Mở cửa trường mùa dịch: Cần lý trí khi quản lý rủi ro

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Đối phó như thế nào với Covid-19 cơ bản là một câu hỏi về quản lý rủi ro. Để đưa ra được phản ứng phù hợp, không quá mạnh tay tới mức không cần thiết cũng không quá chủ quan, người ta cần đánh giá được mức độ rủi ro. Rủi ro thường được tính dựa trên công thức: Rủi ro = Hậu quả x Xác suất xảy ra.

Nếu xét môi trường giáo dục, có thể thấy rủi ro hiện nay đang ở mức rất thấp. Thứ nhất, về hậu quả, mặc dù Covid-19 gây hậu quả nghiêm trọng ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nhưng đó là vì Hồ Bắc đã chủ quan trong giai đoạn đầu, để dịch vượt quá tầm kiểm soát. Còn ở các nước ngoài Trung Quốc, nhìn chung hậu quả ở mức thấp. Cụ thể, tỉ lệ tử vong không cao hơn các bệnh truyền nhiễm thông thường là bao, và đặc biệt các số liệu thống kê cho thấy, tỉ lệ trẻ em, học sinh nhiễm bệnh rất ít, cho đến nay trên toàn thế giới chưa có trẻ em nào trong độ tuổi 0-9 tử vong vì Covid-19.

Vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam cơ bản đã khống chế được dịch, hầu hết các ca đã được chữa khỏi và xuất viện, không xuất hiện ca mới, hậu quả nếu có của việc mở cửa trường học là không đáng kể, nhất là nếu Việt Nam tiếp tục phòng chống dịch nghiêm ngặt như thời gian vừa qua.

Thứ hai, xác suất xảy ra tình trạng lây nhiễm ở trường học trong bối cảnh hiện nay là không cao. Thực tế, trường học là môi trường an toàn hơn rất nhiều so với các địa điểm khác, như văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, bến tàu xe, nhà thờ, trung tâm giải trí… vì trường học có thể kiểm soát tốt người ra vào, trong khi các địa điểm kia thì không. Người đến từ các vùng có dịch, đặc biệt là Trung Quốc, nếu lọt lưới kiểm dịch cũng sẽ không tới trường học mà chủ yếu sẽ tới những nơi công cộng kể trên. Vậy tại sao lại phải đóng cửa trường học, trong khi lẽ ra phải đóng cửa các địa điểm công cộng khác mới đúng nguyên tắc, tại sao phải cấm trẻ em đi học, trong khi đáng lẽ phải cấm người lớn đi làm, đi du lịch, đi từ nơi này qua nơi khác?

Vì vậy, nếu triển khai một số biện pháp như đo nhiệt độ cho học sinh, cung cấp nước rửa tay, xà bông, yêu cầu các học sinh, giáo viên có biểu hiện bệnh đường hô hấp không được đến trường… thì chúng ta có thể cơ bản yên tâm về môi trường an toàn của trường học.

Thực tế trong thời gian qua, Việt Nam là nước duy nhất ngoài Trung Quốc đóng cửa trường học kéo dài ở quy mô toàn quốc. Một số nước có nhiều người bị nhiễm bệnh và diễn biến dịch phức tạp hơn Việt Nam, tiêu biểu như Singapore, vẫn cho học sinh, sinh viên đi học bình thường. Cho tới nay ở các nước này đều chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm nào ở trường học. Ở Singapore, các ổ dịch đều xuất phát từ các địa điểm công cộng như nhà thờ, cửa tiệm dành cho du khách Trung Quốc, công trường xây dựng, phòng hội nghị khách sạn… Thực tế đó càng khẳng định trường học là một môi trường có mức độ rủi ro thấp.

Việc đóng cửa trường học kéo dài sẽ gây ra vô số thiệt hại không đo đếm được, gây nên tình trạng trì trệ về xã hội và kinh tế, gieo rắc sự hoang mang trong dân chúng, trong khi lẽ ra Việt Nam cần phải kéo mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường sớm nhất có thể để hạn chế các thiệt hại do dịch gây ra, như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng chỉ đạo.

Các cơ quan khi đưa ra đề nghị chính sách không nên dựa vào công luận trên mạng mà cần dựa vào phân tích thực tế tình hình, bởi công luận mạng không mang tính đại diện đầy đủ. Các chính sách cũng cần phải dựa vào nhu cầu của nhóm yếu thế nhất, chứ không phải của những người có điều kiện, hoặc không bị ảnh hường gì từ việc đóng cửa trường kéo dài.

Hơn nữa, trong bối cảnh khủng hoảng, nhà nước cần thể hiện vai trò dẫn dắt, khả năng lãnh đạo, không nên dựa vào các ý kiến cảm tính của người dân, bởi người dân bị hạn chế về thông tin, mức độ nhận thức, và có ưu tiên khác so với ưu tiên của nhà nước và toàn xã hội.

Sau khi dịch Covid-19 kết thúc, Việt Nam cần xem xét lại cách thức ứng phó với dịch bệnh trong tương lai. Cụ thể, chúng ta cần phân loại cấp độ dịch và mức độ rủi ro đi kèm, từ đó đưa ra các phản ứng phù hợp với từng thang rủi ro, theo quy định và bớt tùy tiện. Chỉ khi dịch lan rộng và rủi ro ở mức độ cao thì mới tính tới việc đóng cửa trường học.

Một phiên bản bài viết được đăng lần đầu trên báo Tuổi Trẻ ngày 24/02/2020.

Hình: Bộ trưởng Giáo dục Singapore Ong Ye Kung thăm một trường tiểu học trong thời gian xảy ra dịch Covid-19. Nguồn: CNA.