Quốc gia nào sở hữu Hành lang Tây Bắc?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Who owns the Northwest Passage?The Economist, 22/05/2019

Biên dịch: Lê Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đã làm Canada nóng mặt hồi đầu tháng này khi ông nói trong một bài phát biểu tại Phần Lan rằng yêu sách của Canada đối với Hành lang Tây Bắc (Northwest Passage) là “bất hợp pháp”. Ông đã có mặt ở đó để tham dự phiên họp của Hội đồng Bắc Cực, một cơ quan được thành lập bởi tám quốc gia xung quanh Bắc Băng Dương để giải quyết những bất đồng và tranh chấp liên quan đến khu vực địa cực này. Nhưng nếu Canada không sở hữu Hành lang Tây Bắc (xem bản đồ), vậy thì là quốc gia nào?

Trong nhiều thế kỷ, việc tìm ra một tuyến đường xuyên qua 36.000 hòn đảo hình thành nên quần đảo Bắc Cực của Canada là một giấc mơ cho những nhà thám hiểm đầy tham vọng muốn đi thuyền từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Sir John Franklin, một sĩ quan hải quân Anh, nổi tiếng vì đã thiệt mạng vào năm 1847 khi đang tìm kiếm một lối đi không bị đóng băng (một minh họa về cảnh tượng này được mô tả trong hình vẽ ở trên).

Roald Amundsen, một nhà thám hiểm người Na Uy, đã hoàn thành chuyến đi thành công đầu tiên qua hành lang này vào năm 1906. Kể từ đó, sự nóng lên toàn cầu đã làm giảm độ bao phủ của băng vào cuối mùa hè và đầu mùa thu hơn 30% kể từ năm 1979, cho phép nhiều tàu hơn hoạt động ở phía bắc. Chỉ có một vài chuyến đi qua Bắc Cực được thực hiện mỗi năm, chủ yếu ở phía Nga của Bắc Băng Dương, nơi có ít băng hơn. Trên Hàng lang Tây Bắc, đã có 289 chuyến đi được thực hiện kể từ năm 1906, 32 trong số đó là vào năm 2017.

Hoa Kỳ từ lâu đã tuyên bố rằng Hành lang Tây Bắc, với bảy tuyến đường khác nhau, là một eo biển quốc tế nơi mà các tàu thương mại và quân sự của họ có quyền đi qua mà không cần xin phép Canada. Hoa Kỳ đưa ra yêu sách này trên cơ sở vụ xét xử liên quan đến Kênh Sala, ngăn cách bờ biển Albania với đảo Corfu của Hy Lạp, vốn đã được đưa ra trước Tòa án Công lý Quốc tế năm 1947. Tòa phán quyết rằng Albania không thể tuyên bố kênh này thuộc lãnh hải của mình vì nó là một tuyến đường quốc tế dành cho tàu thuyền đi lại giữa hai khu vực của biển cả mà không quốc gia nào có quyền yêu sách.

Những tranh chấp tương tự cũng tồn tại đối với eo biển Hormuz giữa Iran và Oman; eo biển Bab al-Mandab giữa Yemen và Djibouti; và ở các vùng biển của Biển Đông. Canada đã chính thức mua lại quần đảo này cùng với các tài sản còn lại của Anh ở Bắc Mỹ vào năm 1880, và đã tuyên bố chủ quyền đối với hành lang này vì tất cả các tuyến đường biển ở đây đều chạy xuyên qua các đảo thuộc lãnh thổ Canada. Nhưng quốc gia này chưa bao giờ tìm cách giải quyết câu hỏi này trước tòa.

Canada và Hoa Kỳ đã dàn xếp bất đồng của họ vào năm 1988 với một giải pháp chính trị thay vì pháp lý, được gọi là Thỏa thuận Hợp tác Bắc Cực Canada-Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cho biết họ sẽ tìm kiếm sự đồng thuận từ Canada cho bất kỳ hành trình quá cảnh nào, nhưng vẫn cho rằng điều này không có nghĩa là quốc gia này đồng ý với lập trường của Canada.

Bình luận gần đây của ông Pompey ngụ ý rằng, với việc Bắc Cực mở cửa cho hoạt động vận tải biển nhiều hơn, nước Mỹ không còn hài lòng với thỏa thuận này. Tàu chở hàng có thể cắt giảm nhiều ngày, nếu không phải là nhiều tuần, cho một số hành trình nhất định nếu sử dụng Hành lang Tây Bắc.

Vào năm 2014, tàu Nunavik mất 26 ngày để chở niken từ Quebec đến Trung Quốc, so với chuyến đi trước đó qua Kênh đào Panama kéo dài 41 ngày. Nhưng tranh chấp này, cũng như băng ở Bắc Cực, có thể chỉ mang tính nhất thời. Các nhà khoa học hiện đang suy đoán rằng toàn bộ Bắc Băng Dương sẽ không còn băng vào mùa hè trong vài thập niên tới. Điều đó có nghĩa là các chủ tàu sẽ không phải xin phép bất kỳ ai nếu họ chọn tuyến đường đi qua vùng biển cả chưa được tuyên bố chủ quyền ở vùng cực của thế giới này.