Thách thức chờ đón thủ tướng tiếp theo của Việt Nam

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Các mục tiêu mới, đầy tham vọng cho kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Và việc đề bạt ông Phạm Minh Chính đảm nhiệm vị trí thủ tướng tiếp theo nhằm góp phần biến những kế hoạch này thành hiện thực – bất chấp việc ông không có nhiều kinh nghiệm quản lý kinh tế ở cấp quốc gia.

Đây là những kết quả đáng chú ý của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) bế mạc vào thứ Hai tuần trước.

Đại hội đã thông qua kế hoạch đầy tham vọng là đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và một nền kinh tế phát triển thu nhập cao vào năm 2045. Ngoài ra, đảng cũng đặt mục tiêu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình từ 6,5 đến 7% trong năm năm tới.

Đây không phải là lần đầu tiên đảng đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của mình. Tại Đại hội lần thứ tám vào năm 1996, đảng cũng xác định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Tuy nhiên, tại đại hội lần thứ 12 năm 2016, đảng thừa nhận đã không đạt được mục tiêu này.

Mặc dù nền tảng kinh tế hiện tại của Việt Nam đã vững chắc hơn nhiều so với 25 năm trước, nhưng việc đưa đất nước trở thành một nền kinh tế phát triển thu nhập cao là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Kể từ khi Thế chiến II kết thúc, chỉ có một số ít quốc gia, tiêu biểu là Singapore và Hàn Quốc, thành công trong việc chuyển mình thành các nền kinh tế phát triển.

Để đứng vào hàng ngũ các nước này, Việt Nam sẽ phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ mô hình dựa vào tài nguyên và lao động sang mô hình dựa vào công nghệ cao và sáng tạo, đổi mới. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ phải đầu tư nhiều hơn cho nguồn nhân lực và cải thiện các chỉ số phát triển con người.

Đã có những bước đi tích cực hướng tới mục tiêu này, bao gồm việc chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển, và sự tham gia ngày càng sâu rộng của một số công ty Việt Nam vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.

Cần có một đội ngũ lãnh đạo mạnh

Tuy nhiên, trên hết, Việt Nam cần một đội ngũ các nhà lãnh đạo có năng lực với khả năng điều hành mạnh mẽ để thực hiện thành công các chính sách của mình.

Như dự kiến, Đại hội 13 đã ra quyết định chưa từng có tiền lệ là bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ thứ ba.

Trong khi đó, cách xếp thứ tự trong Bộ Chính trị mới – cơ quan ra quyết định cao nhất của đảng – gợi ý rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được đề bạt làm chủ tịch nước. Ngôi sao đang lên, ông Phạm Minh Chính, 62 tuổi, hiện là trưởng Ban Tổ chức trung ương Đảng, sẽ đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng, trong khi nguyên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ trở thành tân chủ tịch Quốc hội.

Các chức danh nhà nước và chính phủ sẽ chính thức được bổ nhiệm tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, dự kiến nhóm họp vào tháng 7 năm nay.

Trong khi ông Trọng, trên cương vị tổng bí thư, chủ yếu chỉ đạo các chính sách tổng thể và các vấn đề của đảng, thì chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội phần lớn là những vị trí mang tính chất nghi lễ, ít có ảnh hưởng đến việc thực thi các chính sách.

Vì vậy, mọi con mắt đều đang đổ dồn về ông Chính. Với tư cách là thủ tướng tiếp theo, ông sẽ lãnh đạo việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong ít nhất 5 năm tới.

Ông Chính có gốc gác công an, từng là trung tướng, thứ trưởng bộ công an trước khi chuyển sang ngạch dân sự vào năm 2011.

Kinh nghiệm điều hành kinh tế của ông chỉ gói gọn trong nhiệm kỳ bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh từ năm 2011 đến năm 2015. Với việc ông thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế ở cấp trung ương, nhiều người tỏ ra nghi ngờ khả năng đảm nhiệm vai trò mới của ông.

Tuy nhiên, ông Chính có dấu ấn khá tích cực tại Quảng Ninh, nơi ông góp phần giúp chuyển đổi nền kinh tế địa phương bằng cách xây dựng các cơ sở hạ tầng chất lượng cao, phát triển ngành du lịch và đa dạng hóa nền kinh tế ra ngoài lĩnh vực du lịch và khai thác than, mở rộng lĩnh vực công nghiệp – chế tạo.

Thay vì là lực cản, việc thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế ở cấp quốc gia có thể tạo động lực khuyến khích ông Chính theo đuổi các cải cách kinh tế táo bạo nhằm xóa tan hoài nghi của công chúng về năng lực quản lý điều hành kinh tế của ông.

Dù có gốc an ninh, nhưng ông Chính có thể là người có tư tưởng cải cách lớn hơn so với giả định của nhiều người. Thật vậy, khi ở Quảng Ninh, ông đã giám sát việc thí điểm nhất thể hóa các chức danh đảng và nhà nước ở cấp địa phương để xóa chồng chéo, giảm quy mô bộ máy chính quyền và nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị. Ông cũng được biết đến là người ủng hộ mạnh mẽ một số kế hoạch phát triển kinh tế lớn, chẳng hạn như việc thành lập các đặc khu kinh tế.

Thách thức phía trước

Mặc dù vậy, quản lý nền kinh tế quốc gia rất khác so với việc điều hành một nền kinh tế cấp tỉnh.

Để đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao và nhất quán đòi hỏi đảng phải nâng cao năng lực điều hành, bên cạnh việc giảm tham nhũng và thu hút nhân tài.

Việc ông Trọng tiếp tục đảm nhiệm vị trí tổng bí thư có nghĩa là chiến dịch chống tham nhũng do ông chỉ đạo sẽ tiếp tục. Dù có giảm ở cấp cao nhưng tham nhũng vẫn còn lan tràn ở các cấp chính quyền thấp hơn, nơi khả năng phát hiện và trừng phạt các quan chức tham nhũng của đảng tỏ ra vẫn còn hạn chế.

Đảng cũng đã thất bại trong việc tạo ra một môi trường trọng dụng nhân tài để thu hút những cá nhân xuất sắc nhất vào hàng ngũ của đảng.

Trong khi đó, mặc dù đã có những thử nghiệm ở Quảng Ninh, nhưng những nỗ lực nhằm làm cho hệ thống chính trị tinh gọn và hiệu quả hơn vẫn còn chậm chạp. Nếu không đẩy nhanh những cải cách này, khả năng điều hành của đảng sẽ bị hạn chế, khiến đảng có thể gặp khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của mình.

Một thách thức lớn khác đối với ông Chính và chính phủ sắp tới của ông là các biến động toàn cầu ngày càng tăng do đại dịch Covid-19 và sự gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Những biến động như vậy có thể làm gián đoạn tăng trưởng của Việt Nam, đặc biết nếu xét việc nền kinh tế của Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất lớn vào ngoại thương và đầu tư nước ngoài.

Việt Nam sẽ cần củng cố, phát triển các tập đoàn trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất – chế tạo, để giúp nền kinh tế trở nên tự chủ hơn và ít bị tổn thương hơn trước các biến động từ bên ngoài.

Để có thể chuyển mình thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam sẽ cần tạo được những nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi này trong 5 đến 10 năm tới. Vì vậy, đương nhiên kỳ vọng đối với ông Chính và chính phủ của ông sẽ rất cao.

Nếu ông không  thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, tham vọng phát triển của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu ông thành công, ĐCSVN và đại hội 13 nên được chúc mừng vì đã đưa ra một quyết định táo bạo, chưa có tiền lệ là giao công việc quản lý kinh tế quan trọng nhất của đất nước cho một cựu tướng công an.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên FULCRUMStraits Times.