Hồi ký ‘Thủy quân Sông Lô’: Tôi vào lính thuỷ cụ Hồ

Tác giả: Lê Quang Loát

Ngày 23 tháng 1 năm 1994, một số anh em, nguyên là “lính thuỷ sông Lô” chuyển sang trung đoàn pháo binh 45, gặp nhau nhân dịp mừng nhà mới của anh Đặng Luyến, anh Đỗ Sâm (bạn Thuỷ quân khoá 1) nhắc tôi: “Này cậu Loát, chưa thấy có bài cho tập san Lính thủy sông Lô đấy nhé!…”. Đang dắt xe ra cửa tôi liền đáp: “Sẵn sàng, có ngay!…”. Thế là suốt dọc đường về những hình ảnh tươi trẻ của tôi, “anh Lính thuỷ cụ Hồ” cách đây hơn bốn thập kỷ đã qua, cứ nối nhau diễn ra trong ký ức tôi như một cuốn phim sinh động và cuốn hút, khiến tôi khi vừa đặt chân tới nhà là liền bắt tay ngay vào việc ghi nhanh những dòng tự thuật này.

Xếp bút nghiên

Thu Đông 47, sau chiến thắng sông Lô, làng tôi được may mắn chọn làm địa điểm “Đại hội tập của Liên khu 10” biểu dương lực lượng vũ trang kháng chiến. Các đơn vị Vệ Quốc quân chiến thắng mặc đồng phục, đội ngũ chỉnh tề, trang bị hùng mạnh, rầm rập diễu qua lễ đài, cùng với những loạt đại bác (đạn nổ trên không), đã làm chấn động cả một vùng, và đặc biệt đã để lại trong lớp các em học sinh nhỏ chúng tôi lúc bấy giờ những dấu ấn không thể nào phai mờ và lòng ngưỡng mộ đối với những người chiến binh anh dũng sẵn sàng xả thân vì độc lập của đất nước. Rồi bước sang những năm 49-50, chúng tôi đã là học sinh cấp III của trường trung học Hùng Vương – Phú Thọ, đến tuổi trưởng thành, trong không khí rạo rực cả nước “chuẩn bị Tổng phản công”. Trường chúng tôi lại được vinh dự tiếp đón các cán bộ chiêu sinh của các trường quân sự (Lục quân, Không quân, rồi Hải Quân) đến tuyên truyền vận động học sinh tòng quân. Các anh mỗi người một vẻ, binh phục chỉnh tề, trông rất oai và giọng nói cuốn hút. Anh em học sinh chúng tôi hướng ứng và háo hức được lên đường. Song trước sự mời chào của các binh chủng, mọi người chúng tôi lại nẩy sinh sự so sánh lựa chọn “khá ngây thơ”: Lục quân chỉ toàn là bạn của mặt đất; Không quân thì được đi mây về gió, nhưng lại chỉ thấy bầu trời, lẻ loi hiu quạnh v.v… Cho đến một hôm sơ tán máy bay, chúng tôi đang ngồi học trong đồi cọ thì thầy Khoa dậy toán dẫn và giới thiệu một anh cán bộ quân đội đến nói chuyện. Chúng tôi còn đang ngỡ ngàng, nghiêng ngó, thì anh cán bộ quân đội đã đến trước mặt chúng tôi, dáng người dong dỏng cao, da ngăm đen, thân hình rắn rỏi, với đôi mắt sáng và trìu mến, anh chào chúng tôi và tự giới thiệu: “Tôi là Quế, cán bộ của trường Thuỷ quân, đến đây chiêu sinh anh em vào học khoá 1, bởi vì trong vùng tự do của Liên khu 10 ta chỉ có hai trường lớn là trường Trung học Hùng Vương và trường Trung học Kháng chiến là có những anh em thanh niên ở độ tuổi mười tám – đôi mươi, có đủ kiến thức văn hoá cần thiết, ngoài nhiệt tình hăng hái tham gia chiến đấu cứu nước…”. Anh nói tiếp: “Trước đây tôi cũng là học sinh như các bạn, ham thích một cuộc đời bay nhẩy nên tôi đã xin vào lính thuỷ của Pháp. Trong đời quân ngũ này tôi đã từng đến Quảng Châu Văn, Thượng Hải, Hồng Kông, Mác Xây v.v… Sau được giác ngộ cách mạng, tôi đã trở về quân ngũ của Bác Hồ và vẫn xin được theo đuổi ngành thuỷ là một nghề mà tôi vẫn hằng yêu thích, luôn luôn gắn bó với trùng dương biển cả, đầu đội mũ vải có dải đo gió (bonnet), coi hạm thuyền là nhà, được đi đây đi đó, dầy dạn sương gió, nhìn xa thấy rộng. Cuộc sống con người với đất và nước, thật đẹp biết bao!.. Các bạn vào trường Thuỷ quân khoá này là những người đi đầu trong quân chủng của chúng ta đó…” và trước khi ngừng lời anh cũng không quên lưu ý chúng tôi là số lượng chiêu sinh lần này cũng chỉ có hạn định thôi. Thế là chẳng ai bảo ai, khi anh vừa dứt thì tiếng vỗ tay của anh em học sinh chúng tôi như sấm dậy, như muốn nói với anh rằng: “Anh cứ yên tâm, chúng tôi sẽ xin gia nhập Thủy quân đấy!…”

Cán bộ chiêu sinh đi đã hơn nửa giờ mà lớp học chúng tôi vẫn chưa ổn định được, mọi người tranh nhau phát biểu ý kiến thật là rôm rả: đứa thì mơ ước trở thành thuyền trưởng, kẻ thì thích được làm thợ máy (mécano), được đứng lái hay làm hoa tiêu (pilote), nhiều thằng thì lại thích chân quan trắc, thông tin hoặc khí tượng (météore) v.v… Không một ai trong anh em học sinh chúng tôi lúc bấy giờ hiểu được rõ ngành nghề mình lựa chọn, nhưng cứ thấy nó đẹp và tìm đủ mọi lý lẽ để bảo vệ phần hơn của mình. Song, cũng có những ý kiến thiết thực kéo anh em về với thực tế: “…Thôi đi! Nếu cứ kén chọn ngành nghề như các cậu thì lấy ai lau sàn tàu? lấy ai nấu bếp?… tớ mà là anh cán bộ chiêu sinh thì cứ là cho các cậu de hết…” hay “Người ta đang tuyển đi học phi công để giành vùng trời thì anh em ta có vào Thuỷ quân cũng là để giành lấy biển cả chứ? Mơ mộng như các cậu bây giờ là quá sớm đấy!…”. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đi đến thống nhất xác định: tòng quân lúc này là cần thiết và là nghĩa vụ và nếu được vào Thuỷ quân là phù hợp với nguyện vọng đựoc bay nhẩy của anh em. Thầy Khoa cũng như vui lây, không những không kéo chúng tôi trở lại với giờ toán đang bị gián đoạn, mà còn phát biểu với giọng chậm rãi và quả quyết: “Mình sẽ tòng quân và cũng xin vào Thuỷ quân như các em…”, rồi thầy chỉ tay ra phía dãy đồi sim phía trước nói tiếp: “… Tất cả để chuẩn bị Tổng Phản Công mà!”. Chả là hồi ấy trường Trung học Hùng Vương chúng tôi ở xã Tân Trào thuộc huyện Hạ Hoà – Phú Thọ. Ngay phía trước mặt trường, bên kia đường cái có ba quả đồi sim liền nhau, được giãy hết cây cỏ thành một dải đất dài hơn nửa cây số để kẻ khẩu hiệu “Chuẩn bị Tổng Phản công” bằng vôi trắng toát rất lớn, ở xa đến 5-7 cây số trong cũng vẫn rõ, hàng ngày đập vào mắt chúng tôi, thôi thúc cổ vũ chúng tôi háo hức lên đường chiến đấu. Sự đồng tình của thầy Khoa như củng cố thêm quyết tâm cho chúng tôi; thế là từ một tiếng hát bật lên, cả lớp tôi biến ngay thành dàn đồng ca hát vang bài “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu!”.

Ngay tối hôm đó, một buổi tối cuối năm Kỷ Sửu, tôi đem việc đăng ký tòng quân ra thưa chuyện, Thầy và Bầm tôi lặng đi. Tôi đang lúng túng chưa biết trình bày tiếp như thế nào, thì thầy tôi, vốn học nho, hiểu rộng và thường đưa ra ý kiến quyết định, đã chậm rãi nói trước: “Đất nước đang cần thanh niên lên đường chiến đấu, nay con đã mười tám tuổi rồi, còn ở nhà để học hành cũng không ổn, Thầy đồng ý để con vào bộ đội, khi nào đất nước yên hàn thì học lại vậy…”. Rồi Bầm tôi cũng nghẹn ngào tiếp lời: “Anh Quảng con đã thoát ly từ năm 45, sang năm 46 thì bị bọn Quốc dân Đảng bắn bị thương ở mặt trận Yên Kỳ, ở nhà chỉ có con là lớn, giúp đỡ được nhiều việc, nay con lại đi nốt, ở nhà Thầy, Bầm thì già và bốn em con cũng đã đồng ý thì Bầm cũng không giữ con được. Con đi phải biết giữ gìn sức khoẻ, Bầm nhớ con nhiều lắm…”. Rồi Bầm tôi nghẹn tắc, lau nước mắt, không nói lên lời… Thế là gia đình tôi đã đồng ý, lòng tôi nhẹ đi vì được tòng quân, nhưng lại trào dâng nỗi thương nhớ Thầy, Bầm và các em day dứt và lại đến lượt lo lắng thắc thỏm là liệu đi lần này không biết tôi có được gặp lại anh Quế để xin được vào Thuỷ quân không?…

Vào Thuỷ quân – Xuôi đò dọc về căn cứ phố Giàn

Ngày 16/01/1950 chúng tôi được nhà trường tổ chức lễ xuất quân cùng với anh chị em của trường trung học kháng chiến. Ai nấy đều cảm thấy vinh dự và xúc động vì cuộc đời lính bắt đầu từ đây… Chia tay gia đình cùng bạn bè và bà con địa phương, tất cả anh chị em chúng tôi cùng đi bộ lên thị trấn Sơn Dương, theo sự hướng dẫn của đoàn tuyển sinh. Thật là vui, lần đầu tiên ăn tập thể, ngủ tập thể, hát tập thể và đi cũng tập thể, chúng tôi quên cả mệt… Đến Sơn Dương cả đoàn dừng lại, như có linh tính báo trước: giờ chia tay đã đến, những chàng trai cô gái thư sinh tươi trẻ như những bông hoa, ríu rít như những bầy chim non, sao mà quyến luyến nhau đến thế?… Rồi như những buổi lửa trại chia tay trong lớp, trước kỳ nghỉ hè, chúng tôi thân ái nắm tay nhau hát bài tạm biệt “… từ đây, anh em chúng ta…” một bài hát có từ thời Pháp thuộc để lại trong chúng tôi biết bao cảm xúc thân thương của tình bạn. Ban Tuyển sinh đã làm việc, nhưng còn nhiều anh chị em vẫn còn rầm rì dở dang câu chuyện hoặc còn tranh thủ vội vàng ghi nốt cho nhau mấy dòng nhật ký. Đang hồi hộp chờ đợi, thì từ Ban Tuyển sinh vọng xuống: “Lê Quang Loát! Về đoàn Thủy quân!” Ôi, sung sướng biết bao! Đúng nguyện vọng rồi! Lòng tôi như mở cờ, bắt tay vội mấy anh em bên cạnh, xách ba lô đứng lên đi về nơi tập kết của đoàn Thuỷ quân, vừa thầm cảm ơn anh Trần Duy Hợi là người trước cùng học ở Vĩnh Chân, rồi trường Hùng Vương, nay cũng tham gia vào Ban Tuyển sinh lần này và đã được tôi rỉ tai đề nghị khi lên đường. Tôi cứ thầm cảm ơn anh Hợi mãi vì tổng số học sinh của cả hai trường Hùng Vương và Kháng chiến chúng tôi ra đi đợt này phải kể đến trên một trăm cả nam lẫn nữ, nhưng phiên chế về trường Thuỷ quân khoá 1 lần này vẻn vẹn có mười hai anh em chúng tôi thành một tiểu đội, gồm có các anh: Đinh Văn Chí (Chí Phèo), Ngô Thế Lãng (Lãng Bột), Đỗ Sâm (Sâm be), Nguyễn Văn Tiến (Tiến lai), Trần Quang Hậu (Hậu gà), Phan Ngọc Đức (Đức quăn), Thọ Sơn, Lê Văn Vỹ (Vỹ ò), Phạm Quang Tinh, Nguyễn Phú Đạt, Nguyễn Phú Quát, Lê Quang Loát (Loát kều).

Thấy anh Quế đến, mừng quá chúng tôi quây lấy anh và hỏi han tíu tít, nào là: “…Trường ở đâu anh? Còn xa không? v.v…” anh Quế chỉ cười và trả lời: “Cứ đi sẽ biết; nhưng đến Bình Ca sẽ đãi các cậu một chầu; sau đó sẽ xuôi Đoan Hùng. Cứ theo tôi, nhớ bám sát Quế này nhé!…” Rồi anh nói tiếp, như ra lệnh: “Từ giờ phút này các “cậu ấm” đã là lính. Lính thì chỉ biết có nghe lệnh. Rõ chưa!…”. Chúng tôi đồng thanh: “Rõ!!!” và anh nghiêm nét mặt từ đó; chúng tôi có ý thức và vào khuôn phép ngay.

Sau đó, theo lệnh của anh, chúng tôi tập họp rồi lên đường, đi theo hàng 1, cự ly phân tán để đề phòng phi cơ địch oanh tạc. Nhóm chúng tôi nhẹ nhàng nhất, hành trang của tôi chỉ có một nửa chiếc chăn chiên, một ba lô con cóc do tôi tự may lấy ở nhà với một bộ quần áo kaki do anh trai tôi cho để mặc đi học, đã cũ. Cả tốp có một vật quý giá nhất phải bảo vệ, đó lá chiếc đàn ghi ta gỗ của anh Lãng. Chúng tôi ưu tiên cho anh Lãng vác đàn, không phải mang gì cả. Lúc ấy, công cụ “món ăn tinh thần” này sao mà quý thế? Chúng tôi gọi nó là “cần câu cơm”, bởi vì có nó chắc chắn là đi làm công tác dân vận sẽ có lợi lắm. Tiến tới Bình Ca, chúng tôi vẫn không thấy mệt, lại được anh Quế chuẩn bị sẵn cho một bữa ăn khá tươi. Anh tuyên bố: “Hôm nay khao các chú một bữa tươi, từ mai trở đi chắc khó mà tái diễn được…”. Ôi, lần đầu tiên tôi được ngồi ăn lịch sự như thế này? vì ở nhà tôi vẫn được liệt vào loại trẻ và chỉ được làm “bồi bếp” cho Bầm tôi thôi. Hầu hết các quán ăn và các nhà tạp hoá ở đây đều được cất dựng dưới các tán cây hoặc trong các hẻm núi để phòng không, nhưng cũng khá bề thế, khang trang và đủ loại mặt hàng cần thiết. Cơm nước xong, trời gần tối, chúng tôi theo anh Quế xuống thuyền xuôi Đoan Hùng (ở địa phương quen gọi là đi đò dọc). Khi xuống thuyền, anh Quế đứng trên bờ, đếm từng người một, rồi xuống sau cùng và bảo: “Các chú sữa (anh gọi bọn trẻ chúng tôi như vậy) hôm nay đi nhiều đã mệt, cứ ngủ đi, để tôi gác cho và sẽ gọi dậy khi đến bến”. Lúc này chúng tôi mới được thảnh thơi và thấm mệt, ai nấy vừa đặt lưng là lăn ra ngủ như chết. Đến khi anh Quế đánh thức, chúng tôi tỉnh dậy thì trời đã hửng sáng và thuyền đã cặp bến ở bờ phía Bắc sông Chảy nơi ngã ba tiếp giáp với sông Lô. Sau khi lên bờ anh Quế lại tập hợp đơn vị, kiểm tra quân số và ra lệnh: “Tất cả hành quân theo một hàng dọc, đi về doanh trại!”. Doanh trại! Cái từ mới lạ làm sao chứ? Tôi cho là nó cũng đồng nghĩa với từ “Đại bản doanh” đã được đọc trong Tam Quốc Chí. Ừ mà nếu là “Đại bản doanh của Thuỷ quân” thì cũng oai thật đấy! Những suy tưởng ngây ngô trước những sự việc mới lạ cứ diễn ra và đeo đuổi trong tôi khi còn là lính mới là như thế đó. Chúng tôi đi chừng một tiếng thì đến một phố nhỏ ven sông Chảy, trên bến dưới thuyền, nhà trệt xen lẫn nhà sàn đều bằng tre nứa và lợp lá cọ, dân cư đông đúc. Anh Quế hóm hỉnh giới thiệu: “Đây là phố Giàn, thủ đô của chúng ta đó!”.

Ở lại đây nghỉ ngơi một lát, anh Quế đưa chúng tôi vào doanh trại, lúc ấy đã tám giờ sáng. Đây là một vùng khá rộng ở bên phía sau phố Giàn gồm có 4 khu: – Khu Hiệu bộ của trường, đồng thời cũng là cơ quan của Ban Nghiên cứu Thuỷ quân; – Khu tiểu đoàn bộ (có cả hội trường và sân tập họp, chào cờ): Khu đại đội 1; Khu đại đội 2. Nhà cửa đều làm bằng tranh tre, nứa lá khá đẹp. Mỗi khu đại đội còn có một sân bóng chuyền, cùng với các xà đơn, xà kép, dây leo tự tạo. Các khu cách nhau khá xa từ 300 đến 500 mét và dựng nhà theo ven sườn đồi. Bên cạnh nhà ở đều có hầm hào phòng không. Kẻng báo động bằng một vỏ quả bom lớn treo trên đỉnh đồi gần đại đội 1 thường xuyên có người canh gác để báo động phòng không. Nối liền các khu trên đây với nhau bằng những con đường nhỏ, phẳng, sạch và đẹp mắt.

Khoá một học viên Thuỷ quân chúng tôi có hai đại đội, hình thành một Tiểu đoàn do anh Trần Lưu Phương làm tiểu đoàn trưởng và anh Khổng Hiệu làm chính trị viên. Hai đại đội trưởng là các anh Nghiêm Xuân Hùng và anh Lê Trường Đa. Còn các trung đội trưởng là anh Dương Đình ấu, Trần Kỳ, Trần Hùng v.v… đều đã tốt nghiệp khoá 4 trường Lục quân Trần Quốc Tuấn… Sau khi làm việc với các thủ trưởng Hiệu bộ và Ban Chỉ huy tiểu đoàn học viên, anh Quế tập họp chúng tôi ở sân tiểu đoàn bộ và làm thủ tục bàn giao, phiên chế số anh em học viên mới chúng tôi về các đơn vị. Tôi được phân công về tiểu đội anh Hà Văn Ngữ (To kều), nằm trong trung đội anh Dương Đình Ấu thuộc đại đội 2 của anh Lê Trường Đa và mau chóng hoà nhịp với sinh hoạt của đơn vị. Khoảng chừng 10 ngày sau khi khoá học đầu tiên khai giảng: toàn tiểu đoàn tập trung ở hội trường làm lễ khai mạc, ngoài các anh lãnh đạo của cơ quan Hiệu bộ của trường, còn có cán bộ Bộ Tổng tham mưu về huấn thị và đọc quyết định, và đại biểu học viên lên phát biểu và hứa hẹn. Buổi lễ rất trang nghiêm, trọng thể, đã động viên được khí thế phấn khởi của toàn trường. Buổi liên hoan kết thúc có thịt bò thui khá rôm rả…

Bước “cày vỡ”

Sau đó cuộc đời lính học viên Thuỷ quân khoá 1 của chúng tôi nghiêm túc bước vào học tập. Tháng đầu tiên học về “Điều lệnh tác phong” xây dựng quân đội chính quy sẵn sàng chiến đấu, phải nói là khá “căng”, nhất là hầu hết anh em chúng tôi đều là học sinh mới thoát ly gia đình bước vào cuộc sống tập thể với một sinh hoạt chặt chẽ, nhất là kỷ luật nhà binh. Các anh chỉ huy bảo chúng tôi là phải: “Vui thì nổ trời, mà học và tập thì chết thôi!”. Lúc đầu bọn chúng tôi còn bỡ ngỡ, nhưng sau 1 tháng tân binh, các anh ấy “luộc cho ra bã” thì cũng quen dần. Để rèn luyện tác phong ban đầu cho chúng tôi, đơn vị phải đề ra các mục tiêu phấn đấu cho chúng tôi trong từng tuần lễ một để phát động thi đua thực hiện như: – Tuần lễ kỷ luật; – tuần lễ nhanh chóng; – tuần lễ báo động; – tuần lễ lễ tiết tác phong v.v… Sau mỗi tuần nội dung học tập đều có sơ kết, nhận xét cá nhân và phân đội, có biểu dương phát huy các mặt ưu và phân tích, phê phán, bổ cứu mặt khuyết. Đây là một tháng học tập đầy gian khó đối với chúng tôi; tuy, nếu gọi là “môn học” thì không cao xa gì, nhưng làm được đều khó khăn vất vả. Thật vậy, chúng tôi đang tuổi ăn, tuổi ngủ, quen sinh hoạt tự do mà đưa ngay vào khuôn phép thật là khổ sở, luôn luôn bị phạt. ở đây, nhất nhất mọi cái đều phải đúng quy định, đúng giờ giấc, đúng hiệu lệnh của một tập thể thống nhất, sai là phạt, mà sao lắm cách phạt thế? đủ mọi hình thức: phạt đứng nghiêm, phạt chạy, phạt bò v.v… tuỳ theo nặng nhẹ mà bắt mang cả ba lô, vũ khí hay không. Thế mà anh em chúng tôi chẳng ai kêu ca phàn nàn gì cả. Mình sai thì mình phải chịu. Phạt xong lại truyền trò nổ như pháo ran.

Thời kỳ đầu chúng tôi còn mang súng gỗ, có lần ba sự việc cùng xảy ra: tôi vô ý đánh rơi súng, Quảng “móm” thì khoét súng làm điếu cày, còn Tâm “xồm” lấy súng làm ghế ngồi bị “xê trưởng” bắt gặp, cả ba chúng tôi phải đeo ba lô toài ba vòng quanh sân, cả “xê” ngồi nhìn cười rúc rích, song chúng tôi đều hiểu rằng phạt là để xây dựng ý thức bảo quản vũ khí cho anh em “Súng là vợ, đạn là con”. Gay go nhất là “tuần báo động”; có đêm báo động hai, ba lần, rèn luyện cho chúng tôi ngăn nắp gọn gàng, luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Mỗi lần nghe tiếng còi báo động, thôi thì đứa nào đứa nấy mặc quân phục cho nhanh, tháo và buộc màn cho nhanh, thu xếp đồ dùng, chăn màn và buộc ba lô cho nhanh, rồi đi giầy cho nhanh và vác súng đeo ba lô ra tập họp, rồi chạy đều hành quân, nếu để lôi thôi rơi rớt là bị phạt; nhiều lần vừa qua một lần báo động, về mắc màn thiu thiu ngủ thì lại báo động, đêm ngủ nơm nớp không yên, có nhiều anh ngủ không dám bỏ chăn ra đắp, hay màn thì không dám mắc, cứ lồng sẵn bốn góc màn vào bốn đầu tay chân, hễ khi cán bộ đi kiểm tra ban đêm thì giơ cả bốn vó lên, nhưng rồi bị phát hiện, vẫn cứ phạt. Phần nhiều thiếu ngủ, ban ngày anh em ngồi họp hành cứ gà gật. Chúng tôi thường bảo nhau đây là một tháng “cày vỡ”; câu nói hình tượng này rất đúng nếu ví anh em học sinh chúng tôi như những mảnh đất còn hoang sơ khô rắn ắt phải chịu sự tác động mãnh liệt khi phải cầy vỡ nhào luyện cho thuần thục và ví các anh cán bộ nhà trường như những anh thợ cầy ắt không khỏi phải tốn bao nhiêu công sức cực nhọc để biến những mảnh đất hoang sơ thành hữu ích.

Cho đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ mãi anh Lê Trường Đa, thủ trưởng đại đội của tôi, người Liên khu 5, da ngăm ngăm đen, miệng nhỏ, người cao to cân đối, động tác yếu lĩnh rất chuẩn xác mẫu mực, tư thế tác phong nghiêm túc đĩnh đạc. Anh ít nói và có vẻ hơi khô, làm cho học viên kiêng nể, nhưng rất giàu tình cảm, thương yêu và chăm sóc anh em chu đáo. Đại đội tôi có 3 trung đội, các anh trung đội trưởng đều được qua đào tạo chính quy, làm việc nhiệt tình và mẫu mực, chăm nom thương yêu học viên; mỗi anh một vẻ: anh Dương Đình Ấu, người bé nhỏ nhưng hô rất to và động tác cứng rắn, gần gũi anh em, tính tình thẳng thắn nhưng hơi nóng, có điều gì không vừa ý là anh đỏ mặt nói ngay; anh Trần Kỳ, người tầm thước điềm đạm, nước da mai mái xanh, tính tình dịu dàng hay cười; anh Trần Hùng, dáng thư sinh, đẹp trai, hát hay, tuổi đời còn trẻ, có dáng con nhà khá giả, rất thân với anh ruột tôi là anh Lê Quảng và có lần anh Quảng đã đến thăm tôi và anh Trần Hùng làm cho giữa tôi và anh Trần Hùng gần gũi với nhau hơn. Đến nay ngay cả ba anh trung đội trưởng trên đây đều đã hy sinh trong chiến đấu ở chiến trường duyên hải Đông Bắc, để lại bao tiếc thương cho đồng đội!

Sau một tháng học tập điều lệnh tác phong, chúng tôi bắt đầu học tập chuyên môn phân làm hai ngành là Hàng hải và Điện cơ. Tôi được xếp vào học ngành Hàng hải. Lúc đầu lên lớp nghe giảng cũng có nhiều khó khăn bỡ ngỡ khó hiểu, nhưng rồi vừa học vừa hành cũng vỡ dần ra. Các thầy dạy chuyên môn theo giờ có chương trình cụ thể. Việc học tập chuyên môn xen lẫn với rèn luyện kỷ luật xây dựng chính quy và hoạt động văn nghệ được sắp xếp rất hợp lý. Nội dung chương trình của môn hàng hải gồm có:

– Tín hiệu: bằng còi, đèn, cờ tay, do thầy Oanh giảng dạy. Tôi theo học môn này rất hứng thú và đạt kết quả nên đã được trợ giúp thầy giáo trong các giờ luyện tập thực hành.

– Nơ, nút: do thầy Vỵ đảm nhiệm hướng dẫn, tôi học cũng rất nhanh và nắm chắc các thao tác, có thể là do trước đây khi còn ở nhà tôi được thầy tôi dạy đan lát ít nhiều.

Khi sát hạch kiểm tra hai môn trên tôi đều đạt điểm cao.

– Chèo thuyền: theo học môn này, tôi được gặp lại thầy Quế, người mà tôi đã từng ngưỡng mộ. Nơi luyện tập của chúng tôi là sông Lô và sông Chảy. Tập cả tiểu đội trên một chiếc thuyền, người cầm lái nhìn về phía trước, hai dãy người chèo thuyền nhìn về hai bên quay mặt vào người chỉ huy; đầu tiên là chèo cạn theo động tác thống nhất tám người như một, tạo nên lực đẩy tổng hợp; khi nắm được yếu lĩnh mới chèo dưới nước, thuyền đi rất nhanh và mạnh, có thể đi ngược dòng sông Lô. Khi cần cập bến phải có yếu lĩnh động tác chuẩn bị, quay cho mũi thuyền ngược dòng nước, nếu không thì thuyền dễ bị dòng nước đẩy đâm vào bờ, hoặc tạo thành lực cản làm lật thuyền như chơi, trong quá trình tập luyện không phải là ít “học sinh thuyền trưởng” đã cho anh em đồng đội uống nước sông Lô. Tôi còn nhớ có một lần học nụ thuyền con, chỉ dùng một dầm ở phía đuôi vừa ngoáy đẩy thuyền đi vừa lái. Trông thì thấy đơn giản nhưng khi thực hành thì không phải là dễ. Khi mọi người lên bờ nghỉ giải lao, anh Quảng “móm”, quê Bắc Ninh, học tú tài triết (Bắc philô), tưởng bở, hứng lên lẻn xuống bến tháo thuyền ra để nụ thử; nhưng vì sức khoẻ và kỹ thuật chưa tốt, nước lũ tháng 5 của dòng sông Lô đã đưa anh ra giữa sông thì anh em mới phát hiện, cuống quýt lo âu. Thầy Quế không chần trừ lao ngay xuống sông bơi theo dòng lũ ra kịp và leo lên thuyền, rồi bằng động tác thuần thục chỉ 15 phút sau đã đưa được thuyền vào bờ. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm, nhưng chúng tôi cũng bị thầy xạc bằng một tràng tiếng Pháp không lấy gì làm nhẹ nhõm cho lắm. Còn “ông Tú móm” thì bước theo sau, mặt còn tái mét cúi xuống nói: “Em xin lỗi thầy!”, và đến khi về doanh trại thì không còn tán dóc như mọi hôm nữa. Học hàng hải bằng tầu thuyền trên sông là khoa mục trọng tâm của khoá học nên ai nấy đều chăm chỉ học tập, tuy rằng luyện tập rất mệt và thường ăn đói. Phải nói là thầy Quế rất giỏi về nghề sông nước này và huấn luyện có bài bản, rất nhiệt tình với học viên, làm cho anh em chúng tôi hào hứng học tập và đạt kết quả tốt, không những thế thầy còn để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng tốt về đạo đức, tác phong của một người cán bộ phụ trách, người chỉ huy giản dị, khiêm tốn, giàu tính nguyên tắc và quyết tâm khi làm nhiệm vụ.

Không những chỉ học chuyên môn mà chúng tôi còn học đánh bằng bộ binh nữa. Học từ động tác cá nhân như nghiêm, nghỉ, chào, quay, đi đều và chạy đều v.v… Mỗi người có một khẩu súng gỗ, chiều dài vừa bằng đúng khẩu súng trường Mỹ (Remington). Sau học xạ kích, ném lựu đạn và cá nhân chiến đấu. Nhiều lần khi học đến các khoa mục chuyên môn thì tiểu đoàn huấn luyện chúng tôi lại được chuyển ra xã Thọ Xuân, đóng quân phân tán trong nhà dân vừa gần thao trường vừa thực hiện được phân tán phòng không. Luyện tập các khoa mục bộ binh cũng khá vất vả, không những thế, nhà trường lại thường xuyên kết hợp với việc học tập chuyên môn để rèn luyện quân phong quân kỷ cho học viên, nên chế độ học tập sinh hoạt hàng ngày rất chặt chẽ, nghiêm ngặt, “lơ mơ” một tý là bị phạt liền. Song nhiều lúc đời lính cũng rất vui, tôi nhớ mãi khi thi bắn súng trường, tôi đã bắn chụm cả ba viên đạn vào vòng 10. Thế rồi cả tiểu đội tôi, rồi cả trung đội tôi, reo hò như sấm, phá vỡ cả kỷ luật thao trường, kông kênh tôi lên kỳ đài vì đã giật giải thi đua “Anh hùng xạ kích”, không những thế cộng điểm thì cả trung đội tôi và cả đại đội tôi cũng đứng đầu bảng trong tiểu đoàn. Sau mà vui thế. Thế là lần đầu tiên đơn vị tôi vi phạm kỷ luật thao trường mà không bị phạt, mà ngược lại được lên kỳ đài nhận thưởng chuối, dứa của đồng bào địa phương tặng cho những cá nhân và đơn vị lập công suất sắc trong học tập. Nhưng các cụ thường nói “Phúc bất trùng lai”, vì đêm hôm đó mãi đến 11 giờ khuya rồi mà cả sàn ngủ của tiểu đội tôi vẫn còn tán dóc, liền bị anh Ba trực tinh phát hiện cho tập hợp chạy ra bãi cát ven sông Lô bò 100 mét. Bò xong, nóng quá, chúng tôi rủ nhau xuống sông tắm. Thế nào lúc này lại có anh em reo hò lội sông vì quên mất là đã khuya rồi. Lại một lần nữa tiểu đội tôi bị gọi lên tập hợp và toài thêm 100 mét nữa. Lúc này chừng đã thấm mệt anh em lặng lẽ rửa chân tay rồi về đơn vị, lên lán nằm rồi mà anh Nguyệt “đen” (lúc này làm tiểu đội trưởng) còn nói nhỏ: “Gớm! Ông Ba mới ở Lục quân khoá 5 ra mà hắc thế!”. Mọi người “suỵt!” một cái, rồi tiếng “kéo gỗ” bắt đầu…

Ngoài thi bắn súng, ném lựu đạn, còn phải thi vác nặng hành quân xa theo đơn vị trung và đại đội. Thời điểm này các đơn vị đã được phát quân trang và vũ khí, nên ai cũng lo nhất là phải vác “đui xết” (đại liên 12,7mm), nòng đã nặng mà cái chân 3 càng của nó thật đáng gờm!

Cả tuần lễ đóng quân trong làng Chí Đám, đúng vào mùa bưởi chín, mùi thơm cứ ngào ngạt. Kỷ luật của đơn vị rất nghiêm, “chàng vệ” nào mà lơ mơ là hãy coi chừng với kỷ luật. Nhưng đồng bào địa phương thì lại rất thương, rất quý chúng tôi. Sau khi đào công sự xong là chúng tôi lại được các mẹ chiến sĩ mang đến cho ăn thoải mái đủ các loại bưởi (hái bưởi trên cây hoặc để khô vỏ).

Rồi ngày 1/5/1950, nghe chừng “võ nghệ” của lính cũng khấm khá, kỷ luật cũng khá nghiêm túc, lễ tiết tác phong đã đi vào khuôn phép, nhà trường đã cho cả tiểu đoàn học sinh chúng tôi hành quân đêm về thị xã Phú Thọ dự lễ ngày Quốc tế lao động. Đội hình hành quân theo thứ tự đại đội 1, đại đội 2 rồi đến Ban Chỉ huy tiểu đoàn. Thời kỳ đó quốc lộ 2 có nhiều đoạn rất xấu ghập ghềnh ổ gà, ổ voi, có những đoạn còn xẻ hào kháng chiến rất khó đi khi hành quân ban đêm, nên cuộc hành quân của chúng tôi phần lớn là đi thường bước, nhưng mỗi khi gặp được những đoạn đường tương đối bằng phẳng là chỉ huy đơn vị lại tranh thủ cho anh em đi đều bước để tập dượt thêm, thiết thực chuẩn bị cho việc diễu hành trong ngày lễ ở thị xã Phú Thọ sắp tới. Trong khi các đơn vị đi thường bước thì hay có “hò lơ” và anh em còn có thể tán dóc được, nhưng đến khi đi đều hay bước thường có kết hợp hát tập thể, hoặc hát luân phiên từng đơn vị để giữ sức. Các trung đội, đại đội thi nhau hát đều, hát to vang động cả hai bên núi rừng. Đến gần Chân Mộng (Đường Chè), trung đội tôi đang đều bước ca vang bài “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao thì ở phía trước cũng vang lại tiếng hát của đơn vị Đại đoàn 308 làm cho chúng tôi lưu lại được 2 câu để hát theo:

“…Đêm nay trong rừng sâu có bao người mơ thấy về Hà Nội,

Ngày mai bao tươi sáng trong súng gươm kéo về đây bao đoàn quân…”

Những lời hát trầm hùng của đơn vị bạn cứ vang vọng đến chúng tôi trong đêm hành quân ấy như những lời tự sự quyết tâm giải phóng quê hương, càng động viên thôi thúc chúng tôi hăng say luyện tập sau khi trở về doanh trại…

Ăn mặc Lính thủy

Chương trình nhiệm vụ học tập của anh em khoá 1 chúng tôi rất khẩn trương và rất nặng nề; vậy thì cuộc sống vật chất của anh em ra sao? Tôi thiết nghĩ cũng cần nêu lên một vài nét để cùng nhau suy ngẫm tự hào về nghị lực quyết tâm của một thời trai trẻ đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Cuộc sống của “lính học viên” chúng tôi đại thể như sau:

– Về mặc: Lúc lên đường thường mỗi người chỉ mang theo vài bộ quần áo cũ và đôi dép đang dùng; không mấy người có chăn màn, bản thân tôi chỉ có một nửa chiếc chăn chiên và một chiếc ba lô tự khâu lấy (cũng có anh chỉ “tòng teng” cái túi sách tay của trẻ em đi học). Đến đơn vị rồi anh em mới được cấp phát một bộ quân phục vải thô màu rêu xanh, chiếu cá nhân, chăn màn thì chưa đủ, nhiều anh em phải chung nhau, mà chăn thì hầu hết là chăn chiên, còn màn cá nhân thấp lè tè. Chỉ một mùa luyện tập ở thao trường hay một đợt vào rừng chặt nứa, chặt cây vác về làm lán trại là quần áo bạc phếch, sờn rách, chúng tôi chẳng có thời gian và kim chỉ để khâu vá, hơn nữa chân tay lại lóng ngóng vì khi ở nhà đã có Bầm, chị lo chứ có mấy khi anh em chúng tôi biết làm; nhưng đang ở hiện trường chỗ rách mà không xử lý kịp thời là toạc thêm ra, nên anh nào anh nấy cứ buộc túm lại là tiện gọn nhất. Kể ra thì chẳng mỹ quan gì, nhưng ai cũng vậy, chúng tôi cũng quen đi và vui vẻ gia nhập làng “Vệ túm”. Quần áo lúc mới được cấp phát, anh nào cũng hào hứng xúng xính, nhưng chỉ ít thời gian sau thì bạc phếch và sờn rách, túm buộc nhếch nhác, thì chúng tôi lại tân trang bằng cách tự nhuộm, thuốc nhuộm bằng lá cơi (cây cơi mọc vô thiên lủng ở ven rừng và dọc hai bên đường quốc lộ), chỉ cần mượn một cái nồi đem ra bờ suối kê lên mấy cục đá làm bếp, vặt lá cơi cho vào nồi cùng với nước suối rồi nhóm đun bằng củi rừng, chỉ một lúc sau chúng tôi đã có thuốc nhuộm quần áo thành mầu nâu xồng, mầu đặc trưng của làng vệ túm thuỷ quân sông Lô chúng tôi lúc bấy giờ, đồng thời cũng là một mầu sắc trang nhã, phù hợp với yêu cầu phòng không lại đỡ bắt bẩn nên nhanh chóng lan truyền trong nhân dân địa phương, vì vậy mà anh em lính chúng tôi lúc bấy giờ về trang phục chỉ phân biệt khác với dân quân du kích và thanh niên địa phương ở chỗ còn đượcc ấp phát một huy hiệu đeo trên mũ nền bằng vải đỏ, thêu sao bằng chỉ vàng. Hồi ấy chưa có phù hiệu, cấp bậc của bộ đội chỉ biểu trưng ở sao trên mũ (ở huy hiệu): binh nhì thì nền trơn, hạ sỹ quan thì có nền chỉ trắng, và sỹ quan thì viền chỉ vàng. Trang phục của chúng tôi chỉ đơn giản như vậy, nhưng mọi người đều có ý thức giữ cho sạch đẹp, quần áo giặt khô là xếp phẳng phiu xếp vào ba lô, có anh còn trải dưới chiếu nằm để “là” cho phẳng, ngày chủ nhật đi chợ Ngà cho tươm tất. Sử dụng quần áo cũng phải tiết kiệm, những khi không cần thiết có thể mặc quần đùi và áo “da” như khi sách nước hoặc lúc lao động v.v…nhiều anh chỉ sau một năm “chắt chiu” cũng dành ra được một bộ tương đối lành lặn để làm “lễ phục”.

– Về ăn: thì tới đơn vị mỗi anh em chúng tôi được phát một chiếc ca sắt tây có quai sơn mầu xám gio, to gần bằng bát sứ Hải Dương, nông (không sâu), vừa dùng để uống nước vừa dùng để ăn cơm. Chỉ có vậy thôi, còn đũa thì… ai nấy phải tự lo. Còn dụng cụ của anh nuôi thì chuyên dùng chảo lớn và một số ga men để chia thức ăn cho mỗi mâm, một chiếc to để đựng cơm và một chiếc nhỏ đựng canh. Đại đội tôi có một anh quản lý – anh Tôn béo có một chiếc răng vàng hay đeo xà cột, còn anh nuôi chưa có trong biên chế vì còn thiếu quân, học viên phải luân phiên làm cấp dưỡng. Còn việc tiếp phẩm do tiểu đoàn bộ đảm nhận, cấp thẳng đến quản lý các bếp. Cơm hồi ấy nấu toàn bằng gạo mạt lĩnh ở kho huyện. Khi vo chỉ dấn nước đảo gạo rồi lùa cho mọt và phân mọt trôi đi thôi, nếu cứ gạn kỹ thì gạo cũng trôi đi hết. Hôm tôi mới làm cấp dưỡng lần đầu, cứ ngồi loay hoay gạn mọt, anh Tôn béo trông thấy vội bảo: “Này ông tướng ơi! Cấm được gạn đấy! Chỉ đuổi mọt đi thôi, chứ chú mà gạn như vậy thì thà cứ đổ ngay gạo đi còn hơn”. Rồi đến tôi đang cời than ở bếp ra vì sợ cơm bị khê, thì anh lại ôn tồn trấn an và dạy tôi: “Gạo này chú cứ yên chí: thứ nhất là nấu không bao giờ khê, thứ hai là ninh không bao giờ nát…” và khi cơm chín, tôi lấy ga men ra định lấy để chia cho các mâm thì đã thấy anh mang ra một cái nia khá to và bảo tôi phải tãi cơm ra, để một lúc cho hả đỡ mùi mốc và mùi bao tải rồi hãy xới vào ga men. Có lần nhận phải gạo mục, nấu cơm nát chảy nước, khi xới ra cũng phải tãi ra quạt cho se nước mới đem chia. Cực nhất là khi có anh em ốm, thật là nan giải vì gạo này nấu cháo sao được, lại phải đi 3-4 cây số đổi gạo về nấu cho anh em ăn. Còn thức ăn thì cũng không phải xào xáo khó khăn gì vì hầu như chỉ có một “đặc sản độc nhất” là canh rau. Rau nấu với muối rồi nhận một muôi mỡ hoặc tóp mỡ của anh Tôn béo mang từ kho ra cho vào, mỡ thì nổi thành sao, nếu là tóp mỡ thì nổi lèo tèo trông cũng vui mắt đôi chút, nhưng nhiều lần về cuối tháng mà anh Tôn béo thông báo đã hết tiêu chuẩn là chỉ nấu canh xuông thôi. Về rau thì lo tiếp phẩm của tiểu đoàn bộ quyết định, mua được gì thì cấp xuống (lúc thì măng hay bầu, bí, khi thì mướp hoặc sắn, cà chua…). Lượng rau có hạn nên canh nấu ra chỉ lõng bõng toàn nước. Cơm và canh thì như vậy nhưng bữa nào cũng hết bay, không đủ cho anh em ăn. Thế nhưng vào những ngày lễ hoặc vài ba tuần lễ một lần cũng được một bữa tươi, anh em no nê thoải mái. Trong thời kỳ khó khăn thiếu thốn này, có một sự kiện khá đặc biệt đã xẩy ra ở đơn vị tôi là khi ăn phải có trưởng mâm. Mới nghe ai cũng tưởng truyện đùa nhưng lại có thật; nguyên do là đại đội tôi ăn chung một bếp, anh em nào đến cứ vào ngồi cho đủ mâm là ăn, nhưng vì cơm và thức ăn ít, nên mới có truyện kẻ ăn nhanh thì no, người ăn chậm thì đói (có anh mới chỉ xới được một bát, nhưng mải tán dóc, khi quay lại thì đã hết cơm canh). Thế là trong anh em nảy sinh hiện tượng chọn bạn vào mâm, nhất là số lính học sinh chúng tôi cứ cụm nhau lại thành mâm riêng, làm cho một số cậu ngồi vào mâm cứ chờ mãi vẫn không đủ người ăn. Bực quá, anh Tôn béo quát nạt anh em không xong, phải lên báo cáo với đại đội trưởng. Thế là “thiên lôi” nổi giận. Tiếp sau tiếng còi gấp gáp ở sân trước nhà ăn là một hiệu lệnh: “… Toàn đại đội, mang ba lô tập hợp!”. Thôi thì anh nào anh nấy buông đũa, bỏ ca, chạy về lán khoác ba lô, lao ra sân đứng vào đội ngũ. Sau khi lên lớp về thiếu thốn và khó khăn chung, sự cố gắng của nhân dân và quân đội, về tính nghĩa đồng đội, về phong cách và tác phong của lính…, “Xê trưởng” quyết định: “Kể từ nay, vào mâm ăn phải cử ra trưởng mâm. Trưởng mâm có nhiệm vụ gõ bát làm hiệu lệnh xới cơm từng bát một (lần 1, lần 2, lần 3 nếu có). Mỗi lần xới xong anh em phải chờ có lệnh của trưởng mâm mới được ăn, ai ăn xong trước thì đợi đấy khi nào trưởng mâm có hiệu lệnh khác mới được xới tiếp. Kể cả canh cũng phải chia từng muôi. Các đồng chí rõ chưa?”. Mọi người rút chân lại đứng nghiêm, hô: “Rõ!” và tưởng là đã được trở lại nhà ăn ngay, thì “xê trưởng” lại huấn thị tiếp: “Trước mỗi bữa ăn, các trung đội phải tập họp chấn chỉnh thái độ ăn uống xong rồi hát một bài, trung đội nào hát đều và to mới được vào mâm. Rõ chưa!”. Một lần nữa anh em chúng tôi lại đứng nghiêm, lần này hô rất to : “Rõ!”, nhưng trong bụng anh em nào đều rõ rằng: thế là từ nay trước mỗi bữa ăn, lại được đại đội trưởng cho mình ăn thêm món “xào” trước khi vào mâm. May cho trung đội tôi có anh Ngô Thế Lãng làm quản ca và anh em chúng tôi cũng biết thân, biết phận, trước bữa ăn nào cũng bảo nhau “gào” cho thật to để được vào ăn ngay. Khi trở lại nhà ăn, tôi thấy anh Tôn béo tay đang cầm vỉ ruồi, nét mặt tươi tỉnh hẳn lên nói với giọng hiền hậu của người anh: “Mình chỉ sợ “ông Đa” lại thưởng cho các chú một chầu đứng nghiêm thì ruồi nó chén hết cả cơm lẫn canh đấy. Thôi các chú vào mâm mà ăn nốt đi”. Cũng từ hôm ấy, việc ăn uống của anh em chúng tôi đi vào nề nếp và mọi người cũng được tương đối tạm ổn về cái “dạ”… Về chuyện cấp dưỡng cũng phải kể thêm là: khi đi hành quân thì mỗi tiểu đội phải mang theo ga men chia ăn của mình và các anh em nào đến phiên nấu ăn thì phải khênh cả chảo cùng với thùng chứa nước. Rồi một lần gặp các cô dân quân hát trêu:

“Cả đoàn em chẳng yêu ai,

Yêu anh bộ đội gánh hai cái thùng”

Thế mà cũng có anh “nhát gan” không dám gánh thùng hành quân ban ngày đấy. Còn củi đun do anh em trong đơn vị lấy về thì cậu nào đến phiên làm bếp mà vớ được củi cành hay củi nứa là hạnh phúc nhất, nếu chẳng may mà vớ phải củi lau đốt cháy nhuộm nhoạm thì thật là khốn khổ, nhóm bếp khói toét cả mắt mà cũng không cháy cho, chỉ có ngồi mà khóc thôi.

Ca nhạc kịch Lính thuỷ

Anh em Lính thuỷ chúng tôi trong những năm 49-50 đã hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang trong công tác, học tập và đời sống rất gian khó như vậy, thì không thể không nói đến lòng nhiệt tình yêu nước của tuổi trẻ với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng của Bác Hồ. Song trong tự thuật này tôi chỉ xin đề cập đến một số nét về sự hoạt động văn nghệ – món ăn tinh thần rất quan trọng – đã thiết thực góp phần hỗ trợ cho việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Hầu hết anh em Lính thuỷ chúng tôi xuất thân từ học sinh các trường trung học phổ thông, tiềm ẩn nhiều khả năng về thơ, ca, nhạc, hoạ v.v… Một thành công trong công tác chính trị của đơn vị là đã khai thác, phát huy được khả năng văn nghệ tiềm tàng này của anh em để phục vụ cho mọi hoạt động và sinh hoạt của đơn vị. Các hình thức hoạt động rất linh hoạt và phong phú: ca hát, văn thơ, nhạc hoạ, hò vè trong sinh hoạt, học tập, hành quân và lao động, hay trong liên hoan, lửa trại, tạo nên không khí sống động, lành mạnh, tươi vui trong đơn vị; ở đâu cũng bắt gặp những chàng lính trẻ ăn đói, mặc rách, sinh hoạt khẩn trương và lao động vất vả mà vẫn hăng say vui vẻ yêu đời. Đạt được kết quả này một phần là do đơn vị đã khai thác và phát huy được một số anh em nòng cốt như:

– Anh Ngô Thế Lãng, vừa là nhạc công ghi ta có khả năng biểu diễn sô lô và tham gia hoà tấu, đệm đàn cho anh em và đơn vị hát, vừa là nhạc sĩ, anh đã từng sáng tác một số bài hát kháng chiến, tuổi trẻ…, có những bài phục vụ có tính chất thời sự kịp thời cho hoạt động sinh hoạt của trường như bài “Lao công” để động viên anh em trong những ngày phải tranh thủ đào hầm hào phòng không rất khẩn trương sau những giờ học tập: “Lao công, cuốc mai rèn nung tinh thần chiến sỹ…”, hay bài “Choà đi thôi” để anh em hát vui trước khi ăn v.v… rất sát và rất phù hợp với sinh hoạt của đơn vị, chỉ một lúc là anh em học thuộc để hát được ngay; hay bài “Đứng gác đêm khuya”, rất lính “cậu”, gác mà cũng mơ trời đất như: “muôn cây rung, lá rung hoà gió giữa núi đồi, tầm mắt đăm đăm nhìn trong đêm tối u ú u u…”. Rất tiếc rằng anh không còn nữa, anh đã từ trần do lâm bệnh nặng vào đầu năm 1990. Tôi rất nhớ anh, vì anh và tôi trước đây ở cùng một tiểu đội khi mới nhập ngũ, cùng nằm chung một màn xô và cùng đắp chung nửa chiếc chăn chiên mà tôi đã mang ở nhà đi. Anh dậy tôi đánh ghi ta và dậy nhạc. Là một học sinh nhưng anh đã phấn đấu tìm vào Đảng sớm hơn tôi…

– Hoàng Luận: Nói đến ca nhạc không thể quên được cây violong của anh Hoàng Luận (thường gọi là Luận tổ). Anh kéo rất hay và quý cây đàn này lắm. Nhiều lúc lao động hay học tập về bở hơi tai chúng tôi lại yêu cầu anh Luận tổ kéo “nhị Tây” cho nghe là hết mệt. Anh hay chơi bày Tây và bài “Hoàng Vân” do anh sáng tác, có lẽ anh yêu cô nào tên là Hoàng Vân thì phải. Những buổi tối rỗi anh hay vác violong ra cùng 2, 3 anh ghi ta hoà tấu và thường hay chơi bài của Pháp (như “Xuân và tuổi trẻ”, “Giấc mộng vàng” v.v…) rất hay. Để giữ những ngón tay của anh cho nghệ thuật, thường anh em chúng tôi tự nguyện làm lao động thay anh…

– Sau món ca, nhạc kịch cương (vừa biên vừa diễn), món này thì trong số bọn tôi không ai bì kịp với anh Nguyệt đen, anh ở đội du kích duyên hải Đông Bắc về (từ địch hậu ra). Ngoài kịch cương, anh còn biểu diễn tấu, kể tiếu lâm, bắt chước tiếng kêu của các loại gia cầm, sao mà giống thế!… Những đêm lửa trại mỗi khi anh xuất hiện là anh em trong đơn vị cũng như đồng bào địa phương cứ cười bò ra. Cũng rất hay là cứ lần nào chúng tôi tổ chức lửa trại liên hoan xong cũng được đông bào địa phương ủng hộ, có lần cho bò để mổ thịt.

– Những anh có tài lẻ như thơ, ca có nhiều, nhạc công có 4, 5 anh, sáng tác nhạc có vài ba anh, diễn viên kịch khá đông tôi không thể nêu hết ở đây, xong phải nói đến anh Nghiêm Xuân Hùng, đại đội trưởng của đại đội 1 là người đã chỉ đạo và dìu dắt phong trào văn nghệ này. Cứ học tập xong là chúng tôi lại kéo nhau lên hội trường để tập văn nghệ. Hình thức tổ chức tương đối quy mô, có bài bản: có dàn đồng ca, tốp ca, đơn ca; có ban nhạc biểu diễn hoà tấu, độc tấu và tham gia đệm cho hát; có ban kịch riêng của từng đại đội, cũng có người phụ trách phông màn, hoá trang, ánh sáng v.v… Hội trường khá đẹp và khang trang có ghế ngồi bằng những cây mai to, thẳng, ghép lại cứ 2, 3 cây một, cắt hai đầu vuông vắn, xếp thành hai dẫy, ở giữa có một lối đi khá rộng, 2 bên có cánh gà đan bằng phên nứa, hội trường và sân khấu tương đối quy mô và khang trang đẹp đẽ, không những phục vụ tốt cho việc lên lớp học tập mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoạt động văn nghệ của đơn vị phát triển…

Thấm thoắt đã 44 năm trong quân ngũ, hôm nay tôi ngồi nhớ lại những ngày sơ khai của cuộc đời lính hăng say, hồn nhiên, tươi trẻ, một lòng một dạ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; nhớ lại tình bạn, tình đồng chí cao đẹp biết bao; tiếc thương những đồng đội đã đồng cam cộng khổ từ ngày đầu tham gia xây dựng ngành Thuỷ quân, đến nay không còn nữa. Biết bao kỷ niệm tươi đẹp hào hùng xen lẫn thương cảm của khoá Thuỷ quân sông Lô ngày ấy cứ vang vọng mãi trong trái tim tôi.

Viết xong ngày 27/01/1994

Lê Quang Loát, Chiến sĩ Thuỷ quân năm 1949 – 1950

Bài viết được trích từ cuốn Hồi ký “Thủy quân Sông Lô” do Đỗ Thái Bình biên tập và chia sẻ cùng Dự án Nghiên cứu Quốc tế.