Sự khác biệt giữa quốc tịch và tư cách công dân?

Print Friendly, PDF & Email

 

Nguồn:What is the difference between nationality and citizenship”, The Economist, 10/7/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Hai khái niệm liên quan chặt chẽ nhưng không hoàn toàn giống nhau

Vào tháng 10 năm ngoái, khi tương lai chính trị của Theresa May vẫn còn tươi sáng, thủ tướng Anh đã chỉ trích các đối thủ của mình rằng: “Nếu bạn tin rằng bạn là một công dân toàn cầu, thì bạn chẳng là công dân của một quốc gia nào. Bạn không hiểu ‘tư cách công dân’ nghĩa là gì.” Nói cho công bằng, khái niệm tư cách công dân (citizenship) rất phức tạp, đặc biệt khi so sánh với một khái niệm phức tạp không kém là quốc tịch (nationality). Vậy sự khác biệt giữa hai khái niệm này là gì?

Nhìn chung, người mang quốc tịch (national) là thành viên của một quốc gia. Một người được hưởng quốc tịch thông qua việc được sinh ra, được nhận làm con nuôi, kết hôn, hay theo dòng dõi (quy định cụ thể là khác nhau giữa các quốc gia). Có quốc tịch là điều quan trọng để có được sự công nhận đầy đủ theo luật quốc tế. Thật vậy, Điều 15 của Tuyên ngôn phổ quát về Nhân quyền tuyên bố rằng “Mọi người đều có quyền có quốc tịch” và “Không ai bị tước đoạt một cách tùy tiện quốc tịch hay bị từ chối quyền thay đổi quốc tịch của mình” nhưng lại không có quy định gì về tư cách công dân.

Tư cách công dân (citizenship) là một khái niệm hẹp hơn: nó là một mối quan hệ pháp lý cụ thể giữa một nhà nước và một cá nhân. Nó mang lại cho người đó một số quyền lợi và trách nhiệm nhất định. Nó không cần phải đi kèm với quốc tịch. Ví dụ, ở một số quốc gia Mỹ Latinh, chẳng hạn như Mexico, một cá nhân có quốc tịch từ lúc mới sinh ra nhưng chỉ nhận được tư cách công dân khi 18 tuổi: trẻ em Mexico là người mang quốc tịch (national) nhưng không phải là công dân (citizen).

Tương tự như vậy, không phải tất cả những người mang quốc tịch Mỹ đều là công dân Mỹ. Những người sinh ra tại “các lãnh  thổ hải ngoại của nước Mỹ” có thể có hộ chiếu Mỹ và sống và làm việc tại Mỹ, nhưng không thể bỏ phiếu hoặc giữ chức vụ được bầu. Trước đây, những khu vực  này bao gồm Guam, Puerto Rico và Quần đảo Virgin thuộc Mỹ, nhưng trong thế kỷ 20 Quốc hội đã dần dần mở rộng tư cách công dân cho những cư dân ở các khu vực này. Ngày nay, chỉ có Samoa thuộc Mỹ và đảo Swains đứng tách biệt: Swains là một hòn đảo san hô nhỏ xíu ở Thái Bình Dương, chỉ cao hơn năm mét so với mực nước biển, với dân số vào năm 2010 chỉ có 17 người.

Tại Anh quốc, nhờ di sản của chủ nghĩa thực dân, tình hình trở nên phức tạp hơn nhiều. Có sáu loại quốc tịch Anh: công dân Anh, thần dân Anh quốc, công dân Anh quốc ở nước ngoài, công dân Anh quốc ở các vùng lãnh thổ hải ngoại, người mang quốc tịch Anh ở nước ngoài, hoặc người được Anh Quốc bảo hộ. Đôi khi việc chuyển đổi giữa các loại hình này là khả thi: ví dụ, trước khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào ngày 1 tháng 7 năm 1997, một số công dân Anh quốc ở các vùng lãnh thổ hải ngoại đã đăng ký là người mang quốc tịch Anh ở nước ngoài (Anh kiều). Những người mang quốc tịch Anh ở nước ngoài này có hộ chiếu Anh quốc và có thể nhận được sự bảo vệ từ các nhà ngoại giao Anh, nhưng họ không có quyền tự động sinh sống hoặc làm việc ở Anh.

Vì vậy, ở Anh, có một số loại hình tư cách công dân khác nhau và một số những người mang quốc tịch nhưng lại hoàn toàn không phải là công dân. Đối tượng của sự giận dữ của bà May có lẽ là một nhóm những người không hoàn toàn nắm bắt được ý nghĩa của từ “tư cách công dân”.