Nguồn: Brahma Chellaney, “The Pakistani Mecca of Terror”, Project Syndicate 13/10/2016
Biên dịch: Đào Duy Tùng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Gần bảy thập niên sau khi được thành lập như là nhà nước cộng hòa Hồi giáo đầu tiên của thời kỳ hậu thuộc địa, Pakistan đang ngấp nghé bên bờ vực thẳm. Nền kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, và các nguồn lực khan hiếm. Chính phủ thì không ổn định, không hiệu quả và gặp rắc rối với các khoản nợ. Quân đội – cùng với Cơ quan tình báo (Inter – Service Intelligence – ISI) khó kiểm soát (rogue) của mình, bao gồm mạng lưới điệp viên và cảnh sát mật của quốc gia này – được miễn trừ khỏi sự giám sát dân sự, tạo điều kiện cho lực lượng này duy trì và tăng cường các mối quan hệ của mình với khủng bố.
Một Pakistan được vũ trang hạt nhân bây giờ đang đứng trước nguy cơ trở thành một quốc gia thất bại. Nhưng thậm chí nếu nó không thất bại, mối quan hệ giữa các nhóm khủng bố và lực lượng quân đội đầy quyền lực của Pakistan làm gia tăng sự lo ngại về khủng bố hạt nhân – một mối nguy cực lớn khiến Hoa kỳ phải chuẩn bị một kế hoạch dự phòng sẵn sàng loại bỏ kho vũ khí hạt nhân đang tăng nhanh của quốc gia này nếu cần.
Không sai khi cho rằng Pakistan là “điểm khởi đầu” (“ground zero”) của mối đe dọa khủng bố mà thế giới đang đối mặt. Dấu vết của nhiều vụ tấn công khủng bố ở phương Tây đã được truy ngược về Pakistan, bao gồm vụ đánh bom Luân Đôn năm 2005 và vụ thảm sát San Bernardino năm 2015. Hai phần tử quan trọng đằng sau vụ 11 tháng 9 năm 2001, và nhiều vụ tấn công khủng bố tại Hoa Kỳ – Osama bin Laden và Khalid Sheik Mohammed – được tìm thấy đang sống an toàn tại Pakistan. Trong các vụ đánh bom Manhattan và New Jersey gần đây, nghi phạm bị bắt giữ, Ahmad Khan Rahami, bị cực đoan hóa tại một trường tôn giáo ở Pakistan gần một cơ sở bí mật của Quân đội Pakistan dành cho lãnh đạo nhóm Taliban của Afghanistan.
Nhưng chính các quốc gia láng giềng đang chịu đựng hậu quả từ chủ nghĩa khủng bố được tài trợ bởi Nhà nước Pakistan. Các vụ tấn công khủng bố lớn tại Nam Á, như vụ tấn công Mumbai năm 2008 và các vụ tấn công vào Đại sứ quán Ấn Độ và Hoa Kỳ năm 2008 và 2011 tại Afghanistan rõ ràng đã được sắp đặt bởi ISI, cơ quan đã nuôi dưỡng các tổ chức khủng bố như Lashkar-e-Taiba, Jaish-e-Mohammad, và Mạng lưới Haqquni để thi hành các mệnh lệnh của mình. Điều này không phải là lời đồn đại; cựu độc tài xuất thân từ Quân đội Pakistan Pervez Musharraf đã thừa nhận rộng rãi điều đó.
Chỉ tính riêng tại Ấn Độ, quân đội Pakistan – bất chấp việc là đội quân lớn thứ 6 trên thế giới, sẽ có rất ít cơ hội để chiến thắng một cuộc chiến tranh quy ước với người hàng xóm khổng lồ của mình – đã sử dụng các nhóm khủng bố ủy nhiệm nhằm phát động một cuộc chiến bí mật. Chỉ riêng trong năm nay, quân khủng bố được hậu thuẫn bởi quân đội Pakistan đã vượt qua biên giới hai lần để tiến hành tấn công các căn cứ quân sự Ấn Độ.
Vào tháng Giêng, Jaish-e-Mohammad đã tấn công căn cứ Không quân Pathankot của Ấn Độ, bắt đầu cho nhiều ngày giao tranh khiến bảy lính Ấn Độ hy sinh. Tháng trước, các thành viên cũng của nhóm này vượt qua biên giới lần nữa và tấn công căn cứ lục quân Ấn Độ ở Uri, giết 19 lính và khiến Ấn Độ tiến hành một cuộc tấn công trả đũa có chọn lọc (surgical strike) vào phiến quân đóng ở khu vực đường ranh giới kiểm soát tại vùng Kashmir đang bị tranh chấp và chia cắt.
Afghanistan và Bangladesh cũng cáo buộc ISI phá hoại an ninh của họ thông qua các đại diện khủng bố. Hai nước này đổ trách nhiệm cho Pakistan về các cuộc tấn công khủng khiếp vừa qua ở thủ đô của mình là Kabul và Dhaka, trong đó một trường đại học và một quán café nằm trong số các mục tiêu.
Những hoạt động như thế khiến Pakistan bị cô lập. Ngay gần đây, các nước láng giềng với quốc gia này – Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka – đã hủy bỏ một Hội nghị của Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) được dự kiến tổ chức vào đầu tháng tới tại Thủ đô Islamabad của Pakistan. Thủ tướng Sri Lanka, Ranil Wickremesinghe, cảnh báo “khủng bố xuyên biên giới” đe dọa tương lai của SAARC.
Tuy nhiên, sự đi xuống về vị thế quốc tế và sự gia tăng cô lập trong khu vực là không đủ để khiến lực lượng quân đội đang thống trị của Pakistan suy nghĩ lại quan điểm của mình về chủ nghĩa khủng bố. Một trong các lý do là Pakistan tiếp tục có các nhà tài trợ đầy quyền lực. Ngoài nhận hỗ trợ tài chính từ Saudi Arabia, Pakistan, trên một vài phương diện, đã được bảo trợ bởi Trung Quốc, quốc gia cung cấp sự bảo vệ chính trị – thậm chí cho những kẻ khủng bố đóng tại Pakistan- tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tháng này, lần thứ 5 trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã phá hoại các nỗ lực trừng phạt được đưa ra bởi Liên Hợp Quốc đối với Masood Azhar, thủ lĩnh của Tổ chức Jaish-e-Mohammed có căn cứ tại Pakistan, là nhóm mà Liên Hợp Quốc đã chỉ rõ là một tổ chức khủng bố vài năm trước. Các lệnh trừng phạt được ủng hộ bởi toàn bộ thành viên của Ủy ban chống khủng bố của Hội đồng Bảo an, đặc biệt khi Ấn Độ đưa ra bằng chứng cho thấy Azhar có mối liên hệ với các vụ giết choc khủng bố tại 2 căn cứ quân sự của họ.
Tuy nhiên, về viện trợ tài chính thì chính Hoa Kỳ lại đóng vai trò là nhà hảo tâm lớn nhất của Pakistan. Chính xác là thế vì thậm chí sau khi phát hiện các dấu hiệu của Bin Laden trên lãnh thổ Pakistan, Hoa Kỳ – quốc gia dẫn đầu cái gọi là Cuộc chiến chống khủng bố – không chỉ tiếp tục chuyển hàng tỷ đô viện trợ cho Pakistan, mà còn cung cấp cho nước này một lượng lớn vũ khí sát thương. Chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng chống lại một bước đi tại Quốc hội để chính thức quy Pakistan là một quốc gia tài trợ khủng bố.
Cách tiếp cận này thể hiện cam kết của Obama đối với việc dụ dỗ quân đội Pakistan thuyết phục Taliban đồng ý về một thỏa thuận hòa bình tại Afghanistan. Nhưng chính sách đó đã thất bại. Hoa Kỳ vẫn mắc kẹt trong cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước này, khi mà một Taliban đang hồi sinh đã tiến hành ngày càng nhiều các cuộc tấn công đầy thách thức tại Afghanistan với sự trợ giúp của cơ cấu kiểm soát và chỉ huy của họ tại – như các bạn cũng đoán được – Pakistan. Không một chiến dịch chống khủng bố nào từng thành công khi mà các phiến quân được tận hưởng các nơi trú ẩn xuyên biên giới như thế.
Đạt được hòa bình tại Afghanistan, cũng như ngăn chặn sự lan truyền của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, sẽ là điều không thể nếu không làm cho quân đội Pakistan chịu trách nhiệm trước chính phủ dân sự của quốc gia này. Hoa Kỳ có rất nhiều đòn bẩy: Pakistan là một trong những nước có tỷ lệ thuế trên GDP thấp nhất trên thế giới, và phụ thuộc đáng kể vào viện trợ nước ngoài và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ nên sử dụng ảnh hưởng đó để chắc chắn quân đội Pakistan phải phục tùng – và có trách nhiệm.
Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi và nghiên cứu viên tại Học viện Robert Bosch ở Berlin, là tác giả của chín cuốn sách, trong đó có Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground và Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.
Copyright: Project Syndicate 2016 – The Pakistani Mecca of Terror
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]