Đằng sau lời mời Nixon thăm Trung Quốc của Mao Trạch Đông

Tác giả: Jung Chang & Jon Halliday | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Khi mới lên cầm quyền, Mao không lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Mao làm thế là để Stalin có thể yên tâm giúp Trung Quốc xây dựng một cường quốc quân sự. Sau khi Stalin qua đời, Mao muốn lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, nhưng vì lúc đó đang có chiến tranh Triều Tiên nên Mỹ không quan tâm đến Trung Quốc. Tuy hai nước đã bắt đầu đàm phán cấp đại sứ nhưng toàn bộ mối quan hệ Trung – Mỹ vẫn đóng băng. Mao chọn tư thế chống Mỹ cực kỳ căng thẳng, coi tư thế đó là tiêu chí của chủ nghĩa Mao.

Năm 1969, nhằm để chống Liên Xô, tân Tổng thống Mỹ Nixon quyết định chấm dứt chiến tranh Việt Nam và công khai ngỏ ý muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Mao phớt lờ đề nghị ấy, vì sợ việc hòa giải với Mỹ sẽ làm tổn hại hình ảnh “Lãnh tụ phản đế” của mình. Sau khi bản tuyên bố chống Mỹ ngày 20/5/1970 của Mao không gây ra ảnh hưởng gì, Mao mới quyết định chủ động mời Nixon thăm Trung Quốc. Mao không nhằm mục đích hòa hảo với Mỹ mà muốn để cho thế giới biết rằng Nixon cần đến Mao, tìm đường đến Trung Quốc, Mao thay mặt lực lượng chống đế quốc của thế giới để đàm phán đối đầu với Mỹ.

Tháng 11/1970, Chu Ân Lai tung tin qua Rumania, một nước có quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ, rằng Trung Quốc hoan nghênh Nixon đến thăm Bắc Kinh. Ngày 11/1/1971, giấy mời đến Nhà Trắng. Nixon bút phê: “Chúng ta không thể tỏ ra quá vồ vập”. Về sau Kissinger kể: Trong thư trả lời Bắc Kinh hôm 29/1/1971, phía Mỹ “không nói tới chuyện Tổng thống Nixon thăm Trung Quốc”, “hiện nay còn chưa nói tới bước ấy, nói ra có thể gây rắc rối”.

Mao tiếp tục chờ dịp may.

Ngày 21/3/1971, đội bóng bàn Trung Quốc đến Nhật dự thi đấu Cúp Bóng bàn thế giới. Đây là một trong số các đoàn thể thao đầu tiên của Trung Quốc ra nước ngoài kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa, do đích thân Mao phê chuẩn. Để tránh mang tiếng ly kỳ, các cầu thủ được đặc biệt cho phép không mang theo Sách Đỏ [sách Trích lời Chủ tịch Mao]. Nhưng họ nhận được quy định nghiêm khắc: không được bắt tay cầu thủ Mỹ, không được chủ động bắt chuyện với người Mỹ.

Ngày 4/4 cầu thủ Mỹ Glenn Cowan tình cờ lên chiếc xe ca của đội tuyển bóng bàn Trung Quốc. Nhà vô địch bóng bàn thế giới Trang Tác Đông quan sát thấy các cầu thủ đội nhà ai nấy đều nhìn người Mỹ kia bằng ánh mắt lo lắng, nghi ngờ, lạnh nhạt. Không một người Trung Quốc nào trên xe bắt chuyện với anh ta. Thấy thế Trang Tác Đông bèn bước tới nói chuyện vài câu với Cowan. Bức ảnh hai cầu thủ Trung Quốc và Mỹ bắt tay nhau sau khi được đăng báo đã trở thành tin tức trang nhất của các báo Nhật.

Khi cô hộ lý kiêm giúp việc của Mao Trạch Đông là Ngô Húc Quân đọc cho ông nghe mẩu tin ấy đăng trên tờ “Tin tham khảo”, mắt Mao bỗng sáng lên, mỉm cười khen: “Cái cậu Trang Tác Đông này chẳng những đánh bóng bàn giỏi mà lại còn biết làm ngoại giao nữa.”

Đội bóng bàn Mỹ tỏ ý muốn đến thăm Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc căn cứ theo chính sách, quyết định không gửi lời mời. Mao duyệt bản báo cáo ấy của Bộ Ngoại giao.

Nhưng sau đó ông không bằng lòng với quyết định của mình, suốt ngày băn khoăn suy nghĩ. Hơn 11 giờ đêm hôm ấy Mao uống thuốc ngủ xong ngồi ăn cơm với Ngô Húc Quân. Ông có thói quen ăn cùng một hoặc hai nhân viên hầu cận. Uống thuốc rồi mới ăn, ăn xong đi nằm. Loại thuốc ngủ của Mao rất nặng, có hôm đang ăn cơm thì thuốc đã tác dụng, khiến ông gục đầu xuống bàn. Mấy người phục vụ phải móc hết cơm và thức ăn chưa nuốt trong miệng ông ra. Vì thế các bữa tối của Mao đều không có món cá, sợ xương cá gây hóc.

Ngô Húc Quân nhớ lại: Bữa tối hôm ấy do tác dụng của thuốc an thần, Chủ tịch đã buồn ngủ lắm, tay cứ bíu lấy bàn ăn muốn ngủ. Nhưng bỗng nhiên Chủ tịch nói lắp bắp, tôi nghe mãi mới nghe rõ ông bảo tôi gọi điện cho Vương Hải Dung[1] ở Bộ Ngoại giao. Giọng Chủ tịch trầm trầm mà lời lẽ không rõ ràng: “Mời đội Mỹ đến thăm Trung Quốc.”….

Tôi sững sờ và nghĩ: Làm như thế chẳng phải là ngược với lời bút phê mà Chủ tịch vừa viết sáng nay đấy sao!….. Bình thường Chủ tịch đã dặn là “Những lời Chủ tịch nói sau khi uống thuốc an thần thì không coi là thật”. Bây giờ có nên coi lời Chủ tịch nói là thật hay không đây? Lúc ấy tôi rất khó xử…….

Lát sau Chủ tịch ngẩng đầu lên, cố gắng mở mắt và bảo tôi: “Tiểu Ngô, cháu còn ngồi đấy ăn cơm à, việc bác bảo cháu làm sao cháu không đi làm hả?”.

Bình thường Chủ tịch đều gọi tôi là “Hộ lý trưởng”, chỉ khi nói chuyện công tác hoặc khi rất nghiêm túc mới gọi là “Tiểu Ngô”.

Thế rồi Chủ tịch cứ câu được câu chăng, ngắt quãng, dề dà ấp úng nhắc lại một lượt câu nói lúc nãy….

Tôi vội hỏi: “Bác đã uống thuốc an thần rồi mà. Lời bác nói bây giờ có coi là thật hay không đấy ạ?”

Chủ tịch phẩy tay về phía tôi: “Là thật đấy! Mau đi làm đi, kẻo không kịp đâu.”

Mao cố gượng thức chờ Ngô Húc Quân làm xong việc ấy rồi mới yên tâm đi ngủ.

Quyết sách này của Mao đã gây ra tác động bùng nổ ở phương Tây. Bao năm qua Trung Quốc và Mỹ đối địch với nhau, nay bỗng dưng Trung Quốc mời một đoàn thể của Mỹ sang thăm, hơn nữa đây lại là một đoàn thể thể thao, mọi người đều quan tâm.

Sau khi người Mỹ đến Trung Quốc, Chu Ân Lai, con người đầy sức quyến rũ ấy trổ hết tài năng tổ chức nghênh tiếp, làm cho người Mỹ cảm thấy “sự đón tiếp lóa mắt” (lời Kissinger). Báo Mỹ hàng ngày tràn đầy những tin tức phấn khởi kích động. Một nhà bình luận viết: “Nixon ngẩn người nhìn những tin tức ấy nhảy từ trang thể thao lên trang nhất các báo”. Mao đã tạo ra một môi trường mê li quyến rũ Nixon thăm Trung Quốc. Đối với Nixon, đến Trung Quốc trong bầu không khí ấy về chính trị chỉ có trăm điều lợi mà không một điều bất lợi, nhất là năm tới sẽ có bầu cử Tổng thống.

Không bỏ lỡ thời cơ, ngày 21/4/1971 Chu Ân Lai lại một lần nữa mời Nixon thăm Trung Quốc. Ngày 29, Nixon lập tức nhận lời. Kissinger nói: “ Nixon quả thực phấn khởi tới mức không thể kiềm chế, thậm chí còn định không cử đoàn tiền trạm đi Bắc Kinh trước, e rằng như thế sẽ làm cho chuyến thăm của mình bị giảm bớt mất ánh hào quang.”

Mao không những “câu” được Nixon đến Trung Quốc mà còn câu được một món quà gặp mặt vượt quá sức mong đợi. Tháng 7, khi đi tiền trạm đến Trung Quốc, Kissinger có chủ động đề xuất: Nếu năm 1972 Nixon tái đắc cử Tổng thống thì trước tháng 1/1975 Mỹ sẽ thừa nhận Trung Quốc, tiếp thu toàn diện các yêu cầu của Bắc Kinh, hất cẳng Đài Loan. Cho dù Mỹ và Đài Loan có hiệp định phòng thủ chung, Chu Ân Lai khi nói với Kissinger về vấn đề Đài Loan dường như đã coi hòn đảo này đang nằm trong túi Bắc Kinh. Kissinger đành làm một cử chỉ yếu ớt: “Chúng tôi mong vấn đề Đài Loan sẽ được giải quyết một cách hòa bình.” Ông không yêu cầu Chu bảo đảm không sử dụng vũ lực.

Hồ sơ mật về chuyến đi tiền trạm của Kissinger mãi đến năm 2002 mới được giải mật. Trước đó trong hồi ký Kissinger viết về vấn đề này có một dòng “Chỉ sơ sơ nói tới vấn đề Đài Loan”. Sau khi hồ sơ được giải mật, khi được hỏi về vấn đề này, Kissinger thừa nhận “Tôi nói như thế là rất không hay, tôi rất ân hận.”

Nixon còn nhắc tới vấn đề giúp Trung Quốc vào Liên Hợp Quốc ngay. Kissinger nói: “Bây giờ các ngài đã có thể chiếm chiếc ghế Trung Quốc. Tổng thống yêu cầu tôi trước tiên bàn với các ngài vấn đề này, sau đó chúng tôi sẽ quyết định chính sách công khai.”

Chiếc hộp đựng quà gặp mặt của Kissinger không chỉ có những món ấy. Ông nêu lên vấn đề sẽ báo cho Trung Quốc biết những nội dung Mỹ đã bàn với Liên Xô. Kissinger nói: “Các ngài muốn biết chúng tôi đã bàn vấn đề nào với Liên Xô thì chúng tôi sẽ cho các ngài biết, đặc biệt là đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược.” Mấy tháng sau, Kissinger nói với các sứ giả Trung Quốc: “Chúng tôi cho các ngài biết chúng tôi đã bàn những vấn đề gì với Liên Xô nhưng chúng tôi không cho Liên Xô biết chúng tôi đã bàn với các ngài những vấn đề gì.” Khi nghe nói Mỹ đã cho Trung Quốc biết những tình báo nào, Phó Tổng thống Nelson Rockefeller thực sự “ngạc nhiên đớ người ra”. Một trong những tin tình báo đó là tình hình quân đội Liên Xô tập kết ở biên giới Trung Quốc.

Trên vấn đề Đông Dương, Kissinger có cam kết hai vấn đề lớn. Thứ nhất là trong vòng 12 tháng rút hết quân đội Mỹ. Thứ hai là từ bỏ chính quyền miền Nam Việt Nam. Kissinger nói: “Khi hòa bình lập lại, chúng tôi sẽ ở cách Đông Dương ngoài 10 nghìn dặm. Hà Nội vẫn ở Việt Nam.” Ý nói Việt Nam sẽ là của Việt Cộng.

Thậm chí Kissinger còn chủ động cam kết trong nhiệm kỳ tới của Nixon sẽ “rút phần lớn cho tới toàn bộ quân đội Mỹ” ra khỏi Nam Triều Tiên. Nhưng ông không nói một chữ nào về vấn đề quân đội các nước cộng sản sẽ tái xâm lược Nam Triều Tiên hay không.

Những món quà gặp mặt ấy không đòi hỏi lại quả. Kissinger nhấn mạnh ông không yêu cầu Trung Quốc ngừng viện trợ Việt Nam, thậm chí chẳng nói gì tới việc mong muốn chính quyền Mao bớt chửi Mỹ một chút. Từ biên bản hội đàm có thể thấy, Chu Ân Lai luôn dùng khẩu khí đối địch như “Ngài phải trả lời vấn đề này”, “Ngài phải giải đáp vấn đề kia”, “Sự áp bức của các ngài, sự lật đổ của các ngài, sự can thiệp của các ngài”. Kissinger chẳng những không bào chữa cho Mỹ mà còn tiếp thu cái logic nực cười của Chu Ân Lai khi Chu nói vì Trung Quốc là nước cộng sản nên sẽ không xâm lược nước khác.

Trong đàm phán với cộng sản Việt Nam, mỗi khi đối phương nói chút gì động đến sự sai trái của chính phủ Mỹ thì Kissinger đốp lại ngay: “Ngài có tư cách gì nói tôi. Chính quyền mà ngài đại diện là một trong những chính quyền hung hãn nhất trên hành tinh này.”

Thế nhưng khi Chu Ân Lai nói Mỹ “tàn bạo” ở Việt Nam thì Kissinger chẳng hỏi lại: “Thế các ngài đối xử với nhân dân mình ra sao?”. Trước lời lẽ lên án của Chu Ân Lai, sau đấy Kissinger lại nói những lời ấy “vô cùng xúc động lòng người”.

Ngày đàm phán đầu tiên kết thúc, Mao nghe báo cáo, tâm lý tự cao tự đại của ông ta lập tức căng phồng lên. Mao huyên thuyên nói với các cán bộ ngoại giao rằng Mỹ là “Đồ khỉ biến thành người mà chưa biến được, lại còn giữ cái đuôi của mình”, “Nó không còn là khỉ nữa, mà là vượn, đuôi không dài”, “Đó là tiến hóa mà!” Còn Chu Ân Lai thì diễn tả Nixon “trang điểm phấn son đến nhà người ta”. Mao thấy mình có thể giành được từ Nixon những thứ mình muốn mà không cần trả giá, vừa chẳng phải giảm mức độ chuyên chế bạo tàn mà cũng không phải hạ thấp giọng điệu chống Mỹ.

Sau chuyến Kissinger bí mật đi Bắc Kinh, tin Nixon sẽ thăm Trung Quốc được công khai trước toàn thế giới. Tháng 10/1971, Kissinger đến Bắc Kinh lần nữa để thu xếp cho chuyến đi của Tổng thống. Đó chính là lúc Liên Hợp Quốc mỗi năm một lần thảo luận vấn đề chiếc ghế ở Liên Hợp Quốc của Trung Quốc. Mỹ là nước chủ yếu bảo vệ Đài Loan; bây giờ Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Kissinger đang ở Bắc Kinh, điều đó chẳng khác gì bật đèn xanh cho Trung Quốc. Ngày 25/10, Trung Quốc gia nhập Liên Hợp Quốc, thay Đài Loan tiếp quản quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Lúc đó vụ Lâm Bưu đào thoát vừa xảy ra được một tháng,[2] Mao Trạch Đông còn đang chìm ngập trong nỗi chán nản thất vọng. Hai sự việc lớn – Trung Quốc vào Liên Hợp Quốc và Nixon đến Bắc kinh – đã xua tan đám mây mù, làm cho tâm trạng của Mao phấn khởi hẳn. Ông cười cười nói nói với các cán bộ ngoại giao xúm xít xung quanh mình, hứng chí nói liền một mạch gần ba tiếng đồng hồ. Ông cầm lấy bảng kết quả biểu quyết đề án của Liên Hợp Quốc, vừa chỉ tay vào bảng vừa nói: “Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Canada, Ý, tất cả đều làm Hồng vệ binh….”

Mao lập tức chỉ thị cho phái đoàn đi Liên Hợp Quốc phải tiếp tục lên án Mỹ, coi Mỹ là kẻ thù số một: “Phải thể hiện quan điểm lập trường rõ ràng”, “Phải chỉ tên vạch mặt chúng, không làm thế không được”. Đã đến ngày [Mao] bước lên diễn đàn thế giới với tư thế lãnh tụ chống Mỹ rồi đây.

Chín ngày trước hôm Nixon đến, Mao bỗng nhiên bị đột quỵ, suýt nữa thì chết. Nixon sắp tới rồi, tin này đem lại sự kích động tinh thần giúp Mao phục hồi nhanh chóng. Hồi ấy ông đang bị phù nề, phải may quần áo mới và sắm giày mới. Chỗ ngủ của ông có rất nhiều thiết bị y tế phục vụ nhu cầu chữa bệnh. Mao nằm trong phòng khách lớn của hội trường ở phía trên bể bơi. Phải tiếp Nixon ở chỗ này. Các thiết bị y tế được dọn vào một góc đại sảnh, dùng bình phong che khuất cả thiết bị lẫn giường nằm. Bốn phía đại sảnh được vây bởi các giá sách, trên xếp đầy sách cổ, khiến người Mỹ không ngớt trầm trồ về học thức của Mao.

Buổi sáng hôm Nixon đến đây, Mao rất sốt ruột luôn hỏi xem bây giờ Tổng thống Mỹ đã đi tới chỗ nào rồi. Nghe nói Nixon trọ ở nhà khách Điếu Ngư Đài, Mao lập tức đòi gặp khách, không muốn chờ đợi. Lúc ấy Nixon đang chuẩn bị đi tắm. Kissinger kể là Chu Ân Lai “có chút nóng ruột” giục ông ta đi ngay.

Trong buổi hội kiến kéo dài 65 phút ấy, Nixon cố bàn bạc với Mao các chuyện thế giới đại sự nhưng Mao lại lái đề tài nói sang chuyện khác. Ông không muốn để người Mỹ nắm dao đằng chuôi.

Vì để kiểm soát chặt chẽ biên bản ghi chép cuộc hội đàm này, phía Trung Quốc từ chối sự có mặt của phiên dịch viên phía Mỹ. Nixon đã chấp nhận yêu cầu trái với thông lệ ngoại giao ấy mà không có ý kiến gì. Khi Tổng thống Mỹ đề nghị bàn về những chuyện lớn hiện nay như “Đài Loan, Việt Nam, Triều Tiên” , Mao chẳng thèm quan tâm nói: “Các vấn đề ấy không phải là vấn đề bàn ở chỗ tôi, mà nên bàn với Thủ tướng Chu Ân Lai. Tôi không muốn quản những chuyện rắc rối ấy.”

Khi Nixon tiếp tục bàn bạc theo mạch suy nghĩ của mình “Phải chăng tôi có thể kiến nghị ngài bớt nghe báo cáo?”, “(Chúng ta) hãy tìm lấy một điểm chung để xây dựng một cơ cấu thế giới”… Mao chẳng trả lời mà ngoái đầu hỏi Chu Ân Lai: “Mấy giờ rồi?”, tiếp đó nói: “(Chúng ta) bốc phét đến đây có lẽ cũng tàm tạm đủ rồi đấy nhỉ?”

Mao đặc biệt chú ý không nói những lời khen ngợi Nixon. Hai vị khách Mỹ thì hăng hái phỉnh nịnh ông ta, chẳng hạn Nixon nói: “Các trước tác của Chủ tịch đã thúc đẩy cả một dân tộc, đã làm thay đổi thế giới.” Chỉ có một lần Mao lấy tư thế kẻ cả nói một câu tốt về Nixon: “Cuốn Sáu cuộc khủng hoảng (Six Crises) của ngài viết khá đấy.”

Nixon lại nói: “Tôi có đọc thi từ và các bài viết của Chủ tịch, tôi biết Chủ tịch là một nhà triết học.” Mao phớt lờ, chuyển đề tài sang Kissinger.

Mao: Ông ấy [ý nói Kissinger] chẳng phải là tiến sĩ triết học đấy ư?

Nixon: Ông ấy là tiến sĩ đại não.

Mao: Thế nào? Hôm nay bảo ông ấy làm diễn giả chính có được không?

Khi Nixon nói, Mao ngắt lời: “Hai chúng ta chẳng thể độc diễn toàn bộ vở kịch này được đâu, không cho tiến sĩ Kissinger phát biểu thì không ổn.”

Đến khi Kissinger tham gia bàn bạc thì Mao lại tỏ ra không thực sự muốn nghe ý kiến của ông ta, mà nói những câu vớ vẩn với Kissinger, đại để như bảo “dùng các cô gái xinh đẹp để bao che mình”.

Nguyễn Hải Hoành lược dịch và ghi chú từ “Chuyện chưa biết về Mao” (毛澤東:鮮為人知的故事) của Jung Chang và Jon Halliday.

——————-

[1] Vương Hải Dung (Wang Hai-rong), nữ, s. 1938, có họ xa với Mao Trạch Đông. Học tiếng Nga và Anh. Làm việc ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Vụ phó Lễ tân (1971-72), Trợ lý Bộ trưởng (1972-74), Thứ trưởng (1974-79). Về sau bị mất chức vì nghi có liên quan Lũ 4 Tên. Từ 1984 là Phó Chủ nhiệm Phòng Tham sự Quốc vụ viện (một cơ quan tư vấn).

[2] Phó CT Đảng CSTQ Nguyên soái Lâm Bưu định đảo chính lật Mao nhưng bất thành, ngày 13/9/1971 cùng vợ con lên máy bay trốn ra nước ngoài, chết vì máy bay rơi trên đất Mông Cổ.