Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)

scsdoc

Tác giả: Nguyễn Thành Trung

Nhằm đối phó với việc Trung Quốc thi hành chính sách gặm nhấm Biển Đông thể hiện qua việc nước này mở rộng phạm vi chiếm đóng xuống các đảo và bãi đá ở Quần đảo Trường Sa từ năm 1988, tháng 7 năm 1992, ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN đã ra Tuyên bố ASEAN về Biển Đông (ASEAN Declaration on the South China Sea) tại thủ đô Manila, Philippines. Đây được coi là lần đầu tiên ASEAN thể hiện lập trường chung của mình về Biển Đông, mặc dù tuyên bố Manila không giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà chỉ cố gắng đưa ra bộ ứng xử không chính thức dựa trên nguyên tắc tự kiềm chế, không dùng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng hòa bình. Tuyên bố này hầu hết dựa vào các nguyên tắc được giới thiệu trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC) năm 1976.

Sau đó ASEAN với sự dẫn đầu của Philippines và Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy ASEAN và Trung Quốc đàm phán xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (Code of Conduct – COC) được cho là mang tính ràng buộc nhằm đảm bảo các nước, đặc biệt là Trung Quốc, không sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên trước việc Trung Quốc lúc bấy giờ từ chối đàm phán về COC, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã ra đời như một biện pháp thỏa hiệp tạm thời.

Sau một quá trình dài đàm phán, DOC cuối cùng cũng đã được kí vào ngày 4 tháng 11 năm 2002 tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 6 tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia bởi ngoại trưởng của các nước thành viên. Thỏa thuận này nhằm ngăn ngừa căng thẳng trong tương lai và giảm bớt nguy cơ xung đột quân sự liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Các bên bày tỏ cam kết với các nguyên tắc được qui định trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á năm 1976 và Năm nguyên tắc chung sống hòa bình, đồng thời tái xác nhận sự tôn trọng và cam kết đối với tự do hàng hải và hàng không tại khu vực biển Đông. Các bên cũng đồng ý giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, thông qua tham vấn và đàm phán thân thiện giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan theo các nguyên tắc của luật quốc tế được công nhận rộng rãi và “không đe dọa hay sử dụng vũ lực”.

Các bên cũng cam kết tự kiềm chế trong các hành động có thể gây ra xung đột, và tăng cường nỗ lực để “xây dựng niềm tin và sự tin tưởng giữa các bên”. Các bên cũng đồng ý trao đổi quan điểm giữa các viên chức quốc phòng, đối xử nhân đạo đối với người gặp nạn trên biển và thông báo trước các cuộc diễn tập quân sự trên cơ sở tự nguyện. Tuyên bố cũng khuyến khích các bên tiến hành các hoạt động hợp tác ở Biển Đông như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an toàn hàng hải, hoạt động tìm kiếm cứu hộ và chống tội phạm xuyên quốc gia trên biển.

Trong quá trình đàm phán, Việt Nam muốn đưa vào DOC cam kết của các bên trong việc không xây dựng các cơ sở mới trên các thực thể nhưng bị Trung Quốc từ chối. Bản Tuyên bố cũng không đề cập đến phạm vi địa lý cụ thể, chủ yếu bởi Trung Quốc phản đối việc đưa quần đảo Hoàng Sa vào phạm vi điều chỉnh của Tuyên bố.

Có thể thấy DOC là một phần trong nỗ lực của các nước ASEAN nhằm đảm bảo rằng sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông không gây hại tới nguyên tắc cùng chung sống hòa bình. Hiểu rõ điều đó nên Trung Quốc cũng thường xuyên nhắc lại nguyện vọng giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Do đó DOC có thể được coi là cách Trung Quốc thể hiện cam kết tuân theo các nguyên tắc do các nước ASEAN đề ra.

Tuy nhiên, một điểm yếu của DOC là không mang tính ràng buộc về mặt pháp lí, đơn thuần chỉ là tuyên bố chính trị. Do đó tuyên bố này không có hiệu lực thực tế nhằm ngăn chặn hay chế tài các hành động gây căng thẳng trên Biển Đông như bắt giữ ngư dân hay mở rộng các căn cứ quân sự trên các đảo hay bãi đá đã chiếm đóng. Thực tế cho thấy cùng với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng, Trung Quốc ngày càng tỏ ra mạnh bạo hơn trong việc bảo vệ các yêu sách của mình ở Biển Đông. Mùa hè năm 2011 chứng kiến một loạt các sự kiện do Trung Quốc gây ra khiến tình hình ở Biển Đông hết sức căng thẳng, trong đó có việc Trung Quốc cho tàu xâm nhập vào các vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines và việc ngày 26/5/2011 hai tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt đứt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của PetroVietnam khi tàu đang vận hành sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những hành động này gây nên quan ngại trong các nước khu vực về ý đồ và sức mạnh của Trung Quốc cũng như các hạn chế của DOC trong việc đảm bảo hòa bình cho Biển Đông, đồng thời cho thấy nhu cầu bức thiết cần phải sớm xây dựng được COC.

Tuy nhiên sau gần một thập kỷ DOC ra đời, cho đến nay các cuộc đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể. Một kết quả đáng khích lệ duy nhất được xác nhận đó là việc ASEAN và Trung Quốc thông qua được Bản quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC ngày 21/7/2011 tại Bali, Indonesia. Mặc dù được đánh giá là một bước tiến quan trọng nhưng thực chất Bản quy tắc này cũng chỉ bao gồm 8 quy tắc rất sơ sài nhằm làm rõ thêm những nội dung của DOC mà không tạo ra nhiều đột phá. Chính vì vậy nhiều nhà phân tích cho rằng một bản COC mang tính ràng buộc cao hơn giúp đảm bảo hòa bình ở Biển Đông vẫn còn là một viễn cảnh hết sức xa vời.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]