Tác giả: Nguyễn quang Dy
“Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng cách dùng chính kiểu tư duy mà chúng ta đã sử dụng khi tạo ra nó” – Albert Einstein
Việt Nam đã quyết định đổi mới tại Đại hội Đảng VI (1986). Đổi mới lần một đến nay đã 40 năm. Đến lúc phải đổi mới lần hai (renovation 2.0), tập trung tháo gỡ về thể chế, như “Báo cáo Việt Nam 2035” (MPI & World Bank, 2016) đã đề xuất. Bộ máy quan liêu cồng kềnh, chồng chéo, tốn kém (chiếm tới 70% ngân sách), với nhiều thủ tục hành chính rắc rối, là nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng và lãng phí. Các nhóm lợi ích đã thao túng thể chế để trục lợi, trói tay doanh nghiệp và làm khổ người dân, cản trở đổi mới và phát triển, làm kinh tế tụt hậu, sa vào “bẫy thu nhập trung bình”.
Đứng trước bước ngoặt mới và kỷ nguyên mới, với những cơ hội lớn và thách thức khó lường, phải đổi mới tư duy và cải tổ thể chế để tháo gỡ những điểm ách tắc đang cản trở quá trình đổi mới và sáng tạo. Muốn phát triển đột phá nhằm xây dựng nội lực mạnh để vươn mình trỗi dậy trước một thế giới bất an và bất định, phải tập trung phát triển công nghệ cao và chuyển đổi số. Vì vậy, đổi mới tư duy là chìa khóa để mở ra cánh cửa bước vào kỷ nguyên mới. Muốn phát triển đột phá, phải đoạn tuyệt với tư duy cũ, coi “ổn định là an toàn”, quen dựa dẫm vào chủ nghĩa “đặc thù” và “tiệm tiến”.
Bài học lịch sử
Trước nguy cơ sụp đổ của hệ thống XHCN và trước chủ trương “cải tổ và cởi mở” của ông Gorbachev, Việt Nam đã quyết định thực hiện chủ trương “Đổi mới” tại Đại Hội Đảng VI (12/1986). Đó là một bước ngoặt lớn khi Việt Nam mở cửa và chuyển đổi nền kinh tế “tập trung, bao cấp” thành nền kinh tế “đa thành phần”. Với khẩu hiệu “đổi mới hay là chết”, lãnh đạo Việt Nam đã dám “biến nguy thành cơ”, đổi mới kinh tế lần thứ nhất theo kinh tế thị trường.
Nhưng sau đó “sự kiện Thiên An Môn” (4/1989), và “sự kiện bức tường Berlin” (11/1989) là một cú sốc lớn đối với lãnh đạo Việt Nam. TBT Nguyễn Văn Linh đã quyết định khép cửa lại (4/1990) để cứu vãn CNXH. Hội nghị Thành Đô (9/1990) là một bước ngoặt khi Việt Nam đề xuất “giải pháp đỏ” cho Campuchia, và điều chỉnh lại mô hình cải tổ theo kinh tế thị trường thành mô hình “định hướng XHCN” theo Trung Quốc. Lúc đó, ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã chua chát nhận xét: “một thời kỳ Bắc thuộc mới bắt đầu”.
Trong suốt mấy thập kỷ, Quan hệ Việt-Trung “khăng khít như môi với răng”. Nhưng chiến tranh biên giới (2/1979) đã biến Trung Quốc thành “kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm nhất”. Sau gần một thập kỷ biến bạn thành thù, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc theo “Bốn tốt và 16 Chữ vàng”, trở thành đối tác chiến lược toàn diện, “cùng chung vận mệnh” và “chia sẻ tương lai”. Nói cách khác, đó là nghịch lý và là định mệnh do ràng buộc về địa lý, văn hóa và ý thức hệ.
Trong tam giác Việt-Trung-Mỹ, Trung Quốc luôn coi Mỹ là “ngoại đạo”, cũng như với Nga trước đây. Trung Quốc tìm mọi cách gạt ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi Việt Nam và khu vực, để họ có thể duy trì vị thế bá quyền của mình ở khu vực. Trung Quốc coi Biển Đông là sân sau của mình, để đối phó với chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ. Việt Nam phải chơi cờ thế (hedging) để duy trì “cân bằng chiến lược” ở khu vực, tăng cường quan hệ với Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc.
Ngay trước khi giành được độc lập (1945), Hồ Chí Minh đã bắt tay với Mỹ làm đồng minh để chống Nhật và Pháp. Ông đã lập ra mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng Minh), như một tầm nhìn chiến lược, và đã thiết lập được quan hệ hợp tác với OSS (tiền thân của CIA). Mỹ đã cử “nhóm Con Nai” vào Việt Bắc để huấn luyện lực lượng Việt Minh và cử ông Archinmedes Patti vào Hà Nội làm phái đoàn đại diện. Nhưng khi chiến tranh với Pháp nổ ra (12/1946), Mỹ đã điều chỉnh chiến lược để ủng hộ Pháp.
Sau Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneva (5/1954), Mỹ đã không ủng hộ một nước Việt Nam thống nhất qua tổng tuyển cử, mà lại ủng hộ Ngô Định Diệm để lập ra Việt Nam Cộng Hòa tại Miền Nam, chống lại Miền Bắc (theo thuyết Domino). Đó là một sai lầm chiến lược khi Mỹ quyết định can thiệp vào Việt Nam, dẫn tới cuộc chiến tranh Việt Nam (1965-1973). Tạp chí FEER kết luận: Đó là một cuộc chiến sai lầm, tại một địa điểm sai lầm, vào một thời điểm sai lầm, chống lại một kẻ thù sai lầm, vì những lý do sai lầm.
Nếu Mỹ không ủng hộ Pháp, mà công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa (1945), với Tuyên ngôn Độc lập mà ông Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, thì lịch sử có thể đã rẽ theo hướng khác. Nếu Mỹ nghe theo lời khuyên của những người có tầm nhìn xa như ông George Ball, đừng đưa quân can thiệp vào Việt Nam (1965), thì lịch sử có thể đã rẽ theo hướng khác. Khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” (9/2023), hai nước đã quyết định “trở về tương lai”.
Lịch sử quan hệ Việt-Trung và Việt-Mỹ đã trải qua nhiều thăng trầm, do tác động của quan hệ Mỹ-Trung, qua các giai đoạn khác nhau của bàn cờ nước lớn. Để đối phó với Liên Xô trong chiến tranh lạnh, Tổng thống Nixon đã nghe theo kế sách của ông Kissinger, bắt tay với Trung Quốc, ký Tuyên bố Chung Thượng Hải (1972). Mỹ đã thỏa hiệp với Trung Quốc, bỏ rơi Đài Loan, và sau đó là Việt Nam Cộng Hòa (1975). Vì vậy, các nước nhỏ muốn duy trì độc lập và chủ quyền, phải tranh thủ phát triển nhanh để có nội lực.
Đã bốn thập kỷ kể từ khi Việt Nam đổi mới lần thứ nhất (1986). Đó là một thời kỳ quá độ quá dài. Cải cách nhỏ lẻ vừa qua là “quá chậm và quá ít”. Vì vậy, đổi mới lần hai cần phải đột phá về thể chế và công nghệ cao. Đó là yêu cầu cấp bách để Việt Nam vươn mình trỗi dậy trong kỷ nguyên mới, trước khi quá muộn. Nếu không phát triển đột phá để xây dựng nội lực đủ mạnh, Việt Nam khó giữ được độc lập và chủ quyển, trước một thế giới bất an và bất định khó lường (như bài học Ukraine).
Thách thức mới
Tuy chưa đầy 100 ngày của “tuần trăng mật”, nhưng Chính quyền “Trump 2.0” đã làm nước Mỹ điên đảo bằng các sắc lệnh gây tranh cãi như giải thể một số cơ quan chính phủ, và trục xuất người nhập cư, cùng vụ bê bối gây ồn ào Signalgate. Trump còn làm cho thế giới náo loạn và thị trường chứng khoán chao đảo bằng các quyết định gây sốc về thuế quan đối ứng nhắm vào 180 nước. Dù muốn hay không, thế giới phải chung sống và thích ứng với các chính sách bất thường của “Trump 2.0” (còn bất thường hơn cả “Trump 1.0”).
Trong bối cảnh Trump vừa đưa ra các quyết sách về thuế quan gây sốc đối với đồng minh và đối thủ (chủ yếu nhắm vào Trung Quốc), Kurt Campbell và Rush Doshi (hai chuyên gia hàng đầu về Châu Á và Trung Quốc trong Hội đồng An ninh Quốc gia thời Biden) vừa xuất bản một cuốn sách mới, cho rằng: “đánh gía thấp Trung Quốc là nguy hiểm”. (Underestimating China: Why America Needs a New Strategy of Allied Scale to Offset Beijing’s Enduring Advantages, Kurt Campbell & Rush Doshi, Foreign Affairs, April 10, 2025).
Tuy Trump thích phủ nhận mọi chính sách thời Biden, nhưng chắc ông và các cố vấn chủ chốt không thể bỏ qua các nhận xét và phân tích trong cuốn sách mới của Campbell và Doshi, vì lợi ích cốt lõi của Mỹ tại khu vực Ấn Độ dương-Thái Bình dương hầu như không thay đổi. Trong chính quyền Trump 2.0 tuy không thiếu các nhân vật diều hâu chống Trung Quốc, nhưng lại thiếu các chuyên gia có cái đầu lạnh. Theo các tác giả, đánh giá của Mỹ về Trung Quốc thường “nhảy từ thái cực này sang thái cực khác”: trước đây bi quan lo Trung Quốc sắp vượt Mỹ, nay lại lạc quan cho rằng Trung Quốc không thể vượt Mỹ. “Cách đánh giá bi quan là sai lạc, còn cách đánh giá lạc quan coi nhẹ Trung Quốc là nguy hiểm”.
Để đối phó với Trung Quốc đang trỗi dậy cạnh tranh với Mỹ về công nghệ nhằm vượt Mỹ về kinh tế và quân sự, với quy mô lớn hơn và năng lực cao hơn, Mỹ cần tập hợp và phối hợp với các đồng minh và đối tác. Nhưng thừa nhận vai trò của đồng minh và đối tác chỉ là điểm bắt đầu, chứ không phải là điểm kết thúc. Để đạt được quy mô, Mỹ phải cải tổ cơ cấu đồng minh từ một tập hợp các mối quan hệ thành một nền tảng để nâng cao năng lực liên kết và cộng hưởng, cả về quân sự, kinh tế, và công nghệ, chứ không chỉ thuế quan.
Nhưng cách đề cập đó đòi hỏi phải định hướng lại một cách cơ bản, từ nghệ thuật điều hành hệ thống đồng minh trở thành một quốc sách tập trung nâng cao năng lực. Trung Quốc chờ thời cơ và chờ quy mô, nên Mỹ và đồng minh cũng phải tập hợp và gắn kết. Nói cách khác, họ phải tập hợp lại như một bó đũa để không bị bẻ gãy từng chiếc. Một số chuyên gia (như Jude Blanchette và Ryan Hass) cho rằng so với Trung Quốc, Mỹ vẫn có lợi thế sống còn về tính năng động kinh tế và ảnh hưởng toàn cầu, cũng như đổi mới công nghệ.
Phán đoán sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc thường sai vì thiếu thông tin, còn nhiều định kiến, các sự kiện không rõ ràng, và khó xác định các tiêu chí để đánh giá. Các chuyên gia chiến lược của Mỹ trước đây đã từng nhảy từ cực này sang cực khác khi đánh giá Nhật Bản và Liên Xô. Yếu điểm đó cũng là đặc điểm khi đánh giá Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, có hai thực tế đều đúng: đó là Trung Quốc đang suy thoái về kinh tế, và đang trở thành đối thủ đáng gờm về kinh tế. Nhấn mạnh chỗ yếu của Trung Quốc sẽ đánh giá thấp quy mô và năng lực theo tiêu chí tại một thời điểm tương ứng với bàn cờ các nước lớn.
Về năng lực sản xuất, Trung Quốc gấp 3 lần Mỹ. Về tỷ trọng sản xuất, Trung Quốc gấp 2 lần Mỹ tính đến 2025, và gấp 4 lần Mỹ tính đến 2030. Sản xuất điện gấp 2 lần Mỹ, sản xuất xe hơi gấp 3 lần Mỹ, sản xuất thép gấp 13 lần Mỹ, sản xuất xi măng gấp 20 lần Mỹ, khả năng đóng tàu gấp 200 lần Mỹ. Trung Quốc sản xuất 50% hóa chất, 50% tàu thuyền, 67% xe điện, 75% pin năng lượng, 80% máy bay không người lái, 90% pin điện mặt trời, 90% sản phẩm đất hiếm (FA, April 10).
Về công nghệ, Trung Quốc lắp đặt 50% robot công nghiệp (gấp 7 lần Mỹ), dẫn đầu về công nghệ hạt nhân thế hệ 4, công nghệ siêu âm và giao tiếp điện tử, động cơ phản lực. Mỗi năm Trung Quốc sản xuất 100 máy bay chiến đấu thế hệ 4. Hải quân Trung Quốc lớn nhất thế giới. Trung Quốc sẽ đóng thêm 65 tàu trong vòng 5 năm, quy mô lớn hơn Mỹ 50% vào năm 2030. Tổng số tàu của Trung Quốc là 435 so với 300 của Mỹ. Mỹ đánh giá thấp năng lực sáng tạo của Trung Quốc, hiểu sai Trung Quốc chỉ bắt chước và nhái lại sáng tạo của Mỹ. Nhưng dân số của Trung Quốc là một kho tài năng có quy mô cạnh tranh lớn.
Có ba thực tế làm nền tảng cho mọi chiến lược cạnh tranh lâu dài. Thứ nhất, quy mô là cốt yếu. Thứ hai, quy mô của Trung Quốc không giống những gì mà Mỹ đã từng biết. Thứ ba, Mỹ cần một cách tiếp cận mới về đồng minh để kiến tạo quy mô đủ lớn cho mình. Lần đầu tiên sau thế chiến II, các đồng minh của Mỹ không tăng cường sức mạnh, mà chỉ duy trì sức mạnh. Quy mô GDP của các nước Mỹ, EU, Australia, Canada, India, Japan, Korea, Mexico, New Zealand, là $60 ngàn tỷ, so với $18 ngàn tỷ của Trung Quốc. (FA, April 10).
Điều đó có nghĩa họ có thể dành 1,5 ngàn tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, gấp đôi của Trung Quốc. Họ sẽ thay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất với mọi quốc gia (nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất với 120 quốc gia). Nhưng nếu không phối hợp được sức mạnh của họ, thì lợi thế đó chỉ là lý thuyết. Vì vậy, khai thác tiềm năng to lớn này của phe đồng minh là nhiệm vụ trung tâm trong quốc sách của Mỹ trong thế kỷ này. Mỹ cần kiến tạo “sức mạnh của phe dân chủ”. Đó là một mạng lưới công nghệ quốc phòng chung dựa trên sản xuất chung, sáng tạo chung, và chuỗi cung ứng chung.
Trên toàn cầu, Mỹ có thể theo đuổi một học thuyết mới như “Guam Doctrine” thời Tổng thống Nixon, nhằm chia sẻ trách nhiệm với các đối tác. Điều đó sẽ tăng cường sức mạnh cho các nước khu vực, để họ có thể dẫn dắt việc đối phó với các thách thức trong khu vực của mình. Ví dụ, Australia chịu trách nhiệm về các đảo Thái Bình dương, Ấn Độ về Nam Á, Việt Nam về lục địa Đông Nam Á, Nigeria về Châu Phi. Trong khi đó, sự liên kết giữa các hệ sinh thái khoa học, để kết nối con người với nhau, và đảm bảo kết quả nghiên cứu chung sẽ giúp các nước đồng minh và đối tác của Mỹ có thể đối phó với quy mô của Trung Quốc.
Việc trỗi dậy và suy tàn của các nước lớn thường bắt đầu bằng chẩn đoán sai. Rủi ro lớn nhất không phải là suy thoái, mà là tự mãn. Nước Mỹ dưới thời Trump có xu hướng đánh giá quá cao sức mạnh đơn phương của mình và đánh giá quá thấp năng lực đối phó của Trung Quốc. Việc đánh giá quá lạc quan sức mạnh của Mỹ đang thúc đẩy chủ nghĩa đơn phương, muốn Mỹ một mình một chợ. Vì vậy, chiến lược hiệu quả nhất lúc này là phải nâng cao năng lực mới bền vững, mạnh mẽ, cho các nước đồng minh và đối tác, để răn đe ý đồ phiêu lưu của Trung Quốc trong tương lai, cũng như đã làm Trung Quốc bối rối vừa qua.
Các nước lớn thường đánh giá quá cao khả năng tác động đến các nước khác. Hiện nay, Mỹ và Châu Âu có nguy cơ bị chia rẽ, trong khi Mỹ định chia rẽ Trung Quốc với Nga. Năng lực của phe dân chủ đã được tăng cường bởi chính sách “chiến lang” của Trung Quốc. Nhưng Mỹ đang tiến hành những bước đi phản tác dụng, giúp Trung Quốc có cơ hội đóng vai trò đối tác tốt. Kết cục là Mỹ suy yếu, nghèo hơn, mất ảnh hưởng trong một thế giới Trung Quốc nắm luật chơi. Mỹ có nguy cơ tụt hậu như Anh vào cuối thế kỷ 19. Mỹ từng dùng quy mô để chống lại Đức và Nhật. Nay Trung Quốc sẽ dùng quy mô đối phó với Mỹ.
Theo Hal Brands (Johns Hopkins) Donald Trump là người phá nhiều hơn xây. Rủi ro lớn nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump không phải là ông sẽ bỏ rơi trật tự cũ, mà ông sẽ làm cho nước Mỹ trở thành đồng lõa giúp nó suy thoái nhanh. Triển vọng thế giới của Trump có thể rất đen tối, là nguyên nhân làm cho thế giới càng bất ổn. Đó cũng là minh chứng cho tính chất hai mặt trong chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà Trump đại diện. Các ý tưởng tốt của Trump luôn xung đột với các ý tưởng xấu, vì Chính quyền Trump luôn tự xung khắc. (The Renegade Order, Hal Brands, Foreign Affairs, February 25, 2025).
Theo James Palmer, việc Trump bỏ rơi đồng minh Châu Âu và bắt tay với Nga làm Bắc Kinh vừa mừng vừa lo. Mỹ có thể chuyển lực lượng từ Châu Âu sang Ấn Độ dương-Thái Bình dương. Điều chỉnh chiến lược đó đã được Eldridge Colby đề xướng (Colby đã được đề cử làm thứ trưởng Quốc phòng). Nhưng về cơ bản, đến nay Chính quyền Trump dường như vẫn chưa có một chiến lược về Trung Quốc. (As Trump Abandons Allies, How Will China Respond? James Palmer, Foreign Policy, February 25, 2025).
Về cơ bản, chính sách đối với Trung Quốc hiện nay thường do các nhóm hay cá nhân như Marco Rubio (ngoại trưởng) Elon Musk (lãnh đạo DOGE) và Kash Patel (giám đốc FBI), thỏa thuận hay bất đồng với nhau. Sớm hay muộn, giữa họ với nhau sẽ dẫn đến xung khắc. Nói cách khác, chủ trương chia rẽ Trung Quốc và Nga là một ảo tưởng của Mỹ. Từ lâu, Trung Quốc và Nga tuy là “đồng sàng dị mộng” nhưng đã trở thành đối tác. Trump đã nhiều lần tỏ ý muốn thỏa thuận với Trung Quốc, vì cho rằng “mà cả với Trung Quốc dễ hơn”.
Theo Derek Grossman (RAND), Mỹ có thể cải thiện quan hệ với Nga và Trung Quốc. Trump có thể gặp Putin để chấm dứt chiến tranh Ukraine và sắp đặt lại toàn bộ quan hệ của họ. Tương tự, Trump nói rằng ông muốn gặp Tập Cận Bình để nối lại đàm phán. Thế giới đang phải điều chỉnh theo những biến động về địa chính trị tiềm ẩn. Nhưng phản ứng tại khu vực Ấn Độ dương-Thái Bình dương hơi trái chiều. Trong khi các đồng minh và đối tác của Mỹ tỏ ra lo lắng, thì các nước khác lại lạc quan một cách thận trọng. (How US-Russia-China Ties Would Impact the Indo-Pacific, Derek Grossman, Foreign Policy, March 6, 2025).
Điều này đặc biệt đúng với các nước trong khu vực đang lo bị mắc kẹt ở giữa. Triển vọng chiến lược đu dây của họ có thể suy giảm. Nhật Bản và Hàn Quốc có thể lo ngại sâu sắc về chiến lược mới của Mỹ. Nhật Bản chủ yếu lo ngại rằng quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện có thể làm cho Bắc Kinh cứng rắn hơn và chiếm lấy các đảo đang tranh chấp như Điếu Ngư, hay tấn công Đài Loan. Quan hệ được cải thiện giữa Mỹ với Trung Quốc hay Nga nói chung sẽ được hoan nghênh tại vùng Thái Bình Dương, trừ Australia và New Zealand.
Tại Đông Nam Á, phản ứng đối với việc Mỹ có thể giảm căng thẳng với Trung Quốc và Nga hầu như là tích cực. Indonesia, Singapore, và Việt Nam đã duy trì chính sách đối ngoại không liên kết, tiếp tục phòng bị nước đôi (hedging) trước các nước lớn, để bảo vệ mình. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới đã mời Biden, Tập Cận Bình, và Putin đến thăm, trong khi Cămpuchia và Lào gắn chặt vào quỹ đạo Trung Quốc. Thailand, một đồng minh của Mỹ, cũng có thể ủng hộ việc cải thiện quan hệ Mỹ-Trung. Chỉ có Philippines là sẽ bất lợi nếu Mỹ điều chỉnh chiến lược đối với Trung Quốc và Nga.
Lãnh đạo mới
Ngày 2/4/2025, Tổng thống Trump đã công bố một loạt mức thuế quan đối ứng nhắm vào 180 nước, trong đó Việt Nam đối mặt với mức thuế 46%, có hiệu lực từ 9/4. Tuy sau đó Trump đã tuyên bố hoãn 90 ngày để đàm phán, nhưng nếu duy trì, mức thuế đó sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam. Điều đó không chỉ gây rắc rối cho Việt Nam mà còn cho thương mại toàn cầu và người Mỹ. (How Will Vietnam Deal With President Trump’s Shocking Tariffs? Le Hong Hiep, Fulcrum, 4 April 2025).
Thứ nhất, mức thuế 46% đã làm Hà Nội bối rối, nhất là khi phía Mỹ nói rằng nó phản ánh mức thuế 90% mà Việt Nam áp dụng với các sản phẩm của Mỹ. Thứ hai, Mỹ muốn hạn chế việc trung chuyển hàng hóa Trung Quốc đi qua Việt Nam để né hàng rào thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc (hiện ở mức 54%). Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Peter Navarro nói (6/4): “Việt Nam là ví dụ hoàn hảo cho gian lận phi thuế quan. Việt Nam là thuộc địa kinh tế của Trung Quốc. Họ dùng Việt Nam làm điểm trung chuyển để lách thuế”.
Tuy mức thuế cao gây sốc, nhưng Hà Nội sẽ dựa vào biện pháp ngoại giao và thương mại để xoa dịu lo ngại của Washington, nhằm tránh đối đầu. Điều đáng mừng là lãnh đạo Việt Nam đã thích nghi nhanh và ứng xử kịp thời trước các thách thức mới khó lường. TBT Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Trump (4/4) và mời Trump sang thăm Việt Nam. Hà Nội đã cử PTT Hồ Đức Phớc sang Mỹ đàm phán (10/4). Nhưng điều đáng lo là liệu các quan chức Việt Nam có nâng cao năng lực đàm phán kịp thời để đối phó với “Trump 2.0”?
Theo Alexander Vuving (APCSS), những biến đổi sâu sắc dưới thời TBT Tô Lâm không chỉ là cải tổ chính sách, mà còn để định hình lại đất nước và cân bằng quyền lực. Chương trình nghị sự của Tô Lâm tập trung chủ yếu vào hiện đại hóa, nhưng cũng gắn chặt với đấu tranh quyền lực trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIV (2026). Bằng cách gắn tương lai chính trị của cá nhân mình với sự thay đổi toàn diện của đất nước, Tô Lâm đang thực hiện một ván cược lớn: Nếu tầm nhìn này thành công, ông sẽ củng cố di sản của mình là nhà lãnh đạo mang lại nhiều thay đổi nhất cho Việt Nam trong nhiều thập kỷ. (Vietnam’s new leader is raising expectations to a new level, Alexander Vuving, Nikkei Asia, February 28, 2025).
Trong ba mươi năm qua, Việt Nam đã theo thuyết bốn nguy cơ (được xác định năm 1994) gồm “diễn biến hòa bình”, tụt hậu về phát triển kinh tế, chệch hướng khỏi CNXH, và tham nhũng. Nay Tô Lâm đang viết lại kịch bản. Ông xem tình trạng trì trệ kinh tế là mối nguy lớn nhất. Đại chiến lược của ông khác hẳn với những người tiền nhiệm. Tầm nhìn của ông không phải là sự sống còn mà là sự trỗi dậy, Đó là sự chấm dứt kỷ nguyên đổi mới. Ông gọi kỷ nguyên mới là kỷ nguyên vươn mình, nhấn mạnh vào sự phục hưng đất nước hơn là quản lý khủng hoảng. Thay đổi này không chỉ là về chính sách, mà còn là về quyền lực.
Từ lâu, Việt Nam cho rằng ổn định về ý thức hệ, cải cách dần dần có tính kế tục (gradualism) là điều quan trọng nhất. Nay Tô Lâm đang phá bỏ sách lược này. Việc tái cấu trúc bộ máy hành chính của đảng và nhà nước là động thái lớn nhất trong lịch sử Việt Nam sau đổi mới. Tuy Tô Lâm cam kết hiện đại hóa vượt qua bất kỳ lãnh đạo nào trước đây, nhưng điều đó cũng vì quyền lực: Bằng cách định hình lại quỹ đạo của đất nước, ông đang củng cố quyền lực của chính mình. Câu hỏi là liệu đây có phải là một sự chuyển đổi dài hạn thực sự, hay chỉ là một vở kịch chính trị trước thềm Đại hội Đảng XIV.
Nhiều năm qua, Trung Quốc đã thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy Việt Nam xuống nhóm nước sản xuất có giá trị gia tăng thấp. Việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng này trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đã tạo cơ hội cho Việt Nam leo cao trong chuỗi giá trị, nhưng vẫn đầy bất định. Dù sao, quyết định cải cách của Tô Lâm đã nâng kỳ vọng lên một mức cao chưa từng có. Nếu không đạt được các mục tiêu kinh tế, các nhà lãnh đạo sẽ buộc phải tìm cách biện minh cho thất bại của mình, hoặc đối mặt với rủi ro chính trị. Điều đó có nghĩa là bất kể các cải cách của Tô Lâm có thành công hay không, cũng phải thúc đẩy hành động.
TBT Tô Lâm không phải là một nhà cải cách theo mô hình tự do dân chủ như “Đổi Mới 2.0”, tiếp theo “Đổi Mới 1.0” (năm 1986). Nói cách khác, ông theo chủ nghĩa hiện đại hóa như mô hình chủ nghĩa phát triển chuyên chế kiểu Đông Á của Park Chung-hee ở Hàn Quốc. Tuy chủ trương cải cách của Tô Lâm là thật sự và nó có thể làm thay đổi nhà nước và nền kinh tế Việt Nam một cách sâu sắc, nhưng đồng thời đó cũng là một phương tiện để củng cố quyền lực. Cho dù cuối cùng Tô Lâm có thành công hay thất bại thì rõ ràng ông đang định hình lại Việt Nam. Cục diện chính trị đất nước sẽ không bao giờ như trước nữa.
Muốn đánh giá một chính khách thực thụ, đừng xem việc người ấy làm, mà phải xem “hệ quả của việc người ấy làm”. Dường như Tô Lâm không chỉ “quản trị sự thay đổi”, mà còn đang “thay đổi cách quản trị”. Nói cách khác, muốn dẫn dắt sự nghiệp “đổi mới lần thứ hai” thành công, lãnh đạo phải kiên quyết cải tổ hệ thống bằng “cách mạng”, chứ không chỉ bằng thay đổi cách quản trị. Vì vậy, lãnh đạo cần phải có cả năng lực “đổi mới tư duy” về hệ tư tưởng, chứ không chỉ cần năng lực “kỹ trị”.
Người ta hay nói “thời thế tạo anh hùng”. Nhưng anh hùng phải biến thời cơ thành hiện thực. Điều đó không dễ. Trong lịch sử, Việt Nam đã có nhiều cơ hội, nhưng cũng để mất nhiều cơ hội hiếm có. Thế giới đang thay đổi chóng mặt, với những biến số khó lường. Chưa bao giờ Việt Nam đứng trước thời cơ lớn và thách thức lớn như hiện nay. Điều đó đòi hỏi lãnh đạo cũng như toàn dân phải đồng lòng và quyết tâm “biến nguy thành cơ”, vươn mình kiến tạo một nước Việt Nam cường thịnh, phát triển đột phá trong kỷ nguyên mới.
Một số chuyên gia cho rằng “mô hình Tô Lâm” kết hợp giữa di sản của cố TBT Nguyễn Phú Trọng theo truyền thống Việt Nam về đối nội (chống tham nhũng) và về đối ngoại (ngoại giao cây tre) với tính năng động và quyết đoán của một nhà cải cách theo mô hình Đông Á. Điều đó tạo ra biến số quyết định cuộc chơi trong bối cảnh chuyển giao lãnh đạo ở Việt Nam. Biến số đó phá vỡ nguyên trạng dựa vào chủ nghĩa “đặc thù” và “tiệm tiến”.
Thay lời kết
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình (14-15/4/2025) là cơ hội để Trung Quốc lấy lòng Việt Nam, chứng tỏ là đối tác đáng tin cậy trong khu vực. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký 45 văn kiện. Theo Nguyễn Khắc Giang (ISEAS), chuyến thăm “vừa là cơ hội vừa có rủi ro”. Trong khi Tập viết “không ai thắng trong chiến tranh thương mại”, Trump nhận xét “họ tìm cách chơi Mỹ” (how to screw the US). Còn Hà Nội không muốn mọi người nghĩ rằng họ quá gần Trung Quốc. (Guardian, 14-15 April 2025).
Dư luận quan tâm đến chuyến thăm vì hàm ý đối với bàn cờ Mỹ-Trung và quan hệ Việt-Trung. Cách đây gần 2 năm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm Việt Nam (12/2023) sau khi Tổng thống Joe Biden đã đến thăm để nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên CSP (9/2023). Tuy còn quá sớm để cho rằng cái bóng của Hội nghị Thành đô đã mờ nhạt, nhưng có thể nói rằng quan hệ Việt-Trung đã chuyển sang một giai đoạn mới cân bằng hơn. Đó là một bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội để Việt Nam vươn mình trỗi dậy trong kỷ nguyên mới.
———–
Tham khảo
-
- The Renegade Order, Hal Brands, Foreign Affairs, February 25, 2025
- As Trump Abandons Allies, How Will China Respond? James Palmer, Foreign Policy, February 25, 2025
- Vietnam’s new leader is raising expectations to a new level, Alexander Vuving, Nikkei, February 28, 2025
- How US-Russia-China Ties Would Impact the Indo-Pacific, Derek Grossman, Foreign Policy, March 6, 2025
- Chinese politics may be in a calm before storm, Katsuji Nakazawa, Nikkei, March 20, 2025
- How Will Vietnam Deal With President Trump’s Shocking Tariffs? Le Hong Hiep, Fulcrum, 4 April 2025
- China Prepares to Endure a Trade War, James Palmer, Foreign Policy, April 8, 2025
- Xi Jinping kicks off a factional battle for survival, Katsuji Nakazawa, Nikkei, April 10, 2025
- 9. Underestimating China, Kurt Campbell and Rush Doshi, Foreign Affairs, April 10, 2025
- No winners in a trade war, says China’s Xi as he heads to Vietnam on charm offensive, Rebecca Ratcliffe, Guardian, 14 April 2025; China’s Xi Jinping is in Vietnam to figure out how to ‘screw’ the US, says Trump, Kate Lamp, Helen Davidson, Guardian, 15 April, 2025.