Trung Quốc, Nhật Bản, và Trật tự Hàng hải ở Biển Hoa Đông

Tác giả: Lowell Baustita | Biên dịch: Đinh Nho Minh

Bridging Troubled Waters: China, Japan, and Maritime Order in the East China Sea. Tác giả: James Manicom. Washington, D.C.: Georgetown University Press, 2014. Bìa mềm: 266pp.

Trong cuốn sách Hợp tác nơi Biển Dữ: Trung Quốc, Nhật Bản, và Trật tự Hàng hải ở Biển Hoa Đông, James Manicom phản bác quan điểm truyền thống là cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ leo thang lên chiến tranh tổng lực. Cuốn sách đồng ý rằng Biển Hoa Đông sẽ là chiến trường cho đối đầu quân sự Trung-Nhật và vòng xoáy căng thẳng sẽ tiếp diễn; tuy nhiên, cuốn sách cũng lập luận thuyết phục rằng hợp tác sẽ tiếp tục.

Cuốn sách nghiên cứu mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Nhật Bản, vốn có nhiều liên kết sâu trong kinh tế nhưng lại đầy rẫy căng thẳng về hàng hải, thiếu lòng tin chiến lược dai dẳng và cả tình trạng bên miệng hố chiến tranh. Cuốn sách tìm hiểu về nguồn gốc, bản chất và sự vững chắc của hợp tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản bất chấp những lợi ích mâu thuẫn trong quá khứ và hiện tại giữa hai quốc gia. Tác giả trả lời câu hỏi thú vị trong lý thuyết Quan hệ Quốc tế rằng làm thế nào Trung Quốc và Nhật Bản đã tránh được đụng độ quân sự do tranh chấp trên biển; bất chấp các hành động và đe dọa quân sự trên biển không ngừng, hai bên vẫn có thể hợp tác mặc dù không đạt được thỏa thuận về nguồn cơn gây căng thẳng. Cuốn sách nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề mấu chốt này qua so sánh năm nỗ lực hợp tác ở Biển Hoa Đông trong các lĩnh vực tranh chấp chủ quyền, quản lý hoạt động đánh cá, khảo sát biển, và phát triển tài nguyên hydrocarbon (năng lượng).

Xuyên suốt cuốn sách, Manicom nói rõ là ông không bi quan như những học giả cho rằng tranh chấp ở khu vực biển nhiều tài nguyên này sẽ dễ dẫn đến chiến tranh. Đúng vậy, Manicom làm rõ, thậm chí quá rõ, xuyên suốt cuốn sách luận điểm của ông là, “trái ngược với những nhận định bi quan, hai quốc gia này đã hợp tác được trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền mỗi khi tách rời các vấn đề thực chất ra khỏi các vấn đề mang tính hình thức của mối quan hệ” (trang 11). Nhưng câu nói này không phản bác lại tình hình thực tế quan sát được trong cuốn sách. Trên thực tế, sự đơn giản trong lập luận của Manicom che mờ sự sáng tạo của nó. Sự chú trọng của cuốn sách vào hợp tác dù không phải là một cách tiếp cận hoàn toàn mới nhưng vẫn mang lại sự tươi mát trong nghiên cứu quan hệ hàng hải Trung-Nhật. Luận điểm của ông cũng khiến độc giả lạc quan một cách thận trọng, một điều hiếm có ngày nay.

Để củng cố cho góc nhìn khá khiêu khích của cuốn sách, Manicom đưa ra các trường hợp nghiên cứu quan trọng và thú vị để chỉ ra những điểm chung về lịch sử đáng suy ngẫm. Trường hợp nghiên cứu đầu tiên (Chương 2) phân tích xử lí khủng hoảng và căng thẳng trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và sự thất bại của công thức của Đặng Tiểu Bình về gác tranh chấp, cùng khai thác tài nguyên. Trường hợp nghiên cứu thứ hai, ở Chương 3, phân tích thỏa thuận Trung-Nhật về đánh bắt cá – ký năm 1997 và có hiệu lực năm 2000 – thể hiện một hình mẫu về hợp tác có đi có lại trong một lĩnh vực song trùng lợi ích. Trường hợp nghiên cứu thứ ba (Chương 4), phân tích thỏa thuận năm 2001 về việc mỗi bên phải đưa ra thông báo trước mỗi khi tiến hành các cuộc khảo sát ở vùng biển tranh chấp. Trường hợp thứ tư ở Chương 5 nói về quá trình đối đầu trong phát triển tài nguyên ở Biển Hoa Đông, với trọng tâm là một thỏa thuận khai thác tài nguyên năm 2008 nhưng đến giờ vẫn chưa được thực hiện. Trong phân tích về các trường hợp này, lập luận chính của Manicom là dễ đạt được thỏa thuận dựa trên các lợi ích kinh tế chung vốn dễ đạt được hơn là dựa trên hợp tác về các vấn đề chiến lược. Để củng cố cho lập luận này, ông chỉ ra rằng trong các trường hợp nghiên cứu trên, thỏa thuận về đánh bắt cá là vừa bền vững vừa thực chất, trong khi thỏa thuận về thông báo trước kém thành công hơn so với thỏa thuận năm 2001 về phát triển tài nguyên.

Sự hấp dẫn về mặt lý thuyết của cuốn sách đến từ sự sáng tạo ra Ma trận Giá trị Hàng hải (Maritime Value Matrix – MVM) “như một cách để khái niệm hóa tầm quan trọng của các vùng biển tranh chấp đối với các lãnh đạo tại một thời điểm nhất định” (trang 28). MVM đánh giá sự quan trọng của vùng biển tranh chấp dựa trên 2 cấp độ: đầu tiên là các lý do hữu hình và vô hình; và thứ hai, liệu khu vực bị tranh chấp quan trọng đối với một bên hay cả hai bên. MVM là một công cụ phân tích hữu ích trong cuốn sách bởi nó chỉ ra “các lĩnh vực chứa đựng lợi ích chung và đối lập nhau trong các vấn đề tranh chấp liên quan đến quan hệ hàng hải” nhằm “phân tích các nguồn gốc hợp tác bằng cách chỉ ra động cơ cũng như cản trở cho hợp tác” (trang 28). Theo logic của mô hình lý thuyết này, hợp tác về các vấn đề chung nào mà được coi là “tự nhiên-vô hình” (intrinsic – intangible, như kinh tế và tài nguyên) thường đơn giản và dễ được cả hai bên theo đuổi hơn, tạo ra các thỏa thuận bền vững (trang 31). Ngược lại, hợp tác về các vấn đề “quan hệ-vô hình” (relational – intangible) thường sẽ tạo ra “các thỏa thuận hợp tác không chính thức và thường khó ràng buộc, cũng như không bền vững” (trang 32), còn các hợp tác “quan hệ-hữu hình” (relational – tangible) thường mang tính cưỡng ép và tạo ra các thỏa thuận không chính thức và sớm nở tối tàn. Tất nhiên, Manicom cũng chỉ ra rằng “khái niệm hóa các lĩnh vực khác nhau của tranh chấp là lý tưởng hóa” và “các lĩnh vực vấn đề này không tồn tại trong chân không mà xảy ra ở cùng thời gian và địa điểm” (trang 33). Mặc dù vậy, nhìn chung, Manicom có đủ bằng chứng để cho thấy rằng MVM có sức thuyết phục.

Xuyên suốt cuốn sách, tác giả cung cấp một cái nhìn cân bằng với giọng văn khách quan đi đôi với nghiên cứu kỹ lưỡng của ông. Cuốn sách rất thú vị và không có giọng văn phô trương mặc dù bản chất là một công trình hàn lâm. Cuốn sách là một lời nhắc nhở kịp thời rằng hợp tác lâu dài giữa đối thủ chiến lược trong vấn đề tranh chấp biển là khả dĩ. Cuốn sách của Manicom khơi gợi độc giả vượt qua những tranh chấp hiển nhiên hiện tại để nhận ra những yếu tố có thể duy trì hợp tác, cũng như nhìn nhận cách tránh chiến tranh và giải quyết căng thẳng về chủ quyền biển. Theo nghĩa đó, Hợp tác nơi Biển Dữ dường như đặt ra nhiều câu hỏi hơn là trả lời, nhưng nó vẫn trả lời vừa đủ để tạo tiền đề cho các nghiên cứu trong tương lai. Tuy nhiên, mục đích của cuốn sách, theo như lời Manicom ban đầu, là để phân tích “sự thăng trầm trong hợp tác giữa hai đối thủ trong vấn đề tranh chấp không gian biển” để “cung cấp thông tin giúp xác định các kỳ vọng và hoạch định chính sách đối với quá trình quản lý tranh chấp và hợp tác về các vấn đề đang nổi lên trong quan hệ hàng hải Trung-Nhật” (trang 15); và cuốn sách đã hoàn thành mục tiêu này.

Cho dù luận điểm sáng tạo nhưng đầy tranh cãi của Manicom về hợp tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản có đứng vững hay không thì những nghi ngờ về cuốn sách nên được đặt qua một bên. Manicom đã viết một cuốn sách sâu sắc và được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nó chắc chắn sẽ được các nhà nghiên cứu khoa học, nhà ngoại giao, nhà lý thuyết chính trị, và học giả quan tâm trong nhiều năm nữa.

Lowell Bautista là Giảng viên Trường Luật, và Nhân viên Trung tâm Quốc gia Australia về Tài nguyên Biển và An ninh, Đại học Wollongong, Australia.