Thuyết Ba đại diện (Three represents theory)

3daidien

Tác giả: Nguyễn Thành Trung

Thuyết Ba Đại diện được coi là một nỗ lực mạnh dạn của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm bảo đảm khả năng nắm bắt thời đại của tổ chức chính trị này trong thế kỷ 21. Thuyết Ba Đại diện mang nội dung Đảng Cộng sản Trung Quốc (1) đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất, (2) đại diện cho nền văn hóa tiên tiến nhất và (3) đại diện cho quyền lợi của đa số quần chúng. Tổng Bí thư Giang Trạch Dân lần đầu tiên đưa ra thuyết này vào tháng 02 năm 2000 trong chuyến du Nam tới tỉnh Quảng Đông nơi mà Đặng Tiểu Bình đã từng hồi sinh cải cách Trung Quốc trong chuyến Nam tuần của mình vào năm 1992. Sau đó vào tháng 07 năm 2001, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân giải thích rõ hơn thuyết này trong bài diễn văn ở Trường Đảng Trung ương khi ông kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân và các nghề nghiệp khác vào hàng ngũ của mình. Thuyết này được đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVI tổ chức vào tháng 11 năm 2002.

Thuyết Ba Đại diện đã đánh dấu một bước  chuyển quan  trọng trong vai trò truyền thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà trước đây thường được miêu tả là đội quân tiên phong của giai cấp lao động (chủ yếu là công nhân và nông dân) sang một vai trò mới. Với Thuyết Ba Đại diện, Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho tất cả các nhóm xã hội, bao gồm doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp, người mà theo hệ tư tưởng chính thống trước đây bị coi là kẻ bóc lột và kẻ thù của Đảng.

“Thuyết” và “Tư tưởng”      
Cùng với Chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lí luận Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba Đại diện được đề cập trong Văn kiện Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Đại Hội Đảng lần thứ XVI năm 2002. Tháng 03/2003, Quốc hội Trung Quốc quyết định Hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có thêm phần nói về Thuyết Ba Đại diện. Tuy nhiên cần lưu ‎ ý Ba Đại diện được phân loại là “thuyết” (theory) thay vì “ tư tưởng”(thought), do đó mang tầm quan trọng kém hơn hệ tư tưởng của Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình.

Thuyết “Ba Đại diện” khẳng định vai trò của khu vực phi nhà nước trong nền kinh tế, và cho thấy chủ nghĩa thực dụng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc tái định hướng hệ tư tưởng. Kể từ sau Đại Hội Đảng lần thứ XVI, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân được bầu vào Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc; một số lượng lớn các “nhà tư bản đỏ” trở thành những nhà lãnh đạo ở cấp phường xã và thị trấn.

Thuyết Ba Đại diện cũng đánh dấu sự từ bỏ chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với khái niệm đấu tranh giai cấp khi chuyển thành đảng của toàn dân (quanmindang) chứ không phải chỉ của các thành viên “ưu tú” vô sản. Thuyết này trong thực tế giáng công nhân và nông dân – những cột trụ chính ủng hộ trong truyền thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc – xuống thành thứ yếu. Do đó, thuyết Ba Đại diện bị những cán bộ thủ cựu của Đảng chỉ trích do lo sợ làm Trung Quốc chệch hướng tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Nhiều người cũng cho rằng thuyết Ba Đại diện tập trung vào đại diện lực lượng sản xuất xã hội tiên tiến, tức là doanh nhân, do đó coi nhẹ khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng.

Những nhà phản biện khác cũng cho rằng thuyết Ba Đại diện không có ứng dụng thực tiễn và chỉ góp phần củng cố vị trí lịch sử của Tổng Bí thư Giang Trạch Dân như một nhà lí luận Mácxít ngang tầm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]