26/06/1948: Mỹ bắt đầu Cầu hàng không Berlin

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: U.S. begins Berlin Airlift, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1948, các phi công Mỹ và Anh đã bắt đầu dùng máy bay để phân phối thực phẩm và đồ tiếp viện tới Berlin, sau khi thành phố này bị cô lập bởi cuộc phong tỏa của Liên Xô.

Khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, nước Đức thất bại đã bị chia thành các khu vực do Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp lần lượt chiếm đóng. Thủ đô Berlin, dù nằm trong khu vực chiếm đóng của Liên Xô, nhưng vẫn được chia thành bốn phần, phe Đồng Minh chiếm phần phía Tây thành phố, còn Liên Xô giữ phần phía Đông. Tháng 06/1948, chính quyền Joseph Stalin đã cố gắng củng cố quyền kiểm soát thành phố bằng cách chặn tất cả các tuyến đường bộ và đường thủy đến Tây Berlin, nhằm gây áp lực buộc Đồng Minh di tản. Kết quả là, bắt đầu từ ngày 24/06, hai triệu người dân Tây Berlin đã bị cắt mất nguồn thực phẩm, nhiên liệu sưởi ấm và các nguồn cung thiết yếu quan trọng khác.

Dù một số người trong chính quyền của Tổng thống Harry S. Truman đã kêu gọi dùng quân đội để phản ứng trực tiếp trước cuộc tấn công của Liên Xô, bản thân Truman lại lo lắng rằng một phản ứng cứng rắn như vậy sẽ gây ra một cuộc thế chiến khác. Thay vào đó, ông đã cho thực hiện một chiến dịch cầu hàng không dưới sự kiểm soát của Tướng Lucius D. Clay, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Đức. Những chiếc máy bay đầu tiên đã cất cánh từ Anh và Tây Đức vào ngày 26/06, chứa đầy thức ăn, quần áo, nước uống, thuốc men và nhiên liệu.

Tính đến ngày 15/07, mỗi ngày có 2.500 tấn hàng hóa được đưa tới thành phố. Quy mô lớn của đợt không vận này khiến nó trở thành thách thức hậu cần rất lớn và đôi khi còn rất nguy hiểm. Các máy bay hạ cánh tại Sân bay Tempelhof mỗi bốn phút, phi công được yêu cầu bay hai chuyến bay khứ hồi mỗi ngày, trên những chiếc máy bay từng dùng trong Thế chiến II mà nay đáng lẽ phải được sửa chữa.

Liên Xô đã chấm dứt phong tỏa vào tháng 05/1949, sau khi bị cộng đồng quốc tế lên án vì đã làm cho những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội phải chịu cảnh khổ sở và đói khát. Đợt không vận – được gọi là Luftbrucke, nghĩa đen là “chiếc cầu không khí” trong tiếng Đức – vẫn tiếp tục cho đến tháng 09/1949, cung cấp tổng cộng hơn 1,5 triệu tấn vật tư, với tổng chi phí hơn 224 triệu USD. Khi chiến dịch kết thúc, Đông Berlin được sáp nhập vào Đông Đức của Liên Xô, trong khi Tây Berlin vẫn là một lãnh thổ riêng biệt, có chính quyền riêng và có quan hệ gần gũi với Tây Đức. Bức tường Berlin, được xây dựng vào năm 1961, đã tạo thành một đường phân chia giữa Đông và Tây Berlin. Việc nó sụp đổ vào năm 1989 là điềm báo cho sự tan rã của Liên bang Xô viết năm 1991, đánh dấu hồi kết của một kỷ nguyên và sự tái xuất của Berlin như là thủ đô của một nước Đức mới thống nhất.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]