Thế giới hôm nay: 24/03/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một quan chức NATO ước tính quân đội Nga đã mất từ 7.000 đến 15.000 lính kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu. Trước đó, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Mariupol giờ đây “không còn gì.” Lầu Năm Góc nói quân Nga đã tiến vào thành phố trong khi các tàu chiến Nga liên tục nã pháo vào. Ông Zelensky nói khoảng 100.000 người còn ở trong thành phố, với điều kiện sống vô cùng tồi tệ.

Madeleine Albright, nữ ngoại trưởng Mỹ đầu tiên, đã qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 84. Là một người nhập cư từ Tiệp Khắc, bà phục vụ dưới thời tổng thống Bill Clinton từ năm 1997 đến năm 2001. Một ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine, bà dự đoán trên New York Times rằng bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy “sẽ tạo dựng cho [Vladimir] Putin một di sản ô nhục là khiến đất nước của ông bị cô lập ngoại giao, tê liệt kinh tế và tổn thương chiến lược trước một liên minh phương Tây đoàn kết hơn, mạnh mẽ hơn.”

Tổng thống Joe Biden đã lên đường tới châu Âu, nơi ông dự kiến công bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga tại các hội nghị thượng đỉnh NATO, G7 và EU diễn ra trong tuần này. The Wall Street Journal đưa tin hơn 300 thành viên của quốc hội Nga, Duma Quốc gia, sẽ bị trừng phạt, bên cạnh các nhân vật tinh hoa khác của đất nước. Ông Biden cũng sẽ đến thăm Ba Lan, nước cho đến nay đã tiếp nhận hầu hết hơn 3,5 triệu người tị nạn Ukraine. Hiện có khoảng 9.000 lính Mỹ đóng quân tại nước này.

Chính quyền Biden tuyên bố Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine, dựa trên những gì đã xảy ra ở Mariupol. Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ nỗ lực truy tố những kẻ phạm tội. Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden công bố các hình thức hỗ trợ của Trung Quốc cho Nga mà nếu nước này tiến hành sẽ khiến Mỹ phản ứng. Ông Jake Sullivan cảnh báo Trung Quốc không nên giúp Nga né cấm vận xuất khẩu.

Một thông báo của ông Putin rằng các quốc gia “không thân thiện” sẽ phải mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp đã khiến giá bán buôn khí đốt ở châu Âu và Anh tăng 20% ​​vào thứ Tư. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đang làm tê liệt nền kinh tế Nga, song cuộc xung đột cũng cho thấy sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu Nga: 40% khí đốt của lục địa này đến từ Nga.

Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một trong hai “hộp đen” của chiếc máy bay Boeing 737 bị nạn ở miền nam Trung Quốc, trong tình trạng bị hư hỏng nghiêm trọng. Phát hiện có thể giúp các nhà điều tra xác định nguyên nhân vụ tai nạn • Taliban đảo ngược cam kết trước đây là nữ sinh Afghanistan sẽ được học trung học từ thứ Tư tuần này. Bộ Giáo dục nói trường học nữ sinh sẽ không mở cửa cho đến khi có một mô hình phù hợp với luật Hồi giáo.

Lạm phát ở Anh chạm ngưỡng 6,2%, cao nhất kể từ tháng 3 năm 1992. Nguyên nhân là do giá thực phẩm, năng lượng và nhiên liệu tăng. • Tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande của Trung Quốc đã hoãn công bố kết quả kinh doanh năm, ngay sau khi công ty tiết lộ họ bị các ngân hàng Trung Quốc đòi trên 2 tỷ đô la tiền mặt – một dấu hiệu xấu trong mắt các chủ nợ nước ngoài.

Con số trong ngày: 50%, là tỉ lệ tăng giá thuốc kali iođua trên Amazon kể từ đầu cuộc chiến Ukraine. Loại thuốc này có thể giúp hỗ trợ sức khỏe nếu có thảm họa hạt nhân.

TIÊU ĐIỂM

Joe Biden thăm châu Âu

Khi tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Brussels để dự ba hội nghị thượng đỉnh vào thứ Năm tuần này — với các nhà lãnh đạo NATO, EU và G7 — các đồng minh muốn gửi đi một thông điệp về sự đoàn kết và quyết tâm. Chắc chắn sẽ có tuyên bố gửi thêm vũ khí đến Ukraine, thêm trừng phạt đối với Nga và gửi quân tiếp viện đến sườn phía đông NATO — cũng như nhiều cảnh báo hơn để ngăn Trung Quốc hỗ trợ cuộc chiến.

Các quan chức phương Tây cho rằng Nga đang yếu đi và NATO mạnh hơn (ít nhất là về mặt ủng hộ của công chúng). Song họ cũng phải cẩn thận. Trừng phạt đang gây khó khăn kinh tế ở mọi nơi chứ không chỉ ở Nga. Và việc cấp thêm vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ kéo NATO gần hơn vào cuộc xung đột, qua đó làm tăng nguy cơ leo thang hạt nhân. Đâu là ranh giới giữa giúp đỡ Ukraine và tham chiến? Không ai thực sự biết câu trả lời.

Trích phỏng vấn ngoại trưởng Ukraine của The Economist

Liên minh châu Âu đã làm chính họ và cả thế giới ngạc nhiên khi đồng lòng đặt ra các biện pháp trừng phạt và an ninh trước quyết định xâm lược Ukraine của Vladimir Putin. Nhưng khi cuộc chiến tiếp diễn, Dmytro Kuleba cho rằng quyết tâm của EU đã bắt đầu suy yếu. Ông nói với The Economist: “Những gì tôi thấy trong mười ngày qua là Liên minh Châu Âu đang lùi bước.”

Ngoại trưởng Ukraine cho biết khả năng giành ưu thế của Ukraine dựa vào sức chịu đựng của chính mình. “Chúng tôi luôn biết là sẽ không có nước nào sánh vai cùng chúng tôi, rằng đó sẽ là thập giá chúng tôi tự vác,” ông nói.

Nhưng ông Kuleba khẳng định phương Tây có thể giúp nhiều. Ông muốn có biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, bao gồm việc cấm tàu Nga vào các cảng ở châu Âu. Và ông cho rằng phương Tây có thể gửi các vũ khí mạnh hơn. Nước ông đang đối mặt hiểm họa sống còn. Ông nói: “Kế hoạch của Putin vẫn như cũ. Ông ta thực sự không công nhận quyền sinh tồn của Ukraine.”

Tranh cãi về kế hoạch dời phủ tổng thống Hàn Quốc

Chưa đầy hai tuần sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc, Yoon Suk-yeol một lần nữa làm chia rẽ công luận. Trước khi nhậm chức vào ngày 10 tháng 5, ông Yoon dự định chuyển văn phòng tổng thống ra khỏi Nhà Xanh, một khu phức hợp mà theo ông là “biểu tượng của chế độ phong kiến,” và đến khu nhà Bộ Quốc phòng cách đó vài km về phía nam. Ông tuyên bố muốn đưa quyền lực đến gần hơn với người dân.

Trong vòng vài giờ sau khi tổng thống đắc cử công bố kế hoạch của mình vào Chủ nhật, một bản kiến nghị phản đối động thái này đã ngay lập tức đạt 200.000 chữ ký cần thiết để buộc giới chức phản hồi. Những người phản đối e ngại chi phí và rủi ro an ninh của việc vội vàng dời văn phòng của người đầu chính phủ và lực lượng vũ trang, đặc biệt vào thời điểm Triều Tiên liên tục phóng tên lửa. Ngoài ra những người sống quanh khu nhà Bộ Quốc phòng cũng ngại vấn đề giao thông và biểu tình. Cho dù có được toại nguyện hay không, ông Yoon có thể sẽ chỉ thấy mình xa rời người dân hơn dự định ban đầu.

Căng thẳng giữa Toshiba với nhà đầu tư

Vào thứ Năm, hội đồng quản trị Toshiba sẽ yêu cầu các cổ đông chấp thuận tách mảng sản xuất chip và ổ cứng ra khỏi công ty. Họ chỉ cần quá bán. Nhưng một nhóm các nhà đầu tư lại muốn giữ nguyên Toshiba để có thể bán cổ phần về sau này.

Toshiba gần như phá sản vào năm 2017 sau một thương vụ đầu tư thất bại và một vụ bê bối kế toán vốn buộc hãng phải phát hành cổ phiếu mới. Vụ bê bối này khiến quyền kiểm soát công ty rơi nhiều hơn vào tay các nhà đầu tư chủ động nước ngoài. Effissimo Capital Management, một quỹ có trụ sở tại Singapore, trở thành cổ đông lớn nhất. Khi Effissimo thiết kế lại định hướng của công ty, ban giám đốc đã phản đối. Căng thẳng dẫn đến một vụ bê bối thứ hai, trong đó ban lãnh đạo thông đồng với chính phủ Nhật Bản để chống lại áp lực từ cổ đông. Song giờ đây các nhà đầu tư nước ngoài đã nắm hơn 50% cổ phần – đủ để phá vỡ kế hoạch của Toshiba.

Di sản văn hóa Ukraine bị tàn phá trong chiến tranh

Ngoài bi kịch đối với con người, cuộc chiến của Nga cũng đe dọa di sản văn hóa của Ukraine. Đất nước này có nhiều viện bảo tàng, kho tàng và các công trình đẹp, từ các nhà thờ Byzantine bằng gạch đến các bến xe buýt thời Xô Viết mang hơi hướm chủ nghĩa vị lai. Chúng phần nào đã bị phá hủy.

Trong đó có 25 tác phẩm nghệ thuật của Maria Prymachenko, một nghệ sĩ dân gian nổi tiếng chuyên vẽ những con thú lai vui tươi. Chúng bị phá hủy khi pháo kích đốt cháy một bảo tàng nhỏ gần ngôi làng của bà. Trong khi đó, gần như mọi công trình ở Kharkiv bị hư hại, bao gồm cả một số tòa nhà theo trường phái Tân Nghệ thuật (Art Nouveau) ở trung tâm thành phố. “Kharkiv của chúng tôi là một Warsaw mới, một Dresden mới, một Rotterdam mới” (những nơi đã từng bị phá hủy di sản nghệ thuật – NBT), sử gia kiến trúc hàng đầu của thành phố cho biết.

Tiếp theo có lẽ là Kyiv. Các công trình văn hóa ở thủ đô bao gồm Nhà thờ Thánh Sophia với tháp chuông màu xanh trắng, nằm ngay đối diện tu viện Thánh Michael Vòm Vàng. Thiệt hại là không thể đong đếm được.