Tại sao Nhật Bản có nhiều plutonium đến vậy?

Nguồn: Why does Japan have so much plutonium, The Economist, 25/07/2018.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Mười năm sau khi Hiroshima và Nagasaki bị đốt thành tro bởi bom hạt nhân Mỹ, Nhật Bản đã chấp nhận chính sách “hạt nhân vì hòa bình”, một chính sách về năng lượng hạt nhân dân sự do tổng thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower hậu thuẫn. “Của hồi môn” trong cuộc hôn nhân vì tiện lợi dường như bất khả thi trong Chiến tranh Lạnh này là sáu kilogram uranium đã làm giàu, được Nhật Bản sử dụng để vận hành một chương trình năng lượng hạt nhân vốn cuối cùng sẽ cung cấp một phần ba lượng điện năng cho nước này. Năm 1988, Nhật Bản được phép – dưới sự kiểm soát chặt chẽ của quốc tế – làm giàu uranium và chiết xuất plutonium, sử dụng một công nghệ tương tự trong chế tạo bom hạt nhân. Tháng 07/2018, hai chính phủ Hoa Kỳ và Nhật Bản đã gia hạn thỏa thuận năm 1988. Nhật Bản hiện đã tích luỹ được 47 tấn plutonium, đủ để sản xuất 6.000 quả bom. Nhật Bản đang làm gì với khối lượng plutonium lớn như vậy?

Plutonium nằm ở trung tâm giấc mơ đã tan vỡ của Nhật Bản về độc lập năng lượng. Nguồn nhiên liệu đã sử dụng từ các lò phản ứng hạt nhân có thể được tái xử lý để chiết xuất plutonium, sau đó được tái chế thành hỗn hợp nhiên liệu oxit, hay còn gọi là MOX. Loại nhiên liệu này được dự kiến sử dụng trong các lò phản ứng của Nhật Bản nhưng hầu hết các nhà máy điện hạt nhân của nước này đã đóng cửa kể từ sau thảm họa Fukushima năm 2011. Các cuộc kiểm tra an toàn nghiêm ngặt hơn đã không thể trấn an công chúng sợ hạt nhân rằng các lò phản ứng có thể được khởi động lại. Và đội ngũ chuyên gia năng lượng hạt nhân của Nhật Bản đang già đi. Taro Kono, Ngoại trưởng Nhật Bản, đã thừa nhận rằng tình trạng này là “cực kỳ bất ổn”.

Vị thế của Nhật Bản như một siêu cường plutonium ngày càng nhận được nhiều sự chú ý. Chính phủ Nhật Bản nói rằng họ không có ý định chế tạo một quả bom. Nhưng Trung Quốc và các nước khác đặt câu hỏi về việc Nhật có thể được cho phép dự trữ plutonium trong bao lâu. Các nhà phân tích lo ngại về một cuộc cạnh tranh trong việc tích lũy plutonium ở châu Á. Hơn nữa, nguồn dự trữ của Nhật Bản, vốn đã đạt cấp độ vũ khí, đang được tái xử lý và lưu trữ ở Pháp và Anh. Nó được vận chuyển trong các đoàn tàu vận tải được vũ trang hạng nặng. Hoa Kỳ cho biết các chuyến hàng và việc lưu trữ plutonium trong các khu vực dân sự dẫn tới một mối đe dọa tiềm tàng đối với các mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân: chúng có thể được chuyển hướng để chế tạo vũ khí, hoặc bị nhắm mục tiêu bởi những kẻ khủng bố. Hoa Kỳ đang thúc đẩy Nhật để bắt đầu giảm lượng tích trữ.

Một giải pháp có thể là khởi động lại nhà máy Rokkasho, nhà máy trọng tâm trong chính sách tái chế hạt nhân của Nhật Bản. Rokkasho, nằm ở xứ tuyết miền bắc của Nhật Bản, có thể tái xử lý 8 tấn plutonium mỗi năm. Nhưng nhà máy này đã tiêu tốn gấp ba lần ngân sách dự kiến và đã bị chậm tiến độ hai thập niên (nhà máy này giờ được dự kiến mở cửa vào tháng 03 năm 2022). Ngay cả khi nó có thể hoạt động vào một ngày nào đó, hầu hết các lò phản ứng sử dụng nhiên liệu MOX vẫn sẽ đang đóng cửa. Hoa Kỳ có thể thắt chặt các điều khoản hoặc thậm chí chấm dứt hiệp ước 1988 (có một điều khoản cho phép Hoa Kỳ thực hiện điều này), mặc dù mối quan hệ liên minh song phương mạnh mẽ làm cho việc này rất khó xảy ra. Điều đó có nghĩa là Nhật Bản hoặc sẽ phải tìm cách chôn toàn bộ lượng dự trữ của mình dưới lòng đất – một mục tiêu hết sức khó khăn về mặt kỹ thuật và tốn kém — hoặc trả tiền cho các nước như Anh và Pháp để lưu trữ ở nước ngoài, có lẽ là vĩnh viễn. Kịch bản khả dĩ nhất là tiếp tục giữ nguyên tình trạng hiện thời, dù điều đó có bất ổn.