Giải mã khái niệm ‘Cộng đồng chung vận mệnh’ của TQ

Nguồn: Nadège Rolland, “Eurasian Integration “a la Chinese”: Deciphering Beijing’s Vision for the Region as a “Community of Common Destiny”“, The Asan Forum, 05/06/2017

Biên dịch: Trần Quang

Tầm nhìn của Bắc Kinh về một phiên bản thế kỷ 21 của Con đường tơ lụa cổ đại đã được tiết lộ trong hai bài phát biểu của Tập Cận Bình, một bài ở Astana và bài thứ hai ở Jakarta, vào cuối năm 2013. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ cách một tháng sau hai bài phát biểu trên, Kazakhstan và Indonesia đã được chọn là địa điểm chính thức bắt đầu ý tưởng “vành đai” trên bộ và “con đường” trên biển, đúng hơn họ được lựa chọn như những biểu tượng của sự tiếp cận được tiếp tục lại của Trung Quốc đến cả nước láng giềng lục địa lẫn nước láng giềng biển. Chủ nghĩa tượng trưng rõ ràng cũng hiện diện trong chủ đề Con đường tơ lụa do ban lãnh đạo Trung Quốc lựa chọn cho điều hiện nay đã trở thành khái niệm chính sách đối ngoại mang tính xác định của kỷ nguyên Tập Cận Bình. Cho tới tháng 3/2015, tất cả các yếu tố chủ chốt cho điều sẽ chính thức trở thành “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) và từ đó sẽ được lặp lại trong các bài phát biểu chính thức và chương trình truyền hình hoa mỹ của bộ máy tuyên truyền Trung Quốc, vốn đã được trình bày trong các bài phát biểu của Tập Cận Bình vào năm 2013. Các yếu tố này bao gồm tầm nhìn của ông về một lục địa Á-Âu được liên kết với nhau bởi “5 kết nối” (sự phối hợp chính sách, kết nối cơ sở hạ tầng, thương mại không bị cản trở, hội nhập tài chính và các trao đổi giữa nhân dân với nhân dân), bị ràng buộc bởi “Tinh thần Con đường tơ lụa”, và nỗ lực xây dựng một “cộng đồng chung vận mệnh”.

Cho đến nay, hầu hết sự chú ý của quốc tế đã tập trung vào “kết nối” thứ hai của Tập Cận Bình – xây dựng cơ sở hạ tầng – và vào việc liệu bất chấp các vấn đề kinh tế trong nước đáng kể của chính mình, Bắc Kinh sẽ có thể hoàn thành lời hứa đầu tư lớn trong khu vực, trị giá tổng cộng hơn 1.000 tỷ USD hay không. Hầu như không có sự chú ý nào dành cho các “kết nối” khác và cách thức chúng cùng với nhau bao gồm một tầm nhìn của Trung Quốc về hội nhập khu vực. Quả thực, mạng lưới giao thông vận tải xuyên Á-Âu chỉ là biểu hiện vật chất cho kế hoạch của Trung Quốc làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước láng giềng của nước này ở tất cả các cấp độ và chỉ là bước đầu tiên trong việc thiết lập một trật tự khu vực, mà cho tới năm 2049 – kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – sẽ hội nhập các nền kinh tế của lục địa Á-Âu và ràng buộc họ chặt chẽ hơn nữa với Trung Quốc.

Mục đích thực sự của BRI mang tính địa chính trị ngang bằng với tính kinh tế và được hỗ trợ bởi một câu chuyện kể mơ hồ được thêu dệt xung quanh các dự án xây dựng của sáng kiến này. Các yếu tố về việc một trật tự được khôi phục có thể trông như thế nào đã xuất hiện kín đáo trong các khái niệm có liên hệ với BRI, đáng chú ý nhất là “cộng đồng chung vận mệnh” và “tinh thần Con đường tơ lụa”. Dù chúng có thể dường như vô thưởng vô phạt, các khái niệm này đã đem lại những dấu hiệu quan trọng về tầm nhìn của Bắc Kinh đối với trật tự khu vực mà BRI có thể đem đến, về phương diện cả sự phân phối sức mạnh bên trong nó lẫn các chuẩn mực sẽ cai trị cộng đồng Á-Âu tương lai. Câu chuyện kể này đang hình thành, nhưng đây là một thành phần thiết yếu trong tầm nhìn của Trung Quốc về chính họ với tư cách là một nước lớn và về vai trò lãnh đạo ngày càng tăng của họ trong khu vực.
Phần thứ nhất của bài viết này miêu tả các cuộc tranh luận trong quá khứ về bản sắc là một nước lớn của Trung Quốc. Phần thứ hai xem xét các nguyên lý của trật tự thế giới mà Trung Quốc ưa thích. Phần cuối giải mã khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh” và cho thấy cách thức BRI đem lại một cửa sổ nhìn vào trật tự khu vực tương lai lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Đặc trưng nước lớn của Trung Quốc trong cuộc tranh luận

Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chứng minh một sự nhất quán đáng ngưỡng mộ đối với các mục tiêu chiến lược họ đặt ra cho đất nước của mình: Ngoài bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ, Tập Cận Bình, giống như tất cả những người tiền nhiệm của ông, nhắm mục đích xây dựng một đất nước vững mạnh và thịnh vượng mà có thể giành lại vị trí thích đáng của họ trên trường quốc tế. Một Trung Quốc trỗi dậy chắc chắn sẽ làm rối loạn nguyên trạng quốc tế, và ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ mong muốn hơn tránh được cuộc xung đột là hậu quả của những sự thay đổi trong cán cân quyền lực. Giới tinh hoa chính trị và trí thức Trung Quốc đã và đang chuẩn bị cho sự trỗi dậy của đất nước này trong gần 4 thập kỷ, xem xét kỹ lưỡng “sức mạnh dân tộc toàn diện” của nước này và so sánh nó với các nước khác, nghiên cứu vai trò của họ trên thế giới, tranh luận về các triển vọng của họ đối với vai trò lãnh đạo, và cố gắng điều hướng xung quanh cái gọi là “bẫy Thucydides”. Như David Shambaugh chỉ ra, điều đáng chú ý là “rất ít, nếu có, các cường quốc chủ yếu hoặc tham vọng khác tham gia một sự luận bàn tự phản chiếu như vậy”.

Có thể nhận thấy một sự tiến bộ khiêm tốn nhưng đều đặn trong các cuộc tranh luận trí thức về bản sắc và vai trò như một nước lớn của Trung Quốc – từ một nước phát triển nhìn chung là hướng nội, bình tĩnh “quan sát” và “chờ thời” (Câu niệm chú chính sách đối ngoại của Đặng Tiểu Bình là “lặng lẽ quan sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh ứng phó, giấu mình chờ thời, giỏi về phòng thủ và quyết không đi đầu”) khi họ thận trọng can dự với thế giới bên ngoài, đến một bên tham gia chủ động hơn, dường như sẵn sàng định hình môi trường khu vực của họ theo những mong muốn của riêng mình. Như Gilbert Rozman nhận xét, Trung Quốc đã lựa chọn bản sắc nước lớn vào những năm 1990, đến cuối thập kỷ lưu ý rằng “trong số tất cả các đối thủ trong cuộc truy tìm bản sắc dân tộc […], khái niệm Trung Quốc là một nước lớn đã giành được một chiến thắng rõ ràng”. Kể từ đó, cuộc hội thoại nội bộ về bản sắc của Trung Quốc đã tiếp tục phát triển. Các cuộc tranh luận đã đặc biệt trở nên mạnh mẽ trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của Hồ Cẩm Đào (2002-2007), một giai đoạn đã được đánh dấu bởi sự tự tin đang dần tăng lên về chiều hướng đi lên của sức mạnh dân tộc. Sự thừa nhận công khai đầu tiên của Trung Quốc về ý định của họ đạt được vị thế nước lớn đã xuất hiện vào năm 2003 dưới dạng khẩu hiệu “sự trỗi dậy hòa bình”, sớm được thay thế bằng “sự phát triển hòa bình” và sau đó là “thế giới hài hòa”. Cảm giác lạc quan của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và sự mong đợi của họ đối với vinh quang sắp đến đã rõ ràng khi Bắc Kinh chuẩn bị đăng cai tổ chức Thế vận hội 2008, được củng cố bởi hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm đó. Trong mắt các nhà phân tích và hoạch định chính sách Trung Quốc, cuộc khủng hoảng này đã phơi bày những khuyết điểm về thể chế và xã hội của mô hình phát triển phương Tây và đã đem lại một cơ hội lịch sử để thúc đẩy những sự thay đổi trong hệ thống quốc tế. Với việc trung tâm của lực hấp dẫn toàn cầu đang ngày càng chuyển hướng sang châu Á, khả năng về một thế giới đa cực dường như sắp xảy ra. Trong thế giới mới này, vai trò và tiếng nói của Trung Quốc chắc chắn sẽ lớn hơn.

Sự thay đổi quyền lực sang châu Á sắp xảy ra đã thúc đẩy giới tinh hoa làm sâu sắc thêm tầm nhìn của họ về việc hiện nay vai trò của Trung Quốc nên là gì và phát triển một chiến lược lớn đi cùng mà sẽ phù hợp hơn với bối cảnh quốc tế mới – và phục vụ các lợi ích của Trung Quốc. Các lựa chọn cho những ưu tiên chính sách đối ngoại của Trung Quốc, bản chất sức mạnh của họ và chiến lược thích hợp nhất để đạt được một sự chuyển giao quyền lực suôn sẻ đã được thảo luận trong thời gian dài. Nhìn chung, những người đề xướng cách tiếp cận giấu mình chờ thời, thận trọng và thay đổi dần dần đã có xu hướng rút lui khi cuộc tranh luận này tiến triển. Việc Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo hàng đầu đã đánh dấu một sự thay đổi sang một cách tiếp cận chính sách đối ngoại chủ động hơn, theo sau sự quyết đoán nổi lên năm 2009-2010. Ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ “cố gắng đạt được thành tựu” nhằm bảo vệ tốt hơn “các lợi ích cốt lõi” được xác định lại của họ. Những ngày sau khi Tập Cận Bình được chỉ định làm Tổng bí thư ĐCSTQ vào tháng 11/2012, ông đã cam kết thực hiện “giấc mơ Trung Quốc về sự phục hưng vĩ đại của dân tộc”.

Trong khi sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể được đánh giá bằng cách sử dụng những thước đo sức mạnh dân tộc bằng vật chất, William Callahan viết rằng phục hưng dân tộc Trung Quốc là một “câu chuyện kể đạo đức tìm cách sửa chữa những gì được coi là bất công lịch sử của thế kỷ của sự nhục nhã dân tộc và đưa Trung Quốc trở lại vị trí thích đáng của họ ở trung tâm của thế giới”, nhìn lại “thời hoàng kim của Trung Quốc đế quốc như một kiểu mẫu”. Giấc mơ Trung Quốc của Tập Cận Bình là về “phục hồi” hoặc “tiếp tục lại”, điều có nghĩa là giành lại vị trí là một nước lớn trong quá khứ của Trung Quốc, được tôn lên thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của châu Á. BRI đem lại cái gần đúng nhất cho đến nay với việc khu vực này sẽ trông như thế nào một khi tầm nhìn này được hoàn thành, mở ra một cửa sổ nhìn vào tầm nhìn dành cho lục địa Á-Âu, khu vực mà bản đồ kinh tế và chính trị của nó đã được định hình lại theo thế giới quan riêng của Trung Quốc, trong hình ảnh riêng của họ và phản ánh những đặc trưng độc nhất của riêng nước này.

Một trật tự Trung Quốc hoàn hảo

Như Christopher Ford lưu ý, sự bất mãn của Trung Quốc đối với trật tự thế giới do Mỹ chi phối hiện nay đã là đặc trưng không thay đổi của giọng điệu chính thức trong vài năm. Trở lại năm 2002, Giang Trạch Dân đã than vãn rằng “trật tự chính trị và kinh tế quốc tế cũ, vốn bất công và phi lý, vẫn chưa được thay đổi một cách căn bản”. Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng cái được gọi là “toàn cầu hóa” chính xác hơn nên được gọi là “phương Tây hóa hoặc Mỹ hóa”, một tiến trình đã cho phép phương Tây chi phối thế giới về mặt chính trị và kinh tế. Các chuẩn mực và quy tắc tương tác phổ biến của trật tự quốc tế hiện tại được coi là chủ yếu phục vụ các lợi ích bá quyền của Mỹ và như vậy, “hiển nhiên” là bất công đối với các cường quốc đang trỗi dậy, bao gồm Trung Quốc. Ban lãnh đạo Trung Quốc gần đây đã trở nên lớn tiếng hơn về nhu cầu trật tự hiện nay cần phải điều chỉnh và thích nghi với sự phân bổ sức mạnh toàn cầu mới, và chỉ trích công khai hơn các nguyên lý của hệ thống hiện tại. Chẳng hạn, Phó Oánh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, trong một vài dịp gần đây đã lập luận rằng “các khái niệm cũ” mà đã củng cố trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo đã không còn thích hợp và điều cần thiết hiện nay là “tư duy mới để xây dựng một khuôn khổ toàn cầu mới, hoặc chúng ta có thể sử dụng thuật ngữ trật tự toàn cầu”. Trong “trật tự tự nhiên của vạn vật”, Trung Quốc đi lên vị thế nước lớn sẽ “dẫn đến việc tạo ra một hệ thống thế giới mới” mà sẽ phản ánh tốt hơn các lợi ích và giá trị của riêng mình.

“Giấc mơ Trung Quốc về sự phục hưng vĩ đại của dân tộc” của Tập Cận Bình không thể hoàn thành với bản sắc được dự tính chỉ dựa trên sức mạnh vật chất. Nó cũng đòi hỏi một khía cạnh tư tưởng mà sẽ không đem lại bất kỳ thách thức nào cho sự quản trị của ĐCSTQ và sẽ không chỉ là một “phản mô hình” đối với hệ thống phương Tây mà sẽ còn đem lại cho thế giới một mô hình Trung Quốc độc nhất.

Để đạt được mục đích này, giới tinh hoa trí thức đã xem xét lại lịch sử dân tộc và văn hóa chính trị và chiến lược truyền thống để lấy cảm hứng. Họ đã vạch ra những sự tương đồng giữa các giai đoạn trước đây trong lịch sử Trung Quốc và nền chính trị thế giới đương đại và đã vay mượn từ tư tưởng trước đó để phát triển các khái niệm mới có thể áp dụng vào sự trỗi dậy thế kỷ 21 của Trung Quốc. Các khái niệm đã được “khai quật và sắp xếp lại” để xây dựng một “khung tham khảo cho một bản sắc Trung Quốc hiện đại” mới, mà hòa trộn các câu chuyện kể lịch sử và các truyền thống được tân trang lại. Nho giáo mới đã có một sự quay trở lại đáng chú ý và giới tinh hoa tin rằng Trung Quốc có thể sử dụng văn hóa truyền thống của mình như một cách để “tỏa ra bên ngoài” trên khắp châu Á. Chẳng hạn, trong một phiên họp nghiên cứu của Bộ Chính trị vào tháng 1/2014, Tập Cận Bình đã đòi hỏi rằng “sức quyến rũ của văn hóa Trung Quốc” phải được thể hiện với thế giới và “các giá trị Trung Quốc hiện đại” phải được truyền bá. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ràng các giá trị này là gì, cũng như cách thức chúng có thể đem lại nền tảng cho những niềm tin và chuẩn mực chung trên khắp một khu vực đa dạng về văn hóa và chính trị như khu vực mà BRI bao trùm.

Công việc xây dựng vẫn đang diễn ra, tuy nhiên, bản sắc là một nước lớn của Trung Quốc rõ ràng dựa trên cảm giác chủ nghĩa ngoại lệ mạnh mẽ. Câu chuyện kể chính thức được cẩn thận dựng lên xung quanh quan điểm rằng vì những đặc trưng độc nhất của mình, Trung Quốc sẽ là một nước lớn hoàn toàn khác và ưu thế hơn về mặt đạo đức so với các ví dụ lịch sử gần đây của phương Tây. Trung Quốc sẽ không tái tạo mô hình bóc lột và hung hăng của phương Tây, mà cho đến nay đã thể hiện đầy đủ nhiều khuyết điểm và thiếu sót của nó. Tính cách truyền giáo của phương Tây, điều tìm cách lan truyền các giá trị và các thể chế của họ, áp đặt chúng bằng vũ lực nếu cần thiết, chắc chắn đã dẫn đến các cuộc chiến tranh và xâm chiếm quân sự. Trái lại, Trung Quốc được các nhà văn và giới tinh hoa chính trị Trung Quốc miêu tả là vốn đã tốt đẹp, bác ái và hòa bình. Năm nay, Tập Cận Bình đã tuyên bố trong bài phát biểu chủ chốt của ông tại văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva rằng “Trong hàng thiên niên kỷ, hòa bình đã nằm trong máu của người Trung Quốc chúng tôi và là một phần trong gen di truyền của chúng tôi”. Trung Quốc dựa vào quy tắc đức hạnh và “quyền lực nhân đạo” và ủng hộ “hài hòa với những sự khác biệt”, một khái niệm thường được truyền tải trong giọng điệu chính thức là Trung Quốc sẵn lòng rộng lượng để các nước khác đi theo “con đường phát triển riêng” của họ.

Hiện nay, các chủ đề này được thêu dệt, hầu hết như những thông điệp ngầm, thành câu chuyện kể có liên hệ với BRI. Theo lộ trình do Chính phủ Trung Quốc công bố vào tháng 3/2015, các giá trị “hòa bình, mang lại lợi ích chung và học hỏi lẫn nhau, tính bao dung và cởi mở” là các yếu tố của “tinh thần Con đường tơ lụa” mà đã “được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thúc đẩy sự tiến bộ của nền văn minh con người và đóng góp lớn cho sự thịnh vượng và phát triển của các nước dọc theo Con đường tơ lụa”. Một bài xã luận của Tân Hoa xã khẳng định rằng các phiên bản sáng kiến Con đường tơ lụa mới không phải của Trung Quốc, như các dự án của Mỹ và Nhật Bản, “tìm cách chi phối bằng cách thuyết giáo về sự đối đầu và loại bỏ các đối thủ khác”. Bài xã luận lập luận hơn nữa rằng “không giống các tuyến đường biển lớn dẫn đến Thế giới mới do các nhà thám hiểm châu Âu khám phá ra, mà đã thúc đẩy cuộc xâm chiếm và thực dân hóa đẫm máu, Con đường tơ lụa luôn là một con đường hòa bình”. BRI được truyền tinh thần Con đường tơ lụa, cam kết tôn trọng quyền của tất cả các nước “độc lập lựa chọn các hệ thống xã hội và con đường phát triển của mình”. Nói cách khác, nó bác bỏ sự biến đổi chính trị và sự thúc đẩy dân chủ, coi đây như một nguyên nhân của “các cuộc cách mạng sắc màu” và sự bất ổn chính trị. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRI tại Bắc Kinh vào tháng 5/2017, Tập Cận Bình đã cam kết rằng Trung Quốc “không có ý định can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước khác, truyền bá hệ thống xã hội và mô hình phát triển của riêng chúng tôi, hay áp đặt nguyện vọng của riêng chúng tôi lên các nước khác. Trong việc theo đuổi BRI, chúng tôi sẽ không dùng đến thủ đoạn địa chính trị lỗi thời”. Trung Quốc chỉ hy vọng tạo ra một “gia đình lớn cùng chung sống hài hòa”.

Cộng đồng chung vận mệnh hay hệ thống “thiên hạ” quay trở lại?

Các tham chiếu dẫn đến “Con đường tơ lụa hòa bình và thịnh vượng” mà gợi lại một quá khứ tưởng tượng được đánh bóng lại nhằm phù hợp với các mục đích hiện tại của Bắc Kinh không phải chỉ là giọng điệu rỗng tuếch. Ban lãnh đạo Trung Quốc đã không chỉ chứng minh một quyết tâm đáng kể giành lại vị trí thích đáng là một nước lớn của mình, họ cũng đang ngày càng cho thấy họ sẵn lòng hành động như một “động lực thúc đẩy trong việc xây dựng lại hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu” mà “cần được cải cách và điều chỉnh”. Theo Phó Oánh, BRI là câu trả lời cho nhu cầu này: BRI sẽ biến đổi “hệ thống quốc tế hiện nay và sẽ giúp nó phát triển dần thành một cấu trúc công bằng hơn và dung nạp hơn”. Chiến lược gia Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và cố vấn Ủy ban an ninh quốc gia xuất chúng Tướng Bành Quang Khiêm giải thích rằng sáng kiến này là một nỗ lực nhằm đảo ngược tiến trình phương Tây hóa và thách thức sự chi phối của Mỹ. Theo quan điểm của ông, BRI “không giới hạn bản chất hệ thống chính trị của một nước nhất định, không được làm nổi bật bởi ý thức hệ, không tạo ra các giới bạn bè nhỏ bé, không thiết lập chủ nghĩa bảo hộ thương mại, không thiết lập những sự phong tỏa kinh tế, không kiểm soát dây cứu sinh kinh tế của các nước khác hay thay đổi hệ thống chính trị của các nước khác”. Trái ngược với trật tự chính trị và kinh tế quốc tế hiện nay, vốn được xác định bằng “sự bất bình đẳng, tính ép buộc và tính độc nhất của nó” và theo đó “ưu thế quân sự, tài chính và ngôn ngữ” được sử dụng cho những mục đích “ích kỷ, trục lợi và vụ lợi”, khái niệm chiến lược “Vành đai và Con đường” “duy trì tinh thần Con đường tơ lụa là cởi mở, khoan dung, nơi tất cả các nước, to hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều bình đẳng”. Tương tự, trong một lời chỉ trích tương đối công khai đối với các hiệp ước liên minh của Washington, bài phát biểu tại Diễn đàn BRI của Tập Cận Bình đã kêu gọi “một kiểu quan hệ quốc tế mới” dựa trên “những sự hợp tác của đối thoại không đối đầu và của tình hữu nghị thay vì liên minh”.

Cho dù tế nhị hay thẳng thắn, việc Trung Quốc bác bỏ mô hình do Mỹ lãnh đạo và những sự bày tỏ về sự bất mãn của họ đối với tính hợp pháp và tính hiệu quả của hệ thống cai trị toàn cầu hiện tại đang ngày càng khó có thể phớt lờ. Nhưng chính xác điều gì nằm vượt ra ngoài lời phê phán này và kiểu trật tự nào Bắc Kinh muốn thấy xuất hiện thay vì trật tự hiện tại thì còn phức tạp hơn để có thể nắm bắt. Hiện nay BRI được thể hiện như phản ứng của Trung Quốc trước một nhu cầu thúc bách cần phải có sự thay đổi. Do đó, theo dõi các khái niệm liên quan của nó, như ý tưởng một “cộng đồng chung vận mệnh”, và việc cố gắng hiểu được ý nghĩa sâu xa hơn của chúng có thể đem lại dấu hiệu nào đó về kiểu hệ thống nào ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ ủng hộ.

Hồ Cẩm Đào đã sử dụng thuật ngữ cộng đồng chung vận mệnh trong báo cáo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 17 của ông vào năm 2007 để miêu tả mối quan hệ đặc biệt giữa Đại lục và Đài Loan, ám chỉ rằng hai thực thể chính trị khác nhau có thể có quan hệ tương đối tốt đẹp bất chấp những sự khác biệt của họ. Lần đầu tiên Tập Cận Bình sử dụng thuật ngữ này là tại Diễn đàn Bác Ngao tháng 4/2013 khi ông nhấn mạnh với các bên tham dự (hầu hết là châu Á) nhu cầu cần phải có sự phát triển chung: “Là các thành viên của cùng một ngôi làng toàn cầu, chúng ta nên nuôi dưỡng cảm giác về cộng đồng chung vận mệnh, đi theo xu hướng của thời đại, giữ định hướng đúng đắn, đoàn kết với nhau trong thời điểm khó khăn và đảm bảo rằng sự phát triển ở châu Á và phần còn lại của thế giới đạt được những đỉnh cao mới”. Trong hai năm tiếp theo, Tập Cận Bình đã sử dụng thuật ngữ này hơn 60 lần, bao gồm trong các bài phát biểu chính sách đối ngoại lớn – chẳng hạn, khi công bố Con đường tơ lụa trên biển trước quốc hội Indonesia vào ngày 2/10/2013, và một vài tuần sau trước khán giả trong nước, trong Hội nghị công tác ngoại giao với các nước láng giềng.

Tập Cận Bình cũng đã sử dụng thuật ngữ cộng đồng chung vận mệnh trong bối cảnh hai sự kiện lớn liên quan đến an ninh: Trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban an ninh quốc gia mới vào tháng 4/2014 và tại Hội nghị thượng đỉnh về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin tại châu Á (CICA) vào tháng 5/2014. Tại cuộc họp của Ủy ban an ninh quốc gia, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh kết nối giữa an ninh quốc gia và sự phát triển kinh tế và khẳng định rằng an ninh trong và ngoài nước đều quan trọng đối với Trung Quốc. Ông cũng lưu ‎ý rằng Trung Quốc cần phải “không những chú ý đến an ninh của riêng mình, mà còn tới an ninh chung, tạo ra một cộng đồng chung vận mệnh, thúc đẩy lợi ích chung và cùng nhau tiến bộ hướng tới mục tiêu an ninh chung”. Một tháng sau, tại Hội nghị thượng đỉnh CICA, Tập Cận Bình đã khẳng định: “Tất cả chúng ta đều sống trong cùng một gia đình châu Á. Với các lợi ích và an ninh của chúng ta gắn bó rất chặt chẽ, chúng ta sẽ cùng nổi hoặc cùng chìm và chúng ta đang ngày càng trở thành một cộng đồng chung vận mệnh”. Do đó, bối cảnh mà khái niệm này đã được sử dụng đem lại một vài dấu hiệu quan trọng về ý nghĩa của nó. Thứ nhất, bối cảnh này mang tính dung nạp, cho thấy khả năng các nước hợp tác với nhau bất chấp những sự khác biệt lớn về chính trị xã hội hay văn hóa. Thứ hai, nó áp dụng hầu hết cho châu Á và các nước láng giềng của Trung Quốc. Thứ ba, khái niệm này có cả thành phần kinh tế lẫn an ninh. Các mục tiêu của nó là củng cố cả “sự phát triển chung” lẫn “an ninh chung”, phản ánh quan điểm chung của Tập Cận Bình rằng “phát triển là nền tảng của an ninh, và an ninh là một điều kiện để phát triển”.

BRI không có ý định tạo ra một thể chế khu vực, siêu quốc gia mới mà sẽ là thể chế châu Á tương đương với Liên minh châu Âu. Bắc Kinh không thiết lập bất kỳ cơ chế thể chế trung tâm nào hay ban thư ký để định hình và thống trị “cộng đồng chung vận mệnh” này, và không có hiệp ước nào được ký kết. Các nước “Vành đai và Con đường” “không bắt buộc phải chuyển giao chủ quyền của họ hay chấp nhận bất kỳ sự hiện diện quân sự nào”. BRI vượt qua các ranh giới khu vực truyền thống và “xóa bỏ những chia rẽ nhân tạo giữa Trung Đông, Tây Á, Trung Á và Đông Á”. Chính quyền Trung Quốc khẳng định rằng dự án này mang tính cởi mở và dung nạp và tất cả đều hoan nghênh được “ngồi trên chuyến tàu tốc hành của sự phát triển của Trung Quốc”. Tuy nhiên, theo hai nhà phân tích Trung Quốc, các quốc gia này, đặc biệt các nước “ít nhiều phụ thuộc vào nền kinh tế của Trung Quốc”, cuối cùng có thể “hình thành một khối” với Trung Quốc và xây dựng một “kiểu liên minh mới, không nhằm chống lại một bên thứ ba, nhưng khi phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh có thể có tiếng nói chung và phản ứng thống nhất”.

Không có một khuôn khổ thể chế cứng nhắc, cộng đồng này giống như một mạng lưới không chính thức. Các nguyên tắc và chuẩn mực mà sẽ điều tiết và tạo dựng các tương tác giữa các thành viên của nó không được nêu rõ ràng, ngoài thực tế rằng chúng nên “được cùng xây dựng thông qua tham vấn để đáp ứng các lợi ích của tất cả”. Tuy nhiên, không thể không lưu ý rằng Trung Quốc là bên tham gia lớn nhất và quyền lực nhất trong cộng đồng này và đem lại vai trò lãnh đạo: Khởi xướng dự án BRI, tự miêu tả mình là nước cung cấp hàng hóa công hào hiệp; đề xuất một danh sách các lĩnh vực có thể hợp tác dưới sự bảo trợ của BRI; và thúc giục các nước khác tham gia. Bắc Kinh cũng đem lại những sự khích lệ về vật chất dưới dạng đầu tư, các dự án cơ sở hạ tầng và các lợi ích kinh tế và an ninh chung cho các thành viên của cộng đồng. Như một học giả Trung Quốc đã giải thích với tác giả vào tháng 12/2016 rằng đổi lại, họ mong đợi các thành viên ngầm nhất trí không thách thức các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, chỉ trích tư thế của họ hay can thiệp vào các vấn đề nội bộ của họ.

Một mô hình tương tác như vậy, dựa trên một giao kèo ngầm giữa một Trung Quốc trung tâm về văn hóa và chính trị ở phần cốt lõi và các nước láng giềng châu Á của họ ở ngoại vi, mang hơi hướng “cảm giác quen thuộc khó hiểu”. Trở lại thế kỷ 19, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã được thiết lập xung quanh điều mà nhà Hán học John Fairbank đã mô tả là như hệ thống cống nạp hay “thiên hạ”. Các hoàng đế sẽ cho phép các nước ngoài thiết lập tiếp xúc thương mại và ngoại giao với Trung Quốc với điều kiện các sứ thần của các nước này sẽ phải chứng tỏ được lòng thành kính của mình bằng cách dâng cho họ vật cống nạp dưới dạng các món quà như “các sản phẩm địa phương và hàng hóa tiêu dùng quý hiếm”, cũng như những cử chỉ mang tính biểu tượng như cúi đầu. Đổi lại, người trị vì Trung Quốc sẽ ban tặng các món quà quý giá như vàng và lụa và nhiều “biểu tượng quan trọng cho tính hợp pháp và sự chấp nhận cho phép được vào thế giới văn minh lấy Trung Quốc làm trung tâm”. Các nước láng giềng của Trung Quốc đã không chỉ tìm kiếm lợi nhuận kinh tế mà còn sự bảo vệ quân sự, hoặc “cam kết đáng tin cậy” ở mức tối thiểu của Trung Quốc “không lạm dụng quyền lực của mình đổi lấy sự chấp nhận của họ đối với uy thế văn minh của Trung Quốc”. Mặc dù là một khái niệm gây tranh cãi, hệ thống cống nạp phản ánh thực tế của một châu Á lấy Trung Quốc làm trung tâm, phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc không chỉ về văn hóa mà còn về an ninh và thương mại.

Như Thiếu tướng Kiều Lương đã lưu ý tại một hội nghị chuyên đề về an ninh quốc tế của trường Đại học Quốc phòng quốc gia, chiến lược “Vành đai và Con đường” “có một cảm giác về hệ thống ‘thiên hạ’”. “Các điểm đánh dấu một sự biến đổi hiện đại của hệ thống cống nạp Trung Quốc cổ đại”, như Peter Chang mô tả, đã đặc biệt rõ ràng trong Diễn đàn BRI gần đây. Khoảng 30 nhà lãnh đạo thế giới và 1500 đại biểu đã tham dự, một số sẵn sàng ký kết Biên bản ghi nhớ liên quan đến các hàng hóa tiêu dùng như dầu mỏ và khí đốt, nước, đất nông nghiệp, và tiếp cận thị trường. Các đại diện của các tổ chức quốc tế và các nhà lãnh đạo thế giới không cúi đầu nhưng về mặt biểu tượng, họ đã đưa ra những lời ca ngợi và tán thành tầm nhìn BRI của Tập Cận Bình. Thậm chí Fiji đã chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thay vào đó thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Đổi lại, Tập Cận Bình không trao cho họ vàng hay lụa, mà những lời hứa đầu tư, các hiệp định thương mại tự do, các khoản vay, các khu công nghiệp, đường sắt, lưới điện, hỗ trợ thực thi pháp luật và hợp tác giáo dục nhiều hơn.

Vượt ra ngoài mục đích mang tính biểu tượng là giành lại vị trí của Trung Quốc tại trung tâm của châu Á, trật tự khu vực mà có thể phát triển như một kết quả của dự án BRI thành công sẽ rất khác với trật tự mà các nền dân chủ tự do ủng hộ. Không giống các nước phương Tây, Trung Quốc không áp đặt bất kỳ điều kiện nào lên các đối tác của họ: Không đòi hỏi sự minh bạch của chính phủ, các biện pháp chống tham nhũng hay cam kết đối với “cai trị hiệu quả, tự do kinh tế và đầu tư vào các công dân của mình” để đổi lấy đầu tư, sự giúp đỡ về kinh tế và hợp tác an ninh. Bằng việc giúp đỡ các nước láng giềng của mình đạt được tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc sẽ đưa cho họ các biện pháp để tăng cường và bảo vệ sự thống trị của họ. Hợp tác an ninh được tăng cường nhờ BRI cũng sẽ cho phép các nước này cải thiện các kỹ thuật kiểm soát xã hội của họ. Cộng đồng chung vận mệnh không phải một nhóm các nền dân chủ tương tác với nhau theo một loạt quy tắc và giá trị tự do như cai trị hiệu quả và bảo vệ nhân quyền. Ý nghĩa của “tính dung nạp” của BRI là các quốc gia với các hệ thống chính trị đều có cùng sự tiếp cận đến với các lợi ích đầu tư và thương mại của Trung Quốc như bất kỳ nước nào khác, mà không cần điều kiện chính trị. Tuy nhiên, duy trì sự đa dạng chính trị và xã hội của lục địa Á-Âu không đồng nghĩa là tất cả các nước đều bình đẳng. Vì quy mô, nền văn minh và sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của nước này, Trung Quốc tự thấy mình ở vị trí cao nhất trong cộng đồng mà họ nhắm mục tiêu tạo ra.

Theo ngôn từ của Samuel Huntington, vai trò mới này là bá quyền khu vực dành cho Trung Quốc được hình dung như một “dự báo mở rộng của bản sắc văn minh Trung Quốc”. Các chuẩn mực mà BRI muốn đặt ra dưới chiêu bài tinh thần Con đường tơ lụa được bao bọc trong lớp vỏ các nguyên tắc và yếu tố Nho giáo mới của trí tuệ Trung Quốc truyền thống mà đã được lựa chọn cẩn thận để phù hợp với mục đích rộng lớn hơn là bác bỏ các quyền phổ quát và chuẩn mực tự do. Thay vì tạo ra nền tảng cho một ‎ý thức hệ mới hoặc một trật tự quốc tế mà sẽ thay thế trật tự hiện tại bằng các thể chế và quy tắc mới, BRI có thể đưa lục địa Á-Âu trở thành một miếng ghép phi tự do chèn vào trật tự toàn cầu. Khu vực này sẽ vẫn trao đổi thương mại và tương tác ngoại giao với phần còn lại của thế giới, nhưng tầm ảnh hưởng của các giá trị và chuẩn mực của phương Tây sẽ bị thu nhỏ đáng kể.

Kết luận

Có những lý do để hoài nghi về các triển vọng hệ thống cống nạp sẽ quay trở lại trong thế giới thế kỷ 21. Ngay dù nếu chế độ Trung Quốc có ý định sử dụng BRI để chuẩn bị cho một trật tự Á-Âu lấy Trung Quốc làm trung tâm trong tương lai, nước này phải thuyết phục các nước khác về tính hợp pháp của tuyên bố quyền lãnh đạo của Trung Quốc. Các giá trị và chuẩn mực Con đường tơ lụa mà Bắc Kinh đang tạo dựng sẽ phải chứng tỏ được sức hút của chúng đối với các nước đi theo tiềm tàng. Điều được cho là ưu thế đạo đức của mô hình Trung Quốc, mà được giới tinh hoa của nước này tán dương, có thể không vượt qua được bài kiểm tra là sự phản đối của các cường quốc khu vực khác đối với sự bá quyền của Trung Quốc. Các nước nhỏ hơn có thể cũng thấy ngày càng khó có thể chấp nhận tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở ngay ngưỡng cửa của họ.

Tuy nhiên, vào thời điểm sự phản đối ngày càng tăng đối với các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, sẽ là một sai lầm khi bác bỏ lời chỉ trích ngày càng gay gắt của Trung Quốc được truyền qua bộ máy tuyên truyền của nước này đối với chủ nghĩa tự do mà Mỹ lãnh đạo. Những yêu cầu về toàn cầu hóa công bằng hơn, cân bằng hơn như những gì Tập Cận Bình đã đưa ra trong bài phát biểu tại Davos của ông, có thể không chỉ có tiếng vang trong thế giới các nước đang phát triển mà còn ở các quốc gia công nghiệp tiên tiến, mà các xã hội của họ đang vật lộn với những hậu quả của việc bãi bỏ quy định quá mức. Bất chấp tính thực tế của chúng, những tham vọng của Trung Quốc thay đổi các chuẩn mực và mô hình tương tác ở khu vực láng giềng rộng lớn hơn của họ là có thật. Ban lãnh đạo này đã dành những nguồn lực đáng kể – trí tuệ, ngoại giao, tuyên truyền – để biến chúng trở thành sự thật. Chỉ vì phương Tây chưa hoàn toàn hiểu chúng không đồng nghĩa là chúng không có ý nghĩa, không quan trọng hoặc buộc phải thất bại.

Nadège Rolland là nhà nghiên cứu cấp cao về chính trị và an ninh, Cục Nghiên cứu Quốc gia về Châu Á (NBR), Mỹ. 

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]