Thủy quân và ngai vàng ở Việt Nam cuối TK 18: Kỷ nguyên của những con cắt biển

Tác giả: Vũ Đức Liêm

Mùa hè năm 1786, hơn nghìn chiến thuyền từ Phú Xuân tiến ra Bắc, điểm đến là kinh thành Thăng Long của nhà Lê-Trịnh. Tham gia trực tiếp đồng thời ‘’đạo diễn’’ cuộc tấn công này là Nguyễn Hữu Chỉnh – một trong những người Nghệ An có ảnh hưởng nhất ở thế kỷ 18. Người đương thời gọi ông là con ‘cắt nước’, một nhà vô địch thủy chiến (Hoàng Lê Nhất thống chí). Sự kiện này chỉ là một chi tiết trong câu chuyện về thủy quân và ngai vàng ở Việt Nam cuối thế kỷ 18.

Bắc Hà sẽ giao hết sức mạnh thủy quân cho viên danh tướng Hàm Giang lừng danh Đinh Tích Nhưỡng nhằm tổ chức một trận quyết chiến ở cửa Luộc. Nhưỡng lấy hết tàu thuyền chặn ngang cửa sông thành hình chữ nhất, sau đó dùng pháo bắn vào thuyền Tây Sơn. Hoàng Lê Nhất thống chí chép, quân Bắc Hà “bắn một tiếng đầu, thuyền giặc [Tây Sơn] đứng yên không động. Nhưỡng sai bắn phát thứ hai, bên thuyền giặc buồm đều cuộn lại. Chư quân đều mừng, cho là giặc có ý sợ. Nhưỡng sai bắn luôn ba phát nữa, bấy giờ bên giặc mới nổ một phát đại bác tiếng to như sét, một chồi cổ thụ trúng đạn, bị gãy làm đôi.” Quân Lê-Trịnh, cả thủy bộ, sợ hãi, tan vỡ. Thư cấp báo về tới triều đình, quan lại chỉ lo chạy vợ con, cất giấu của cải, không ai dám nhận việc đánh giặc.

Cánh cửa thành Thăng Long mở toang.

Trong một tháng, đạo quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy sẽ làm sụp đổ di sản 253 năm của chính quyền Lê-Trịnh.

Truyền thống thủy quân của người Việt

Người Việt có lịch sử thủy chiến lâu dài với truyền thống thủy quân sử dụng các thuyền nhỏ, cơ động, đưa các hạm thuyền lớn của kẻ thù vào những khu vực nước nông, không gian chặt hẹp hoặc địa hình phức tạp mà chúng không thông thuộc. Tại đó, thủy quân tổ chức mai phục dựa địa hình và tận dụng lợi thế cơ động của thuyền nhỏ khi các tàu lớn của địch mất khả năng linh hoạt tại vùng nước nông hay lòng sông hẹp.

Sông Bạch Đằng là một cái bẫy hoàn hảo như thế. Đó là tuyến đường thủy tối ưu cho một cuộc tiếp cận đường sông vào lãnh thổ Đại Việt. Thực tế, nếu bạn muốn kéo quân từ phía Bắc xuống thì đây cũng là đường vận tải lương thực hoàn hảo. Nhưng đó cũng là một nơi  hoàn hảo để tiến hành chặn đánh du kích trên sông, điều người Việt đã làm vào năm 938, 981, 1075-77, và 1288. Sau đó, nhà Minh và nhà Thanh đã phải thay đổi chiến lược, tập trung tiến quân đường bộ.

Vào cuối thế kỷ 18, Nguyễn Huệ cũng sẽ đẩy quân Siam vào tình thế tương tự khi chọn khúc sông Rạch Gầm-Xoài Mút, nơi có nhiều Cù Lao và nhánh rẽ, nơi ông sẽ đặt phục binh cả trên bờ, trên các doi đất và trên sông nhánh để diệt gọn toàn bộ hạm đội của người Thái.

Chiến thuật này cũng giúp người Việt giành thắng lợi trước hạm đội 3 tàu của người Hà Lan năm 1643, trong một diễn biến quân sự ít người biết tới. Hè năm 1642, các con tàu này đánh chiếm duyên hải Quảng Ngãi, đốt 500-600 ngôi nhà và bắt đi 38 người. Tuy nhiên có vẻ như người Hà Lan đã chọn nhầm đối thủ. Vào lúc đó, thủy quân của chúa Nguyễn có khoảng 230-240 tàu được trang bị vũ khí. Mùa hè năm 1643, hạm đội Hà Lan quay lại và nhanh chóng bị 60 tàu của chúa Nguyễn vây đánh tại cửa sông Gianh, làm cho một chiếc bị nổ tung, giết chết toàn bộ thủy thủ và hai chiếc còn lại hư hỏng nặng (Hoang Anh Tuan, Silk for Silver, 2007).

Chúng ta sẽ không biết điều gì xảy ra nếu như các hạm thuyền phương Bắc “chịu khó” đi xa hơn về phía Nam và tiếp cận Thăng Long bằng đường sông Hồng. Lịch sử có thể đã diễn biến khác. Đó cũng là cách các hạm đội Champa trở thành nỗi “khiếp đảm” của nhà Trần vào thế kỷ 14. Thủy quân của Chế Bồng Nga đã hơn một lần đốt cháy Thăng Long và khiến vua quan nhà Trần tháo chạy qua bên kia sông Hồng (Đại Việt sử ký toàn thư). Cuối cùng thì người Việt vẫn giỏi đánh du kích, dù là trên bộ hay trên sông.

Chuyển dịch sân khấu chiến tranh cuối thế kỷ 18

Sau ba thế kỷ mở rộng lãnh thổ về phía Nam, sân khấu chiến tranh ở Việt Nam cũng dịch chuyển theo:

Chiến tranh Địa bàn chủ yếu
Chiến tranh Nam-Bắc triều, 1533-1593 Từ Nghệ An tới thăng Long
Chiến tranh Trịnh-Nguyễn, 1627-1672 Nghệ An, Quảng Bình
Chiến tranh Tây Sơn-Nguyễn 1771-1802 Hạ lưu Mekong

Duyên hải Quy Nhơn tới Quảng Bình

Từ thế kỷ 17, thủy quân đã lên ngôi khi trung tâm của chiến tranh chính là mặt nước sông Gianh. Chúa Nguyễn sẽ phải thúc đẩy hàng hải và thủy quân, không chỉ chống lại phía Bắc mà còn thúc đẩy việc mở rộng ảnh hưởng vào phía Nam, và tiến hành các chiến dịch quân sự vùng hạ lưu Mekong.

Tới cuộc chiến Tây Sơn-Nguyễn, thủy quân trở thành lực lượng chính và có ý nghĩa chiến lược tới toàn bộ cuộc chiến. Đó là cuộc chiến giữa hai vùng biên mới được khai mở của không gian người Việt. Sân khấu chính là một vùng duyên hải trải dài từ Quảng Bình tới Phú Quốc với nhiều cửa sông, vũng vịnh, đầm phá, hải cảng và căn cứ quân sự ven biển. Từ sau khi Nguyễn Ánh lấy lại được Gia Định thì hành lang từ Nha Trang tới Nghệ An đóng vai trò quyết định tới vận mệnh của một Việt Nam thống nhất. Chạy dọc theo dãy Trường Sơn gần 1000 km, khu vực này có chiều ngang hẹp, từ 40 tới 120 km và các con sông nhỏ chảy từ Tây sang Đông. Dọc duyên hải có nhiều vũng, vịnh, đầm phá ăn sâu vào đất liền… Ở đó, có thể dùng thủy quân để khống chế, chia cắt, tập kích quân bộ. Và chúng ta sẽ thấy dưới đây, Nguyễn Phúc Ánh đã dùng thủy quân để tiêu diệt nhà Tây Sơn.

Thủy quân Tây Sơn

Thành công của Tây Sơn không chỉ tới từ tài năng của các chỉ huy quân sự, khả năng di chuyển thần tốc, tính năng động của một đạo quân đa dạng, voi chiến và các khẩu pháo mới mà còn từ việc tổ chức thủy quân và kết hợp các cuộc tiến công thủy bộ.

Nguyễn Huệ tận dụng ưu thế của hai lực lượng hàng hải người Chăm và người Hoa, trong đó có hai viên chỉ huy Lí Tài và Tập Đình, những người được cho là góp một nửa thủy quân Tây Sơn. Ở giai đoạn đầu, họ cắt Phú Xuân ra khỏi các vùng cung cấp lương thực phía Nam, như ghi chép của các giáo sĩ, cho tới khi chúa Nguyễn chạy vào Gia Định. Nguyễn Huệ sẽ tiến hành một loạt chiến dịch truy kích ở hạ lưu Mekong, tiêu diệt các chúa Nguyễn và đẩy Nguyễn Phúc Ánh cùng một nhóm tùy tùng ra các hòn đảo trong vịnh Thailand.

Tàu chiến Đàng Ngoài thế kỷ 18 (bức vẽ của Samuel Baron, khoảng 1680).

Quy mô hạm thuyền và kỹ thuật trên các thuyền chiến Tây Sơn là rất đáng chú ý. Sử nhà Nguyễn ghi chép rằng các con tàu Tây Sơn án ngữ tại Thị Nại trang bị 35 đến 40 khẩu pháo.

Chiến dịch Rạch Gầm-Xoài Mút và chiến dịch Bắc Hà năm 1786 cho thấy khả năng điều phối thủy bộ của Nguyễn Huệ, một viên tướng có tầm nhìn bao quát và khả năng điều phối chiến lược trên một không gian địa lý rộng, tác chiến phức tạp. Khi phạm vi của triều Quang Trung được mở rộng, một lực lượng mới gia nhập, góp phần quan trọng vào sức mạnh của Tây Sơn là hải tặc Trung Quốc. Các sử gia George Dutton, Dian Murray và Robert Antony đã trình bày nhiều nghiên cứu công phu về vai trò của ‘hải tặc Trung Quốc’ trong quân Tây Sơn. Bản dụ của vua Gia Khánh nhà Thanh ngày 5/2/1797 gợi ý về quy mô của các nhóm này: “Nay theo lời khai của bọn phỉ là di là La Á Tam: Tàu Ô An Nam có 12 tổng binh, hơn 100 hiệu thuyền, và căn cứ vào giấy tờ bắt được có ấn triện, thì bọn cướp Tàu Ô đều nhận hiệu phong của quốc vương.” (Minh Thực lục, Hồ Bạch Thảo dịch, 2019).

Bốn năm sau, khi nhà Tây Sơn bị truy kích, nhiều người trong số họ đầu hàng nhà Thanh. Một trong số đó là Trần Thiêm Bảo. Lời dụ ngày 19/12/1801 của Gia Khánh: “Theo lời tâu của bọn Cát Khánh, tên cướp biển Trần Thiêm Bảo mang cả gia quyến nội phục, và trình nạp sắc ấn của An Nam cấp cho. Tờ tâu nói: “Trần Thiêm Bảo đánh cá gặp bão vào năm Càn Long 48 [1783] bị Nguyễn Quang Bình [Nguyễn Huệ] bắt được, phong chức tổng binh’’. Có thể thấy trong nhiều năm hải tặc quấy phá đều do An Nam chứa chấp gây ra. Lúc Nguyễn Quang Bình còn sống, bắt người của nội địa [Trung Quốc], gia phong ngụy tước hiệu, rồi tung ra biển cướp phá.” (Thanh thực lục).

Trước khi qua đời, Quang Trung còn dự định tổ chức một cuộc viễn chinh lớn vào vùng hạ lưu Mekong. Tuy nhiên không chỉ kế hoạch này bất thành mà triều đại của ông cũng sụp đổ bởi sự tan vỡ của hệ thống tổ chức quân sự Tây Sơn. Nguyên nhân tới từ việc họ để mất sức mạnh thủy quân.

Sự chia rẽ của Tây Sơn là một thảm họa, không chỉ từ góc độ chính trị mà còn từ khung cảnh chiến lược và chiến thuật quân sự. Nếu Nguyễn Huệ có thể tự do điều hành hệ thống quân sự từ Gia Định tới Thăng Long ở buổi đầu thì việc chia ba vương quốc: Hạ lưu Mekong (Nguyễn Lữ), Bình Thuận tới Quảng Nam (Nguyễn Nhạc), từ Quảng Nam ra Bắc (Nguyễn Huệ) đã phá vỡ không gian tác chiến này, khiến cho việc phối hợp, yểm trợ lẫn nhau của quân thủy dọc theo hơn 3000 km bờ biển hầu như không thể thực hiện được.

Sự phối hợp tác chiến giữa Quy Nhơn, Quảng Nam và Phú Xuân là ví dụ. Chúng từng tạo ra một tuyến phòng thủ nhiều lớp vững chắc, bảo vệ lẫn nhau cả đường bộ và đường biển, nơi mà các trung tâm quân sự, thành trì đều gần biển, cảng và dễ dàng tiếp cận từ cửa sông. Tuy nhiên việc chia cắt này đã đặt Quy Nhơn thành một “tiền đồn chơ vơ” ở phía Nam. Đặc biệt là khi Nguyễn Phúc Ánh, dựa vào hệ thống phòng thủ tự nhiên của vịnh Cam Ranh, chiếm Diên Khánh (1793), Quy Nhơn đã nằm trong tầm ngắm thường trực. Thị Nại là một căn cứ mạnh, nhưng giờ đây trở nên đơn độc. Chính vào lúc đó, Nguyễn Nhạc đã không còn cách nào khác là cầu cứu cháu mình, Quang Toản. Toản sẽ giải cứu Quy Nhơn, nhưng chiếm luôn thành trì và Nguyễn Nhạc tức giận đến chết.

Tàu chiến Mông Đồng, hình khắc trên cửu đỉnh (Huế).

Với ý nghĩa đó, thất bại lớn nhất của Tây Sơn là chưa tạo ra một bản đồ tác chiến, một bản đồ chiến lược, và một bản đồ hậu cần thống nhất cho toàn Việt Nam. Để có được và vận hành một nước Việt Nam hình chữ S là không hề đơn giản.

Các cuộc viễn chinh gió mùa

Các cuộc viễn chinh theo mùa gió đã mang về cho Nguyễn Phúc Ánh ngai vàng của nước Việt Nam hiện đại. Ông là người đầu tiên gắn kết hạ lưu Mekong vào cuộc tranh giành địa chính trị trên lãnh thổ Việt Nam, và đã thành công. Thủy quân sẽ giúp ông biến dự án chính trị đó trở thành hiện thực.

Vùng đất mà ông chiếm giữ là một trong những trung tâm đóng tàu lớn nhất của Đông Nam Á lục địa thế kỷ 18. Gỗ từ vùng thượng nguồn Tây Ninh và truyền thống sông nước, hàng hải nhanh chóng đưa thủy quân thành trụ cột của các chiến dịch quân sự của Gia Định. Nói cách khác, hệ thống quân sự của Nguyễn Phúc Ánh vận hành dựa trên thủy quân.

Hà Tiên, Phú Quốc, Long Xuyên, An Giang, và xưởng đóng tàu ở Gia Định được cho là kéo dài tới 1,5km dọc bờ sông, là những nguồn cung cấp tàu thuyền quan trọng nhất. Từ năm 1789, Đại Nam thực lục thường xuyên ghi chép về các yêu cầu đóng tàu của vị chúa Nguyễn, mỗi năm vài trăm chiếc. Từ những năm 1790 đến 1821, tổng số tàu thuyền được đóng là 3.190 chiếc lớn nhỏ. Một thống kê khác của Thực lục cũng cho biết riêng thời Nguyễn Phúc Ánh (1778-1820), đã có 235 ghe bàu, 460 thuyền sai, 490 thuyền chiến, 77 thuyền chiến lớn, 60 thuyền buồm kiểu ây, 100 thuyền Ô, 60 thuyền Lê được đóng, trong tổng số 1482 thuyền (Li Tana, Thuyền và kỹ thuật đóng thuyền, 2002).

Con số tàu thuyền này phong phú tới mức Nguyễn Phúc Ánh không chỉ cung cấp cho quân đội mà còn gửi tặng vua Siam (đổi sắt, thuốc súng, súng), hay bán cho Macao và Manila.

Nguyễn Phúc Ánh cũng chú trọng cải tiến kỹ thuật đóng thuyền theo mô hình tàu chiến phương Tây. John Barrow nói rằng nhà vua có 300 tàu chiến, 5 thuyền buồm và một tàu chiến kiểu phương Tây (1792-1793).

Và đó là lúc cuộc chiến giành ngai vàng ở Việt Nam bước vào giai đoạn quyết định.

Sẽ mất 7 năm để các chiến dịch gió mùa (1792-1799) làm thay đổi cục diện chiến trường bằng cách bao vây, cô lập và tiêu hao các căn cứ quân sự Tây Sơn dọc theo duyên hải. Việc chiếm thành Diên Khánh, cách Thị Nại 200 km, là một bước ngoặt vì nó đặt các cửa sông, cảng biển Tây Sơn vào tầm ngắm thường trực của Gia Định, nơi họ có thể khai thác điểm yếu hậu cần, phân tán địa hình, và khoảng trống giữa quân bộ và quân thủy Tây Sơn.

Hệ quả là Tây Sơn buộc phải dồn lực lượng hải quân vào Thị Nại, nơi họ bị tấn công và phá hủy nhiều lần. Thực tế, Nguyễn Phúc Ánh đã lấy sự cơ động của thủy quân để đánh lại quân bộ Tây Sơn giờ đây buộc phải vận động chiến dọc theo một miền duyên hải có địa hình phức tạp. Từ sau 1795, Nguyễn Phúc Ánh mở rộng hoạt động thủy quân, yểm trợ và kết hợp với quân bộ và quân tượng vây đánh Quy Nhơn. Chiến dịch năm 1796 chẳng hạn, huy động 600 thuyền, vận chuyển cả một đạo quân 40.000 binh lính trên hải trình 1000 km.

Khả năng điều phối thủy quân của quân Nguyễn nhanh chóng áp đảo quân Tây Sơn vốn dựa trên sự kết hợp của nhiều nhóm khác nhau. Các tướng lĩnh giỏi nhất của họ như Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyết, Bùi Thị Xuân… đều tập trung cho bộ binh và tượng binh. Trong khi họ bị cầm chân bởi Lê Chất, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Đức  Xuyên, Nguyễn Văn Thành thì Nguyễn Văn Trương, Võ Di Nguy, Võ Tánh… chia cắt và cô lập hệ thống phòng thủ Tây Sơn bằng cách đánh phá và kiểm soát cửa biển và sông ngòi, đặc biệt là giữa Quy Nhơn và Phú Xuân.

Tây Sơn bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Không có đủ thuyền, không có khả năng kiểm soát và giữ liên lạc thủy bộ dọc theo duyên hải. Vận tải và hành quân đường bộ giữa Phú Xuân-Quy Nhơn là một quãng đường khó khăn, dễ dàng bị tập kích ở các cửa sông và cảng biển. Nỗ lực cuối cùng của họ giúp hậu cần cho Quy Nhơn bằng đường biển là vào năm 1800, khi mà 150 tàu vận tải bị quân Nguyễn đánh tan.

Không còn cách nào khác, Tây Sơn dồn toàn lực biến Thị Nại thành cánh cổng sắt phía Nam của vương triều nhằm chặn đứng quân Gia Định.

Đó là một canh bạc nguy hiểm.

Vùng đầm phá rộng 5000 ha này từng bị quân Nguyễn tấn công vào năm 1792, 1793, 1796, 1799. Tuy nhiên, Thị Nại và thành Quy Nhơn là một hệ thống không thể tách rời, và nó không thể bị mất. Tư liệu phương Tây cho biết Diệu và Dũng sẽ đưa về đây 500 chiến thuyền và 50.000 lính. Họ dùng 100 chiến thuyền để án ngữ cửa vào vịnh. Sử nhà Nguyễn nói Tây Sơn có 1.800 thuyền và 6.000 khẩu pháo ở Thị Nại. Sau trận đánh kéo dài 16 giờ (27 đến 28/02/1802), “pháo nổ rung trời, đạn bay như mưa,” quân Tây Sơn bỏ lại 20.000 người chết. Toàn bộ căn cứ thủy quân lớn nhất của họ bị phá hủy. Quân Gia Định trả giá cho chiến thắng với 4000 lính.

Một ngày nào đó, có lẽ các nhà làm phim Việt Nam sẽ chú ý tới trận đánh này: một trang sử sẽ không bao giờ bị người Việt lãng quên.

Trận Thị Nại đưa lịch sử Việt Nam sang chương mới. Tây Sơn hoàn toàn mất quyền kiểm soát thủy quân và hệ thống quân sự bị cắt làm nhiều mảnh nhỏ. Ngay lập tức, Phú Xuân bị đe dọa và điều duy nhất Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng có thể làm là rút lên vùng thượng đạo và chạy ra Bắc.

Lịch sử sẽ không cho họ cơ hội thứ hai.

Cuối cùng, các học giả Việt Nam chú ý nhiều tới các cuộc chiến tranh chống xâm lược mà ít chú ý tới nội chiến. Tuy nhiên hình thái chiến tranh và các vấn đề liên quan trong giai đoạn 1770-1802 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì chúng phản ánh những thách thức và các thể nghiệm của người Việt trong việc tổ chức chiến tranh thời sơ kỳ hiện đại. Kỷ nguyên của những con cắt biển là một dấu ấn của lịch sử Việt Nam, giai đoạn sẽ thai nghén nên hình hài của nước Việt Nam hiện đại và một chứng nhân cho những lao tâm khổ tứ, máu và nước mắt của tiền nhân để tạo ra dân tộc này.

Nguồn: Tạp chí Tia Sáng