóm sách có chủ điểm này, xuyên qua cuốn Uncivil Society (Một xã hội xâu xé), là ông đã nhấn mạnh những vấn đề kinh tế chính trị (political economy). Kotlin (với sự cộng tác của Jan Gross) chia sẻ với Pleshakov quan điểm cho rằng tiến trình đích thực đưa đến sự kiện 1989 không hẳn là tiến trình của một cuộc cách mạng phát động từ dưới lên, nhưng là một sự rạn nứt chết người trong nội bộ của tầng lớp thống trị ở chóp bu, “một xã hội xâu xé lẫn nhau”, như được gợi ý trong nhan đề cuốn sách. Gorbachev đã mở toang sự quản lý đất nước bê bối cho công chúng thanh tra. Kotkin viết: “Điều mà Gorbachev đã làm là phơi bày ra ánh sáng sự thể chủ nghĩa xã hội trong khối Xô-viết đã bị nghiền nát do sức mạnh cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản và do việc mượn nợ mới để trả nợ cũ, theo thủ thuật Ponzi”[2].
Vào giữa thập niên 1980, chủ nghĩa xã hội đã mất hết sức hấp dẫn của một ý thức hệ hướng về tương lai ở Châu Á lẫn Châu Âu. Nhưng vẫn còn nhiều khả năng về phương cách các chính phủ cộng sản có thể biến hoá, kể cả khả năng dùng đến bạo lực. Sự bất đồng chính kiến từ phía người dân vẫn còn được chế ngự. Trung Quốc và Hungary vào lúc này là hai nước đang triển khai đường lối sáng tạo để sử dụng kinh tế thị trường. Việc thiết quân luật tại Ba Lan đã kềm hãm đối lập một cách hữu hiệu. Nhưng trong bối cảnh đó, Gorbachev lại xuất hiện.
Tư duy mới của Gorbachev
Archie Brown, một trong những nhà Cẩm-Linh-học (Kremlinologists) xuất sắc nhất và là tác giả cuốn The Rise and Fall of Communism (Sự thăng trầm của chủ nghĩa cộng sản), đã chú ý đến Gorbachev một thời gian dài trước khi người dân bình thường nghe nói đến ông. Gorbachev là một người cộng sản trẻ gương mẫu, được đào luyện kỹ càng để giữ chức vụ cao. Ông được chính Yuri Andropov, lúc bấy giờ là giám đốc KGB, tuyển chọn để đưa vào hàng ngũ lãnh đạo. Andropov thích những động thái đầy sáng tạo như chính sách của Kádár ở Hungary, nhưng theo Brown, ông ta cũng sẵn sàng “đàn áp không khoan nhượng những bất đồng chính kiến công khai và bất cứ một bước phát triển nào theo đường hướng chính trị đa nguyên.” Andropov là người đầu tiên biểu quyết đưa quân vào Afghanistan. Đặt tin tưởng vào Gorbachev có nghĩa là Andropov muốn thấy một lãnh đạo Marxist hàng đầu có óc canh tân để duy trì đà phản biện chống lại các đồng chí già nua trong Bộ Chính trị, những người còn luyến tiếc Stalin và còn hậm hực Nikita Khruschev ngay cả trong thập niên 1980.
Một số sử gia là những người lý giải xuất sắc các sự kiện lịch sử để đưa ra những tổng hợp đề mới mẻ kích thích trí tuệ người đọc. Một số khác, có lẽ ít hào nhoáng hơn, chỉ cố xây dựng nền móng tri thức xuyên qua nỗ lực nghiên cứu chu đáo và cẩn trọng. Nếu Priestland, với tác phẩm của ông, là một điển hình của loại trước, thì Brown là minh họa của loại sau. (Điều đáng mừng là nghề viết sử có chỗ đứng cho cả hai loại sử gia.) Brown đã cẩn thận tổng hợp các dữ liệu về việc đảng cộng sản tuyển chọn Gorbachev để lãnh đạo Liên Xô vào năm 1985 và đưa ra nhận xét quan trọng sau đây:
Vào thời điểm [Konstantin] Chernenko nằm xuống, quan điểm của mọi thành viên trong Bộ Chính trị đã được biểu lộ quá rõ ràng. Vì vậy, người ta có thể nói chắc chắn một điều là, nếu bất cứ ai trong hàng ngũ của họ khác hơn Gorbachev được tuyển chọn vào chức tổng bí thư Đảng Cộng sản, thì Liên Xô cũng không được tự do hoá hay dân chủ hoá… Nếu sức khỏe của Andropov còn khả quan hơn, thì có lẽ một vài cải tổ nhỏ bé sẽ được tiến hành, chứ không phải là những gì đã diễn ra dưới sự lãnh đạo của Gorbachev. Nếu Chernenko sống lâu hơn, chắc lịch sử sẽ Liên Xô đã không biến đổi gì nhiều trong thời gian ông làm tổng bí thư.
Đế quốc Xô viết rốt cuộc đã không sụp đổ từ ngoài vào trong. Nó đã lung lay từ trong ra ngoài, bắt đầu từ cấp lãnh đạo ở chóp bu. Những cải tổ ban đầu của Gorbachev gặp phải thất bại và thậm chí làm cho tình hình trở nên xấu hơn, phơi bày thêm nhiều vấn đề khiến dân chúng hoảng hốt lo tích trữ hàng hoá đến nỗi các quầy mậu dịch trở nên trống trơn. Đặc biệt vào năm 1987 và 1988, Gorbachev đẩy mạnh cải tổ gấp đôi thay vì chịu khoan nhượng. Hơn thế nữa, thay vì noi gương Trung Quốc và Hungary, chỉ cải tổ kinh tế nhưng không dân chủ hoá, Gorbachev lại xúc tiến một số cải tổ chính trị. Quyết định nhằm hợp pháp hoá [tức dân chủ hóa] các cuộc bầu cử đã diễn ra đồng thời tại Liên Xô và tại Ba Lan. Đây là một sáng kiến cực kỳ phi-Marxist (un-Marxist). Marx và Engels không bao giờ coi trọng các tiến trình dân chủ. Lý thuyết duy vật sử quan là một lý thuyết khoa học [“có tính qui luật”, ND], chứ không phải là môn tiếp thị chính trị (political marketing).
Sức ly tâm của hệ thống Xô viết
Những từ như “Xô viết” và “liên bang” đáng được chúng ta suy ngẫm vài giây. Những từ này là cực kỳ đầy ý nghĩa; chúng được nặn ra trước hết là để thay thế hai từ tương ứng là “Nga” và “đế quốc”. Nếu các nước cộng hòa không còn bị ràng buộc trong cái gọi là tình huynh đệ Marx-Lenin, thì việc gì sẽ xảy ra cho một “Liên bang Xô viết”?
Khi Liên Xô bước vào năm 1989 thì đó cũng là lúc Gorbachev ngày càng bận tâm vì những vấn đề rất khó xử ở trong nước, có thể nói là “tiến thoái lưỡng nan”. Chủ nghĩa ly khai đã trở thành một thách thức nội bộ nghiêm trọng, bao gồm cả thách thức từ Cộng hoà Nga với vị lãnh đạo mới của nó là Boris Yeltsin. Priestland trình bày sự kiện này theo phương cách của một họa sĩ mô tả phong cảnh; Brown trình bày nó bằng những chi tiết tinh tế; Pleshakov lại vẽ ra một loạt chân dung khái quát.
Bị vây bủa bởi nhiều vấn đề ở trong nước, Gorbachev cần đến sự hoà hoãn cũng như hậu thuẫn từ phía Hoa Kỳ. Reagan đáp lại yêu cầu đó. Như Melvyn Leffler tranh luận trong một cuốn sách vừa mới xuất bản, For the Soul of Mankind (Vì linh hồn của nhân loại), con người hòa giải trong Reagan đã đóng góp một phần quan trọng cho việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Kẻ kế vị Reagan, George H.W. Bush, cũng góp phần không kém, sau khi ông và các cố vấn mất nhiều tháng cân nhắc xem thử Gorbachev vẫn còn ở dưới bóng của Andropov hay về bản chất đã thật sự trở thành một con người khác. (Một vài cố vấn của chính Gorbachev, nhất là bên phía quân đội, cũng trăn trở cùng một câu hỏi như thế. Những viên chức này không thể tin nổi là Gorbachev đã biến chất và sự thiếu tin tưởng này đã làm cho họ vỡ mộng khá nhiều, mãi cho đến năm 1990.)
Vào khoảng tháng Tám 1989, chủ nghĩa cộng sản đang trải qua một cuộc hóa thân. Cùng với Liên Xô, Ba Lan và Hungary đã đi tiên phong trong phe xã hội chủ nghĩa tại Châu Âu. Ba Lan bầu chọn một vị thủ tướng không cộng sản, trong khi đó những nhà lãnh đạo Hungary, vốn đã có óc canh tân, không hề lấy đó làm điều và sẵn sàng trở buồm để hứng lấy ngọn gió phương Tây.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại đi theo một con đường khác hẳn: thẳng tay đàn áp những ai đòi cải tổ chính trị. Để rồi, vào năm 1992, lãnh đạo Trung Quốc mới vạch ra một chiến lược nhằm bù lại chính sách đàn áp chính trị bằng cách cam kết gấp đôi việc theo đuổi cải tổ kinh tế. Chen Jian đã cô đọng xuất sắc và cập nhật những lựa chọn này của Trung Quốc bằng bài đóng góp trong tuyển tập The Fall of the Berlin Wall (Sự sụp đổ của bức tường Bá Linh) của Engel. Một số nhà lãnh đạo Đông Âu bị cám dỗ bởi một “giải pháp Trung Quốc” trong việc đối phó cứng rắn với các nhà bất đồng chính kiến. Nhưng dù có theo đuổi một chiến lược như thế chưa chắc đã tái khẳng định được sức sống của chủ nghĩa cộng sản.
Những cuộc cách mạng trong năm 1989 đã diễn ra như thác lũ đổ vào Đông Đức, Tiệp Khắc, Bungaria, và—khá đẫm máu với chế độ Stalinist tại Romania. Đây là một tuồng tích còn gây nhiều xúc động. Độc giả nào muốn tìm lại những sôi nổi của lòng người và những biến động lịch sử của năm 1989, sẽ tìm thấy nhiều thú vị khi đọc cuốn Revolution 1989 (Cách mạng 1989) của Victor Sebestyen, một truyện kể được viết bằng thể văn báo chí. Sebestyen, một kiều dân Hungary hiện sống ở Vương quốc Anh, đã làm một việc xuất sắc. Ông từng tiếp cận với mọi cơ sở, biết rõ thực địa, và thêu dệt tài tình nên một tác phẩm từ chất liệu có được từ các cuộc phỏng vấn và các nguồn tư liệu trực tiếp (primary sources). Một cuốn khác viết theo dạng tường thuật của báo chí là The Year That Changed the World (Năm thay đổi thế giới) của Michael Meyer, trong đó tác giả tìm về những bài phóng sự đã viết choNewsweek năm 1989 và cung cấp một số hình ảnh chớp nhoáng của một chứng nhân. Meyer đặt trọng tâm vào việc đả phá ý niệm cho rằng gần như một mình Reagan đã thắng Chiến tranh Lạnh. Theo Meyer, ý niệm này ngày nay đã trở thành thiếu nội dung. Đóng góp rất đáng kể của Meyer là ông đã nhấn mạnh ý nghĩa của những cuộc thảo luận giữa Hungary và Tây Đức, những trao đổi đã khởi động chuỗi biến cố dẫn đến sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh. Chứng lý của Meyer tăng cường ý nghĩa của sự kiện là Kohl đã cố gắng tạo ra thời thế, chứ không phải chỉ tìm cách phản ứng lại thời cuộc mà thôi.
Trong việc khởi động những phản ứng dây chuyền đưa đến sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh và dẫn đến thống nhất nước Đức, Hungary đã đóng một vai trò quan trọng hơn Ba Lan. Vào tháng Tám và tháng Chín 1989, những biến động trong nội bộ của thế giới cộng sản đã khui mở vấn đề nước Đức, một vấn đề bị đóng kín trong chai lâu ngày, và cùng với việc này, những vấn đề rộng lớn hơn về tương lai Châu Âu cũng được đặt ra. Vào thời điểm cuộc Chiến tranh Lạnh bắt đầu giảm bớt căng thẳng, lại có thêm một loạt vấn đề mới cộm lên về tính chất của một cuộc dàn xếp hậu chiến. Đây là chỗ kết thúc của những sách viết về 1989 của Pleshakov, Kotkin, Sebestyen, và Meyer.
Sau khi Bức tường sụp đổ
Mặc dù bắt đầu ở một thời điểm sớm hơn, cuốn 1989 của Mary Elise Sarotte và cuốn Mitterrand, the End of the Cold War, and German Unification(Mitterrand, việc kết thúc Chiến tranh Lạnh, và việc thống nhất nước Đức) của Frédéric Bozo, mới thực là “những sách viết về năm 1990”. Hai cuốn này chủ yếu bàn về sự dàn xếp đã tạo nên một Châu Âu mới. Nếu muốn nghiên cứu lịch sử đúng cách, sử gia phải dựa vào những công trình đã có từ trước để triển khai và hoàn thiện chúng. Đó là điều mà Sarotte và Bozo đã làm.
Sách của Sarotte khá cô đọng và mang tính lý giải cao. Nhưng Sarotte nắm vững nguồn tư liệu gốc từ các quốc gia chủ yếu. Bà đã khôn khéo lấy được tinh chất của tư liệu, thường xuyên sinh động hoá lối tường thuật bằng sự thông hiểu sâu sắc ý nghĩa nhân văn của các chuyển biến lịch sử. Hiện nay sách của bà là tác phẩm một tập (one-volume work) hay nhất viết về sự thống nhất nước Đức mà ta có thể thấy được. Cho đến nay cuốn sách này đã giúp người đọc hiểu rõ nhất về thành tích phi thường của Kohl trong việc giải quyết rất nhiều vấn đề trong cùng một lúc. Sau khi trình bày vài mô hình có thể áp dụng cho một cuộc dàn xếp hậu-Chiến tranh Lạnh, Sarotte ghi nhận sự thắng thế của một đường lối “tiền chế” (prefab approach), đó là việc kế tục các cơ chế vững vàng của nền dân chủ Đức, xúc tiến việc hợp nhất Châu Âu, và duy trì chiếc dù an ninh do NATO và Hoa Kỳ cung cấp. Có lẽ khuyết điểm duy nhất của cuốn sách – cũng là khuyết điểm chung của tất cả những sách đang được đề cập ở đây – là sự lơ là đối với cuộc dàn xếp quân sự được qui định trong Hiệp ước về Các lực lượng võ trang qui ước tại Châu Âu (CFE), một hiệp ước nhằm duy trì sự quân bình dù thiếu hào nhoáng nhưng rất thiết yếu giữa các lực lượng bộ binh và không quân trên toàn châu lục. Sự bất quân bình giữa các lực lượng quân sự đã là yếu tố tai hại và gây bất ổn nhất cho an ninh Châu Âu trong 40 năm về trước – và cả cho 400 năm trước đó.
Trong một cuốn sách nhiều chi tiết hơn, Bozo lại đánh giá những thành tựu của Mitterrand, nhất là trong nỗ lực kết hợp sự thống nhất nước Đức và sự hợp nhất Châu Âu—một liên minh tiền tệ và một liên minh chính trị, hai sự kiện về sau đã tạo ra Liên minh Châu Âu. Nhưng Bozo lại quá khiêm nhường khi ông chỉ cho phép mình tập trung vào vai trò của Mitterrand. Ông tường trình khái quát chính sách ngoại giao trong tiến trình thống nhất nước Đức, dựa vào tư liệu của nhiều nước khác, mặc dù ông chỉ muốn nhấn mạnh quan điểm của người Pháp. Paris khá gần gũi với tiến trình hợp nhất này, nhưng hầu như trên mọi vấn đề Pháp lại không nằm ở vị trí trung tâm. Vì vậy, việc trình bày các sự kiện lịch sử từ quan điểm của người Pháp sẽ mô tả chính sách ngoại giao của các quốc gia liên hệ một cách khách quan hơn nhưng cũng rất tường tận.
Trên nhiều phương diện, viễn kiến của Mitterrand về Châu Âu là tương đối gần gũi nhất đối với quan niệm của Gorbachev về “một ngôi nhà chung Châu Âu”. Nhưng, Bozo viết, “thay vì một sự tái quân bình lực lượng có lợi cho Tây Âu, một Tây Âu đến lúc phải đóng một vai trò chiến lược, thì sự tái khẳng định một trật tự đã có sẵn bất ngờ diễn ra tiếp theo sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh, đó là trật tự Đại Tây Dương [Mỹ-Tây Âu, ND]… Nội trong phạm vi liên-Âu vào năm 1991, bản kết toán của chính sách đối ngoại Pháp cũng gặp nhiều bất lợi nhất”. Tuy nhiên, Bozo cũng ghi nhận rằng hiện nay, 20 năm sau, Hoa Kỳ vì bận tâm với nhiều vấn đề toàn cầu khác, đang trút bỏ dần trách nhiệm của mình đối với Châu Âu, do đó một lần nữa những vấn đề liên quan vai trò lãnh đạo Châu Âu được nổi bật thêm lần nữa.
Cả Sarotte lẫn Bozo đều đánh giá cao chính sách ngoại giao mà Hoa Kỳ thực thi vào cuối năm 1989 và năm 1990. Đặc biệt, Sarotte đã làm tốt việc đánh giá các tranh luận cũ kỹ về phương pháp luận công định tội ở vài thời điểm nghiêm trọng. Bà cũng làm sáng tỏ sự kiện cải tổ tiền tệ lẫn cải tổ NATO là những viên đá lót đường dẫn đến một thoả thuận chung kết về Châu Âu.
Sarotte làm nhẹ bớt lời ca ngợi chính sách ngoại giao Mỹ của mình bằng cách tự hỏi, qua việc trích dẫn cựu ngoại trưởng Anh Douglas Hurd, nếu các lãnh đạo Mỹ lúc bấy giờ là những thiên tài tầm cỡ như Franklin Roosevelt hay Winston Churchill, liệu họ có nói “cờ đang ở trong tay chúng ta” và cứ thế mà tùy tiện thay đổi luôn mọi cơ chế quốc tế, kể cả Liên hiệp quốc hay không. Là một cựu viên chức ngoại giao phục vụ trong chính quyền George H. W. Bush, hẳn nhiên tôi không tránh được thiên kiến. Nhưng xin bạn đọc xét đến cấu trúc quốc tế được thiết định vào cuối năm 1990: một nước Đức thống nhất, một Liên minh Châu Âu thay hình đổi dạng, một dàn xếp kiểm soát vũ khí (CFE) có ý nghĩa nhất trong quân sử Châu Âu, một liên minh Đại Tây Dương được duy trì và nới rộng, một Liên hiệp quốc được tăng cường, có đủ sức huy động một liên minh quân sự nhằm đẩy lùi việc xâm chiếm Kuwait của Iraq, một thỏa ước về các nguyên tắc sinh hoạt chính trị và kinh tế (thỏa ước Paris của Hội nghị về An ninh và Hợp tác tại Châu Âu), Kế hoạch Brady nhằm quét sạch các cuộc khủng hoảng nợ nần quốc tế, một vòng đàm phán mậu dịch toàn cầu được phục sinh để sau đó tạo ra Tổ chức Thương mại Quốc tế, và một mô thức ngoại giao mới tại Châu Á (diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, APEC).
Sarotte đưa ra một luận điểm có ý nghĩa: nước Nga một mình đứng ôm hận về hậu quả của các cuộc cách mạng 1989. Tuy vậy, người đọc cũng nên suy nghĩ về đoạn sau đây trong sách của Sarotte: “Gorbachev thường than phiền với [Ngoại trưởng Hoa Kỳ James] Baker vào năm 1991 rằng tiền từ (chính phủ Kohl) đã biến mất: ‘Mọi thứ quanh đây đều biến mất. Chúng tôi nhận khá nhiều tiền để đổi lấy sự thống nhất của nước Đức, nhưng khi tôi hỏi lại người của chúng tôi, họ bảo không biết tiền nằm ở đâu. [Aleksandr] Yakovlev bảo tôi gọi quanh, nhưng câu trả lời là không ai biết.’”[3] Sarotte viết tiếp: “Rõ ràng là, Moscow không những chỉ cần tín dụng (credits) để dễ bề thực hiện giai đoạn quá độ tiến tới một nền kinh tế thị trường hiện đại, nhưng (ngoài tài trợ của Bonn ra), Nga không nhận gì đáng kể từ các nước khác. Hiển nhiên, về sau, nhiều đoàn cố vấn Phương Tây lũ lượt đến Nga. Nhưng họ đến sau khi những oán hận nguy hiểm đã trở nên chất ngất.” Sau khi đọc lại đoạn trích dẫn nói trên, chúng ta nhận thấy rằng, cần phải vận dụng một thứ thiên tài thật hiếm quí nào đó may ra mới có thể tạo cho nước Nga một hậu vận khả quan hơn.
Trong bối cảnh chế độ cộng sản suy sụp tại Đông Âu, rồi từ đó dòng thác cách mạng chảy ngược lại, tăng tốc sự sụp đổ của chính Liên Xô, và nước Nga gần như phải trở lại biên giới cũ của nó ở thế kỷ 18, có lẽ điều kỳ diệu chính là chỗ những vận động ngoại giao đã làm cho Moscow dằn sự hằn học đến mức tối đa. Được như vậy là do công của Gorbachev và vài phần tử trong ban cố vấn của ông. Quan hệ hữu nghị giữa Washington và Moscow vào tháng Tám 1990 là vô giá vì hồi kết thúc của việc thống nhất nước Đức rơi vào thời điểm của một cuộc khủng hoảng khác. Hoa Kỳ cần vận dụng ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới—và Liên hiệp quốc–nhằm chống lại Iraq, một nước, vào lúc xua quân sang xâm chiếm Kuwait, đang là thân chủ của 10 ngàn cố vấn quân sự Xô viết.
Tương lai của chế độ tự do
Vào năm 1947, khi Orwell đưa ra kịch bản nhằm cứu vãn thế giới, với viễn kiến về một mô hình tiến bộ đầy nhân ái do một Châu Âu hợp nhất lãnh đạo, ông đã nhận diện bốn lực cản đáng sợ: thái độ thù nghịch của Nga, thái độ hung hăng của Mỹ, chủ nghĩa đế quốc, và Giáo hội Công giáo. Theo ông, tương lai thế giới gần như là u ám. Orwell đã viết: “Viễn cảnh thực tế, theo tôi dự kiến trong mọi khả năng, là rất đen tối. Bất cứ một suy nghĩ nghiêm túc nào cũng phải bắt đầu bằng sự kiện đó”. Bốn nỗi sợ hãi này vẫn còn đáng được suy ngẫm nghiêm túc. Nhưng hiện nay, nhờ vào những sách nghiên cứu như thế này, thay vì sợ hãi, người ta có thể suy niệm về sự kiện nhiều người Nga [vào thời điểm Bức tường Bá linh sụp đổ] đã ngả theo lý tưởng Châu Âu, nhiều người Mỹ đã có một thái độ tích cực, chủ nghĩa đế quốc đã tới hồi suy tàn, một Giáo hội Công giáo đã yểm trợ tinh thần cho các cuộc chiến đấu vì lý tưởng tự do.
Năm 1964, Burnham, tác giả của viễn kiến đầy ác mộng, một viễn kiến đã tác động dữ dội lên tư duy của Orwell, bắt đầu phụ tá William F. Buckley biên tập tờ National Review, một tạp chí bảo thủ Mỹ. (Về sau Burnham được Tổng thống Reagan trao tặng Huân chương Tự do.) Vào thời điểm này, cuốn sách sau cùng của Burnham đã tiêm thêm một liều lượng bi quan cực mạnh vào tư duy chính trị. Trong tác phẩm này, với nhan đề Suicide of the West (Cuộc tự sát của Phương Tây), Burnham tranh luận rằng chủ nghĩa tự do hiện đại đã đánh mất cái hăng say (fervor) của chủ nghĩa tự do cổ điển. Chủ nghĩa tự do hiện đại đã coi hoà bình và an ninh ngang hàng với hay lớn hơn cả sự cam kết gìn giữ tự do. Vì sự tập trung vào nỗ lực gìn giữ hoà bình sẽ làm giảm bớt việc sử dụng vũ lực với một kẻ thù hung bạo, Burnham tiên đoán rằng phương Tây sẽ tự sát một cách chậm rãi.
Lịch sử đã dành cho lý luận của Burnham một tay bài lạ lẫm. Nếu còn sống cho đến sau năm 1989, ông sẽ rất hài lòng để thấy rằng một thái độ tin tưởng mãnh liệt vào nỗ lực bảo vệ phương Tây là yếu tố quan trọng trong việc phục sinh Châu Âu và Hoa Kỳ. Nhưng các lý tưởng tích cực, năng động đang được nêu cao trong các quốc gia Tây Âu và Nhật Bản là rất hấp dẫn đối với nhân loại ngày nay chính vì những quốc gia này gần như đã từ bỏ truyền thống dựa vào võ lực và quyền lực cứng (hard power).
Vào những giờ phút cực kỳ khủng hoảng trong những năm 1989 và 1990, nhiều lựa chọn nghiêm trọng đã được thực hiện nhằm bảo vệ hoà bình và thay đổi chế độ theo đường lối bất bạo động. Nhưng những lựa chọn này được thực hiện do những nhân vật đã được đào luyện từ thời niên thiếu để trở thành những nhà lãnh đạo Cộng sản gương mẫu. Cuộc tự sát, vì thế, đã xảy ra ở phương Đông chứ không phải phương Tây. Và cuộc tự sát này không phải là một hành động tự hủy nhưng là một hành động sáng tạo.
Philip D. Zelikow là giáo sư sử học của Đại học Virginia và là đồng tác giả với Condoleeza Rice của cuốn Germany Unified and Europe Transformed: A Study in Statecraft (Nước Đức thống nhất và Châu Âu chuyển mình: Một nghiên cứu về nghệ thuật lãnh đạo quốc gia). Là một cựu viên chức ngoại giao chuyên nghiệp, Zelikow từng phục vụ cho Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George H. W. Bush trong những năm 1989-91./.
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Ngọc Cư & talawas
———————-
[1] Người theo đạo Tin Lành không chấp nhận tính bí nhiệm Maria này. (ND chú thích.)
[2] Một mánh khóe đầu tư gian lận, theo đó kẻ lưu manh mượn món nợ sau để trả tiền lời cho món nợ trước, thậm chí trả tiền lời rất cao để chủ nợ không muốn rút lại tiền vốn. Mánh khóe này đòi hỏi một luồng đầu tư liên tục cho đến khi con nợ bị vỡ mánh hay cao chạy xa bay với số tiền lường gạt được. (ND chú thích.)
[3] Alexandr Yokavlev: Một cố vấn cấp cao của Gobarchev, có nhiều đóng góp trong việc hình thành chính sách ngoại giao Liên Xô với chủ trương không can thiệp vào tình hình Đông Âu, tháp tùng Gobarchev trong năm hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Đối nội, Yokavlev ủng hộ những chương trình cải tổ mệnh danh là glaznoss (cởi mở) và perestroika (restructuring) đồng thời đóng một vai trò then chốt trong việc thực thi những chính sách này—the Wepidia, ND.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]