Hội chứng ‘tâm lý nạn nhân’ của Trung Quốc

japan_flag_china

Nguồn: Orville Schell, “China’s Victimization Syndrome”, Project Syndicate, 22/04/2005.

Biên dịch: Phạm Phan Hồng Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Một cuộc bàn cãi về bản chất Trung Quốc đang diễn ra tại quốc gia khổng lồ này, với sự tham gia của hai lực lượng hùng mạnh và hai quan điểm vô cùng khác biệt về thế giới bên ngoài. Kết quả của cuộc đọ sức này sẽ có ảnh hưởng lớn tới khả năng Trung Quốc có thành công trong việc trở thành một quốc gia thực sự có mối quan hệ mang tính xây dựng và vững bền với thế giới bên ngoài hay không.

Một mặt, cuộc cách mạng kinh tế đã giúp Trung Quốc tạo được vị thế trên trường thế giới như là một cường quốc thương mại tự tin, một nhân tố trung gian quyền lực toàn cầu có trách nhiệm hơn, và thậm chí với một sự hiện diện quân sự mang tính bảo đảm (ổn định). Mặt khác, Trung Quốc vẫn bị bó buộc bởi quá khứ và nặng “tâm lý nạn nhân”, khiến nó có xu hướng đùn đẩy trách nhiệm lên nước ngoài trong các vấn đề nội bộ.

Câu hỏi chính là liệu Trung Quốc có thể thoát khỏi hội chứng tâm lý lâu đời này không – điều đã khiến quốc gia này bận tâm xuyên suốt thế kỷ 20 với cảm giác tự ti về sự yếu kém, bất an, và nhục nhã – và qua đó cho phép bản thân nó được dẫn dắt bởi một cách nhìn mới về thế giới, thậm chí là về các kẻ thù cũ.

Các cuộc biểu tình chống Nhật là một triệu chứng của hội chứng lâu đời này, được thúc đẩy bởi sự oán giận sinh ra trong thời kỳ mà Trung Quốc đã thực sự bị áp bức và nhục nhã. Với ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn, mức sống gia tăng, và vị thế ngày càng được tôn trọng trên thế giới, người Trung Quốc và các nhà lãnh đạo của họ được kỳ vọng sẽ tìm ra cách để vượt qua quá khứ. Tuy nhiên, kể cả khi ánh sáng của “phép màu Trung Quốc” làm chói lòa thế giới, người Trung Quốc xem ra vẫn chưa thể từ bỏ cảm xúc tăm tối về thân phận nạn nhân của mình.

Thay vì áp dụng một tư tưởng quốc gia dựa trên thực tế về những thành tựu của họ (đoàn kết quốc gia, thương mại quốc tế mạnh mẽ, và tầm ảnh hưởng toàn cầu ngày càng lớn), các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại bám vào tư tưởng cũ mà trong đó quốc gia của họ là nạn nhân, là “người bệnh của châu Á” đang bị “chia cắt như một quả dưa hấu” bởi các thế lực đế quốc và thực dân như Nhật Bản. Ký ức cay đắng về sự áp bức và bóc lột đó vẫn ám ảnh tâm trí của quá nhiều người dân Trung Quốc như dư ảnh của một thứ ánh sáng chói lòa ngay cả khi ánh sáng đó đã tắt từ lâu.

Sự chiếm đóng Trung Quốc của người Nhật đặc biệt là một khoảng thời gian cay đắng và nhục nhã bởi vì Nhật Bản là một cường quốc châu Á, không phải phương Tây. Hơn nữa, giống như Trung Quốc, Nhật Bản cũng là một xã hội nặng về tư tưởng Khổng giáo, thứ mà rất nhiều nhà cải cách Trung Quốc trong thế kỷ 19 và 20 đã chỉ trích là một chướng ngại vật quan trọng trong sự phát triển và hiện đại hóa của chính quốc gia mình.

Đương nhiên, Nhật Bản đã thực sự chiếm đóng Trung Quốc, gây ra những tội ác man rợ không thể tưởng tượng được, và từ đó đến giờ vẫn chưa bồi thường hay tỏ ra hối lỗi một cách thuyết phục. Tuy vậy, Trung Quốc nhận được gì từ việc tiếp tục nêu lên những vấn đề này 60 năm sau? Đâu là lợi ích của nguy cơ làm xa lánh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc?

Thứ nhất, ủng hộ và xúi giục biểu hiện giận dữ của người dân đối với Nhật Bản cho phép các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc có một phương tiện mạnh mẽ và luôn sẵn sàng để tập hợp sự ủng hộ trong nước, nhờ vậy hợp pháp hóa quyền lực của chính họ. Cùng lúc đó, các cuộc biểu tình đại diện cho kinh nghiệm của Trung Quốc về một thế giới không công bằng, nơi kẻ yếu rồi sẽ bị bắt nạt, bóc lộc, và làm nhục. Chính tư tưởng này gợi ý rằng, bất chấp những đường chân trời các thành phố với những tòa nhà chọc trời, biển quảng cáo, và những khách sạn năm sao bóng bẩy, Trung Quốc vẫn còn lâu mới có thể thực sự hiểu và cảm nhận được những thành tựu và vị thế thực sự của nó.

Hẳn vậy, những đợt cảm xúc phẫn nộ có tổ chức dâng cao khi Trung Quốc bị tấn công hay nhục mạ không còn là điều mới mẻ. Phản ứng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với cuộc đánh bom do nhầm của Mỹ vào đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade năm 1998, và cuộc đụng độ giữa máy bay gián điệp Mỹ và máy bay Trung Quốc tại Thái Bình Dương, dẫn đến, nếu không phải là kích động, các cuộc biểu tình lớn chống nước ngoài. Khi duy trì hội chứng này, Bộ trưởng Ngoại giao Lí Triệu Tinh đã buộc tội Nhật Bản “làm tổn thương cảm xúc của người dân Trung Quốc” vì đã không xin lỗi các tội ác của Nhật, như thể ông là Bộ trưởng Tâm lý thay vì Ngoại giao.

Đương nhiên, tâm lý bị tổn thương và nỗi khao khát được đền bù từ những kẻ đã gây ra đau khổ cho Trung Quốc đáng được cảm thông. Về mặt này, Trung Quốc, giống như nhiều quốc gia, có thể được gọi là có hội chứng “tâm thần lưỡng cực”. Một phần lớn động lực về cảm xúc trong cuộc cách mạng của Mao Trạch Đông đến từ ý thức phổ biến về sự đối xử bất công và nhục nhã của các thế lực ngoại bang đối với Trung Quốc, và tình cảm cách mạng này từ đó đến giờ vẫn chưa bị loại bỏ một cách phù hợp. Bức chân dung của Mao vẫn chưa bao giờ được gỡ khỏi Thiên An Môn, vì vậy toàn bộ những yếu tố trong cuộc cách mạng của ông tiếp tục tồn tại trong các thể chế, cách nghĩ, và phương thức giao tiếp của Trung Quốc với thế giới. Giống như gen lặn, chúng đôi khi bất thình lình xuất hiện trở lại.

Tâm lý nạn nhân trở nên quá quen thuộc với người Trung Quốc, thậm chí có lẽ còn có chút tiện dụng, bởi vì nó trở thành một cách giải thích (hoặc biện minh) cho các vấn đề của Trung Quốc. Nhưng điều này cũng trở nên nguy hiểm, bởi nó tới từ những yếu hèn xưa kia thay vì những sức mạnh mới của Trung Quốc. Thời kỳ quyền lực quân phiệt và đế quốc của Nhật Bản đã qua lâu rồi, và thế giới đang tìm đường gõ cửa Trung Quốc. Điều cuối cùng quốc gia này muốn làm là tiếp tục bị mắc kẹt trong quá khứ.

Orville Schell là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Mỹ-Trung tại Hội châu Á (Asia Society).

Copyright: Project Syndicate 2005 – China’s Victimization Syndrome
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]