Giáng sinh trở thành một ngày lễ gia đình như thế nào?

Nguồn: How Christmas evolved from raucous carnival to domestic holiday, The Economist, 22/12/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Không có những món quà được bọc cẩn thận. Cũng không có những cây thông được trang trí rực rỡ hay Santa Claus. Giáng sinh ở châu Âu và châu Mỹ thời tiền công nghiệp rất khác so với ngày lễ hàng năm ngày nay. Những người say rượu, những người mặc quần áo của người khác giới và những người hát thánh ca ồn ào lang thang trên các đường phố. Quán rượu, thay vì nhà hoặc nhà thờ, là nơi để ăn mừng. “Con người làm ô danh Thiên Chúa trong mười hai ngày quanh Lễ Giáng sinh nhiều hơn cả mười hai tháng trong năm,” Hugh Latimer, Cha tuyên úy của Vua Edward VI, đã tuyệt vọng nói như vậy vào giữa những năm 1500. Khoảng 200 năm sau, phía bên kia Đại Tây Dương, một mục sư Thanh giáo đã chỉ trích “trò chơi dâm dục” và “sự truy hoan man rợ” vào thời điểm Giáng sinh ở các thuộc địa. Những quan ngại đó dường như không còn phù hợp vào thời điểm hiện tại. Vào cuối thế kỷ 19, một ngày lễ bừa bãi, rông dài đã trở thành một ngày lễ yên bình, hướng về gia đình mà chúng ta biết ngày nay. Tại sao lại như vậy?

Ở châu Âu những ngày đầu thời kỳ hiện đại, khoảng từ năm 1500 đến năm 1800, mùa Giáng sinh có nghĩa là sự tạm dừng lao động nông nghiệp và cơ hội để nuông chiều bản thân. Mùa vụ đã được thu hoạch và những con thú đã được làm thịt (thời tiết lạnh có nghĩa là chúng sẽ không bị hỏng). Lễ kỷ niệm này vì vậy liên quan đến việc ăn, uống rượu và nhậu nhẹt, trong đó những người nông dân sẽ đến nhà các quý tộc láng giềng và yêu cầu được ăn uống. Một bài hát về uống rượu đã thể hiện tập tục này: Và nếu bạn không mở cửa/Chúng tôi sẽ đè bạn xuống sàn nhà.”

Phần lớn điều này được chấp nhận một cách vui vẻ – một sự hỗn loạn đã được nghi thức hóa, khi hệ thống phân cấp xã hội tạm thời bị đảo ngược. Một số nơi ít khoan dung hơn. Tại Massachusetts thời thuộc địa, từ năm 1659 tới 1681, những người Thanh giáo đã cấm ăn mừng Giáng sinh. Họ đã xóa bỏ ngày lễ này khỏi niên giám của mình, và những người tham dự lễ hội vi phạm có nguy cơ bị phạt năm shilling. Lệnh cấm không kéo dài, mà thay vào đó, những nỗ lực để kiểm soát ngày lễ này đã được thực hiện. Sự tiết chế là điều được khuyên răn. Một người viết niêm giám đã cảnh báo vào năm 1761 rằng “Người ôn hòa được thưởng thức món ngon nhất, / Bởi trác táng bào mòn và phá hỏng khẩu vị của ta.” Tuy nhiên, Giáng sinh là một nghi lễ cộng đồng, được sinh ra từ quán rượu hoặc đường phố và thường được khuấy động bởi rượu.

Điều đó nhanh chóng thay đổi. Các thành phố đã mở rộng vào đầu thế kỷ 19 để thu hút số lượng ngày càng tăng các công nhân nhà máy. Đến thời điểm đó, sự bất ổn và nghèo đói ở thành thị đã trở nên phổ biến. Sự hỗn loạn vào Giáng sinh có thể biến thành bạo lực, với những nhóm người say rượu lang thang trên khắp đường phố. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các thành viên của tầng lớp thượng lưu nhìn thấy một mối đe dọa trong lễ hội này. Trong nghiên cứu về ngày lễ này, Stephen Nissenbaum, một nhà sử học, đã ghi công cho một nhóm các nhà văn và biên tập viên thuộc dòng dõi quý tộc ở Mỹ với việc định hình lại ngày lễ thành một sự kiện mang tính gia đình. Họ làm mới các truyền thống châu Âu, chẳng hạn như cây thông Noel từ Đức và hộp quà Giáng sinh từ Anh, trong đó những người giàu có sẽ để tiền mặt hoặc thức ăn thừa cho người hầu của họ.

Thánh Nicholas, hay Santa Claus, người có ngày được đặt tên thánh vào tháng 12 trùng với ngày Giáng sinh, đã trở thành biểu tượng của ngày lễ. Bài thơ “Một chuyến thăm từ Thánh Nicholas” của Clement Clarke Moore, được xuất bản lần đầu vào năm 1823, đã giúp hình ảnh của ông trở nên phổ biến. Trong bài thơ đó, một Santa vui vẻ bước xuống từ xe trượt tuyết do tuần lộc kéo để gây bất ngờ cho trẻ em bằng những món quà trong đêm Giáng sinh. Báo chí cũng đóng vai trò của họ. “Hãy tránh xa tất cả các quán rượu và cửa hàng rượu trong vài ngày”, tờ New York Herald đã khuyên như thế vào năm 1839. Tốt hơn nên tập trung vào “lò sưởi trong nhà, người vợ đức hạnh, những đứa trẻ ngây thơ, tươi cười, với trái tim tràn đầy niềm vui.”

Đó là một chiến thắng của các giá trị trung lưu và một cuộc đảo chính cho các chủ cửa hàng. “Giáng sinh là thời điểm thu hoạch của thương nhân,” một tạp chí công nghiệp đã tán dương như vậy vào năm 1908. “Anh ta tùy sức thu về một vụ mùa vụ đô la lớn nhất có thể.” Chẳng mấy chốc truyền thống Giáng sinh mới này đã trở thành mục tiêu của những lời chỉ trích do bị thương mại hóa và hời hợt. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay.