Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và ASEAN trong năm 2020

Tác giả: Nguyễn Quang Dy

Năm 2020 tuy có nhiều biến động khó lường, nhưng Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19 một cách đầy ấn tượng. Thủ tướng Việt Nam đã chủ tọa Hội nghị Cấp cao ASEAN Đặc biệt về Covid-19 họp trực tuyến (14/4). Sau hai tháng bị hoãn, Thủ tướng Việt Nam đã chủ tọa Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 họp trực tuyến (26/6). Dư luận đã đánh giá cao tuyên bố cứng rắn của Chủ tịch ASEAN về tranh chấp ở Biển Đông, phản ánh đoàn kết cao hơn của ASEAN cũng như vai trò lớn hơn của Việt Nam khi làm Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Lập trường cứng rắn hơn của ASEAN   

Theo báo chí quốc tế, tuyên bố của Chủ tịch ASEAN năm 2020, “đã khẳng định nguyên tắc UNCLOS 1982 là cơ sở duy nhất để phán quyết về quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích chính đáng tại các vùng biển”. (ASEAN finally pushes back on China’s sea claims, Richard Javad Heydarian, Asia Times, June 30, 2020).

Lần đầu tiên, tuyên bố của Hội nghị Cấp cao ASEAN làm rõ lập trường cứng rắn hơn về tranh chấp ở Biển Đông. Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cam kết đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN và sự gắn bó chiến lược. Tuyên bố cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho đàm phán về COC, và hoan nghênh các biện pháp làm giảm căng thẳng và tránh sự cố rủi ro, hiểu lầm hay tính toán sai.

Theo Collin Koh (Rajaratnam School), “ASEAN đã đoàn kết hơn dưới sự dẫn dắt của Việt Nam” (BBC News, 10/7). Lập trường cứng rắn hơn của ASEAN về Biển Đông là do vai trò Chủ tịch của Việt Nam đã vận động các nước đoàn kết giải quyết tranh chấp. Tuy đại dịch đã cản trở ASEAN họp cấp cao theo truyền thống để các nhà lãnh đạo làm việc trực tiếp, nhưng Tuyên bố của ASEAN vẫn là một điểm sáng của Hội nghị Cấp cao ASEAN 36.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN, Thủ tướng Việt Nam đã gián tiếp chỉ trích Trung Quốc về “những hành động vô trách nhiệm, vi phạm luật quốc tế”.  Trung Quốc và Mỹ đã tập trận quy mô lớn tại Biển Đông vào đầu tháng 7/2020, làm tranh chấp khu vực tại Biển Đông tiến gần hơn tới xung đột giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc. (US and China inch closer towards a conflict at sea,Richard Javad Heydarian, Asia Times, July 6, 2020).

Ông Phạm Quang Vinh (cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ, là cố vấn cho Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN) nhận xét: “Chúng tôi phải làm việc với mọi người…Chúng tôi phải đảm bảo các nước tham gia duy trì hòa bình và ổn định. Nói chung, chúng tôi nhất trí rằng Mỹ quan trọng đối với khu vực về an ninh và thịnh vượng…Chúng tôi cần Mỹ hợp tác với các thể chế khác nhau của ASEAN vì ASEAN chỉ mạnh nếu hợp tác với các nước lớn… Chúng tôi muốn trung lập, nhưng không muốn bất kỳ ai khống chế khu vực”.

Phán ứng mạnh hơn của Mỹ   

Chính quyền Mỹ đã hoan nghênh tuyên bố của ASEAN. Ngày 29/6, Ngoại trưởng Mike Pompeo viết: “Mỹ hoan nghênh các nhà lãnh đạo ASEAN đòi tranh chấp ở Biển Đông được giải quyết theo luật quốc tế, trong đó có UNCLOS. Trung Quốc không được phép coi Biển Đông như vương quốc biển của họ. Chúng tôi sẽ lên tiếng mạnh hơn về vấn đề này”.

Theo Wall Street Journal, (4/7/2020), tuyên bố cứng rắn của Mike Pompeo trùng hợp với việc Mỹ điều động nhóm tác chiến gồm ba tàu sân bay USS Ronald Reagan, USS Nimitz, USS Theodore Roosevelt, tới Tây Thái Bình Dương (6/2020). Hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz được 4 chiến hạm hộ tống, bắt đầu tập trận lớn tại Biển Đông vào ngày độc lập của Mỹ (4/7), sau cuộc tập trận tại vùng biển Philippine (28/6).

Những hành động nói trên tiếp nối các hoạt động của hải quân Mỹ vào tháng 4/2020 để hỗ trợ Malaysia thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, nhằm đối phó với hoạt động quấy rối và bắt nạt của Trung Quốc. Những hành động đó chứng tỏ Mỹ cũng sẽ làm như vậy để hỗ trợ Viêt Nam thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế gần Bãi Tư Chính, nhằm thách thức các hoạt động quấy rối và bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khi đại dịch Covid-19 vẫn là thảm họa toàn cầu, Trung Quốc tăng cường bắt nạt các nước ở Biển Đông. Hải quân Trung Quốc tập trận tại vùng biển Hoàng Sa (1-5/7), làm gia tăng đối đầu Mỹ-Trung ở khu vực, trước tin đồn Trung Quốc có thể tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Trung Quốc đã gây áp lực về chính trị buộc Việt Nam dừng kế hoạch triển khai giàn khoan Noble Clyde Boudreaux đã thuê từ 30/4.

Trong cuộc tập trận hợp đồng tác chiến tại vùng biển Hoàng Sa, Trung Quốc đã sử dụng các tàu chiến thế hệ mới (như tàu tuần dương có tên lửa điều khiển “Type 052D” và khinh hạm có tên lửa điều khiển “Type 054A”) và tên lửa mới diệt tàu sân bay “DF-21D và DF-26” có thể nhắm vào các tàu sân bay Mỹ. Trong khi đó, tàu hải cảnh Trung Quốc (5402) liên tục áp sát giàn khoan tại mỏ Lan Tây (lô 06) đã hoạt động ổn định qua nhiều năm.

Theo các nhà phân tích, lần đầu tiên trong sáu năm qua, Mỹ điều nhóm tác chiến gồm ba tàu sân bay đến khu vực để đối phó với hoạt động của Trung Quốc bắt nạt các nước ở Biển Đông, đẩy họ xích lại gần Mỹ và từ bỏ chiến lược phòng ngừa. Điều đó càng làm tăng rủi ro vì tính toán nhầm, biến Biển Đông thành vùng nguy hiểm nhất. (This is no time to take eyes off the South China Sea, Huong Le Thu & Alexandra Pascoe, ASPI, July 6, 2020).

Tàu sân bay tuy mạnh, nhưng cũng dễ bị tổn thương trước tên lửa diệt hạm loại mới. Mỹ triển khai cùng lúc hai tàu sân bay tại Biển Đông nhằm hỗ trợ lẫn nhau để có thể hoạt động liên tục 24 giờ. Các cuộc tập trận gần đây bao gồm tàu ngầm tấn công, tàu sân bay, và máy bay ném bom tầm xa, phản ánh quan điểm mới (paradigm shift) của Bộ Quốc Phòng Mỹ về cơ chế răn đe, và gửi thông điệp cho Trung Quốc về sức mạnh của hải quân Mỹ.

Robert Kapland (CNAS) lập luận rằng liên minh phải dựa vào răn đe, và răn đe phải dựa vào cam kết chiến lược vững chắc. Hiện nay, các đồng minh và đối tác Châu Á của Mỹ vẫn thấy cô đơn và dễ bị tổn thương. Vì vậy, trong khi phải thận trọng để tránh va chạm trực tiếp với Bắc Kinh, họ vẫn tỏ ra khá dè dặt với Washington. Vị trí địa lý làm Việt Nam dễ bị Trung Quốc bắt nạt, nếu Trump vẫn không đủ tin cậy. Philippines, Malaysia, Indonesia cũng như vậy. (How Trump is losing Asia, Robert Kaplan, Washington Post, July 9, 2020).

Cơ hội và thách thức mới  

2020 là một năm đầy biến động, làm các nước ASEAN phải đối phó với đại dịch, đứng trước các thách thức và cơ hội lớn tại một bước ngoặt lịch sử. Một là hành động bắt nạt của Trung Quốc tại Biển Đông tăng lên. Hai là hệ quả kinh tế của đại dịch Covid-19 rất lớn và khó lường. Ba là một số nước ASEAN bị Trung Quốc phân hóa và thao túng.

Đại dịch Covid-19 đang làm thế giới thay đổi căn bản, vượt qua các khái niệm thông thường. “Sự gắn kết và chủ động thích ứng” hay “Bản sắc và vai trò trung tâm” của ASEAN đòi hỏi phải đổi mới tư duy và thể chế, nếu không muốn ASEAN bị mắc kẹt vào nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp, có thể làm ASEAN trở thành “vịt què” (lame duck).

Toàn cầu hóa đã làm thay đổi thế giới trong mấy thập kỷ qua, nhưng gần đây đã bị suy yếu và phải nhường bước cho chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập đang trỗi dậy ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới. Thay vì giúp thế giới đối phó với đại dịch Covid-19 thì toàn cầu hóa đã làm cho đại dịch lan nhanh hơn và rộng hơn. Vì toàn cầu hóa đang bị suy yếu, muốn giúp nó tồn tại trước thách thức mới, cộng đồng thế giới phải thay đổi hệ quy chiếu.

Nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp của ASEAN theo thuyết ZOPFAN đã được “năm nước ASEAN” khởi xướng từ năm 1967. Khi được mở rộng thành “mười nước ASEAN” từ năm 1997, ASEAN tuy “càng đông càng vui” trong thập niên đầu, nhưng từ thập niên tiếp theo khi Trung Quốc trỗi dậy và muốn biến Biển Đông thành cái ao của họ thì ASEAN bắt đầu bị Trung Quốc phân hóa và thao túng, gây bất ổn cho cơ cấu an ninh khu vực.

Theo Randall Schriver (cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng) Trung Quốc khuấy động chủ nghĩa dân tộc mỗi khi nội bộ bất ổn. Mỹ triển khai lực lượng đối phó với Trung Quốc một phần do yêu cầu của các đồng minh và đối tác Châu Á (như Việt Nam, Đài Loan, Philippines). Gần đây, đe dọa từ Trung Quốc gia tăng làm Manila phải “suy nghĩ lại” (US Carriers Send a Message to Beijing Over South China Sea, Jack Detsch, Foreign Policy, July 9, 2020).

Ngày 11/2, Ngoại trưởng Philippine Tedoro Locsin tuyên bố Hiệp định VFA (Visiting Forces Agreement) giữa Manila và Washington (ký năm 1998) sẽ chấm dứt sau 180 ngày. Theo Carl Thayer, nguyên nhân trực tiếp là do ông Duterte tức giận vì Mỹ từ chối cấp visa cho thượng nghị sỹ Ronald Muff Dela Rosa. Ngày 4/6, Ngoại trưởng Tedoro Locsin bỗng thông báo đảo ngược quyết định gây tranh cãi nói trên, chờ quyết định cuối cùng.

Carl Thayer nói với BBC (4/6) rằng bốn năm qua tuy Duterte ngả theo Bắc Kinh, nhưng nay thất vọng vì họ viện trợ kinh tế thì ít mà bắt nạt thì nhiều, trong khi Washington vẫn tăng cường vận động sau hậu trường để cải thiện quan hệ. Ngày 9/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn hợp đồng để Philippines mua vũ khí Mỹ trị giá $2 tỷ, để Đài Loan nâng cấp tên lửa Patriot trị giá $620 triệu, để Nhật Bản mua 105 chiếc máy bay F-35 của Mỹ trị giá $23 tỷ…

Thay lời kết

Kinh tế Mỹ lớn hơn kinh tế Trung Quốc 50% và GDP bình quân đầu người của Mỹ gấp 6 lần Trung Quốc. Các chuyên gia lập luận rằng “nếu Mỹ không thể tồn tại như một siêu cường toàn cầu, thì làm sao Trung Quốc có thể trở thành một siêu cường như vậy?”  Tuy họ chỉ trích BRI và nhấn mạnh các nước nhận viện trợ của Trung Quốc có thể sa vào bẫy nợ, nhưng họ lại quên rằng Trung Quốc cũng mắc nợ rất lớn vì BRI. Các chuyên gia của CSIS dự đoán rằng ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ giảm mạnh vào năm 2020 (China’s Superpower Dreams Are Running Out of Money, Salvatore Babones, Foreign Policy, July 6, 2020).

Theo một chuyên gia của Hội đồng Đối ngoại (CFR), chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, hệ lụy của đại dịch Covid-19, và tăng cường cạnh tranh quân sự làm gia tăng rủi ro xung đột tại Biển Đông. Nhưng Mỹ có thể ngăn chặn hay làm giảm thiểu xung đột quân sự tại Biển Đông bằng cách kết hợp sáng kiến ngoại giao với thế răn đe quân sự mạnh hơn (Military Confrontation in the South China Sea, Oriana Skylar Mastro, CFR, May 21, 2020).

Nếu Mỹ muốn ngăn chặn Trung Quốc bá chủ Biển Đông thì họ phải tăng cường răn đe đủ mạnh để Trung Quốc chùn bước, và phải giúp các nước khu vực mạnh lên để bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng đến lúc Mỹ phải quay lại hiệp định TPP, và duy trì áp lực đủ mạnh để đối với Trung Quốc qua chạy đua vũ trang và cạnh tranh chiến lược tại Indo-pacific, làm Trung Quốc kiệt sức và suy sụp như Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

Theo Minxin Pei (Claremont McKenna College), thói quen tư duy (mindset) làm lãnh đạo Trung Quốc mắc phải một loạt sai lầm chiến lược tai hại. Vì vậy, chiến lược “tách đôi” (decoupling) của Mỹ làm lãnh đạo Trung Quốc bất ngờ. (The political logic of China’s strategic mistakes, Minxin Pei, ASPI Strategist, July 9, 2020).

Năm 2020 chứng kiến Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19 và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN 36. Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) dự kiến vào tháng 11/2020 là một cơ hội và thách thức mới, trong bối cảnh cuối năm Mỹ bầu cử Tổng thống và Việt Nam chuẩn bị họp Đại hội Đảng. Trong khi Việt Nam tham gia “Bộ Tứ Cộng” (Quad plus), thì nhóm “ASEAN 4” có vai trò ngày càng quan trọng. Nếu biết tranh thủ cơ hội mới, Việt Nam có thể “biến nguy thành cơ”, để đón nhận sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu.