220 năm quốc hiệu Việt Nam và đôi điều thảo luận

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Trần Đức Anh Sơn

Tóm tắt: Năm 1804, vua Gia Long, người sáng lập ra vương triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam đã chọn hai chữ 越南 (Việt Nam) làm quốc hiệu. Tuy nhiên, trong thư tịch cổ Hán – Nôm của Việt Nam có nhiều tư liệu, văn bia, di vật ghi nhận hai chữ Việt Nam đã xuất hiện từ thế kỷ XIV và được sử dụng để chỉ lãnh thổ, cương vực của đất nước ta. Bài viết này dùng các nguồn sử liệu của triều Nguyễn (Việt Nam) và của nhà Thanh (Trung Hoa) để lý giải việc hai chữ 越南được chọn làm quốc hiệu vào năm 1804, đồng thời, dẫn ra những nguồn tư liệu Hán Nôm khác trong thư tịch cổ Việt Nam để giải thích vì sao hai chữ 越南đã xuất hiện từ trước năm 1804, và chúng được sử dụng với mục đích gì? Bài viết này cũng đặt ra giả thuyết việc chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) sử dụng hai chữ 越南trong các thi phẩm do ông sáng tác hàm ý điều gì?

Đặt vấn đề

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn (1771 – 1802), năm 1802, Nguyễn Ánh, hậu duệ của các chúa Nguyễn từng cai trị đất Đàng Trong trong 217 năm (1558 – 1775), lên ngôi vua, lập nên triều Nguyễn. Nhà vua chọn Phú Xuân [Huế] làm kinh đô, lấy niên hiệu là Gia Long (嘉隆).

Tháng Một năm Nhâm Tuất (tháng 12.1802), vua Gia Long sai Lê Quang Định dẫn đầu một sứ bộ sang Trung Hoa cầu phong cho vua Gia Long và xin đổi quốc hiệu nước ta thành Nam Việt (南越).

Trước đó, vào tháng Năm năm Tân dậu (tháng 6.1801), sau khi thu phục Phú Xuân và tiến quân ra Bắc truy đuổi tàn quân Tây Sơn của Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Ánh đã gửi thư sang Trung Hoa để tìm cách giao thiệp với Thanh triều và xin nhà Thanh công nhận ông là quốc vương của một triều đại mới, thay thế cho triều Tây Sơn vừa cáo chung. Trong thư gửi Thanh triều, ông tự xưng là Nam Việt quốc vương (南越國王).

Nhà Thanh đã công nhận triều Nguyễn, chấp thuận niên hiệu của vị vua khai lập triều Nguyễn là Gia Long. Tuy nhiên, vua Gia Khánh nhà Thanh không công nhận quốc hiệu nước ta là Nam Việt (南越) như yêu cầu của vua Gia Long viết trong quốc thư gửi cho nhà Thanh, mà đổi quốc hiệu nước ta thành Việt Nam (越南).

Tháng Giêng năm Gia Long thứ 3 (tháng 2.1804), vua Gia Khánh sai sứ thần là Tề Bố Sâm mang cáo sắc và quốc ấn sang Thăng Long tuyên phong cho vua Gia Long là Việt Nam quốc vương (越南國王). Tháng Hai năm Giáp tí (tháng 3.1804), vua Gia Long làm lễ cáo yết tại Thái Miếu ở kinh đô Huế, tuyên đặt quốc hiệu là Việt Nam (越南).

Như vậy, đến tháng 3.2024, quốc hiệu Việt Nam của nước ta tròn 220 năm tuổi. Tuy nhiên, danh xưng Việt Nam (越南) đã xuất hiện trong nhiều thư tịch cổ của nước ta từ nhiều thế kỷ, trước khi chính thức trở thành quốc hiệu nước ta vào năm 1804.

Bài viết này thảo luận vấn đề: Việt Nam trở thành quốc hiệu nước ta từ năm 1804, vậy danh xưng Việt Nam xuất hiện trong những thư tịch cổ ở nước ta từ nhiều thế kỷ trước hàm ý gì?

Việt Nam chính thức trở thành quốc hiệu nước ta vào năm 1804

Thiết lập liên lạc với nhà Thanh

Ngay sau khi chiếm được Phú Xuân vào tháng Năm năm Tân dậu (tháng 6.1801), Nguyễn Ánh đã tìm cách liên lạc với nhà Thanh. Tháng Bảy cùng năm (tháng 8.1801), Nguyễn Ánh sai Triệu Đại Nhậm, một thương nhân người Hoa bị cướp biển bắt trong vùng biển nước ta, được quân Nguyễn giải thoát, mang thư của Nguyễn vương sang Quảng Đông gặp Giác La Cát Khánh, bấy giờ là Tổng đốc Lưỡng Quảng, thông báo với ông ta là quân Nguyễn đã chiếm được Phú Xuân từ tay nhà Tây Sơn, và đề nghị thiết lập quan hệ.

Đại Nam thực lục chép: “[Nguyễn Ánh] sai Triệu Đại Sĩ[1] đến Quảng Đông. Đại Sĩ là người Thanh sang buôn bán bị hải phỉ Tề Nguy bắt giữ. Quân ta tấn công hải phỉ nhân đó bắt được. Vua [Nguyễn Ánh] thấy kinh đô cũ đã khôi phục được rồi, bàn luận muốn đem tình hình gửi thư báo cho Tổng đốc Lưỡng Quảng. Đại Sĩ xin nhận vì thế mới sai đi”.[2]

Tháng Tám năm Tân Dậu (tháng 9.1801), Tổng đốc Lưỡng Quảng Giác La Cát Khánh đã tâu lên vua Gia Khánh rằng quân An Nam (tức quân Tây Sơn) và quân Nông Nại (tức quân Nguyễn Ánh) giao binh, và quân An Nam đã để mất kinh đô Phú Xuân vào tay quân Nông Nại.

Do chưa rõ nội tình nước ta lúc đó đang diễn biến như thế nào, nên nhà Thanh chỉ hạ lệnh cho các địa phương giáp giới nước ta phòng bị cẩn mật,[3] chưa thiết lập liên lạc với Nông Nại, do bấy giờ Thanh triều vẫn giữ quan hệ với triều đình Tây Sơn, và Nguyễn Quang Toản vẫn là An Nam quốc vương (安南國王) do nhà Thanh tuyên phong từ trước.

Chính thức cầu phong và xin đổi quốc hiệu

Tháng Năm năm Nhâm tuất (tháng 6.1802), Nguyễn Ánh lên ngôi ở Phú Xuân, lấy niên hiệu là Gia Long (嘉隆). Tháng Bảy cùng năm (tháng 8.1802), vua Gia Long sai Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Hoàng Ngọc Uẩn mang biểu trần tình và sắc ấn của nhà Thanh phong cho Tây Sơn mà nhà Nguyễn đã tịch thu được, cùng ba đầu lãnh cướp biển người Hoa là Mạc Quan Phù, Lương Văn Canh và Phàn Văn Tài sang giao nộp cho Thanh triều.

Đại Nam thực lục chép: “… Vua [Gia Long] cùng quần thần bàn về việc gửi sứ thần sang thông hiếu với nhà Thanh. Dụ rằng: Nước ta tuy cũ nhưng đã chịu mệnh đổi mới, đại nghĩa phục thù người Thanh chưa tỏ tường. Trước đây quân thủy của ta bị bão, người Thanh ban cho hậu hĩ trả về, ta chưa báo đáp. Nay ta lấy được sách ấn của ngụy Tây do nhà Thanh phong cho, lại bắt được hải phỉ là giặc cướp người Thanh bỏ trốn, vậy nên cho người đưa trả trước mà cũng luôn thể cho họ biết việc đánh ra bắc, đợi khi Bắc Hà định được rồi khi ấy sẽ tính chuyện bang giao thì việc sẽ ổn thỏa hơn. Các khanh hãy chọn người có thể đi sứ được. Quần thần chọn lấy Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Hoàng Ngọc Uẩn. Vua bằng lòng, lấy Trịnh Hoài Đức làm Thượng thư bộ Hộ, sung chức chánh sứ sang Thanh, Ngô Nhân Tĩnh làm Hữu tham tri bộ Binh, Hoàng Ngọc Uẩn làm Hữu tham tri bộ Hình làm phó sứ, mang quốc thư, phẩm vật cùng sách ấn người Thanh ban cho ngụy Tây, cùng với bọn hải phỉ Tề Nguy là Mạc Quan Phù, Lương Văn Canh, Phàn Văn Tài đi hai chiếc thuyền Bạch Yến, Huyền Hạc vượt biển theo cửa Hổ Môn, tỉnh Quảng Đông đệ lên. Tổng đốc Giác La Cát Khánh đem việc chuyển đạt”.[4]

Như vậy, sứ bộ do Trịnh Hoài Đức dẫn đầu sang Trung Hoa vào tháng 8.1802 có nhiệm vụ tìm hiểu và thăm dò về việc thiết lập quan hệ giữa triều Nguyễn với nhà Thanh, chuẩn bị cho việc cầu phong và xin đổi quốc hiệu sẽ được tiến hành ngay sau đó.

Tiếp đến, tháng Một năm Nhâm tuất (tháng 12.1802), vua Gia Long sai Lê Quang Định làm chánh sứ, dẫn đầu sứ bộ mang theo tờ biểu cầu phong đi đường bộ qua ải Nam Quan sang Trung Hoa để xin hoàng đế nhà Thanh phong vương cho vua và xin đổi quốc hiệu nước ta.

Đại Nam thực lục chép: “… Lấy Binh bộ tham tri Lê Quang Định làm Binh bộ thượng thư, làm chánh sứ sang nhà Thanh, Lại bộ kiêm sự Lê Chính Lộ, Đông Các học sĩ Nguyễn Gia Cát làm giáp ất phó sứ. Trước đây khi vua đã lấy được Bắc thành rồi đã gửi thư cho Tổng đốc Lưỡng Quảng, đốc thần đã đem việc đó chuyển đạt lên, vua Thanh ra lệnh viết thư trả lời nói rằng nước ta đã lấy được toàn cõi An Nam vậy hãy soạn biểu xin phong. Lần trước sứ bộ Trịnh Hoài Đức được lệnh di chuyển sang Quảng Tây đợi khi sứ bộ thỉnh phong đến nơi thì cùng đi lên Yên Kinh đợi lệnh. Bọn Chính Lộ cũng đã nghe tin ấy. Vua ra lệnh cho bọn Quang Định mang quốc thư và phẩm vật (2 cân kỳ nam, 2 đôi ngà voi, 4 đôi sừng tê, 100 cân trầm hương, 200 cân tốc hương, trừu, sa, quyên, bố mỗi thứ 200 tấm) sang thỉnh phong, lại xin đổi quốc hiệu làm Nam Việt (南越). Ra lệnh cho Bắc thành tu sửa kiến tạo hành cung, sứ quán”.[5]

Trong tờ biểu cầu phong do Lê Quang Định trình lên vua nhà Thanh, khi thấy vua Nguyễn dùng niên hiệu Gia Long (嘉隆), vua Gia Khánh đặt câu hỏi: phải chăng niên hiệu của quốc trưởng ở phương Nam tỏ ý bao trùm niên hiệu của hai hoàng đế nhà Thanh là Càn Long (乾隆) và Gia Khánh (嘉慶)?

Sứ thần nước ta đã vội vàng cải chính rằng: đó chỉ là gộp hai tên Gia Định (嘉定) và Thăng Long (昇隆), để thể hiện đất nước đã được thống nhất, trải từ Gia Định đến Thăng Long. Mặc dù cái tên Thăng Long, là kinh đô của Đại Việt từ thế kỷ X đến lúc đó, là 昇龍, được viết với chữ Long (龍) nghĩa là “rồng”, không phải Long (隆), nghĩa là “hưng thịnh”, như chữ Long (隆) trong niên hiệu Càn Long.

Sự kiện trên cùng với việc vua Gia Long tự xưng là Nam Việt quốc vương (trong trần tình biểu gửi Thanh triều), đã khiến triều đình nhà Thanh có những quan ngại:

Tờ dụ của vua Gia Khánh, ngày 20 tháng Chạp năm Gia Khánh thứ 7 (1802), gửi Tuần phủ Quảng Tây Tôn Ngọc Đình, có đoạn chép: “… Hôm trước theo lời tâu của Tôn Ngọc Đình tiến biểu thỉnh phong của Nguyễn Phúc Ánh, trẫm đã giáng dụ chỉ ra lệnh cho tuần phủ gửi lên tính toán xem cống sứ ngày nào có thể lên đến kinh đô để tâu lên trước. Nay trẫm đã xem kỹ biểu văn của Nguyễn Phúc Ánh gửi lên có xin hai chữ Nam Việt (南越) để tích phong, việc ấy thì không thể được. Cái tên Nam Việt bao trùm rất rộng, khảo sử trước đây thì hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây cũng nằm trong đó. Nguyễn Phúc Ánh chỉ là một tiểu di ở ngoài biên kiếu, lúc này có toàn cõi An Nam, chẳng qua cũng chỉ là đất Giao Chỉ cũ, sao lại dám gọi là Nam Việt biết đâu chẳng phải Nguyễn Phúc Ánh muốn khoa trương. Ngoại di muốn xin đổi quốc hiệu, trước là dò ý, hay là quốc trưởng kia có những kẻ ở bên cạnh dẫn dắt ý xấu cũng không biết được. Như vậy cần nên bác đi, nên trẫm đã ra lệnh cho Quân Cơ Xứ soạn một đạo hịch dụ và đem hai tờ nguyên biểu giao lại cho tuần phủ Tôn Ngọc Đình nhận rồi cứ chiếu theo hịch dụ đó chép lại để dụ xem Nguyễn Phúc Ánh trả lời thế nào? Nếu như Nguyễn Phúc Ánh nhận rằng mình sai, cung kính tạ lỗi, hoặc sau có biểu văn thì viên tuần phủ một mặt tâu lên, một mặt cùng với cống sứ đem biểu thỉnh phong lên kinh, trẫm sẽ gia ân phong cho làm An Nam quốc vương (安南國王), cùng thêm quà thưởng đem về như thế Nguyễn Phúc Ánh cũng toại được lòng mong muốn. Nếu như sau đó có biểu bẩm lên thì tuần phủ cứ thực mà trình bày còn sứ thần lúc trước gửi sang và nguyên biểu cống thì giữ lại Việt Tây,[6] đợi trẫm giáng chỉ biện lý. Còn việc Nguyễn Phúc Ánh cầu phong tên nước Nam Việt hiển nhiên có ý khoe võ công đem lòng đòi hỏi, e rằng trong lòng có chỗ không thể lường được, ý muốn lấy cả hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Vậy hãy mật sức cho các quan địa phương văn võ một dải biên quan, hải đạo lưu tâm phòng bị, không được mảy may bê trễ, đó là quan trọng hơn cả”.[7]

Trong tờ dụ các quân cơ đại thần ngày 6 tháng Tư năm Gia Khánh thứ 8 (26.5.1803), vua Gia Khánh dụ rằng: “Việc [vua Gia Long] xin đặt tên nước là Nam Việt (南越), thì nước này trước đây có đất cũ Việt Thường, sau lại được toàn lãnh thổ An Nam; vậy thiên triều phong quốc hiệu cho dùng hai chữ Việt Nam (越南); lấy chữ Việt (越) để đằng trước tượng trưng cương vực thời xưa; dùng chữ Nam (南) để đằng sau, biểu tượng đất mới được phong; lại còn có nghĩa là phía nam của Bách Việt; không lẫn lộn với tên nước cũ Nam Việt. Một khi tên nước đã chính, nghĩa của chữ cũng tốt lành; vĩnh viễn thừa hưởng ân trạch của thiên triều”.[8]

Việc vua Gia Khánh của nhà Thanh chấp thuận phong vương cho vua Gia Long và đồng ý cho nước ta đổi quốc hiệu, được Đại Nam thực lục chép như sau: “Năm Giáp tí, Gia Long thứ 3 (1804), tháng Giêng mùa xuân. Vua trú tất ở hành cung thành Thăng Long. Sứ thần nhà Thanh là Án sát Quảng Tây Tề Bố Sâm đến Nam Quan… Thanh đế lúc đầu thấy cái tên Nam Việt (南越) so với Đông Tây Việt[9] hình chữ tương tự nên không muốn chấp thuận. Vua [Gia Long] nhiều lần gửi thư phân tích, lại nói rằng nếu không chấp thuận sẽ không thụ phong. Thanh đế sợ phật ý nước ta, nên đặt tên là Việt Nam (越南), viết thư nói rằng: Trước đây vốn đã có đất Việt Thường (越裳) nên tự xưng là Nam Việt (南越). Nay lại có toàn cõi An Nam (安南), tên cần phải theo thực nên cần phải đem cả cương thổ trước sau gộp lại, lúc mở đầu ban cho cái tên đó để tỏ sự tốt lành. Vì thế nên định là chữ Việt (越) để lên trước, biểu thị nước ta kế thừa đất xưa mà hưởng tiếng tốt cũ, còn chữ Nam (南) để xuống sau, biểu tượng việc nước ta mở rộng xuống cõi nam mà được tích mệnh mới. Tên như thế chính đại, chữ lại tốt lành, so với tên cũ đất Lưỡng Việt của nội địa có chỗ phân biệt. Đến đây, vua Thanh sai [Tề] Bố Sâm mang cáo sắc và quốc ấn sang tuyên phong, lại ban cho thải đoạn, khí mãnh các loại phẩm vật”.[10]

Vậy là, quốc hiệu Việt Nam (越南) ra đời trong một bối cảnh lịch sử rất đặc biệt. Đến tháng Hai năm Giáp tí (tháng 3.1804), Việt Nam chính thức trở thành quốc hiệu của nước ta.

Về sự kiện này, Đại Nam thực lục chép: “Tháng Hai [năm Giáp tí (1804)], ngày Mậu thìn, [vua Gia Long] xa giá đến kinh sư. Ngày Quý dậu, vua yết ở Thái Miếu… đặt quốc hiệu là Việt Nam (Việt Nam) Ngày Đinh sửu đem việc cáo Thái Miếu. Lễ xong vua ngự ở điện nhận lễ chầu mừng. Xuống chiếu bố cáo ở trong ngoài”.[11]

Tờ chiếu tuyên đặt quốc hiệu Việt Nam do vua Gia Long ban hành, có đoạn viết: “Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống. Xét từ các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất viêm bang, gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước. Hơn 200 năm nối hòa thêm sáng, vững được nền thần thánh dõi truyền, giữ được vận trong ngoài yên lặng, chợt đến giữa chừng, vận nước khó khăn, ta lấy mình nhỏ, lo dẹp giặc loạn, nên nay nhờ được phúc lớn, nối được nghiệp xưa, bờ cõi Giao Nam đều vào bản tịch. Sau nghĩ tới mưu văn công võ, ở ngôi chính, chịu mệnh mới nên định lấy ngày 17 tháng Hai năm nay (1804) kính cáo Thái Miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa”.[12]

Như vậy, đến năm 2024 này, quốc hiệu Việt Nam đã tròn 220 năm.

Danh xưng Việt Nam trong thư tịch cổ và vấn đề cần thảo luận

Danh xưng Việt Nam trong thư tịch cổ

Như vậy, Việt Nam (越南) chính thức trở thành quốc hiệu của nước ta từ năm 1804 và được duy trì cho đến ngày nay (trong đó có 107 năm quốc hiệu được đổi thành Đại Nam, từ năm 1838 đến năm 1945).

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu Lịch sử và Hán Nôm đã công bố nhiều thư tịch cổ cho thấy hai chữ 越南đã xuất hiện trong tư liệu, bi ký, minh văn trên cổ vật… ở nước ta sớm hơn rất nhiều so với thời điểm 1804. Từ đó, cũng có ý kiến cho rằng hai chữ 越南là danh xưng, hoặc được dùng để chỉ cương vực nước ta, trước khi chính thức trở thành quốc hiệu vào đầu thời Nguyễn. Chẳng hạn:

– Trong biên khảo Lược truyện các tác gia Việt Nam của nhà thư tịch học Trần Văn Giáp (1898 – 1973) có liệt kê tác phẩm Việt Nam thế chí (越南世志) do Hồ Tông Thốc, tiến sĩ triều Trần Nghệ Tông (1320 – 1373), biên soạn.[13] Hồ Tông Thốc cũng là người soạn Văn bia chùa Từ Ân vào năm 1382, thì có thể đoán định tác phẩm Việt Nam thế chí cũng ra đời vào thập niên 80 của thế kỷ XIV.[14] Theo Trần Văn Giáp, đây là thư tịch sớm nhất ở nước ta xuất hiện hai chữ Việt Nam (越南).

– Năm 1470, trên đường đem quân đi chinh phạt Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) cùng quan binh, đã dừng thuyền trong vụng biển dưới chân núi Hải Vân (nay là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng). Nhà vua đã làm bài thơ Hải Vân hải môn lữ thứ (海雲海門旅次), trong đó có hai chữ 越南.

Nguyên văn bài thơ:

海雲海門旅次

混一書車共幅絹

海雲横界越南天

三更夜靜銅龍月

五鼓風清路鶴船

夷落奉琛期款塞

閫臣愛國巧籌邊

此身那得生還幸

敢望班超到酒泉

Phiên âm:

Hải Vân hải môn lữ thứ

Hỗn nhất thư xa cộng bức quyên

Hải Vân hoành giới Việt Nam thiên

Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt

Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền

Di lạc phụng thâm kỳ khoản tái

Khổn thần ái quốc xảo trù biên

Thử thân na đắc sinh hoàn hạnh

Cảm vọng Ban Siêu đảo Tửu Tuyền

Nguyễn Minh Tường dịch nghĩa:

Nghĩ lại ở cửa biển Hải Vân

Gộp một mối thư xa về một bức dư đồ

Hải Vân vạch ngang ranh giới vùng trời Việt Nam

Canh ba đêm vắng, mảnh trăng Đồng Long vằng vặc

Trống canh năm gió mát, con thuyền Lộ Hạc dập dềnh

Người Di vâng mệnh hẹn kỳ hạn nộp đất biên tái

Vị khổn thần yêu nước khéo trù liệu việc biên cương

Tấm thân này đâu phải lấy việc sống sót là may

[Nếu vậy] đâu dám tới Tửu Tuyền nhìn mặt Ban Siêu nữa.[15]

– Bia Trùng tu Bảo Lâm tự bi ký (乘修寶林寺碑: Văn bia trùng tu chùa Bảo Lâm), dựng ở chùa Bảo Lâm (nay thuộc xã Trâu Bộ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Văn bia do vị Đông Các hiệu thư, họ Ngô (không rõ tên), làm quan dưới triều Mạc Phúc Nguyên (1546 – 1564), biên soạn vào năm Quảng Bảo thứ 5 (1559). Mở đầu bài văn bia là câu: 越南大名藍不知其幾. 必待聖慈福善時修葺者… (Việt Nam đại danh lam bất tri kỳ kỷ. Tất đãi thánh từ phúc thiện thời tu tập giả…: Đại danh lam nước Việt Nam không biết bao nhiêu mà kể. Việc tu sửa hẳn phải đợi lúc có bậc thánh hiền, phúc thiện).[16]

– Trong bài thơ Quy lão ký Lại bộ Thương thư Tô Khê Bá (歸老寄吏部尚書蘇溪伯: Nhân tuổi già về nghỉ, gửi quan Thượng thư bộ Lại Tô Khê Bá) của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, viết vào khoảng cuối năm 1577, có câu: 壽星共仰光芒在. 前後相將照越南 (Thọ tinh cộng ngưỡng quang mang tại. Tiền hậu tương tương chiếu Việt Nam: Cùng ngắm trông sao Thọ chiếu sáng. Trước hay sau cũng đều chiếu rọi khắp Việt Nam).[17]

– Bia Cam Lộ tự bi (甘露寺碑: Bia chùa Cam Lộ), dựng năm Hưng Trị thứ 3 (1590) tại chùa Cam Lộ (nay thuộc xã Đào Xá, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội). Văn bia do Dương Chuân, Giám sinh Quốc tử giám Thăng Long, biên soạn năm Hưng Trị thứ 2 (1589), triều Mạc Mậu Hợp (1564 – 1592), trong đó có hai chữ 越南 ở trong câu: 甘露寺, 名藍近水, 樓臺, 先得月, 瓊世界之三千, 向陽花草易為春, 直越南之第一 (Cảm Lộ tự, danh lam cận thủy, lâu đài, tiên đắc nguyệt, quỳnh thế giới chi tam thiên, hướng dương hoa thảo dị vi xuân. Chân Việt Nam chi đệ nhất: Chùa Cam Lộ là một ngôi chùa nổi tiếng. Chùa gần với hồ nước, lâu đài, được hưởng ánh trăng trước, vẻ đẹp như ngọc quỳnh trong cõi ba nghìn thế giới. Chùa hướng về phía mặt trời nên hoa cỏ trong chùa sớm tươi tốt tựa tiết xuân. Thật là cảnh đệ nhất của nước Việt Nam vậy).[18]

– Bia Trùng tu Đại Bi tự (重修大悲寺: Trùng tu chùa Đại Bi), dựng ở chùa Đại Bi (tức chùa Kim Liên ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Văn bia do Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt biên soạn vào năm Dương Hòa thứ 5 (1639) đời Lê Thần Tông (1607 – 1662). Đoạn đầu bài văn bia có câu: 真越南, 第一也 (Chân Việt Nam, đệ nhất dã: Thật là một danh thắng bậc nhất Việt Nam).[19]

– Bia Vân La tự bi (雲羅寺碑: Bia chùa Vân La), dựng ở chùa Vân La (nay thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Văn bia do Tiến sĩ Dương Cảo, biên soạn vào năm Thịnh Đức thứ 3 (1655), đời Lê Thần Tông (1607 – 1662). Cuối văn bia có bài minh, gồm 42 câu. Trong đó, câu thứ 3 có ghi hai chữ越南: 越南之貴, 京北承宣 (Việt Nam chỉ quý. Kinh Bắc thừa tuyên: Ấy quý Việt Nam. Thừa tuyên Kinh Bắc).[20]

– Bia Thể tồn bi ký (体存碑記: Bia gìn giữ bảo tồn truyền thống gia tộc), dựng ở đình Thủy Môn (nay thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn). Văn bia này thường được ghi là Thủy Môn đình bi ký (水門亭碑記: Văn bia đình Thủy Môn), không rõ tác giả biên soạn. Tuy nhiên, lạc khoản khắc trên bia ghi niên thứ là Cảnh Trị bát niên (năm Cảnh Trị thứ 8) cho biết bia được soạn vào năm 1670, dưới triều Lê Huyền Tông (1663 – 1671). Cuối văn bia có bài minh viết theo thể thơ tứ ngôn, gồm 30 câu. Trong câu đầu có hai chữ 越南: 越南喉舌. 鎮北隘關. 石壁寰宇… (Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan. Thạch bích hoàn vũ…: Yết hầu Việt Nam. Ai quan trấn Bắc. Vách đá lớp lớp…).[21]

– Đặc biệt, hai chữ 越南 đã xuất hiện trên những món đồ sứ ký kiểu, có niên đại vào thế kỷ XVIII. Đó là những món đồ sứ đề các bài thơ chữ Hán do chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) trước tác, vịnh các thắng cảnh ở vùng đất Thuận – Quảng. Sau đó ông ký kiểu đồ sứ ở Trung Hoa, cho thợ gốm viết các bài thơ này lên những món đồ sứ và vẽ tranh minh họa nội dung của những bài thơ này.

+ Bài thơ thứ nhất của chúa Nguyễn Phúc Chu có hai chữ 越南 là bài Hà Trung yên vũ (河中烟雨), viết trên chiếc tô sứ ký kiểu, vẽ cảnh đầm Hà Trung ở phía đông nam kinh đô Huế,[22]  niên đại vào thế kỷ XVIII.[23]

Nguyên văn bài thơ:

河中烟雨

海氣山風颯颯驚

漸看烟湿散天清

漁燈幾点知江岸

旅客洛宵听雨声

禅誦不聞幽磬韻

鄉思难尺故人情

越南亦有瀟湘景

欲倩丹青寫未成

道人書

Phiên âm:

Hải khí sơn phong táp táp kinh

Tiệm khan yên thấp tán thiên thanh

Ngư đăng kỷ điểm tri giang ngạn

Lữ khách lạc tiêu thính vũ thanh

Thiền tụng bất văn u khánh vận

Hương tư nan xích cổ nhân tình

Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh

Dục thiến đan thanh tả vị thành

Đạo nhân thư

Trần Đình Sơn dịch thơ:

Mưa bụi ở đầm Hà Trung   

Sóng trào gió rét nghĩ mà kinh

Mù tỏa dần tan mây trắng xanh

Bến cũ đèn chài thấp thoáng điểm

Mưa buồn lữ khách lắng thâu canh

Phật kinh không vẳng dư âm khánh

Quê cũ ai hay nỗi nhớ mình

Việt Nam cũng có Tiêu Tương cảnh

Muốn vẽ mà sao vẽ chẳng thành

Đạo nhân viết

+ Bài thơ thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Chu, có hai chữ 越南 là bài Ải Lĩnh xuân vân (隘嶺春雲), viết trên nhiều tô sứ ký kiểu, vẽ cảnh Ải Lĩnh[24] ở phía nam kinh đô Huế, niên đại vào thế kỷ XVIII.[25]

Nguyên văn bài thơ:

隘嶺春雲

越南衝要此山巔

絕嶺还如蜀道偏

但見雲橫三峻嶺

不知人在幾重天

冷沾鬚髮非同雪

濕濺衣裳豈是泉

惟願海風吹作雨

正宜千里潤桑田

道人書

Phiên âm:

Ải Lĩnh xuân vân

Việt Nam xung yếu thử sơn điên

Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên

Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh

Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên

Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết

Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền

Duy nguyện hải phong xuy tác vũ

Chính nghi thiên lý nhuận tang điền

Đạo nhân thư

Nguyễn Phước Hải Trung dịch thơ:

Mây xuân trên Ải Lĩnh

Xung yếu về Nam có núi này

Khác chi đất Thục điệp non xây

Bóng giăng, chỉ thấy ba tầng lớn

Người ở, nào hay mấy đỉnh mây

Mi tóc lạnh, dù không tuyết rụng

Áo xiêm ngâm, dẫu chẳng nguồn vây

Chỉ mong gió bể đem mưa tới

Muôn dặm dâu xanh bát ngát bày

                 – Đạo nhân viết

Ðại Nam nhất thống chí, bản in đời Duy Tân (1907 – 1916), có khắc in bốn câu đầu của bài thơ này, nhưng trong các câu phá thừa có khác mấy chữ so với bài thơ viết trên tô sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn Phúc Chu.[26] Ðại Nam nhất thống chí cũng xác nhận tác giả bốn câu thơ này là Hiển Tông hoàng đế, tức là chúa Nguyễn Phúc Chu.

Thảo luận thêm về hai chữ Việt Nam xuất hiện trước năm 1804

Theo Nguyễn Minh Tường, tác giả bài viết Trở lại vấn đề quốc hiệu Việt Nam có từ bao giờ? Đăng trên tạp chí Xưa & Nay (số 559, tháng 1.2024, 21-27), thì hai chữ Việt Nam (越南) có trong các thư tịch đã dẫn trên đây, như: Việt Nam thế chí (越南世志) do Hồ Tông Thốc biên soạn vào cuối thế kỷ XIV, Hải Vân hải môn lữ thứ (海雲海門旅次) do vua Lê Thánh Tông sáng tác năm 1470, Trùng tu Bảo Lâm tự bi ký (乘修寶林寺碑) do viên Đông Các hiệu thư họ Ngô biên soạn năm 1559, Quy lão ký Lại bộ Thương thư Tô Khê Bá (歸老寄吏部尚書蘇溪伯) do Nguyễn Bỉnh Khiêm viết năm 1577, Cam Lộ tự bi (甘露寺碑) do Dương Chuân biên soạn năm 1589, Trùng tu Đại Bi tự (重修大悲寺) do Ngô Nhân Triệt soạn vào năm 1639, Vân La tự bi (雲羅寺碑) do Dương Cảo soạn vào năm 1655, Thể tồn bi ký (体存碑記) [vô danh] biên soạn vào năm 167)… , chỉ là danh xưng, không phải là quốc hiệu của nước ta. Nguyễn Minh Tường khẳng định: “Đến ngày 17 tháng 2 năm Giáp Tý (tức tháng 3.1804), Việt Nam mới chính thức được vương triều Nguyễn đặt làm quốc hiệu của nước ta… Các danh xưng Việt Nam, trước năm 1804, chỉ là tên gọi không chính thức của nước ta trong sử sách, văn thơ… mà thôi”.[27]

Ngoài các thư tịch cổ có hai chữ 越南 đã được dẫn ra trên đây, có một tài liệu gián tiếp được dẫn bởi tác giả Đỗ Bang trong một bài viết in trên tạp chí Thế Giới Mới vào năm 1994, đề cập một bản tuyên cáo về việc đổi quốc hiệu của nước ta từ An Nam (安南) sang Việt Nam (越南) trong tác phẩm Dụ Am văn tập của Phan Huy Ích. Theo tác giả Đỗ Bang, trong Dụ Am văn tập, Phan Huy Ích có chép [Việt dịch]: “vâng mệnh vua soạn thảo bản tuyên cáo về quốc hiệu mới”. Vì Phan Huy Ích là văn thần thân tín của vua Quang Trung, nên tác giả cho rằng “việc đổi quốc hiệu nước ta thành Việt Nam có từ triều Tây Sơn”.[28]

Tuy nhiên, Dụ Am văn tập là trước tác của Phan Huy Ích, trải dài từ lúc ông này làm quan cho triều đình Tây Sơn, đến khi ông quy hàng vua Gia Long và được vua lưu dụng, cho làm văn thần chuyên soạn các biểu văn bang giao với nhà Thanh, nên theo tôi, câu Phan Huy Ích viết: “vâng mệnh vua soạn thảo bản tuyên cáo về quốc hiệu mới”, thì vua ở đây là vua Gia Long, không phải là vua Quang Trung, như tác giả Đỗ Bang suy diễn trong bài viết nói trên.

Về hai chữ 越南 trong hai bài thơ Hà Trung yên vũ (河中烟雨) và Ải Lĩnh xuân vân (隘嶺春雲) của chúa Nguyễn Phúc Chu, từ trước đến nay, khi dịch hai chữ 越南này, phần lớn các nhà dịch thuật Hán – Nôm đều cho rằng hai chữ 越南này không chỉ quốc hiệu nước ta thời chúa Nguyễn (vì như đã đề cập ở phần đầu bài viết, thì đến năm 1804, vua Gia Long mới chọn hai chữ 越南 làm quốc hiệu nước ta).

Vì vậy, họ thường dịch hai chữ 越南 sang Việt ngữ là: “đi/vượt về phía Nam”, hay “vùng đất phương Nam của nước Việt”, ngoại trừ các dịch giả sách Đại Nam nhất thống chí (Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Thuận Hóa, 1992), thì cho rằng hai chữ 越南 trong bài thơ 隘嶺春雲 (Ải lĩnh xuân vân) là chỉ tên nước Việt Nam, khi dịch câu: 越南險隘此山巔 (Việt Nam hiểm ải thử sơn điên) là: Núi này ải hiểm đất Việt Nam.[29]

Theo tôi, việc xuất hiện hai chữ 越南 trong hai câu thơ: 越南亦有瀟湘景 (Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh) trong bài thơ Hà Trung yên vũ (河中烟雨) và 越南衝要此山巔 (Việt Nam xung yếu thử sơn điên) trong bài thơ Ải lĩnh xuân vân (隘嶺春雲) viết trên đồ sứ ký kiểu, có thể chúa Nguyễn Phúc Chu đã không dùng hai chữ 越南 với ý nghĩa là “đi/vượt về phía Nam” hay “vùng đất phương Nam của nước Việt”, như nhiều người từng nghĩ.

Nguyễn Phúc Chu là vị chúa đã chủ trương xóa tên nước Chiêm Thành để đổi làm trấn Thuận Thành (về sau đổi làm phủ Bình Thuận), chủ trương chia đất cũ của Chân Lạp thành hai dinh: Phiên Trấn và Trấn Biên, nhằm xóa bỏ tất cả những ảnh hưởng còn sót lại của hai vương quốc lân bang đã bị các triều đại Đại Việt thôn tính, thì việc đặt cho vùng đất do các chúa khai phá và cai quản ở Đàng Trong một quốc hiệu mới là越南 (Việt Nam), không phải là một khả năng không được tính đến?

Cũng cần nhắc lại rằng, năm 1701 chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai Hoàng Thần và Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm sang Trung Hoa để cầu nhà Thanh phong cho ông làm vua một quốc gia riêng biệt, tách hẳn khỏi Đàng Ngoài, để thấy cái ước vọng lập cho mình một quốc gia riêng, có quốc hiệu riêng, đã hiện hữu mạnh mẽ trong tâm trí của Nguyễn Phúc Chu như thế nào!

Vậy thì cũng nên đặt lại vấn đề: Quốc hiệu Việt Nam có từ khi nào? mà nhiều nhà sử học Việt Nam đã nêu ra và đã gây nên những cuộc tranh luận học thuật rất thú vị trên diễn đàn sử học nước nhà từ những năm 1990 của thế kỷ trước.

Nhân kỷ niệm 220 năm nước ta chính thức mang quốc hiệu Việt Nam (1804 – 2024, xin mạn phép thảo luận thêm về hai chữ 越南vậy?

TS Trần Đức Anh Sơn hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng, Việt Nam, e-mail: [email protected].

Bài viết được đăng lần đầu trên Tạp chí Khoa học Đại học Đông Á, số 2 (10), tháng 6/2024, tr. 78-93.

——————-

[1] Trong các sử liệu của nhà Thanh, tên của người này được viết là 趙大任 (Triệu Đại Nhậm), nhưng Đại Nam thực lục viết tên người này là 趙大仕 (Triệu Đại Sĩ) do kiêng tên của vua Tự Đức là 阮福洪任 (Nguyễn Phúc Hồng Nhậm).

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Đệ nhất kỷ, quyển XIV, tờ 36. Bản dịch của Nguyễn Duy Chính, trong: Từ An Nam sang Việt Nam, Bản thảo chưa xuất bản, (California: Hoa Kỳ, 2023), 5.

[3] Xem: Triệu Hùng (chủ biên). Gia Khánh triều thượng dụ đáng, Đệ lục sách, (Quảng Tây Sư phạm xuất bản xã, 2000), 329. Dẫn theo: Nguyễn Duy Chính, Tài liệu đã dẫn, 6.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, Đệ nhất kỷ, Quyển XVII, tờ 8. Bản dịch của Nguyễn Duy Chính, Tài liệu đã dẫn, 10.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Đệ nhất kỷ, Quyển XVIII, tờ 9. Bản dịch của Nguyễn Duy Chính, Tài liệu đã dẫn, 30.

[6] Tức tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

[7] Xem: Triệu Hùng (chủ biên), Gia Khánh triều thượng dụ đáng, đệ thất sách, Quảng Tây Sư phạm xuất bản xã, 2000, tr. 469. Dẫn theo: Nguyễn Duy Chính, Tài liệu đã dẫn, 28.

[8] Hồ Bạch Thảo, Những sử liệu liên quan đến việc đặt tên nước Việt Nam, www.talawas.de, 26.8.2005.

[9] Tức Lưỡng Quảng, gồm Quảng Đông và Quảng Tây.

[10] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Đệ nhất kỷ, Quyển XXIII, tờ 2-3. Bản dịch của Nguyễn Duy Chính, Tài liệu đã dẫn, 31.

[11] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, Đệ nhất kỷ, Quyển XXIII, tờ 12. Bản dịch của Nguyễn Duy Chính, Tài liệu đã dẫn, 44.

[12] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, Đệ nhất kỷ, Quyển XXIII, tờ 13. Tài liệu đã dẫn, 45.

[13] Việt Nam thế chí (越南世志) là cuốn sách sử biên soạn về các đời vua của nước ta, nhưng đã thất truyền, chỉ còn lưu lại bài Việt Nam thế chí tự (越南世志序), là bài tựa của cuốn sách này. Bài tựa này được Trần Văn Giáp phiên âm, biên dịch và giới thiệu trong biên khảo Lược truyện các tác gia Việt Nam. Xem: Trần Văn Giáp (Chủ biên), Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tập 1, (Hà Nội: Sử học, 1963), 216.

[14] Nguyễn Minh Tường, “Trở lại vấn đề quốc hiệu Việt Nam có từ bao giờ?”, Tạp chí Xưa & Nay, Số 559, Tháng 1.2024, 21.

[15] Nguyễn Minh Tường, “Bài đã dẫn”, 21.

[16] Đinh Khắc Thuân (Sưu tầm, khảo cứu dịch chú), Văn khắc Hán Nôm thời Mạc, (Hà Nội: Khoa học xã hội, 2017), 125. Dẫn theo: Nguyễn Minh Tường, “Bài đã dẫn”, 21.

[17] Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, (Hà Nội: Văn học, 2014), 698. Dẫn theo: Nguyễn Minh Tường, “Bài đã dẫn”, 21.

[18] Đinh Khắc Thuân, Sách đã dẫn, 466. Dẫn theo: Nguyễn Minh Tường, “Bài đã dẫn”, 22.

[19] Nguyễn Văn An, “Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt – Người soạn tấm bia ghi khắc tên Việt Nam ở chùa Kim Liên”, Tạp chí Xưa và Nay, số 517, tháng 3.2020, 39. Dẫn theo: Nguyễn Minh Tường, “Bài đã dẫn”, 22.

[20] Nguyễn Văn An, “Phát hiện tấm bia đá ghi tên nước Việt Nam tại Kinh Bắc”, Tạp chí Xưa và Nay, Số 512, Tháng 10.2019, 48, 60. Dẫn theo: Nguyễn Minh Tường, “Bài đã dẫn”, 22.

[21] UBND thị xã Lạng Sơn, Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao Lạng Sơn, Văn bia xứ Lạng, (Lạng Sơn, 1993), 225-232; Hồng Vân, “Bia Thủy Môn đình, dấu ấn chủ quyền nơi phên dậu Tổ quốc”, https://vnexpress.net/bia-thuy-mon-dinh-dau-an-chu-quyen-noi-phen-dau-to-quoc-3351996.html.

[22] Hà Trung là một đầm nước lớn thuộc huyện Phú Vang, đến năm Minh Mạng thứ 15 (1834) thì đổi nhập vào huyện Phú Lộc (thuộc phủ Thừa Thiên xưa). Ngày trước vua chúa nhà Nguyễn và các tao nhân mặc khách thường đi thuyền về Hà Trung ngắm cảnh non nước hữu tình, làm thơ đề vịnh và thưởng thức hải sản trong đầm. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), vua Thiệu Trị đã sáng tác bài thơ Hải nhi quan ngư (海兒觀魚) khắc vào bia đá dựng ở ven đầm và xếp đây là một trong 20 cảnh đẹp của đất thần kinh (Thần kinh nhị thập cảnh). Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Phạm Trọng Ðiềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, (Huế: Thuận Hóa, 1992), 151.

[23] Chiếc tô sứ ký kiểu có viết bài thơ Hà Trung yên vũ của chúa Nguyễn Phúc Chu, hiệu đề清玩 (Thanh ngoạn) viết theo lối chữ triện (zhuanshu), hiện thuộc sưu tập của ông Trần Đình Sơn ở TP. Hồ Chí Minh.

[24] Ải Lĩnh là dải núi ở nằm ở phía tây nam kinh đô Huế, nay là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Từ thế kỷ XVI trở về sau, đường thiên lý Bắc – Nam đều đi qua dải núi này. Chính quyền thời chúa Nguyễn cho xây một cửa ải trên núi, nên núi có tên là Ải Lĩnh. Dân gian thường gọi núi này là Ngải Lĩnh vì trên núi có mọc nhiều cây ngải, tương truyền đến mùa hoa nở, gió thổi bay xuống biển, cá ăn được sẽ hóa thành rồng. Năm 1826, vua Minh Mạng cho xây lại ải, gồm hai cửa. Cửa trước có tấm biển đá khắc ba chữ Hán: 海雲關 (Hải Vân quan). Từ đó, quen gọi là núi (hay đèo) Hải Vân. Cửa sau cũng có tấm biển đá, khắc dòng chữ Hán: 天下弟一雄關 (Thiên hạ đệ nhất hùng quan).

[25] Đến nay, tôi đã thống kê được 5 chiếc tô sứ ký kiểu có viết bài thơ Ải Lĩnh xuân vân của chúa Nguyễn Phúc Chu. Các tô sứ này đều có hiệu đề Thanh ngoạn viết theo lối chữ triện, ký kiểu vào thế kỷ XVIII, thuộc các sưu tập của: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (TP. Huế, Việt Nam), Nguyễn Hữu Hoàng (TP. Huế, Việt Nam), Trần Đình Sơn (TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam), Thomas Ulbrich (Berlin, Đức) và Jochen May (Neustadt, Đức).

[26] Nguyên văn bốn câu thơ trong Ðại Nam nhất thống chí như sau: 越南險隘此山巔. 形勢混如蜀道偏. 但見雲橫三峻嶺. 不知人在幾重天 (Việt Nam hiểm ải thử sơn điên. Hình thế hỗn như Thục đạo thiên. Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh. Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên). Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn, Ðại Nam nhất thống chí, Tập 1, Phạm Trọng Ðiềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, (Huế: Thuận Hóa, 1992), 132.

Trên hai chiếc tô sứ ký kiểu khác, một chiếc có hiệu đề 丙戌年製 (Bính tuất niên chế), ký kiểu vào năm 1826 đời Minh Mạng, thuộc sưu tập của Vương Hồng Sển trước đây; và một chiếc có hiệu đề 正德年製 (Chính Đức niên chế) thuộc sưu tập của Trần Đình Sơn ở TP. Hồ Chí Minh, cũng chép bốn câu đầu của bài thơ này, giống như bốn câu đầu trong bài thơ có trên những chiếc tô sứ ký kiểu dưới triều chúa Nguyễn Phúc Chu. Xem: Trần Đình Sơn – Hoàng Anh, Tản mạn Phú Xuân, (TP. HCM: Trẻ, 2001), 49.

[27] Nguyễn Minh Tường, “Bài đã dẫn”, 27.

[28] Đỗ Bang, “Quốc hiệu nước ta có từ bao giờ”, Tạp chí Thế Giới Mới, Số 92, Tháng 5.1994.

[29] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, (Huế: Thuận Hóa, 1992).