Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Ngày 18/04/2008, cuốn phim tài liệu “Svetlana nói về Svetlana” (Svetlana About Svetlana) bắt đầu được chiếu tại Liên hoan Phim Wisconsin ở thành phố Madison thủ phủ bang Wisconsin (Mỹ).
Svetlana là tên gọi bà Svetlana Allilueva, con gái duy nhất của Joseph Stalin, nhà lãnh đạo Liên Xô suốt 29 năm từ năm 1924 cho tới năm 1953 khi ông qua đời.
Svetlana có một cuộc đời trôi nổi rất phức tạp. Con người này tính tình kỳ cục, cáu bẳn, thất thường, “có chút điên” – như con trai bà nhận xét mẹ. Bà mai danh ẩn tích tại một thị trấn nhỏ ở bang Wisconsin miền Bắc nước Mỹ suốt hai chục năm.
Làm phim về Svetlana Allilueva
“Svetlana nói về Svetlana” là tác phẩm của đạo diễn kiêm nhà làm phim trẻ tuổi Lana Parshina. Cô gái người Mỹ gốc Nga này phải mất rất nhiều công phu mới thuyết phục được Svetlana Allilueva cho cô phỏng vấn, vì mấy chục năm liền Svetlana khăng khăng không tiếp bất cứ ai. Trước đó, một đạo diễn truyền hình người Đức từng muốn làm phim về Svetlana nhưng thất bại vì bà nhất định không tiếp khách.
Lana Parshina thành công là nhờ kiên trì nhẫn nại. Cuối cùng cô được Svetlana đồng ý tiếp. Sở dĩ con gái Stalin thay đổi ý kiến là vì mấy lý do: cô Lana Parshina và bà Svetlana (đã đổi tên là Lana Peters) có cùng tên đầu là Lana; Lana Parshina sinh năm 1978 là năm Svetlana được chính thức định cư tại Mỹ; Lana cũng như Svetlana, hai người đều từ Nga sang Mỹ định cư; hoàn cảnh gia đình hai người giống nhau khi còn dưới chế độ Xô Viết, ông nội Lana cũng bị tù nhiều năm.
Năm lên 10 tuổi, Lana Parshina được đọc cuốn sách tiếng Anh “20 bức thư gửi bạn” (Twenty Letters to a Friend) của Svetlana Allilueva, con gái Stalin. Cô bé vô cùng xúc động cảm thấy đây chính là 20 bức thư gửi cho mình. Vì thế Lana quyết chí tìm gặp tác giả cuốn sách ấy. Suốt 20 năm trời cô tìm mà không thấy Svetlana. Cô đã thuê một thám tử tư để dò la địa chỉ của bà, nhưng vô ích. May sao sau cùng cô lần ra địa chỉ chính xác của Svetlana ở Madison.
Lana kể: “Svetlana Allilueva sống bằng tiền của những người muốn phỏng vấn bà. Tôi biết bà vốn nhạy cảm và thận trọng, dè dặt. Điều quan trọng với tôi là cuốn phim phải diễn tả cảnh bà đã từ chối phỏng vấn như thế nào – đây là tính cách của bà.”
Lần phỏng vấn đầu tiên Svetlana tỏ ra không thân thiện nhưng Lana lại thấy thích như thế. Rồi họ đi ăn bánh hamburger và uống rượu vang. “Bỗng nhiên Svetlana buồn bã nhìn dòng sông và nói bà luôn ước ao được bơi thuyền. Thế là tôi mời bà ấy đi thuyền trên sông. Sau khi chèo thuyền, bà tỏ ra mệt mỏi nhưng rất vui”, Lana kể.
“Hôm sau bà mời tôi mang theo camera đi uống cà phê. Chúng tôi trò chuyện hai tiếng đồng hồ và tôi quay được một đoạn phim cảnh đó”, Lana nói tiếp. “Đối với tôi, điều quan trọng là được nghe thấy khán giả cười khi xem phim của mình. Tôi muốn thể hiện một tâm hồn thuần tuý. Trên thực tế Svetlana chẳng liên quan gì tới nền chính trị của cha bà. Stalin có lần nói: Con cái không phải chịu trách nhiệm về bố mình.”
Dần dần Svetlana Allilueva thấy thích tính tình tươi trẻ hồn nhiên của cô gái trùng tên với mình và bà bắt đầu thổ lộ tâm sự sâu kín của mình.
Năm ấy Svetlana Allilueva đã 82 tuổi (sinh năm 1926). Bà nói bà đang sống khoẻ mạnh, vui vẻ tại một viện dưỡng lão. Ở đấy toàn là người già, họ rất tốt với bà, tuy có lẽ họ đều biết bà là con gái của Stalin, nhà lãnh đạo đất nước từng đối địch với nước Mỹ trong nhiều năm.
Cuộc đời gian nan của con gái lãnh tụ tối cao
Là con của lãnh tụ tối cao Liên Xô nhưng Svetlana Allilueva không có được một cuộc sống bình thường, hạnh phúc. Hồi nhỏ bà được bố yêu chiều nhưng khi lớn lên hai bố con bắt đầu mâu thuẫn gay gắt sau khi cô bé biết được bí mật về cái chết của mẹ mình. Thì ra mẹ của Svetlana chết không phải vì mắc bệnh hiểm nghèo như bố và mọi người nói. Bà Nadezhda Sergeyevna Alliluyeva (Надежда Сергеевна Аллилуева; 1901–1932, người Nga), vợ thứ hai của Stalin, đã dùng súng lục tự bắn vào đầu mình sau khi để lại hai bức thư cho chồng. Bà được an táng trong nghĩa trang danh nhân Novodevichy ở Moskva. Stalin không dự lễ tang vợ. Là một người yêu tự do, thích sống độc lập, bà Nadezhda Alliluyeva không chịu nổi cảnh sống chung với ông. Năm ấy Svetlana mới 6 tuổi.
Khi Svetlana lớn lên, cô càng cảm thấy cuộc đời mình có lắm ràng buộc, mất tự do thoải mái, tất cả chỉ vì mình có ông bố vĩ đại. Riêng chuyện yêu đương và hôn nhân của cô đã nhiều lần làm Stalin bực mình.
Năm 16 tuổi, Svetlana phải lòng một người đàn ông 40 tuổi đã có vợ. Đó là Aleksei Kapler, nhà làm phim kiêm nhà văn người Nga gốc Do Thái. Khi biết chuyện, Stalin đã bỏ tù anh chàng này 5 năm, sau đó lại đưa đi cải tạo lao động 5 năm nữa. Việc này càng làm cô con gái hận ông bố tàn nhẫn.
Năm 1944, khi mới 18 tuổi, Svetlana bất ngờ tuyên bố lấy chồng là Grigory Morozov, một bạn cùng học Đại học Tổng hợp Moskva với mình, cũng là người gốc Do Thái. Stalin bất đắc dĩ phải cho con gái làm lễ cưới. Cô sinh được một con trai tên là Joseph Alliluev. Nhưng chung sống mới được 3 năm, hai người đã chia tay.
Năm 23 tuổi, Stalin thu xếp cho con gái lấy Yuri Zdanov, con trai ông Andrei Zdanov,[1] một nhân vật cấp cao của Đảng Cộng sản Liên Xô, cánh tay phải của Stalin. Cuộc hôn nhân không tự nguyện này đem lại một cô con gái là Ekaterina Allilueva. Vài năm sau hai người lại chia tay vì sự bất đồng tôn giáo.
Năm 1963, Svetlana làm quen với Brajesh Singh một đảng viên đảng Cộng sản Ấn Độ tới Liên Xô làm công tác phiên dịch tại một nhà xuất bản. Hai người yêu nhau tha thiết, sống như vợ chồng nhưng chính quyền Liên Xô không cho phép Svetlana lấy chồng người nước ngoài. Năm 1966, Singh chết vì bệnh ung thư phổi. Năm sau lấy lý do mang tro hài cốt Singh về Ấn Độ quê anh để rắc xuống sông Hằng, Svetlana Allilueva xin được phép sang thăm Ấn Độ.
Ngày 06/03/1967, một hôm trước ngày trở về Liên Xô, Svetlana 41 tuổi đến Sứ quán Mỹ tại Delhi xin tỵ nạn chính trị.
Để tránh rắc rối cho mối quan hệ đang tốt đẹp giữa Ấn Độ với Liên Xô, người ta bố trí cho bà Svetlana trước tiên đến Rome (Italy) rồi tại đây bà xin được visa du lịch 6 tuần sang Thuỵ Sĩ, một nước trung lập. Sau đó bà sang Mỹ. Tháng 4/1967 Svetlana Allilueva đến New York bắt đầu cuộc sống lưu vong, bỏ mặc hai con ở lại Liên Xô.
Tại đây bà tổ chức họp báo tố cáo người cha đã quá cố của mình và chế độ Xô Viết. Vụ việc này từng gây xôn xao dư luận toàn thế giới. Cũng năm đó bà xuất bản cuốn sách đầu tiên “Hai mươi bức thư gửi bạn”. Trong thời gian lưu vong Âu Mỹ, Svetlana xuất bản cả thẩy 4 cuốn sách và 2 tập hồi ký. Tiền nhuận bút viết sách giúp bà có cuộc sống dư dật. Riêng cuốn “Hai mươi bức thư gửi bạn” mang về cho bà 2,5 triệu đô la.
Thập niên 1970, Svetlana Allilueva nhiều lần nhận được lời mời từ bà Olgivanna Lloyd Wright, vợ goá của kiến trúc sư Mỹ nổi tiếng Frank Lloyd Wright,[2] một phụ nữ gốc Nga có con gái cũng tên là Svetlana mới chết vì tai nạn giao thông. Bà này mê tín, tin rằng Svetlana Allilueva là truyền nhân tinh thần của con gái mình nên nằng nặc mời Allilueva đến Arizona thăm mình. Svetlana nhận lời đến thăm và sau đó còn chấp nhận lời khuyên lấy William Wesley Peters – ông con rể goá vợ của bà Olgivanna. Sau vài tuần, Svetlana đồng ý cưới người đàn ông ấy làm chồng và đổi tên là Lana Peters.
Họ có với nhau một con gái xinh đẹp là Olga. Được ít lâu do sức ép của bà Olgivanna, hai vợ chồng lại chia tay nhau. Nghe nói sở dĩ bà này mới đâu nhất quyết khuyên Svetlana lấy con rể goá vợ của mình vì tin rằng Svetlana có mấy triệu đô la do Stalin để lại cho, nhưng sau khi họ cưới nhau ít lâu bà mới vỡ lẽ là Svetlana hoàn toàn tay trắng vì Stalin không hề để lại bất cứ tài sản nào cho các con ông.
Năm 1982, hai mẹ con Svetlana và Olga đến nước Anh sống một thời gian. Năm 1984, họ trở về tổ quốc Liên Xô, lúc này đang thực thi chính sách cải tổ. Họ được nhận quốc tịch Liên Xô và được cấp một căn hộ ở Tbilisi, thủ phủ Gruzia, quê hương Stalin. Hai năm sau họ lại sang Mỹ. Cho đến năm 2008, khi Lana Parshina đến gặp Svetlana, bà đang sống trong viện dưỡng lão của thị trấn nhỏ Richland Center ở quận Richland thuộc bang Wisconsin. Bà nói rất thích ở đây.
Cần thông cảm với quá khứ
Lana Parshina muốn phim của mình khi chiếu tại Ukraine thuộc Liên Xô cũ sẽ đạt được hiệu quả làm cho khán giả hiện nay hiểu và có thái độ ôn hoà với quá khứ. “Tôi sẽ thông cảm nếu họ không đến xem phim vì ghét Stalin. Tôi quan tâm đến việc tại nước Nga đã xảy ra những chuyện gì, gần đây Stalin có trở thành nhân vật hàng đầu trên chương trình truyền hình “Danh nhân nước Nga” hay không?” – Lana hỏi. Cô có họ hàng ở Kiev và từng đến Ukraine khi mới lên 5 tuổi.
Hiện nay Lana đang tham gia làm một số phim tiếng Nga và tiếng Anh. “Svetlana nói về Svetlana” là phim đầu tiên Lana làm đạo diễn, nhưng trước đấy cô đã có kinh nghiệm của một nhà sản xuất phim. Lana nói sau này cô sẽ làm nhiều phim tài liệu.
“Điều tôi quan tâm là lột tả được bản chất của những người có nhiều quyền lực, cũng như những người thân của họ và thậm chí đất nước dưới quyền cai trị của họ. Tôi rất hào hứng với các nhân vật tiêu cực, gây tranh cãi. Có lẽ tôi sẽ làm phim về Fidel Castro và người em ông.”
Các con của bà Svetlana Allilueva đều không tán thành chiếu bộ phim “Svetlana nói về Svetlana”, họ cho rằng như vậy là can thiệp vào đời tư của mẹ và ông ngoại.
Đạo diễn phim Lana Parshina cho biết, sau cuộc phỏng vấn năm 2008, bà Svetlana Allilueva đã rời Viện Dưỡng lão bỏ đi đâu không ai biết. Rõ ràng bà không còn muốn để ai quấy rầy cuộc sống không vui vốn đã có quá nhiều gian truân của mình. Cuối cùng Svetlana Allilueva đi hết cuộc đời gian truân của mình vào ngày 22/11/2011.
——————-
[1] Андре́й Алекса́ндрович Жда́нов, 1896 – 1948), Bí thư Thành ủy Leningrad từ 1934, Ủy viên Bộ Chính trị từ 1939, người lãnh đạo cuộc chiến đấu chống phát xít Đức ở mặt trận Leningrad, nhân vật số 2 trong ĐCSLX, được cho là người sẽ kế nhiệm Stalin nhưng không may đã qua đời trước Stalin.
[2] Frank Lloyd Wright, 1867-1959, nhà thiết kế kiến trúc, nhà văn và nhà giáo dục học, từng thiết kế hơn 1000 cấu trúc và 532 công trình kiến trúc, người được Viện Kiến trúc sư Mỹ thừa nhận là kiến trúc sư vĩ đại nhất mọi thời đại của nước Mỹ.