Tại sao nên phi hình sự hóa mại dâm?

sex-work

Nguồn:Why decriminalising sex work is a good idea,” The Economist, 18/08/2015.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 11 tháng 8 (2015) vừa qua, Ân xá Quốc tế, một tổ chức từ thiện về nhân quyền, tuyên bố họ ủng hộ phi hình sự hóa hành vi mại dâm có sự đồng thuận giữa những người trưởng thành. Pháp luật về mại dâm ở các nước rất khác nhau: ở Anh bán dâm là hợp pháp, nhưng môi giới và nhà thổ thì không, trong khi ở Mỹ thì bán dâm là phi pháp ở hầu hết các tiểu bang trừ Nevada.

Tuy nhiên, những nhà vận động nhân quyền đang ngày càng kêu gọi phi hình sự hóa việc bán dâm, như tình trạng pháp lý của nó ở một số nước châu Âu hiện nay. Đề nghị của Ân xá Quốc tế được đưa ra sau những đề nghị tương tự của Tổ chức Y tế Thế giới và Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS). Có phải phi hình sự hóa mại dâm là ý tưởng tốt?

Quyết định của Ân xá Quốc tế đã gặp phải sự phản đối quyết liệt: một lá thư từ Liên minh chống buôn bán phụ nữ (CATW), một tổ chức phi chính phủ, có chữ ký của một số người từng hành nghề mại dâm và diễn viên, trong đó có Meryl Streep và Lena Dunham, cho rằng [phi hình sự hóa mại dâm] thực tế là sẽ “hỗ trợ cho một hệ thống phân biệt giới tính.”

Những người phản đối phi hình sự hóa mại dâm cho rằng mại dâm, như một nghề, chắc chắn sẽ dẫn đến nạn buôn bán những phụ nữ thuộc đối tượng dễ bị tổn thương: lá thư của CATW cho rằng từ khi mại dâm được hợp pháp hóa tại Đức, số lượng phụ nữ bị bán sang đất nước này đã tăng chóng mặt và Đức đã trở thành “nhà thổ của châu Âu.”

Thay vì truy tố phụ nữ vì hành vi bán dâm, nhiều người cho rằng “mô hình Thụy Điển,” chính sách phi hợp pháp hóa hành vi mua dâm từ năm 1999, là mô hình đáng lưu ý. Na Uy, Iceland, và Pháp đã áp dụng các mô hình tương tự. Mô hình Thụy Điển cố gắng xóa bỏ mại dâm bằng cách giảm cầu.

Nhưng mô hình Thụy Điển có hiệu quả hay không cũng không phải là điều hoàn toàn rõ ràng. Những người ủng hộ phi hình sự hóa mại dâm – trong đó có tờ báo này (The Economist), cùng nhiều người mại dâm – chỉ ra rằng nếu mại dâm được thực hiện lén lút thì sẽ có nhiều hậu quả tai hại. Hành vi bạo lực đối với gái mại dâm có thể sẽ không bị trừng phạt, bởi phụ nữ có thể sẽ không tới trình báo cảnh sát khi họ bị coi là đã vi phạm pháp luật. Mại dâm đường phố vốn đã giảm ở Thụy Điển trước đó đã tăng trở lại sau khi đạo luật được thông qua, khiến nhiều phụ nữ gặp nhiều nguy hiểm hơn trước. Gái mại dâm cũng có thể sẽ không tìm đến tư vấn y tế.

Khi Đảo Rhode vô tình phi hình sự hóa mại dâm vào năm 2003 (trước đó, một kẽ hở luật pháp từ năm 1980 đã được phát hiện ra là chỉ hình sự hóa hành vi mại dâm ngoài trời), bang này đã nhận thấy một sự gia tăng số lượng gái mại dâm trong nhà. Nhưng ngược lại, theo một nghiên cứu, số lượng tội phạm hiếp dâm cũng giảm 31% trong giai đoạn 2003-2009, khi ngành thương mại này một lần nữa trở thành bất hợp pháp, trong khi số ca mắc bệnh lậu giảm 39%. Phi hợp pháp hóa hành vi mua dâm có sự đồng thuận giữa những người trưởng thành cũng là phi tự do.

Không nên coi nhẹ nỗi lo ngại về nạn buôn người và xâm hại trẻ em. Nhưng đã có luật lệ chống những tệ nạn này và chúng nên được thực thi nghiêm túc. Ngay cả khi là bất hợp pháp, mại dâm cũng không thể bị xóa bỏ hoàn toàn: theo một ước tính cũ, giá trị của ngành thương mại tình dục ở Mỹ rơi vào khoảng 14 tỷ USD một năm (hiện nay có thể còn cao hơn). Thay vì theo đuổi mục tiêu khó có thể thực hiện được là xóa bỏ mại dâm, chúng ta nên cân nhắc nghiêm túc về sự an toàn của những người tự nguyện hành nghề này. Các quốc gia, cũng như các tổ chức nhân quyền, nên nhìn vào thực tế.

Xem thêm: Sự khác biệt giữa hợp pháp hóa và phi hình sự hóa?

Kinh tế học của nạn mại dâm

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]