Reply To: Madam Nhu Trần Lệ Xuân – Quyền lực Bà Rồng

#14165
NCQT
Keymaster

Đứa con bị hắt hủi

Lệ Xuân có vị thế thấp kém nhất trong gia đình. Nỗi bực bội với việc bị sai bảo đã bắt đầu khởi lên trong cô từ khi còn bé.

Khi Lệ Xuân đã đủ khỏe để đi lại, gia đình ông Chương khăn gói xuống tàu, lần này tất cả cùng nhau ra đi. Họ an cư lạc nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu xa xôi. Bà Chương, thậm chí chưa được hai mươi tuổi, đã chủ trì một gia trang rộng lớn với những người hầu và khu đất rộng quá cỡ.

Khi những thú tiêu khiển của thế giới hiện đại ở Hà Nội giờ đã lùi xa, ông bà Chương đã trở lại với một cuộc sống gia đình Việt Nam truyền thống hơn, với những khuynh hướng đậm nét Khổng giáo. Thoát khỏi mẹ chồng và những phán xét hà khắc của bà, bà Chương đã quản lý nhà cửa vườn tược như thể bà sinh ra để làm điều đó. Tuy vậy, sau khi đã nếm trải cuộc sống phố thị ở Hà Nội, với tất cả những thú vui Tây phương, sự tĩnh lặng của miền thôn dã và những nghĩa vụ truyền thống mà bà đảm đương hẳn có vẻ đơn điệu lỗi thời. Bà Chương đã bỏ lại sau lưng thời cơ dự phần vào những vận hội mới mở ra cho nữ giới trong một xã hội quốc tế. Vợ của một người đàn ông hiện đại ở thành thị, ngoài việc quán xuyến nhà cửa và coi sóc việc giáo dưỡng con cái, có thể đứng bên cạnh chồng trong giao tế xã hội. Đây có vẻ là điều kỳ lạ khó thể có được đối với một thiếu nữ sống đời một người vợ và người mẹ Việt Nam truyền thống, như những phụ nữ hàng bao thế kỷ trước bà.

Phải chăng bà đã dám hy vọng một điều gì khác cho những cô con gái của mình? Nhận định về những cơ hội giáo dục mà bà áp đặt lên các con gái, câu trả lời có vẻ là bằng lòng. Tuy vậy, vào những lúc mà sự giáo dục của chúng xung đột với hệ thống tôn ti gia đình, nhiều thế kỷ truyền thống đã thắng thế. Nguyên tắc cơ bản về hành xử đúng mực, lối sống truyền thống đòi hỏi lòng trung thành với gia đình và với một nền văn hóa cổ xưa. Phụ nữ có bổn phận thuận theo tam tòng, trước hết phục tùng cha, kế đến là chồng, và sau là con trai. Người phụ nữ cũng được khuyến khích thể hiện bốn phẩm hạnh: quản lý việc thu chi trong gia đình, đoan trang tao nhã, lời lẽ êm ái, và hành vi đoan chính. Những lý tưởng về bổn phận tề gia nội trợ của phụ nữ đã được phát biểu rõ ràng trong những văn phẩm tiếng Việt kinh điển, trong những sổ tay “giáo dục gia đình bằng thơ”. Được viết để đọc to theo nhịp trầm bổng cho dễ nhớ, chúng phát biểu những kỳ vọng về công việc quản lý gia đình và phẩm hạnh trong sạch.

“Đừng trò chuyện với đàn ông không họ hàng quen biết;

Đừng mở lời chào hỏi, để đừng gợi nghi ngờ.

Đừng qua lại giao du với đàn bà thất tiết;

Đừng vô duyên vô cớ thay áo quần;

Khi thêu thùa khâu vá, đừng dừng nghỉ mũi kim;

Đừng hát hay ngâm thơ, khi không ai bên cạnh;

Đừng nhìn ra cửa sổ, với dáng điệu trầm ngâm.

… Đừng rùn vai, đừng thở dài;

Đừng cười to khi chưa mở một lời;

Khi cười, chớ phô cả răng lợi;

Đừng ngồi lê hay nói lời cay độc”

Là con gái thứ, Lệ Xuân sớm hiểu rằng cô phải chiều theo trật tự đã xác lập. Cha mẹ và những người lớn khác đã được tôn trọng và phục tùng, và các chị em cô cũng vậy. Lệ Xuân có vị thế thấp kém nhất trong gia đình. Nỗi bực bội với việc bị sai bảo đã bắt đầu khởi lên trong cô từ khi còn bé. “Em trai tôi thường lấy việc trêu chọc tôi như một trò chơi tiêu khiển khi tôi còn nhỏ. Tôi ngồi xuống, và nó nói, “Ngồi xuống.” Vậy là để chứng tỏ rằng không phải tôi ngồi vì nó đã ra lệnh cho tôi, tôi đứng dậy. Nhưng liền đó nó nói, “Đứng dậy”. Trò đó làm tôi tức điên”.

Một đứa trẻ khác có thể đã phản ứng khác hẳn, trở nên dễ bảo khi đã quen với hoàn cảnh thực tế của mình. Nhưng bà Nhu đã nhớ về thời thơ ấu như một quãng thời gian đầy tức tối. Bà khao khát sự chú ý và chấp thuận. Để có được nó, bà đã phải làm việc chăm chỉ hơn, khóc to tiếng hơn. Ngay khi là một cô gái nhỏ, bà đã tin rằng mình có quyền nhiều hơn thế.

Việc học chính thức của Lệ Xuân bắt đầu khi một gia sư già, quấn khăn xếp với hai ngón tay dính nhau đến nhà để dạy ba chị em cô. Mới năm tuổi, cô đã được gửi vào trường nội trú ở Sài Gòn cùng chị mình.

Lệ Xuân là đứa trẻ hiếu học và nghiêm túc. Em trai cô rất đỗi ghen tỵ với thứ hạng và trí thông minh tuyệt vời của cô. Khi xa cách, cậu nhớ cô như nhớ một người bạn chơi cùng, nhưng khi cô trở về, cậu thường cảm thấy thất vọng bởi sự chênh lệch khả năng giữa hai người. Cậu không thích bị đối xử như một đứa bé. Một ngày nọ cậu thất vọng đến độ đã giật phắt cây bút lông từ tay cô và ném vào đầu cô. Ngòi nhọn cây bút đâm thẳng vào trán cô. Lệ Xuân chạy lên cầu thang với chiếc lông chim dính trên đầu và mực chảy trên mặt. Cô muốn để cho mẹ thấy em trai cô không phải đứa hoàn toàn ngoan ngoãn, cô muốn hét lên.

Mẹ của Lệ Xuân nổi giận – nhưng không phải với con trai bà. Một đứa con gái biết cư xử không đời nào tỏ ra quyết tâm đến thế trong việc làm bẽ mặt người thừa tự của gia đình. Cô gái là người chịu phạt.