Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Mỹ công bố lệnh trừng phạt lên hai quan chức Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ thiếu số theo đạo Hồi ở Tân Cương. Liên minh châu Âu cũng công bố các biện pháp trừng phạt lên nhiều cá nhân và thực thể khác nhau với cáo buộc vi phạm nhân quyền. Danh sách bao gồm 11 người có liên quan đến cuộc đảo chính quân sự hồi tháng trước ở Myanmar, 4 quan chức Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến các trại tập trung Duy Ngô Nhĩ, và văn phòng an ninh Eritrea. Trung Quốc đáp trả bằng cách đưa 10 cá nhân và 4 tổ chức EU vào danh sách đen.
Bang đông dân nhất nước Úc, New South Wales, ra lệnh sơ tán khoảng 18.000 cư dân. Nhiều ngày mưa lớn đã làm ngập vùng đất phía tây Sydney, dẫn đến trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua. Song thời tiết khắc nghiệt ít có dấu hiệu thuyên giảm; Cục Khí tượng New South Wales nói “tình hình này còn lâu mới kết thúc”.
Một đám cháy vừa quét qua một trại tị nạn Rohingya gần Cox’s Bazar ở Bangladesh, khiến 20.000 người phải sơ tán. Đây là vụ cháy thứ ba tại ở các khu tị nạn này chỉ trong bốn ngày. 34 trại tại đây là nơi ở của gần 1 triệu người tị nạn, phần lớn chạy trốn từ Myanmar vào năm 2017 để thoát đàn áp.
Ả Rập Saudi đề xuất một kế hoạch ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài giữa chính phủ Yemen (do liên minh của Ả Rập Saudi hậu thuẫn) và phiến quân Houthi từ năm 2014. Nước này sẽ mở lại sân bay tại Sana’a, thủ đô Yemen, và cho phép thực phẩm cũng như nhiên liệu được nhập cảnh qua cảng Hodeida. Trong khi đó phe phiến quân, bên gần đây đã đẩy mạnh tấn công vào các cơ sở khai thác dầu của Ả Rập Saudi, nói kế hoạch này “chẳng có gì mới”.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã giảm sau vụ hỏa hoạn tại một nhà máy bán dẫn gần Tokyo hôm thứ Sáu, khiến nó phải ngừng sản xuất chip trong ít nhất một tháng. Hai phần ba số thành phẩm của cơ sở này, vốn thuộc sở hữu của một công ty con của Renesas Electronics, là để dùng trong xe hơi. Thiếu hụt hàng bán dẫn trên toàn cầu đã khiến một số nhà sản xuất ô tô phải giảm sản lượng trong những tháng gần đây.
BaFin cho biết Mark Branson, người đứng đầu cơ quan giám sát tài chính của Thụy Sĩ, đã được đề cử làm chủ tịch của họ. Ban lãnh đạo trước đây của cơ quan quản lý tài chính Đức đã mất việc vì thiếu sót trong điều tra vụ Wirecard. BaFin từng chỉ trích các phương tiện truyền thông vì đã chỉ ra các vấn đề tại hãng thanh toán trực tuyến khởi nghiệp này trong khi lại không thể phát hiện ra hàng tỷ euro bị thiếu trong các tài khoản của công ty.
Nhờ nhu cầu tăng cao đối với thức ăn mang về trong thời gian phong tỏa vì covid-19, Deliveroo sẽ làm IPO, với mục tiêu là mức định giá lên tới 8,8 tỷ bảng Anh (12,2 tỷ USD). Công ty khởi nghiệp giao đồ ăn này từng nói tổng giá trị mua hàng trên nền tảng của họ trong tháng 1 và tháng 2 đã tăng 121% so với cùng kỳ năm 2020.
TIÊU ĐIỂM
Phương Tây và Trung Quốc thay nhau ra lệnh trừng phạt
Chính quyền Biden, Anh, Canada và EU hôm qua đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Trung Quốc vì các hành động tàn bạo ở Tân Cương, một thông điệp phối hợp hiếm hoi nhằm gây áp lực lên các hành vi vi phạm nhân quyền. Những biện pháp trừng phạt của các chính phủ phương Tây nhắm vào 4 quan chức cấp cao có liên quan đến việc giam giữ hàng loạt và cưỡng bức lao động Duy Ngô Nhĩ, theo đó đóng băng tài sản tài chính của họ ở nước ngoài, và cấm các thực thể kinh doanh với họ.
Trung Quốc nhanh chóng trả đũa. Họ đã công bố các biện pháp trừng phạt lên năm thành viên của Nghị viện châu Âu và viện nghiên cứu Merics. Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc cấm nhập cảnh vào nước này, và cấm các thực thể có liên quan đến họ làm ăn với Trung Quốc. Một số lãnh đạo EU lo ngại những động thái mới có thể gây nguy hiểm cho một hiệp ước đầu tư mới ký gần đây với Trung Quốc nhưng chưa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Hiệu quả thực tế của các biện pháp trừng phạt có thể không nhiều, nhưng những tác động đi kèm là không thể xem thường.
Hai lãnh đạo kinh tế Mỹ điều trần trước ủy ban Hạ viện
Hôm nay Janet Yellen, bộ trưởng tài chính, và Jerome Powell, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, sẽ điều trần trước ủy ban các dịch vụ tài chính của Hạ viện về quan điểm của họ đối với phản ứng kinh tế của Mỹ trong đại dịch. Nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đang nhỏ hơn so với thời điểm trước covid-19, và vẫn còn thiếu 10 triệu việc làm so với mức tiền đại dịch. Cả bà Yellen và ông Powell đều tỏ ra sẵn sàng tiếp tục bơm kích thích vào nền kinh tế cho đến khi các con số trở nên tốt hơn đáng kể.
Tại một cuộc họp báo vào tuần trước, ông Powell đã nhấn mạnh cam kết của ông đối với chính sách tiền tệ siêu lỏng, trong khi bà Yellen đang chuyển trọng tâm sang một dự luật chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng. Với những nỗ lực đầy tham vọng như vậy, ủy ban có thể đặt ra câu hỏi liệu nền kinh tế Mỹ có sớm trở nên quá nóng hay không. Dù gì thì cũng sẽ phục hồi được mức sản lượng tiền đại dịch. Vậy tại sao phải kích thích lớn? Hãy chờ đợi bà Yellen và ông Powell đưa ra các lập luận vững chắc cho phản ứng đại dịch của họ.
Baidu ra mắt sàn Hồng Kông
Công cụ tìm kiếm phổ biến nhất Trung Quốc, Baidu, sẽ bắt đầu giao dịch trên thị trường chứng khoán Hồng Kông từ hôm nay. Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh, vốn đang niêm yết trên sàn Nasdaq, đã chứng kiến giá cổ phiếu của họ tăng gấp ba lần chỉ trong một năm, đẩy vốn hóa thị trường toàn hãng lên 90 tỷ USD. Nhờ kiểm duyệt của chính phủ, Google không thể truy cập được ở Trung Quốc đại lục. Điều đó giúp Baidu trở thành “ông kẹ” trong tìm kiếm trực tuyến ở Trung Quốc.
Năm ngoái, hãng tuyên bố có trung bình 538 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, gần gấp sáu lần con số của ba đối thủ xếp sau cộng lại. Hiện các nhà đầu tư quan tâm đến các ngành nghề kinh doanh mới của Baidu, đặc biệt là mảng “lái xe thông minh”, với kế hoạch triển khai đội robotaxi trên toàn quốc chạy bằng Apollo, công nghệ tự lái độc quyền của hãng. Họ cũng muốn sản xuất hàng loạt xe điện “thông minh”. Đến năm 2035, chính phủ Trung Quốc muốn mọi chiếc ô tô mới bán ra đều phải chạy bằng điện. Và công ty cũng có tham vọng quốc tế. Gần đây họ đã nhận được giấy phép thử nghiệm ô tô tự lái ở California.
Israel lại bầu cử quốc hội
Hôm nay, khi người Israel lần thứ tư đi bỏ phiếu chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, đất nước họ vẫn đang chia rẽ. Binyamin Netanyahu, vị thủ tướng đang gặp khó, đã không thể giành được thế đa số cho các đảng trung thành với ông. Song phe đối lập rời rạc và đa dạng ý thức hệ cũng không thể thống nhất được một lãnh đạo thay thế. Đảng Yesh Atid trung dung của Yair Lapid được dự đoán sẽ nổi lên thành đảng lớn thứ hai, nhưng các đảng đối lập khác khó có thể ủng hộ ông Lapid làm thủ tướng.
Cũng như các cuộc bầu cử trước, lần này chính là một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của ông Netanyahu. Chỉ 13 ngày sau, nhân chứng sẽ bắt đầu khai trong phiên tòa xét xử ông vì tội hối lộ và gian lận. Ông tuyên bố vô tội, nhưng nhiều người dự đoán ông sẽ tìm cách thông qua luật cho phép ông được miễn trừ nếu ông có thể lập được một liên minh. Một bước chuyển vào phút cuối, được thúc đẩy bởi chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng và thành công của Israel, có thể giúp ông giành phần thắng. Nếu không bế tắc chính trị lại kéo dài, và thậm chí có thể có một cuộc bầu cử lần thứ năm.