Reply To: Khách sạn Caravelle và lịch sử Việt Nam

#14279
NCQT
Keymaster

Tuyên cáo của Nhóm Caravelle làm chấn động chánh trường

TTO – Sau khi hoạt động, khách sạn Caravelle là nơi ra vào thường trực của giới thượng lưu Sài Gòn. Thời điểm nầy, có khá nhiều nhân vật đương thời bất mãn với Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Là người được Mỹ ủng hộ nhưng ông Diệm phớt lờ các lời khuyên của các cố vấn Mỹ và những người thuộc phe ôn hòa.

Ông ta cai quản một cách khắt khe về mặt xã hội như cấm nhảy đầm, cấm mang vật liệu “độn vú”, thẳng tay đàn áp Phật giáo, đẩy mạnh kiểm duyệt báo chí và bắt tất cả những người đối lập…

Nhóm Caravelle

Trong khi đó, những người có những mối liên hệ với nông thôn đều thấy rằng chánh phủ không hề biết hay biết mà không làm gì. Họ tỏ thái độ bất mãn với chế độ bằng cách tụ tập nhau ở khách sạn Caravelle để chỉ trích chế độ.

Tháng 4-1960, có 18 người tự xưng là “nhóm nhân sĩ tự do tiến bộ” thường được gọi là “nhóm Caravelle”, gồm có các ông Trần Văn Văn, cựu Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch, Trần Văn Hương, cựu Đô trưởng Sài Gòn, Phan Huy Quát, cựu Bộ trưởng quốc phòng và giáo dục, Phan Khắc Sửu, cựu Bộ trưởng canh nông, Nguyễn Lưu Viên, bác sĩ, Huỳnh Kim Hữu, cựu Bộ trưởng y tế, Trần Văn Lý, cựu Thủ hiến Trung phần, Nguyễn Tiến Hỷ, bác sĩ, Trần Văn Đỗ, cựu Bộ trưởng ngoại giao, Lê Ngọc Chấn, cựu Bộ trưởng quốc phòng, Lê Quang Luật, cựu Bộ trưởng thông tin, Lương Trọng Tường, cựu Thứ trưởng kinh tế quốc gia, Nguyễn Tăng Nguyên, cựu Bộ trưởng lao động và thanh niên, Phạm Hữu Chương, cựu Bộ trưởng y tế và Công tác xã hội, Trần Văn Tuyên, cựu Bộ trưởng thông tin và tuyên truyền, Tạ Chương Phùng, cựu tỉnh trưởng Bình Định, Trần Lê Chất, tiến sĩ và Hồ Văn Vui, linh mục.

Ngày 26-4-1960, họ đã cùng ký tên vào một tuyên cáo kêu gọi chánh quyền nên cải tổ và đích thân hai ông Trần Văn Văn và Phan Khắc Sửu mang đến tận Dinh Độc Lập chuyển cho Ngô Đình Diệm.

Tất nhiên thái độ ôn hòa của họ không khiến họ Ngô thay đổi chánh sách. Nhưng tuyên cáo ấy, sau đó họp báo ở khách sạn Caravelle, đã làm chấn động chánh trường miền Nam Việt Nam.

Tuyên cáo của 18 nhân vật thuộc Nhóm Caravelle đụng chạm đến tất cả các mặt trong xã hội “với mục đích phơi bày với Tổng thống tất cả sự thật trong niềm hy vọng là chính quyền sẽ lưu tâm để gấp rút thay đổi chính sách, hầu cứu vãn tình hình hiện nay để đưa quốc dân ra khỏi cơn nguy biến” để “toàn dân sẽ lại tìm thấy được nền Hòa bình cần thiết để đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, để dựng lại ngôi nhà đã bị phá hủy, để đặt lại được cái cày trên những mảnh đất từng bị bỏ hoang.

Nhân dân hy vọng rằng… không còn là con mồi cho sự tàn bạo và áp lực của một phe phái nào, không còn bị đối xử như cu-li, không còn một nền độc quyền nào thao túng, không còn bị sự cướp bóc của công chức tham nhũng và độc đoán”.

Về chánh trị, Nhóm cho rằng “hiến pháp đã được lập ra nhưng chỉ có hình thức. Và Quốc hội tuy có đấy nhưng những cuộc thảo luận luôn luôn được diễn ra chỉ theo đường hướng của chính quyền. Và những cuộc bầu cử phản dân chủ. Toàn là những phương pháp và “trò hề”…

Về chánh quyền thì “Thực quyền không còn ở trong tay của những người đáng lý có trách nhiệm của “gia đình”, nơi từ đó các mệnh lệnh được truyền ra. Điều này làm cho guồng máy hành chánh bị chậm lại, làm tê liệt mọi sáng kiến và làm nản lòng mọi người có thiện chí. Đồng thời, không một tháng nào trôi qua mà báo chí không đăng đầy những chuyện hối lộ không thể che dấu được, những chuyện này trở thành một chuỗi dài những giao dịch phi pháp hằng triệu bạc.

Guồng máy hành chánh, vốn đã bị đình trệ bây giờ hầu như hoàn toàn trở nên tê liệt. Nền hành chánh cần được cải tổ gấp rút. Những người có khả năng phải được đặt đúng vào những chức vụ từ trên xuống dưới, hệ thống hành chánh và kỷ luật phải được tái lập, quyền lực và trách nhiệm phải đi đôi với nhau; sự hữu hiệu, sáng kiến, lòng ngay thẳng và tính cần kiệm phải là những tiêu chuẩn để dùng vào việc thăng thưởng, khả năng nghề nghiệp phải được tôn trọng. Phải loại trừ tình trạng ban phát ân huệ bằng vào những liên hệ gia đình hay phe phái. Những kẻ buôn bán quyền hành, tham nhũng và lạm dụng quyền thế phải bị trừng trị”.

Sĩ quan Quân đội VNCH bị xem như gia nhân, lội nước đẩy thuyền cho Tổng thống

Về kinh tế xã hội thì “những ngân khoản bồi thường chiến tranh lớn lao, mức lời cao đẻ ra từ công khố phiếu quốc gia, một chương trình ngoại viện khổng lồ, một thị trường bành trướng và đủ sức nhận vốn đầu tư của ngoại quốc. Đó là nhiều điều kiện thuận lợi có thể biến Việt Nam thành một quốc gia sản xuất cao và thịnh vượng. Thế mà hiện nay nhiều người không có việc để làm, không có nhà để ở và không có tiền bạc…”

Bắt bớ

Tuyên cáo của Nhóm Caravelle là một cái bạt tai vào mặt chế độ Ngô Đình Diệm.

Sau đó, cố vấn Ngô Đình Nhu gọi mỉa mai nhóm nầy là “nhóm xa lông, nhóm phòng trà” và đã bắt cả nhóm đưa ra toà án quân sự với tội danh “phá rối trị an”. Thế nhưng tòa án quân sự ngày 11 và 12-7-1960 đã tuyên bố tha bổng tất cả.

Dù vậy, đến cuối tháng 10-1960, Diệm cũng cải tổ nội các khi có tới 4 bộ trưởng ra đi vì bất đồng nội bộ. Đó là các ông Lâm Lễ Trinh, Bộ trưởng nội vụ, Trần Trung Dung, Bộ trưởng quốc phòng, Trần Chánh Thành, Bộ trưởng thông tin và Nguyễn Văn Sĩ, Bộ trưởng tư pháp.

Tháng 11-1960, sau cuộc đảo chánh bất thành của một số sĩ quan do Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông cầm đầu, thì một số thành viên nhóm Caravelle lại bị bắt và bị đày ra Côn Đảo như trường hợp ông Phan Huy Quát.

Nhà báo Malcom Browne đã viết “và thế là khách sạn Caravelle, khách sạn hiện đại nhứt, sang trọng nhứt trong thành phố thời bấy giờ, đã trở thành biểu tượng thường trực của sự phản bội trong con mắt gia đình họ Ngô.

Sự ngờ vực của Tổng thống đối với khách sạn nầy không chỉ nhắm đến những người Việt Nam thường lui tới đây mà còn đến cả những thông tín viên Hoa Kỳ nữa”.

Và không chỉ là nơi để các nhân sĩ, trí thức lên tiếng, khách sạn Caravelle còn được coi là trung tâm báo chí. Dù trong một lời quảng cáo cho khách sạn Caravelle ở Mỹ, người ta ghi rõ rằng “không có câu lạc bộ báo chí ở khách sạn Caravelle”.

Nhưng trên thực tế, khách sạn nầy là một trung tâm của báo chí nước ngoài tới Sài Gòn đưa tin về chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn từ 1965-1975. Câu lạc bộ báo chí đã hoạt động ra sao? Mời bạn đọc tiếp kỳ sau.

TRẦN NHẬT VY – NGUYỄN VĂN NHẬT

Nguồn: Tuổi trẻ