Thỏa thuận khung về COC có ý nghĩa như thế nào?

Nguồn:What a new agreement means for the South China Sea”, The Economist, 30/5/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trung Quốc và ASEAN đồng ý về một “bộ khung” cho một bộ quy tắc ứng xử.

Tranh chấp lâu dài giữa Trung Quốc và các đối thủ ở Biển Đông xoay quanh một xung đột dường như không thể hòa giải: các yêu sách lãnh hải của Trung Quốc chồng lấn với yêu sách của các nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Không quốc gia nào muốn chiến tranh; nhưng cũng không ai muốn nhượng bộ. Để giảm nguy cơ xung đột vũ trang và để cho tất cả các bên yêu sách có cơ hội giữ thể diện, bề ngoài dường như các quốc gia này đang đàm phán một bộ quy tắc được thiết kế để điều chỉnh cách ứng xử và quản lý các căng thẳng trong nhiều thập kỷ. Ý tưởng này đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đưa ra vào cuối những năm 1990, sau khi vào năm 1995 Trung Quốc chiếm giữ một rạn san hô mà Philippines đã tuyên bố chủ quyền. Kể từ đó, các cuộc đàm phán đã diễn ra một cách chậm chạp. Nhưng vào ngày 18/05/2017, hai bên đã đồng ý về một thỏa thuận khung cho “bộ quy tắc ứng xử”. Nó sẽ được trình lên các bộ trưởng ngoại giao vào tháng 8, và sẽ tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Cả hai bên đều bày tỏ sự vui mừng về bước tiến này. Nhưng liệu thỏa thuận khung này sẽ có thể dẫn tới bất kỳ điều gì không?

Nếu lịch sử là một bài học, chúng ta có rất nhiều lý do để bi quan. Trong bản “Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông” (DOC) ký vào năm 2002, Trung Quốc và ASEAN cam kết “hợp tác” và “tự kiềm chế”, công nhận “sự cần thiết thúc đẩy một môi trường hòa bình, thân thiện và hài hòa” và tuyên bố rằng họ sẽ tuân theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và hướng tới một bộ quy tắc ứng xử. Chín năm sau, hai bên đã đạt được thỏa thuận về một bộ hướng dẫn mơ hồ nhằm thực hiện tuyên bố này. Và vào tháng 7 năm 2016, Trung Quốc đã đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử – một quyết định mà một số người nghi ngờ là được thúc đẩy bởi cuộc bầu cử đã đưa Rodrigo Duterte lên làm tổng thống Philippines. Người tiền nhiệm của ông Duterte là Benigno Aquino đã khởi xướng một vụ kiện chống lại Trung Quốc tại một tòa án quốc tế ở La Haye, cáo buộc Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS. Toà án đã đưa ra phán quyết ủng hộ Philippines. Tuy nhiên, ông Duterte, người có khuynh hướng thân Trung Quốc hơn ông Aquino, đã đề nghị “bỏ qua một bên” phán quyết này.

Vì vậy mới ra đời thỏa thuận khung này, một thỏa thuận được họ tạo ra trong thời gian kỷ lục. Nội dung của thỏa thuận này vẫn chưa được tiết lộ. Một phiên bản dự thảo từ tháng 3 nói về “thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau”, “nghĩa vụ hợp tác” và “tự kiềm chế”. Tuyên bố năm 2002 đã sử dụng các cụm từ tương tự, mà kết cục là đã không thể ngăn cản bất kỳ ai – nhất là Trung Quốc, khi quốc gia này xây dựng các hòn đảo nhân tạo, rõ ràng là các đảo này đã sẵn sàng về mặt quân sự, trên các vùng biển đang tranh chấp. Cũng giống như bản Tuyên bố, thỏa thuận khung này dường như thiếu các cơ chế bảo đảm thực thi hay các biện pháp chế tài việc vi phạm bất kỳ điều khoản nào trong bộ quy tắc (tiềm năng). Điều đó dường như phù hợp với tất cả các bên, các quốc gia tuyên bố muốn hòa bình và ổn định, nhưng lại không muốn tự do của mình bị kiếm chế. Khuôn khổ này cho phép Trung Quốc tỏ vẻ hợp tác mà không cần hạn chế hành vi của mình; và nó mang lại cho các quan chức ASEAN cảm giác rằng quy trình làm việc được ca ngợi của họ đang tạo ra kết quả.

Giả sử các bộ trưởng ngoại giao thông qua thỏa thuận khung này vào tháng 8, một loạt các cuộc đàm phán kéo dài sẽ bắt đầu. Ngoại trừ rằng lần này Trung Quốc đã có một nhà lãnh đạo thân thiện tại Philippines, một trong những quốc gia tranh chấp chủ chốt đối với Trung Quốc. Trung Quốc cũng có Donald Trump, người mà cách hành xử khó tiên đoán của ông có thể làm thất kinh quốc gia này, nhưng cách tiếp cận mang tính vụ lợi và giao dịch của Trump trong các vấn đề đối ngoại phù hợp với Trung Quốc nhiều hơn so với sự bảo vệ mang tính nguyên tắc của ông Barack Obama đối với một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc. Và Trung Quốc còn khiến các quốc gia tranh chấp xiêu lòng với dự án đầu tư hạ tầng “Vành đai và Con đường“, những nước cũng đang bất an trước sự rối loạn đột ngột của nước Mỹ. Nói cách khác, thỏa thuận này cho phép Trung Quốc củng cố lợi ích của mình với sự can thiệp tối thiểu cùng với một vẻ bề ngoài là công dân tốt của khu vực.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]