Nguồn: “Italy’s Five Star Movement“, The Economist, 24/10/2016
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Trong gần bảy năm, Phong trào Năm Sao (Movimento 5 Stelle – M5S) của phe chủ nghĩa dân túy đã trở thành nhóm đối lập lớn nhất của Italia. Khi nước này đang tiến gần tới một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 4/12 vốn có thể dẫn đến sự sụp đổ của liên minh tả-hữu của Matteo Renzi (đương kim Thủ tướng Italia) và một đợt bất ổn chính trị mới, M5S chỉ xếp sau Đảng Dân chủ (PD) của ông Renzi một vài điểm phần trăm mà thôi.
Tại cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2013, M5S đã giành được một phần tư số phiếu bầu. Kể từ đó, đảng Forza Italia của Silvio Berlusconi – một thời là đối thủ chính của đảng PD – đã phải đứng trước nguy cơ tan rã. Một đảng cánh hữu quan trọng khác của Italia, đảng Liên đoàn phương Bắc, đã không thể gánh vác vị trí của mình; sự hấp dẫn của nó đã bị hạn chế bởi tính khu vực cũng như các quan điểm cực đoan. Trong bối cảnh này, một chính phủ M5S không còn là điều không tưởng. Vào hồi tháng Sáu, các ứng cử viên của đảng này cho ghế thị trưởng đã giành chiến thắng ở Rome và, đáng ngạc nhiên hơn (và một cách đau buồn cho đảng PD), là tại Turin, một thành trì của cánh tả. Vậy chính xác thì M5S là gì, và nó đấu tranh cho điều gì?
Vào thời điểm sáng lập phong trào vào năm 2009, không ai trong số hai thành viên sáng lập là chính khách. Một người là Beppe Grillo, một diễn viên hài giống kiểu Michael Moore hay Russell Brand. Grillo là người đã giúp M5S thu hút sự chú ý và có được sức hấp dẫn của người nổi tiếng. Nhưng người đồng sáng lập của ông, Gianroberto Casaleggio, một chuyên gia IT, là người đã mang lại cho nó tính chất đặc biệt. Grillo viết rằng ban đầu ông đã cho rằng gã mọt internet với mái tóc rối xù này là một người điên, nhưng ngay sau đó đã kết luận rằng đó là một người có tầm nhìn chiến lược. Casaleggio đã thuyết phục diễn viên hài này – người đã bị loại khỏi các show truyền hình vì đả kích những người có thế lực – để bắt đầu xuất bản một blog. Sau đó, ông khuyến khích những người hâm mộ blog sử dụng nền tảng Meetup để hình thành các nhóm nhỏ tại địa phương vốn đặt nền móng cho M5S.
Cốt lõi triết lý của phong trào này là quan điểm cho rằng nó không phải là một đảng, mà là một tổ chức được thành lập để loại bỏ các đảng phái, thứ mà nhiều người ở Ý xem như là nguồn gốc của chủ nghĩa bảo trợ và tham nhũng. Đây là một trong những điều khiến M5S khác biệt với các nhóm chính trị nổi loạn khác như Podemos hay Đảng Độc lập Anh Quốc (UKIP). Các nhóm chính trị nổi loạn này sử dụng internet để tập hợp sự hỗ trợ. M5S xem internet như là lý do cho sự tồn tại của nó: một phương tiện mà sẽ loại bỏ một cách không thương tiếc tất cả các loại hình trung gian mà rốt cuộc sẽ phá hủy các đảng phái và tạo điều kiện khả thi cho một hình thức dân chủ trực tiếp khi người dân kiểm soát chính phủ thông qua bỏ phiếu tức thì qua website.
Tầm nhìn lý tưởng, gần như mang tính cứu thế này, giải thích một số đặc điểm khác biệt khác của phong trào: việc nó từ chối thỏa thuận với các đảng phái hiện hữu, tính chất tương tự một giáo phái của nó (những người bất đồng chính kiến sẽ thường xuyên bị thanh lọc thông qua các đợt bỏ phiếu trực tuyến) và việc nó nhấn mạnh rằng nó không thuộc cánh tả hay cánh hữu (vì nó nhằm mục đích giành được toàn bộ cử tri).
Mặc dù hầu hết các nhà lãnh đạo của M5S đến từ cánh tả, nó đã thu được lượng lớn phiếu từ cánh hữu. Nhìn về hai hướng cùng lúc, nó là một đối thủ đáng sợ, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử hai vòng được quy định trong luật bầu cử mới của Italia: chẳng hạn, sau khi loại bỏ Forza Italia ở vòng đầu tiên, sau đó phong trào này có thể thu hút được nhiều cử tri của đảng đã bị loại này trong vòng bỏ phiếu thứ hai. Nhưng chính lợi thế đó lại khiến nó dễ bị tổn thương: các thành viên thiên tả và thiên hữu của phong trào đang ngày càng có nhiều xung đột về chính sách, và hình thành các phe phái không chính thức trong nội bộ phong trào.
Một thách thức lớn khác mà nó đang phải đối mặt là phải thể hiện rằng những quan chức dân cử của nó có thể khắc phục được sự thiếu kinh nghiệm của mình để quản lý một cách hiệu quả. Thị trưởng M5S mới của Roma đã có một khởi đầu thảm họa. Nếu phong trào này không thể quản lý nổi một thành phố, thì các cử tri có thể kết luận rằng nó không nên được giao trách nhiệm quản lý cả một quốc gia.
Hình: Beppe Grillo, một trong hai sáng lập viên của M5S.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]