Nguồn: Bogdan Klich, “NATO after Brexit”, Project Syndicate, 28/06/2016
Biên dịch: Nguyễn Thùy Dương | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng 7/2016 tại Warsaw diễn ra vào thời điểm sau khi Anh bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU), và phương Tây đang đối mặt với mối đe dọa chưa từng có đối với khối liên minh này trong vòng 7 thập niên qua. Lịch sử đã chứng minh, cách đối phó tốt nhất với mối đe dọa này là tăng cường sự thống nhất. Và điều đó đồng nghĩa với việc cần nhiều chất NATO hơn nữa.
Trong cuộc họp tại London năm 2008, các bộ trưởng quốc phòng của các thành viên NATO đã đồng ý bắt đầu cuộc tranh luận về việc tăng cường năng lực phòng thủ và răn đe chung của khối Liên minh. Hai năm sau tại Lisbon, NATO đã thông qua Khái niệm Chiến lược mới, theo đó nhiệm vụ cốt lõi hàng đầu của Liên minh là các thành viên có nghĩa vụ tăng cường và củng cố khả năng phòng thủ tập thể. Và giờ đây, việc đạt được một cam kết hợp tác mạnh mẽ hơn như vậy ngày càng trở nên cấp thiết với việc các nhà lãnh đạo thúc đẩy thực hiện các kết luận đạt được ở hội nghị năm 2014 tại Newport, Wales.
Trước tiên, chương trình nghị sự cần bao gồm việc hoàn thiện tất cả các thành phần của Lực lượng Phản ứng tăng cường của NATO đã được nhất trí tại Newport. Các yếu tố đó bao gồm các Đơn vị Tích hợp Lực lượng và Lực lượng Đặc nhiệm Chung về Phản ứng Nhanh, cũng như Quân đoàn Đa quốc gia Đông Bắc vừa được chứng nhận, vốn đều rất cần thiết để chỉ huy các chiến dịch. Việc điều chỉnh lại vũ khí và thiết bị của Mỹ dọc sườn Đông của NATO phải được hoàn tất dưới sự điều phối của Mỹ và các nước liên quan.
Nhưng thậm chí có những vấn đề cơ bản hơn mà các nhà lãnh đạo NATO phải giải quyết ở Warsaw – các vấn đề định hình lại tương lai của khối Liên minh này. Vấn đề đầu tiên xuất phát từ nhu cầu của NATO trong việc theo sát các quỹ đạo diễn tiến khác nhau tại sườn Đông và sườn Nam, nhằm đối phó đầy đủ với các mối đe doạ khác nhau đến từ mỗi hướng.
Cụ thể, các mối đe dọa đến từ phía Nam của NATO có xu hướng trở nên mang tính “bất đối xứng” trong khi các mối đe dọa từ phía Đông mang tính “truyền thống” hơn. Xung đột tăng cường ở phía Bắc Iraq và phía Nam Syria đã làm lu mờ phần nào sự khác biệt này, nhưng điều đó càng nhấn mạnh việc các nước thành viên NATO cần phải xác định làm thế nào để thích ứng với các tình thế đang thay đổi từ cả hai phía, và đảm bảo rằng sự thích ứng đó diễn ra với một tốc độ cân bằng.
Ở phía Nam, vấn đề mấu chốt liên quan tới vai trò của NATO trong cuộc khủng hoảng tại Iraq và Syria. Can thiệp quân sự trực tiếp dường như là khó có thể xảy ra – và đó là tín hiệu khả quan. Thật vậy, miễn là không có đồng minh nào trong NATO bị tấn công, thì can thiệp quân sự ở Syria và Iraq sẽ là một bước đi sai lầm chiến lược. Thay vào đó, “Liên minh tự nguyện” được hi vọng sẽ mở rộng sứ mệnh, tiếp tục các cuộc không kích hơn là triển khai các lực lượng mặt đất.
Cũng có vẻ NATO sẽ không đảm nhận trách nhiệm như đã từng làm tại Afghanistan năm 2003, cụ thể là trợ giúp tăng cường an ninh, đồng thời xây dựng các lực lượng phòng vệ trong nước. Cuối cùng thì nhiệm vụ này đã kéo dài hơn một thập niên.
Nhưng điều này không có nghĩa là Liên minh không có trách nhiệm gì trong cuộc chiến tại Syria và Iraq. Trái lại, NATO sẽ phải chuẩn bị hỗ trợ các nước đồng minh đã chọn can thiệp quân sự, và sau đó, là những nước chọn đóng góp cho các nỗ lực ổn định cần thiết.
NATO cũng phải hỗ trợ bảo vệ vùng biên giới phía Nam châu Âu, hiện đang mất kiểm soát bởi dòng người di cư ồ ạt – vấn đề mà những người ủng hộ Brexit lợi dụng để thao túng cử tri. Quyết định đưa máy bay do thám AWACS đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ gần đây và bắt đầu nhiệm vụ tuần tra trên biển Aegean là một khởi đầu tốt, và hội nghị thượng đỉnh tại Warsaw cần thảo luận những vấn đề này và các biện pháp tương tự trong chiến lược đặc biệt đối với Nam Âu.
Về phía Đông, nước Nga sốt sắng lấy lại ảnh hưởng với các nước thuộc Liên Xô trước đây, đang theo đuổi một cuộc đối đầu theo kiểu mèo vờn chuột với NATO, trong đó có việc máy bay quân sự của Nga liên tục gần như xâm nhập ranh giới không phận. Những hành động nguy hiểm cũng diễn ra gần máy bay và tàu của các nước đồng minh, chủ yếu ở phía Đông, nhưng cũng diễn ra tại sườn phía Nam và phía Tây của NATO.
Với việc hành vi như vậy có thể nhanh chóng leo thang, nó cần phải được kiểm soát, đặc biệt thông qua cái NATO gọi là “hiện diện trước”. Những dàn xếp tại hội nghị thượng đỉnh ở Warsaw càng trở nên cấp thiết để đảm bảo sự hiện diện thường trực của lực lượng liên minh tại các nước có liên quan.
Vấn đề cốt lõi khác cần được giải quyết là sự sẵn sàng và vai trò của các nước thành viên NATO trong việc ứng phó với các thách thức mới. Điều này đòi hỏi xem xét Kế hoạch Sẵn sàng Hành động đã được thông qua tại Newport, bao gồm “các biện pháp đảm bảo” (nhằm mục đích cho phép các nước thành viên Trung và Đông Âu của NATO trấn an người dân và củng cố quốc phòng) và các “biện pháp thích ứng” (các nỗ lực dài hạn nhằm củng cố khả năng ứng phó của NATO với các cuộc khủng hoảng bất ngờ). Việc tuân theo Tuyên bố Wales về Quan hệ xuyên Đại Tây Dương, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc chia sẻ gánh nặng giữa các nước trong NATO cũng cần được khuyến khích.
Về mặt quân sự, cần xác định rõ ràng sự hiện diện của một NATO đa quốc gia. Về việc luân phiên triển khai các lực lượng ở Trung Âu, Mỹ đã cho thấy họ sẵn sàng hỗ trợ ở một mức độ nào đó. Nhưng một kế hoạch rõ ràng cần được vạch ra, bao gồm thành phần quân từ các nước Liên minh, và phải đi kèm những hành động cụ thể.
Việc triển khai lực lượng quân sự ở Trung Âu cần được cân nhắc cẩn thận, nhằm đảm bảo sự phân bố của các đơn vị không làm suy yếu khả năng phối hợp tác chiến của toàn bộ lực lượng được triển khai. Tương tự, việc luân phiên lực lượng không được phép làm suy yếu khả năng tác chiến của các đội quân được triển khai. Các đơn vị luân phiên phải có khả năng hành động trong khoảng thời gian quy định bởi các lãnh đạo chính trị.
Cuối cùng, việc phân bố nguồn lực giữa các nước Trung Âu theo Sáng kiến Củng cố An ninh Âu – Mỹ cần phải được quyết định. Do khoản đầu tư 310 triệu đô la cho việc nâng cao năng lực đối tác tỏ ra là không đáng kể, những nước nhận viện trợ tiềm năng, bao gồm Ba Lan – đang cố gắng đầu tư cho cơ sở hạ tầng riêng của mình càng nhiều càng tốt.
Nếu chương trình nghị sự đầy tham vọng này được thực hiện, hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Warsaw có thể giúp khôi phục sự đoàn kết của phương Tây, để từ đó khối Liên minh có thể đảm bảo được sự ổn định lâu dài của EU một cách đáng tin cậy. Không một thành viên NATO nào muốn bỏ lỡ cơ hội này.
Bogdan Klich, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Ba Lan, là Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan từ năm 2007 đến 2011, và là thành viên Nghị viện Châu Âu từ 2004 đến 2007.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]