Báo cáo đặc biệt về Chiến tranh lạnh Mỹ – Trung (P7)

Nguồn: America and China must manage their rivalry or risk disaster”, The Economist, 16/05/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Mỹ và Trung Quốc phải quản lý sự cạnh tranh nếu muốn tránh thảm họa

Nếu hỏi các chuyên gia Mỹ cuộc cạnh tranh nước lớn với Trung Quốc có thể kết thúc ra sao, thì người ta sẽ thấy các tình huống tốt nhất mà họ đưa ra đều rất giống nhau. Họ mô tả một tương lai gần trong đó Trung Quốc sẽ dàn trải sức mạnh quá mức và vấp ngã. Họ tưởng tượng một Trung Quốc bị trừng phạt bởi tăng trưởng chậm lại ở trong nước và sự phản ứng gay gắt chống lại sự quyết đoán của mình ở nước ngoài. Họ hy vọng Trung Quốc có thể nhìn lại trật tự toàn cầu và tìm kiếm một vai trò lãnh đạo trong trật tự đó thay vì tìm cách thiết lập một trật tự mới.

Các chuyên gia Trung Quốc cũng có vẻ giống nhau khi giải thích tình huống tốt nhất theo quan điểm của họ. Nói một cách thẳng thắn là Mỹ nên ngừng nghĩ mình quan trọng hơn người khác. Còn nói  cách lịch sự hơn thì các chuyên gia Trung Quốc bày tỏ hy vọng rằng trong một thập niên nữa, Mỹ sẽ học được sự khiêm nhường để chấp nhận vai trò của Trung Quốc như một đối tác bình đẳng, và có được sự khôn ngoan để tránh kích động Trung Quốc ở khu vực sân sau châu Á của nước này.

Thật đáng mừng khi không ai trong số các chuyên gia này dự đoán một tương lai trong đó cả Mỹ và Trung Quốc đều cảm thấy mình như là người chiến thắng. Điều đó sẽ cho tất cả các bên một thời gian để suy nghĩ kỹ lưỡng hơn. Cuộc Chiến tranh Lạnh thế kỷ trước với Liên Xô đã kết thúc với chiến thắng của người Mỹ. Nhưng trong một cuộc chiến tranh lạnh Trung-Mỹ mới, cả hai nước đều có thể thua.

Evan Medeiros, trước đây là cố vấn hàng đầu về châu Á của Barack Obama, lo ngại rằng Trung Quốc đang tập trung vào chính sách ngoại giao gây xáo trộn của ông Trump cũng như những lợi ích hẹp về thương mại. Medeiros, hiện đang làm việc tại Đại học Georgetown, nhận thấy Trung Quốc đang thiếu thiếu hiểu biết về việc tâm trạng của nước Mỹ đã thay đổi như thế nào. Người Trung Quốc “tập trung vào vấn đề chu kỳ, tôi không nghĩ rằng họ đã hiểu được các vấn đề về mặt cấu trúc [trong chính trị Mỹ]”, ông nói.

Một sự can dự lâu dài

Đối với Mỹ, cần nhớ rằng việc can dự cùng với Trung Quốc không phải là một hành động từ thiện. Giờ người ta thường chế giễu những người Mỹ ủng hộ sự can dự với Trung Quốc khi Trung Quốc mở cửa ra thế giới là ngây thơ. Trong thực tế, nhiều người trong số đó là những nhà hiện thực chủ nghĩa khó tính. Podcast “Đối thoại Mỹ-Trung”, một dự án lịch sử qua lời kể tại Đại học Georgetown, đang phỏng vấn các chuyên gia kỳ cựu về 40 năm quan hệ ngoại giao Mỹ – Trung. Dự án đưa ra một lời nhắc nhở gợi mở về việc Trung Quốc mong manh và nguy hiểm như thế nào cách đây chưa lâu. Trong một bản ghi âm, Jeffrey Bader, cựu cố vấn trưởng của Obama về chính sách châu Á, hiện làm việc tại Viện Brookings, nhắc lại việc trong những năm 1980, Mỹ không có vấn đề gì khác chiếm tâm trí bằng việc Trung Quốc sẵn sàng cung cấp bí mật vũ khí hạt nhân cho Pakistan và các thiết kế tên lửa đạn đạo cho “mọi chế độ bất hảo ở Trung Đông”. Sau nhiều năm chịu áp lực ở cấp độ cao, Trung Quốc hiện kiên quyết chống phổ biến hạt nhân. Sau khi Trung Quốc đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình do sinh viên dẫn dắt ở Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989, Mỹ vẫn giữ quan hệ thương mại mở, không phải vì hy vọng vào một Trung Quốc nhân từ hơn, mà vì sợ rằng nước này có thể quay trở lại chính sách tự cung tự cấp bài ngoại thời Mao, ông Bader lưu ý.

Mỹ cần suy nghĩ kỹ về những gì họ muốn từ Trung Quốc. Một số người ở Washington coi sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một rào cản không thể vượt qua đối với niềm tin. Trừ khi họ muốn chứng kiến đảng sớm bị lật đổ, còn không thì sẽ là khôn ngoan hơn nếu chỉ tập trung vào các hành vi của Trung Quốc. Như Oriana Skylar Mastro tại Đại học Georgetown nói: “Nếu chúng ta tập trung vào bản chất của chính Trung Quốc, thì chúng ta sẽ không thể cho họ một lối thoát”.

Mỹ phải tránh bẫy. Nếu các chiến lược gia Trung Quốc tin vào những gì họ nói, rằng Mỹ đã mệt mỏi và sẵn sàng rút lui, thì bước tiếp theo là có thể dự đoán được. Trung Quốc sẽ mang đến cho Mỹ một cuộc sống dễ dàng bề ngoài, trong đó Trung Quốc được trao một phạm vi ảnh hưởng ở Tây Thái Bình Dương và Mỹ quay vào chu kỳ suy tàn hướng nội.

Bà Mastro thừa nhận có một logic lạnh lùng đối với chủ nghĩa biệt lập, mặc dù bà phản đối nó. Nếu nước Mỹ sẵn sàng chấp nhận một thế giới trong đó Mỹ không còn kề vai sát cánh cùng các đồng minh châu Á, thì “sẽ không còn sự tranh chấp quân sự nào khác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ”. Nhưng cái giá rất cao: đó là một minh chứng cho thấy Mỹ cảm thấy không còn bị ràng buộc bởi các cam kết hiệp ước với các đồng minh cũng như các giá trị của nó.

Cách đây không lâu, Mỹ và Trung Quốc đã làm giảm căng thằng bằng cách hứa hẹn mở rộng thương mại. David Dollar tại Viện Brookings, và là đại diện của Bộ Tài chính Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, cho rằng giờ đã quá muộn để làm việc đó. Ông nhớ lại việc Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói với các vị khách Mỹ đến thăm rằng “quan hệ kinh tế là nền tảng của mối quan hệ chúng ta”. Ông Dollar nghi ngờ điều đó. Một số đồng minh phương Tây của Mỹ, như Đức, có quan hệ sâu sắc hơn với Trung Quốc so với Mỹ thông qua các trao đổi kinh tế trực tiếp. Trong số các điểm đến cho đầu tư trực tiếp của Mỹ ra nước ngoài, Trung Quốc chỉ đứng thứ bảy. Một lập luận thuyết phục hơn để Mỹ hợp tác với Trung Quốc liên quan đến khả năng độc nhất vô nhị của Mỹ và Trung Quốc trong việc cung cấp hàng hóa công toàn cầu, chẳng hạn như các chính sách để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, ông nói.

Henry Paulson, cựu bộ trưởng tài chính, kêu gọi Trung Quốc và Mỹ đạt thỏa thuận về các dự án hữu hình mà công chúng có thể thấy, từ các kế hoạch môi trường đến đầu tư vào các lĩnh vực mới nhằm tạo ra công ăn việc làm: “Để xây dựng niềm tin, điều quan trọng là cần cùng giành được một số chiến thắng”.

Báo cáo này đã xem xét nhiều trở ngại đối với niềm tin. Trung Quốc là một loại siêu cường khá đặc biệt: họ được ngưỡng mộ vì các thành tích của mình nhưng thiếu bạn bè thực sự. Trung Quốc chỉ biến các quốc gia khác thành người phụ thuộc, thu hút họ nhờ nhiều tiền, công nghệ và thị trường. Trung Quốc không nên bị chỉ trích vì trở nên lớn hơn. Nhưng Trung Quốc đã quá lớn để duy trì một thế giới quan tự lợi, cơ hội chủ nghĩa và yếm thế vốn đã từng giúp nước này vươn lên. Nếu Trung Quốc không thay đổi, nó có thể phá vỡ toàn cầu hóa, chia cắt thị trường thế giới thành các khối do Trung Quốc và Mỹ lãnh đạo. Ở Biển Đông và các vùng biển gần khác, chủ nghĩa dân tộc hung hăng của Trung Quốc đang làm tăng nguy cơ xảy ra đụng độ vô tình với máy bay hoặc tàu chiến Mỹ. Và Trung Quốc cũng đã xây dựng một nhà nước cảnh sát phân biệt chủng tộc ở Tân Cương, có thể đã giam giữ một triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi trong các “trại cải tạo” và tiến hành giám sát hàng triệu người khác. Điều đó sẽ trở thành một lực cản lớn hơn bao giờ hết đối với uy tín của nó, đặc biệt là nếu Trung Quốc muốn xuất khẩu mô hình chuyên chế dựa trên công nghệ đó sang các nước khác.

Nước Mỹ cũng vậy, có rất nhiều thứ để mất. Các lãnh đạo Mỹ đang chịu khuất phục trước một cuộc khủng hoảng niềm tin có nguy cơ chứng minh rằng những người Trung Quốc khinh miệt Mỹ đã nói đúng. Để cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ phải đầu tư vào tương lai của mình, với ngân sách dành cho giáo dục công và khoa học cấp cao, đồng thời có các chính sách nhập cư hợp lý để thu hút nhân tài. Ở nước ngoài, điều đó có nghĩa là cần xây dựng lại các liên minh đã bị suy yếu và nhớ rằng các quốc gia phương Tây khác không muốn lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ. Không có quy tắc nào tồn tại trong cuộc cạnh tranh quyền lực nước lớn này. Lịch sử hiện đại chưa từng chứng kiến một cuộc cạnh tranh ý thức hệ nào như vậy giữa hai đối tác thương mại khổng lồ. Đồng ý làm thế nào để làm cho cuộc cạnh tranh đó an toàn và mang tính xây dựng sẽ khó khăn. Nhưng hòa bình và thịnh vượng vủa thế kỷ này phụ thuộc vào điều đó./.