Báo cáo đặc biệt về Chiến tranh lạnh Mỹ – Trung (P1)

Nguồn: Trade can no longer anchor America’s relationship with China“, The Economist, 16/05/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

1. Thương mại không còn là mỏ neo của quan hệ Mỹ – Trung

Kể từ khi Trung Quốc nổi lên từ đống đổ nát gây nên bởi chủ nghĩa Mao 40 năm trước, động cơ tìm kiếm lợi nhuận đã trở thành trụ cột cho sự ổn định trong quan hệ với Mỹ. Các ứng cử viên tổng thống có thể cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công ăn việc làm của người Mỹ. Những vụ bê bối gián điệp có thể vẫn âm ỉ. Nhưng sau đó, các ông chủ doanh nghiệp và các chính trị gia ở cả Bắc Kinh và Washington đều quyết định rằng tất cả các bên đang kiếm được quá nhiều tiền nên không thể để cho mối quan hệ trở nên xấu đi. Việc hai bên tập trung vào những lợi ích tự thân này dẫn đến một thỏa hiệp khó chịu. Ngay sau khi quân đội Trung Quốc tàn sát hàng trăm, có thể là hàng ngàn người, tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989, Tổng thống George H.W. Bush đã viết thư riêng cho Đặng Tiểu Bình để thúc giục các nỗ lực chung nhằm ngăn chặn “những sự kiện bi thảm gần đây” gây hại cho quan hệ song phương. Khủng hoảng tài chính năm 2008 đã cho thấy một sự phụ thuộc lẫn nhau nguy hiểm giữa Mỹ, nhà nhập khẩu hàng giá rẻ, và Trung Quốc, nhà xuất khẩu hàng tiết kiệm. Các thuật ngữ mới đã xuất hiện để miêu tả cho sự cộng sinh này, như “Chimerica” hay “G2”.

Đột nhiên, việc kiếm tiền là chưa đủ. Trong vài năm qua, tranh luận về cách can dự với Trung Quốc sao cho hiệu quả đã nhường chỗ cho những thảo luận về cạnh tranh chiến lược và các mối đe dọa an ninh. Thay vì tìm các thuật ngữ mới hấp dẫn, các học giả lại đang quay lại các so sánh lịch sử. Một số nói về năm 1914, khi đụng độ giữa các tham vọng của Anh và Đức đã khiến mối quan hệ thương mại sâu sắc giữa hai nước bị gạt qua một bên. Các nhà phân tích Trung Quốc bị ám ảnh về “bẫy Thucydides”, thứ được cho là sẽ kích thích cường quốc đang nổi dậy gây chiến chống lại cường quốc đang thống trị, như sử gia Hy Lạp Thucydides đã viết về cuộc chiến giữa thành Sparta và thành Athens.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc luôn gây ra nhiễu loạn. Trung Quốc là đối thủ chiến lược đáng sợ nhất, đối thủ cạnh tranh kinh tế đáng kể nhất, đồng thời lại là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Đó là một điều mới mẻ. Cú sốc Nhật Bản trong thập niên 1970 và 1980 đã khiến các chính trị gia đòi lập nên các rào cản bảo hộ khi thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Nhật Bản tăng gấp 25 lần trong vòng một thập niên. Nhưng đó là một cuộc chiến chính trị một chiều: Nhật Bản là một đồng minh quân sự phụ thuộc vào Mỹ. Còn đối với Liên Xô, đó là một đối thủ về ý thức hệ nhưng không phải là một đối thủ thương mại: năm 1987, thương mại song phương trị giá chỉ 2 tỷ đô la một năm, tức chưa bằng 0,25% tổng giao dịch thương mại của Mỹ với thế giới. Còn năm 2018, thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc đạt 2 tỷ đô la mỗi ngày, tương đương 13% tổng thương mại với toàn thế giới của Mỹ.

Các nhà phê bình cho rằng giới chóp bu hai nước nên nhìn thấy trước điều này. Các nhà lãnh đạo phương Tây đã hy vọng rằng việc gia nhập nền kinh tế toàn cầu sẽ khiến Trung Quốc trở nên giống phương Tây hơn vì một tầng lớp trung lưu đang phát triển sẽ đòi hỏi tự do ngôn luận và chính phủ có trách nhiệm giải trình. Họ đã sai. Khủng hoảng tài chính năm 2008 và những cơn co thắt của chủ nghĩa dân túy phương Tây đã khiến các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình, cảm thấy tự tin hơn trong việc chối bỏ các chuẩn mực đó và khẳng định quyền lãnh đạo tối cao của đảng Cộng sản.

Cú sốc của Mỹ trở nên tồi tệ hơn nếu xét về thương mại trong lĩnh vực công nghệ vốn làm mờ ranh giới giữa thương mại và an ninh quốc gia. Việc chính quyền Trump phản đối việc cho phép Huawei, một công ty công nghệ Trung Quốc, xây dựng mạng viễn thông 5G cho Mỹ hoặc các đồng minh là một biểu hiện cho chiều hướng tương lai đó. Những cuộc tranh luận như vậy, về cơ bản, là về niềm tin, một “mặt hàng” ít quan trọng hơn nếu Trung Quốc xuất khẩu giày tennis và tivi thay vì những bộ vi mạch có thể giúp điều khiển xe tự lái trên đường và máy bay trên không. Tuy nhiên, các hình thức tự vệ vụng về đã gây hại. Việc định nghĩa các công nghệ nhạy cảm theo tiêu chí quá rộng, và theo lời của Henry Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, một “bức màn sắt kinh tế” có thể sẽ chia rẽ Trung Quốc và Mỹ, làm tắc nghẽn các dòng chảy hàng hóa, vốn, con người và công nghệ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phần còn lại của thế giới.

Tỉ trọng của TQ và Mỹ trong tổng thương mại hàng hóa toàn cầu. Nguồn: The Economist.

Sức mạnh công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc đang đặt ra những gánh nặng mới cho toàn cầu hóa, vượt ra ngoài những tranh luận cũ về công ăn việc làm bị Trung Quốc đánh cắp. Việc General Motors bán nhiều xe hơi ở Trung Quốc hơn ở Mỹ từng giúp cả hai nước kiểm soát sự khác biệt về ý thức hệ. Nhưng ngày nay, chuỗi cung ứng, vốn đưa các thiết bị bán dẫn từ Trung Quốc vào các thiết bị ở Mỹ, đang thực sự khiến rủi ro chính trị tăng cao hơn.

Các loại vũ khí giá hàng triệu đô la của Mỹ phải dựa vào các vi mạch có nguồn gốc từ nhiều công ty trên toàn cầu. Các cơ sở hạ tầng quan trọng có thể chứa các thành phần nhập từ hàng chục quốc gia, yêu cầu các bản cập nhật phần mềm từ một nhà cung cấp đóng trụ sở ở một lục địa nhất định và gửi các luồng dữ liệu thời gian thực đến một lục địa khác. Vào tháng Tư, một ban cố vấn đã cảnh báo Lầu Năm Góc phải lên kế hoạch cho “các mạng internet thương mại mà ở đó không được tin tưởng vào bất cứ ai”. Số lượng giao dịch kinh doanh ngày càng tăng đòi hỏi một sự gắn bó trọn đời với các nhà cung cấp dịch vụ từ xa. Trong thế giới này, quan hệ thương mại không thể được cách ly khỏi những câu hỏi cứng về việc các quốc gia đó là đối tác, đối thủ hay kẻ thù.

Trung Quốc có quyền muốn được phát triển mạnh hơn. Thành công của nước này trong việc giúp hàng trăm triệu người thoát nghèo là điều đáng ngưỡng mộ. Chính sự gai góc không ngừng trong các phương pháp của Trung Quốc đã biến việc kinh doanh từ một không gian an toàn sang một lĩnh vực đầy tranh chấp. Các công ty phương Tây lo rằng trước khi Trung Quốc thực sự mở cửa, họ sẽ bị đẩy ra ngoài ngay sau khi các công ty Trung Quốc đã học được, mua được hoặc đánh cắp đủ các bí quyết của phương Tây để trở nên tự chủ.

Không có gì để mất trừ chuỗi cung ứng của bạn

Rất ít người Mỹ có khả năng tiếp cận các lãnh đạo Trung Quốc tốt như ông Paulson, một người ủng hộ sự can dự với Trung Quốc lâu nay. Vì vậy, rất đáng chú ý khi hồi tháng Hai, ông tuyên bố rằng vì Trung Quốc đã chậm chạp trong việc mở cửa nền kinh tế kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, “cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã chuyển từ ủng hộ sang hoài nghi và thậm chí phản đối chính sách của chúng tôi đối với Trung Quốc”. Các ông chủ không muốn một cuộc chiến thuế quan, ông nói, nhưng muốn “một cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn nữa”. Các doanh nghiệp đang đạt được điều đó từ chính quyền Trump.

Điều này phần nào được giải thích bởi sự thay đổi ông chủ của Phòng Bầu dục. Tổng thống Barack Obama cũng lên án các gian lận thương mại của Trung Quốc và ép Trung Quốc ngừng ăn cắp bí mật thương mại. Một cách muộn màng, các lãnh đạo Lầu Năm Góc của ông cũng đã ngày một bất an khi Trung Quốc biến các rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông thành các tiền đồn quân sự. Nhưng cuối cùng, Obama đã ưu tiên hơn cho việc giải quyết các thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến các đại dịch hay phổ biến vũ khí hạt nhân, những thứ mà ông cần sự hợp tác của Trung Quốc. Các chính sách cứng rắn đã được thảo luận không hồi kết, rồi sau đó thường bị loại bỏ. Ngược lại, ông Trump tuyên bố rằng việc giải quyết các vấn đề của thế giới không phải là công việc của ông.

Nước Mỹ đã trở nên đối đầu hơn với Trung Quốc một phần khác bởi vì các doanh nghiệp đa quốc gia phản đối các rào cản thương mại đã mất đi sức mạnh trong thời đại dân túy. Một vòng kiểm soát xuất khẩu mới trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm và các quy tắc sàng lọc đầu tư chặt chẽ hơn vẫn còn trước mắt. Quá trình đó sẽ không kết thúc chỉ bằng một thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc chiến thương mại của ông Trump.

Tổng thống Mỹ vừa là một triệu chứng vừa là một nguyên nhân cho sự thay đổi cách mà Mỹ nghĩ về sự cởi mở của mình với thế giới. Các cử tri đã bầu ra một nhà lãnh đạo với quan điểm “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, người khinh miệt các liên minh, hoài nghi nền pháp quyền và các giá trị phổ quát, đồng thời  tin rằng lợi ích quốc gia luôn phải được đặt lên hàng đầu. Trong bối cảnh các lo ngại về gián điệp, các quy định về cấp thị thực cho sinh viên khoa học và công nghệ Trung Quốc đã được thắt chặt. Các đặc vụ FBI đã chất vấn các học giả đến từ các viện nghiên cứu của nhà nước Trung Quốc về quan hệ của họ với chính phủ Trung Quốc và hủy bỏ thị thực của một số người. Thay vì Trung Quốc trở nên “phương Tây” hơn, Mỹ lại đang trở nên “Trung Quốc” hơn.

Trong khi đó, các quan chức ở Bắc Kinh lại coi Mỹ như một cường quốc thua cuộc cay cú, đang tìm cách ghìm Trung Quốc xuống. Họ chế giễu ý tưởng rằng một nước Mỹ giàu có, nhiều đặc quyền đặc lợi thực sự cảm thấy bị đe dọa, thay vào đó họ nhìn thấy ở đó một mưu đồ để đạt được các điều khoản tốt hơn giúp các công ty Mỹ kiếm tiền. Quan điểm này bỏ qua cách mà bao nhiêu người ở Washington đang tin rằng mối đe dọa Trung Quốc là có thật và quan trọng hơn lợi nhuận hay các nguyên tắc của thị trường tự do. Thật vậy, các quan chức đã buộc tội các công ty giữ im lặng khi các gián điệp Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ, để họ giữ thể diện và tiếp tục được tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng Trung Quốc đã nói dối trơ tráo khi hứa với ông Obama vào năm 2015 rằng các chủ thể được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn sẽ ngừng ăn cắp thông tin từ Mỹ để kiếm lợi nhuận. Các quan chức than thở rằng, trong vòng xoáy tin tức điên đảo ở Washington, ít ai để ý đến một bản cáo trạng của Bộ Tư pháp vào tháng 12 năm 2018, trong đó cáo buộc Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc có quan hệ với một chiến dịch lâu dài của nhóm tin tặc Apt10, nhóm đánh cắp bí mật từ các công ty hàng không, vũ trụ , dược phẩm, dầu khí, hàng hải và các công nghệ khác. “Về cơ bản, họ đã có được những viên ngọc quý của hàng trăm, hàng nghìn công ty lớn nhất thế giới”, ông nói.

Con lắc có nguy cơ lắc quá xa. Một số người phì cười khi hồi tháng 3 Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), một cơ quan chính phủ có nhiệm vụ sàng lọc các thỏa thuận đầu tư nước ngoài vào Mỹ để loại bỏ các rủi ro an ninh, đã yêu cầu một công ty internet Trung Quốc bán Grindr, một ứng dụng hẹn hò cho người đồng tính có 3,3 triệu người dùng hàng ngày. Trên thực tế CFIUS có thể có lý do. Một ứng dụng cho người đồng tính có thể là một công cụ tống tiền, và cảnh sát Trung Quốc thường xuyên lấy dữ liệu từ các phương tiện truyền thông xã hội tại Trung Quốc. Tương tự là việc Thượng viện Hoa Kỳ cấm Washington, DC, không được sử dụng tiền ngân sách để mua các toa tàu điện ngầm được sản xuất tại Mỹ bởi một công ty nhà nước Trung Quốc, đề phòng trường hợp các máy quay an ninh trên tàu được sử dụng cho mục đích gián điệp.

Mặc dù Trung Quốc thiếu các liên minh chính thức từng khiến Liên Xô trở thành mối đe dọa toàn cầu, nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc đã chi phối các cuộc tranh luận của Lầu Năm Góc về tương lai của chiến tranh. Kể từ những năm 1980, Mỹ đã theo đuổi học thuyết về “hiện diện tiền phương”, có nghĩa là các lực lượng của Mỹ có thể tự tin về việc hoạt động gần với hệ thống phòng thủ của kẻ thù. Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc mang lại cho các nhà hoạch định của Lầu Năm Góc một quyết định khó khăn nhất mà họ từng đối mặt trong nhiều năm qua: tìm ra những cách mới để khiến việc tác chiến ở Tây Thái Bình Dương trở nên khả thi, hay kéo quân lui ra xa và buộc đối thủ (chỉ Trung Quốc) phải chiến đấu cách xa địa bàn nhà.

Karl Eikenberry là một chuyên gia Trung Quốc trong quân đội Hoa Kỳ, người đã trở thành một trung tướng rồi sau đó là đại sứ Mỹ tại Afghanistan. Bây giờ đang làm việc tại Đại học Stanford, ông mô tả cách các chỉ huy đang vật lộn với sự kết thúc của thời kỳ Mỹ chiếm ưu thế áp đảo: “Đang có một cuộc tranh luận gay gắt trong các lực lượng vũ trang Mỹ về cách chống lại các nỗ lực tăng tốc của Giải phóng Quân Trung Quốc (PLA) nhằm kiểm soát Biển Đông”.

Báo cáo này sẽ xem xét các quan điểm trái ngược nhau nhìn từ Washington và Bắc Kinh về cách thức quản lý các khía cạnh công nghệ, quân sự, kinh tế và chính trị của một cuộc ghanh đua quyền lực vẫn còn mới đến mức hai bên thậm chí chưa thể đồng ý về định nghĩa như thế nào là một mối quan hệ thành công. Hai bên phải tìm ra các quy tắc chung. Tóm tắt về thách thức quân sự của Eikenberry có thể áp dụng được cho toàn bộ mối quan hệ này: “Cần phải có một học thuyết mới”.

(Còn 6 phần. Xem tiếp Phần 2)