Chiến dịch ngoại giao giải cứu nhà khoa học Tiền Học Sâm

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Viện sĩ Tiền Học Sâm (Qian Xue-sen) là một nhà khoa học lớn của Trung Quốc, nổi tiếng về tài năng và lòng yêu nước, đạo đức chân thành, giản dị khiêm tốn. Ông còn được gọi là Cha đẻ ngành tên lửa và hàng không vũ trụ Trung Quốc.

Tiền Học Sâm qua đời ngày 31/10/2010, thọ 98 tuổi. Toàn bộ các nhà lãnh đạo cao nhất ở Trung Quốc như Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân, Ngô Bang Quốc v.v… đã đến dự đám tang ông, điều đó cho thấy ông từng có một vai trò rất quan trọng ở Trung Quốc.

Tiền Học Sâm sinh ra trong một gia đình trí thức có cha là một nhà giáo. Năm 1935 sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải ông đi Mỹ du học. Năm 1939, Tiền Học Sâm giành học vị tiến sĩ tại Học viện Công nghệ California (Caltech) dưới sự hướng dẫn của giáo sư Von Karman (người Mỹ gốc Hungary), sau đó ông ở lại trường giảng dạy và tham gia nhóm nghiên cứu thiết kế chế tạo tên lửa, còn được gọi là Nhóm cảm tử, vì việc thí nghiệm tên lửa rất nguy hiểm. Bài báo của ông viết lý thuyết “Chế tạo tên lửa có vận tốc 10 nghìn km” đã làm giới khoa học tên lửa thế giới biết đến tên tuổi Tiền Học Sâm.

Trong thời gian Thế chiến II, Tiền Học Sâm tham gia công tác làm bom nguyên tử trong dự án tuyệt mật Manhattan của chính phủ Mỹ. Sau đó ông được phong giáo sư trường Caltech. Chiến tranh kết thúc, ông được mời tham gia công tác nghiên cứu chế tạo tên lửa của quân đội Mỹ và được phong hàm đại tá. Trong lĩnh vực này Tiền Học Sâm có nhiều thành công lớn, trở thành một chuyên gia tên lửa hàng đầu thế giới, được giới khoa học quân sự Mỹ kính nể.

Cuối năm 1949, sau khi biết tin nước CHND Trung Hoa ra đời, Tiền Học Sâm cùng vợ là Tưởng Anh vui mừng khôn xiết, ngày đêm bàn chuyện sớm trở về tổ quốc.

Hồi ấy cái gọi là chủ nghĩa chống cộng Mắc Các-thy (McCarthyism) đang hoành hành trên chính trường nước Mỹ, khắp nơi có phong trào khuyến khích viên chức nhà nước trung thành với chính phủ và tố cáo những người thân cộng sản. CIA nghi Tiền Học Sâm theo cộng sản; vì thế ông bị tước mất quyền tiếp tục làm các công việc nghiên cứu bí mật có liên quan tới quân sự. Tiền Học Sâm vô cùng căm tức và suy nghĩ: Mình thà về nước còn hơn ở lại nước Mỹ trong tình trạng bị nghi ngờ thế này.

Lấy lý do ấy, ông xin về Trung Quốc, nhưng yêu cầu này bị chính phủ Mỹ từ chối. Thứ trưởng Bộ Hải quân Mỹ nói: “Tiền Học Sâm nắm được tất cả các bí mật của công trình tên lửa Mỹ, con người ấy có giá trị ngang với mấy sư đoàn lính thuỷ đánh bộ. Tôi thà bắn chết người này còn hơn để cho ông ta về với Trung Quốc cộng sản!”

Chính quyền Mỹ bắt đầu theo dõi Tiền Học Sâm. Nhà ông bị khám, thậm chí ông bị bắt giam 2 tuần. Ông chỉ được về nhà sau khi trường Caltech nộp 15.000 USD tiền bảo lãnh. Cảnh sát còn tịch thu 8 tạ sách ông sưu tầm được trong bao năm định mang về Trung Quốc. Từ đó Tiền Học Sâm sống trong tình trạng bị giam lỏng ở nhà lâu tới 5 năm.

Tin nhà khoa học nổi tiếng Tiền Học Sâm bị chính phủ Mỹ hãm hại đã làm dư luận Trung Quốc căm phẫn. Chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố phản đối hành động của chính phủ Mỹ. Nhằm mục đích đón được Tiền Học Sâm về nước phục vụ các chương trình nghiên cứu khoa học quân sự, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tổ chức một chiến dịch ngoại giao giải cứu Tiền Học Sâm. Chính quyền Trung Quốc bắt giam một số kiều dân Mỹ và người Mỹ xâm phạm lãnh thổ. Toà án Quân sự Trung Quốc đã kết án 13 gián điệp Mỹ, với ý đồ dùng họ để đổi lấy Tiền Học Sâm.

Chính phủ Mỹ rất muốn các công dân của họ được trả tự do bèn thông qua các quan chức ngoại giao Anh quốc liên lạc với phía Trung Quốc.

Tháng 4/1954, nhân dịp họp hội nghị 5 nước Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Liên Xô tại Geneva bàn về việc giải quyết vấn đề Triều Tiên và chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, trưởng đoàn Trung Quốc là Thủ tướng Chu Ân Lai chỉ thị phái đoàn Trung Quốc thông qua Bộ Ngoại giao Anh để liên hệ với Mỹ, đề nghị đàm phán với Mỹ đòi thả nhà khoa học Tiền Học Sâm. Người phát ngôn phái đoàn Trung Quốc ra tuyên bố yêu cầu chính phủ Mỹ trả tự do cho các kiều dân và du học sinh Trung Quốc bị bắt ở Mỹ, đồng thời ngầm tỏ ý Trung Quốc sẵn sàng bàn với Mỹ vấn đề người Mỹ bị bắt tại Trung Quốc.

Kết quả là từ ngày 5 tháng 6, đại biểu Trung Quốc Vương Bính Nam và thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Johnson bắt đầu đàm phán về vấn đề kiều dân hai nước bị bắt giữ. Được Thủ tướng Chu Ân Lai chỉ đạo, trong phiên họp lần thứ ba, đoàn Trung Quốc tỏ thái độ có nhượng bộ lớn, đồng thời yêu cầu Mỹ trả tự do cho Tiền Học Sâm và các du học sinh Trung Quốc tại Mỹ bị bắt. Nhưng yêu cầu của phía Trung Quốc bị Mỹ từ chối.

Hôm hội nghị Geneva bế mạc (21/7/1954), Thủ tướng Chu Ân Lai chỉ thị trong hội nghị Trung-Mỹ cấp Lãnh sự họp tiếp vào hôm sau, phía Trung Quốc phải chủ động quyết định trao trả 4 phi công Mỹ bị Trung Quốc bắt giữ để tỏ thiện chí.

Ngày 25/7/1955, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thành lập Tổ chỉ đạo đàm phán Trung-Mỹ, do Thủ tướng Chu Ân Lai phụ trách, tổ trưởng là thứ trưởng Chương Hán Phu, tổ phó là Kiều Quán Hoa. Từ ngày 1/8, cuộc đàm phán này nâng lên cấp đại sứ. Tuy phía Trung Quốc đã có thiện chí nhưng phía Mỹ vẫn cương quyết không chịu cho Tiền Học Sâm về nước, viện cớ phía Trung Quốc chưa đưa ra được lý do thật sự của yêu cầu này.

Đang lúc Thủ tướng Chu Ân Lai vô cùng lo lắng thì may sao ông Trần Thúc Thông, một nhân sĩ yêu nước, phó Chủ tịch Quốc hội và phó Chủ tịch Trung ương Hội nghị Chính trị hiệp thương (tương đương trung ương Mặt trận Tổ quốc ở Việt Nam) chuyển cho Thủ tướng một bức thư ký tên Tiền Học Sâm gửi từ Mỹ. Lá thư này viết trên tờ giấy quấn thuốc lá mỏng dính ép trong một cuốn sách Tiền Học Sâm gửi cho người nhà ở Bỉ nhờ chuyển tới Trần Thúc Thông. Trong thư, Tiền Học Sâm viết: Đề nghị chính phủ Trung Quốc giúp ông được về nước.

Xem thư, Thủ tướng Chu vô cùng phấn khởi và chỉ thị hoả tốc chuyển thư này tới đại sứ Vương Bính Nam, trưởng đoàn Trung Quốc đàm phán với Mỹ tại Geneva.

Trong phiên họp ngày 1 tháng 8, Vương Bính Nam phát biểu: “Thưa ngài đại sứ Johnson, trước khi chúng ta bắt đầu thảo luận, tôi xin thông báo ngài biết chính phủ Trung Quốc hôm 31 tháng 7 đã quyết định trả tự do sớm cho 11 phi công Mỹ, trong đó có ông Arnold. Hôm 31 họ đã rời Bắc Kinh và ngày 4 tháng 8 sẽ tới Hong Kong. Tôi mong rằng quyết định này của phía Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng tích cực tời cuộc hội đàm của chúng ta.”

Thế nhưng đại sứ Johnson vẫn nhắc lại luận điệu cũ: “Hiện vẫn chưa có chứng cớ nào cho thấy ông Tiền Học Sâm muốn trở về Trung Quốc; chính phủ Mỹ không thể cưỡng bức ông ấy làm việc đó.”

Đại sứ Vương Bính Nam bèn giơ lá thư Tiền Học Sâm gửi Trần Thúc Thông ra và bác bỏ lý lẽ của Johnson: “Ngay từ tháng 4 năm 1955, chính phủ Mỹ đã công khai tuyên bố cho phép du học sinh Trung Quốc được tự do đi về, thế thì tại sao nhà khoa học Trung Quốc tiến sĩ Tiền Học Sâm tháng 6 vừa rồi còn viết thư đề nghị chính phủ chúng tôi giúp ông được về nước? Rõ ràng là phía Mỹ vẫn cản trở các nhà khoa học Trung Quốc được về nước.”

Trước chứng cớ rành rành, phía Mỹ không thể không chấp nhận yêu cầu về nước của Tiền Học Sâm. Ngày 4/8/1955, ông nhận được thông báo của Cơ quan Nhập cư Mỹ cho phép về Trung Quốc dưới hình thức trục xuất.

Ngày 17/9/1955, Tiền Học Sâm cùng vợ là bà Tưởng Anh mang theo hai con nhỏ đáp chiếc tàu thuỷ “Tổng thống Cleveland” lên đường về tổ quốc. Tàu cặp bến Hong Kong, Tiền Học Sâm và gia đình được chuyển sang Thâm Quyến; tại đây ông được đón tiếp như một vị anh hùng.

Biết tin ấy, nhà khoa học Von Karman xúc động nói: “Nước Mỹ thế là biếu không cho Trung Quốc Đỏ vị chuyên gia tên lửa xuất sắc nhất thế giới.”

Ngay từ cuối thập niên 1950, Thủ tướng Chu Ân Lai từng nói: “Cuộc hội đàm Trung-Mỹ cấp đại sứ tuy không có kết quả thực chất nào nhưng chúng ta đòi được Tiền Học Sâm. Riêng một việc này cho thấy cuộc hội đàm ấy là có giá trị”.

Thủ tướng Chu Ân Lai đã sáng suốt khởi động cuộc đàm phán Trung Quốc-Mỹ, khéo léo dùng biện pháp ngoại giao dọn sạch các trở ngại trên con đường về nước của Tiền Học Sâm, nhờ đó Tiền Học Sâm và sau này nhiều người Trung Quốc học ở Mỹ được về nước thực hiện nguyện vọng phục vụ tổ quốc.

Sau khi về nước, Tiền Học Sâm lập tức được chính phủ Trung Quốc trọng dụng. Mọi kiến nghị của ông đều được chấp nhận. Ông được cử lãnh đạo Viện nghiên cứu số 5 của Bộ Quốc phòng, nơi chuyên trách nghiên cứu chế tạo tên lửa và máy bay. Tiền Học Sâm được bầu làm Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc và Viện Công trình Trung Quốc, cũng như làm phó Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc. Cống hiến to lớn của ông trong việc xây dựng ngành tên lửa và du hành vũ trụ được chính phủ Trung Quốc ghi nhận bằng một loạt giải thưởng và danh hiệu cao quý nhất.

Nhờ sự đóng góp của các nhà khoa học lỗi lạc từ nước ngoài trở về như Tiền Học Sâm, công trình chế tạo tên lửa và bom nguyên tử của Trung Quốc hoàn thành sớm trước thời hạn ít nhất 20 năm.

Cuối năm 1960, Trung Quốc phóng thử thành công quả tên lửa đầu tiên. Hiện nay Trung Quốc đã chế tạo được các loại tên lửa mạnh, có tầm bắn xa trên chục nghìn km và có thể mang đầu đạn hạt nhân. Dưới sự chỉ đạo của Tiền Học Sâm, ngành du hành vũ trụ Trung Quốc ra đời và có tiến bộ nhanh chóng. Năm 1970 phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên Đông Phương Hồng 1. Năm 2003 phóng thành công tàu vũ trụ chở người Thần Châu 5 trở về trái đất an toàn. Năm 2008 Trung Quốc lại phóng được vệ tinh Hằng Nga bay vòng quanh mặt trăng, trở thành quốc gia thứ 5 đưa được vật thể lên Mặt Trăng (sau Nga, Mỹ, Nhật, châu Âu). Năm 2011 và 2016 lại phóng thành công 2 trạm không gian Thiên Cung. Ngày 3/1/2019, Trung Quốc lại phóng tàu vũ trụ hạ cánh thành công xuống bề mặt không nhìn thấy của Mặt trăng.