NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 3 replies, 1 voice, and was last updated 8 years, 10 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
14/02/2016 at 06:58 #14273NCQTKeymaster
Khám phá “kỳ quan” khách sạn Caravelle
11/02/2016 17:05 GMT+7
TTO – Là người Sài Gòn hẳn ít ra đã một lần chúng ta nghe nhắc đến khách sạn Caravelle, bởi đó là một cái tên được nhắc khá nhiều lần trong suốt 15 năm từ 1960 đến 1975 trên nhiều phương tiện thông tin.
Khách Caravell Sài Gòn nhìn từ phía công viên Lam Sơn từ những ngày đầu… – Ảnh tư liệu ….Và ngày nay – Ảnh: Thuận Thắng Khoảng năm 1860-1862, Sài Gòn mọc lên một khách sạn hai tầng đồ sộ có ba mặt ngó ra sông nước.
Một mặt ngó ra sông Sài Gòn, một mặt ngó ra kinh Cầu Sấu và một ngó ra kinh Lớn. Giờ đây, ngôi nhà ấy sau hơn 150 năm vẫn còn đứng vững.
“Kỳ quan” mới!
Hai con kinh ngày xưa nay đã thành đường phố đông đúc là Nguyễn Huệ (kinh Lớn) và Hàm Nghi (kinh Cầu Sấu).
Và ngôi nhà ấy nay là trụ sở Hải quan thành phố Hồ Chí Minh. Khi ngôi nhà to lớn ấy mọc lên đã khiến người Sài Gòn vô cùng kinh ngạc vì sự đồ sộ của nó.
Ngôi nhà ấy đã mang theo khá nhiều dấu vết lịch sử phát triển của Sài Gòn những ngày đầu tiên và nó đánh dấu một bước phát triển mới của Sài Gòn, ít nhứt về mặt xây dựng.
Một trăm năm sau, Sài Gòn lại xuất hiện một “kỳ quan” mới. Đó là khách sạn Caravelle.
Sao lại là “kỳ quan”? Từ cuối thế kỷ 19 đến bốn thập niên đầu thế kỷ 20, trên con đường số 16 sau được đổi tên là Catinat, rồi Tự Do nay là đường Đồng Khởi, đã xuất hiện nhiều khách sạn sang trọng.
Đầu tiên là khách sạn Continental xây dựng từ năm 1878 đến 1880 do Pierre Cazeau, một nhà chuyên sản xuất vật liệu xây dựng và thiết bị gia dụng, làm chủ.
Đây là nơi cư trú của nhiều nhân vật tai to mặt lớn ở nước ngoài khi đến Sài Gòn như nhà văn Ấn Độ đoạt giải Nobel Rabindranath Tagore, nhà văn Pháp Andre Malraux, nhà văn Anh Graham Greene.
Khách sạn nầy sau đó đổi chủ nhiều lần. Nổi tiếng nhứt trong số nầy là Công tước De Montpensier, được coi là một tay chơi khét tiếng thời ấy, người đã xây Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết và đêm đêm có máy phát điện riêng sáng rực một vùng, mua lại vào năm 1911 để làm nơi cư trú khi ông chạy xe hơi thám hiểm Kampuchia.
Sau đó, khối tài sản khổng lồ nầy được một người Việt Nam, Đốc phủ Lê Văn Mầu, chủ quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho được coi là lãnh chúa cù lao Năm Thôn (từ thời Ngô Đình Diệm được đổi lại là cù lao Ngũ Hiệp), mua lại vào khoảng năm 1920 để làm của hồi môn cho con gái.
Và cái của hồi môn ấy lọt vào tay chàng rễ gốc đảo Corse là Mathieu Franchini. Cuối cùng dòng họ Franchini đã làm chủ khách sạn sang trọng nầy cho đến năm 1975.
Khách sạn bề thế thứ hai xuất hiện trên con đường được coi là số 1 của Sài Gòn vào năm 1925 là Majestic do Hứa Bổn Hòa, còn được người Sài gòn gọi là Chú Hỏa, xây dựng với sự hợp tác của nhà báo Pháp lai Việt De Lachevrotière, một người rất có thế lực ở Sài Gòn thập niên 1920-1940.
Khách sạn cao ba từng lầu nầy (sau nầy xây thêm 2 từng nữa) nằm ngay đầu đường Catinat, góc quai de Belgique (Đồng Khởi-Tôn Đức Thắng) một thời được chú ý. Năm 1948 thì khách sạn được giao (hay bán lại) cho Sở Du lịch và triển lãm Đông Dương. Nhiều nhân vật tên tuổi của thế giới khi đến Sài Gòn đã cư trú tại đây.
Ba năm sau, năm 1928, một khách sạn sang trọng khác ra đời ở số 8 Catinat, góc Đồng Khởi – Ngô Đức kế hiện nay.
Năm 1928, nhà báo De Lachevrotière đã mở ở đây một tiệm rượu, đến năm 1930 thì tiệm rượu được xây dựng thành khách sạn lộng lẫy với những trang trí mỹ thuật độc đáo.
Về sau, khách sạn nầy còn được gọi bằng một cái tên ấn tượng là Sài Gòn Lữ Quán. Sau một thời gian hoạt động, có lẽ do không có nghề quản lý khách sạn, nên De Lachevrotière đã sang khách sạn cho Patrice Luciani để rồi sau đó Grand Hotel đổi tên thành Saigon Palace.
Nhưng tất cả những khách sạn đã kể đều có chiều cao khiêm tốn so với những gì sắp diễn ra.
Một “ảo vọng”!?
Đầu năm 1954, khi người Pháp còn loay hoay ở chiến trường miền Bắc và tập trung quân xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ, thành phố Sài Gòn vẫn chỉ tập trung ở ba quận Nhứt, Nhì và quận Ba.
Những làng Hoà Hưng, Phú Nhuận, Phú Thọ… là vùng ngoại ô xa xôi, vắng người cư ngụ. Và vào thời điểm ấy, đôi bạn người Pháp là Emery và Mallein đến Sài Gòn và nghĩ đến việc xây dựng một khách sạn hiện đại được điều hòa không khí hoàn toàn, sang trọng, có điện thoại ở mỗi phòng và cao nhứt thành phố Sài Gòn.
Nhiều người cho đó là một “ảo vọng”!
Họ xoay sở và có bằng khoán một khoảnh đất rộng 775 mét vuông nằm trên góc đường Caitnat và quảng trường nhà hát Lớn (Đồng Khởi-Công trường Lam Sơn), một trong những địa chỉ danh giá nhứt Sài Gòn.
Miếng đất nầy trước kia là quán cà phê Grand cafe de la Terrace, một trong những quán cà phê đầu tiên và nổi tiếng của Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19.
Để có miếng đất nầy, họ đã xin được phép triệt hạ toàn bộ những công trình xây dựng trên mảnh đất nầy, đồng thời xin phép thành lập một công ty mang tên Catinat Foncier có văn phòng tại số 18 Tôn Thất Đạm, khai trương ngày 24-5-1954.
Vào thời kỳ nầy, một khách sạn sang trọng dành cho giới thượng lưu và kinh doanh văn phòng hàng đầu ở Sài Gòn rất khó kiếm. Vì vậy, công ty Catinat Foncier nhanh chóng tiến hành việc xây dựng một khách sạn như thế. Song tiền vốn lại không đủ và có cả việc lo lắng về thời cuộc, nên công ty Catinat Foncier liền tổ chức kêu gọi vốn đầu tư.
Pháp nhân đầu tiên tham gia góp vốn là hãng hàng không Air France và dành quyền sử dụng toàn bộ tầng trệt. Phái bộ ngoại giao Úc hùn vốn và xí toàn bộ tầng thứ 7 để làm nơi cư trú cho vị trưởng phái bộ và làm nơi làm việc. Rồi giáo hội Công giáo cũng tham gia hùn vốn.
Theo ông Nguyễn Đình Đầu thì “thời điểm đó, giáo hội Thiên chúa giáo sở hữu trung tâm thuế vụ trên đường Lê Lợi, tòa nhà nay là Fahasa, hầu hết các tòa nhà đối diện khách sạn Continental và một số nhà tư”.
Có vốn, công ty Catinat Foncier liền xúc tiến việc xây dựng khách sạn vào năm 1957.
Kể từ thời điểm đó, công việc xây dựng và công trình khách sạn đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Vậy khách sạn đã được xây ra sao và những ngày đầu nó như thế nào? Mời bạn đón đọc bài tiếp theo.
TRẦN NHẬT VY- NGUYỄN VĂN NHẬTNguồn: Tuổi trẻ
-
14/02/2016 at 07:03 #14277NCQTKeymaster
Công phu xây “kỳ quan” khách sạn và cái tên Caravelle
TTO – Sự thành công của khách sạn Caravelle thu hút sự chú ý của những đại gia trong ngành khách sạn hàng đầu trên thế giới.
Khách sạn Caravell trước năm 1975 – Ảnh: Tư liệuKiến trúc sư Nguyễn Văn Hòa, quê ở Cần Thơ, từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, tu nghiệp tại Hoa Kỳ đã được mời thiết kế tòa khách sạn nầy.
Kỹ thuật hiện đại nhứt
Ông Hòa cũng là người thiết kế nhà nghỉ của vua Bảo Đại ở Ban Mê Thuột. Vào đầu thập niên 1950, ông Hòa đã cùng hai người bạn thành lập một công ty xây dựng và đã xây dựng nhiều biệt thự, viện bào chế dược phẩm… ở Sài Gòn.
Để có được một công trình như ý, ông Hòa đã được toàn quyền thực hiện các ý tưởng của mình và sử dụng tất cả những kỹ thuật hiện đại nhứt thời đó để xây dựng khách sạn.
Ông đã thiết kế hệ thống phân phối nước nóng, nước lạnh, hệ thống điện, thang máy vận chuyển hàng hóa…
Tòa nhà gồm 2 khối A và B. Khối A được điều hòa không khí toàn bộ từ từng trệt đến từng 9, kể cả thang máy. Khối B cao năm từng là khu nhà cung cấp các tiện nghi cho khối A, chỉ có hệ thống điện và nước lạnh, nóng.
Hầm khối A gồm có phòng chứa hành lý của khách và hệ thống thoát nước, vệ sinh. Phía trên đó là từng trệt rộng có lối ra phòng khách, thang máy, phòng tổng đài điện thoại, sân, phòng điện thoại, phòng làm lạnh, hầm rượu và một phòng chứa thực phẩm dự trữ cho nhà hàng ở tầng 9.
Lầu một có 4 phòng ngủ với sảnh chờ, phòng tắm và chín phòng làm việc, một phòng rộng hình bầu dục và một phòng chứa thực phẩm. Từ từng 2 đến từng 6, mỗi từng đều có 13 phòng ngủ, một phòng chứa thực phẩm và một phòng bầu dục.
Từng thứ 7 dành riêng cho Tòa đại sứ Úc, gồm 2 căn hộ. Một căn hộ rộng lớn chỉ có một phòng ngủ. Căn hộ còn lại có ba phòng ngủ. Từng nầy còn có một khu vực gồm 6 phòng làm việc ngó mặt ra đường Đồng Khởi.
Từng thứ 8 có sáu phòng khách. Nhà hàng, khu vực làm bếp, phòng thực phẩm đông lạnh và các cơ sở phụ trợ khác nằm ở từng 9. Từng 10 là sân thượng rộng có thể ngó bao quát thành phố.
Cái tên Caravell
Sau khi xây dựng xong phần thô, việc trang trí nội thất mới là vấn đề. Tất cả các vật liệu dùng trong việc trang trí nội thất đều là hàng ngoại nhập. Ví dụ toàn bộ hệ thống lạnh đều nhập từ Mỹ. Ban đầu, người ta dự kiến khách sạn sẽ hoàn thành trong năm 1957 và đầu năm 1958 thì bắt đầu giao tầng 7 cho phía ngoại giao Úc.
Thế nhưng…
Do việc nhập cảng các vật liệu trang trí bị chậm trễ. Kiến trúc sư Hòa và viên quản lý Klimenco bị thúc hối. Và ông Klimenco đã đau khổ mà báo với các khách hàng rằng “khách sạn không thể hoàn thành trước tháng 3 hoặc tháng 4-1958” vì những yếu tố khách quan nằm ngoài sự kiểm soát của công ty. Riêng ông Hòa thì cam kết sẽ hoàn thành công trình vào ngày 6-4-1958.
Và ông Hòa đã thực hiện được lời hứa.
Nhưng thực tế mãi đến trước ngày giáng sinh năm 1959 khách sạn mới chánh thức được khai trương và trong khoảng thời gian một năm sau đó, nhiều hạng mục của khách sạn vẫn còn phải tiếp tục được điều chỉnh.
Ví dụ hãng hàng không Air France đến giữa năm 1960 vẫn còn đề nghị sửa đổi một vài chỗ ở từng trệt, nơi hãng nầy được độc quyền làm nơi giao dịch và bán vé máy bay của hãng.
Ở từng 7, luật sư của phái bộ ngoại giao Úc đề nghị rằng, những đối tượng cư ngụ ở từng 6 và 8 phải là đối tượng được thỏa thuận của họ.
Riêng ở từng 7 thì bọc lưới sắt bên trên bộ phận điều hòa không khí và cửa sổ. Còn ổ khóa cửa ra vào thì phải là loại đặt riêng theo yêu cầu. Phòng riêng của vị trưởng phái đoàn phải được cách âm hoàn toàn.
Một góc khách sạn Caravell ngày nay – Ảnh: Thuận ThắngDù vậy, sau khi khai trương, khách sạn Caravelle vẫn được mọi người đến đây hoan nghinh. Người ta ca ngợi hệ thống điện thoại của khách sạn, một điều mà vào thời ấy là một xa xỉ phẩm ở Sài Gòn, ca ngợi việc sử dụng một cách hào phóng đá hoa cương Ý lót sàn nhà, việc sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam loại kiếng chống đạn an toàn của Pháp và ca ngợi cả việc có một máy điện dự phòng khi cúp điện hiệu Berliet…
Việc đặt tên khách sạn cũng là một chuyện.
Khi việc xây dựng khách sạn bắt đầu vào năm 1957 thì hãng hàng không Pháp (Air France) đã bay thử nghiệm loại máy bay dân dụng tầm trung hiệu Caravelle (thuyền buồm) và khi khách sạn hoàn thành thì cũng là thời điểm mà hãng nầy đưa loại máy bay ấy vào sử dụng.
Vì là đồng sở hữu khách sạn và Air France cũng đặt trụ sở chánh tại đây nên cái tên Caravelle được lựa chọn làm tên khách sạn.
Khách sạn có 43 phòng và tất cả đều là phòng thượng hạng.
Sự thành công của khách sạn Caravelle đã thu hút sự chú ý của những đại gia trong ngành khách sạn trên thế giới.
Tháng 7-1962, tờ Times of Vietnam loan tin rằng đã có một hợp đồng xây dựng khách sạn Hilton được ký giữa khách sạn Caravelle và tập đoàn khách sạn Hilton.
Khách sạn mới nầy trên cơ sở mở rộng khách sạn Caravelle, xây thêm 159 phòng mới và sẽ có hồ bơi trên từng thượng.
Người thiết kế và thực hiện công trình cũng vẫn là ông Nguyễn Văn Hòa, mới tu nghiệp ở Hoa Kỳ về, và ông Lâm Ngọc Huân, nguyên biên tập viên tạp chí kinh tế Information Economique du Vietnam sẽ nhận nhiệm vụ quản lý.
Dự kiến cuối năm 1962 việc xây dựng sẽ bắt đầu nhưng có lẽ do có những lo lắng về tình hình chính trị ở Việt Nam nên dự án không được thực hiện.
Sau năm 1975, khách sạn bị đổi tên là Độc Lập không có ấn tượng với du khách. Năm 1992, Tổng công ty du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với công ty Chains International Hotels Management Singapore Pte. Ltd để thành lập công ty Liên doanh Chains-Caravelle lập dự án nâng cấp khách sạn Độc Lập thành một khách sạn quốc tế cao 25 tầng và lấy lại tên cũ Caravelle.
Tuy nhiên, một trong đồng sở hữu của khách sạn là Giáo hội Công giáo ở thành phố Hồ Chí Minh đã không đồng ý việc đập bỏ khách sạn cũ để xây khách sạn mới “Nếu nhà nước thấy không cần sử dụng khách sạn nữa thì trả lại cho giáo hội”.
Vì vậy, khu khách sạn cao 9 từng vẫn để nguyên đấy và năm 1997 được nâng cấp để kết nối vào cao ốc 24 từng kế bên cùng mang tên khách sạn Caravelle.
TRẦN NHẬT VY – NGUYỄN VĂN NHẬT
-
14/02/2016 at 07:06 #14279NCQTKeymaster
Tuyên cáo của Nhóm Caravelle làm chấn động chánh trường
TTO – Sau khi hoạt động, khách sạn Caravelle là nơi ra vào thường trực của giới thượng lưu Sài Gòn. Thời điểm nầy, có khá nhiều nhân vật đương thời bất mãn với Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Là người được Mỹ ủng hộ nhưng ông Diệm phớt lờ các lời khuyên của các cố vấn Mỹ và những người thuộc phe ôn hòa.
Ông ta cai quản một cách khắt khe về mặt xã hội như cấm nhảy đầm, cấm mang vật liệu “độn vú”, thẳng tay đàn áp Phật giáo, đẩy mạnh kiểm duyệt báo chí và bắt tất cả những người đối lập…
Nhóm Caravelle
Trong khi đó, những người có những mối liên hệ với nông thôn đều thấy rằng chánh phủ không hề biết hay biết mà không làm gì. Họ tỏ thái độ bất mãn với chế độ bằng cách tụ tập nhau ở khách sạn Caravelle để chỉ trích chế độ.
Tháng 4-1960, có 18 người tự xưng là “nhóm nhân sĩ tự do tiến bộ” thường được gọi là “nhóm Caravelle”, gồm có các ông Trần Văn Văn, cựu Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch, Trần Văn Hương, cựu Đô trưởng Sài Gòn, Phan Huy Quát, cựu Bộ trưởng quốc phòng và giáo dục, Phan Khắc Sửu, cựu Bộ trưởng canh nông, Nguyễn Lưu Viên, bác sĩ, Huỳnh Kim Hữu, cựu Bộ trưởng y tế, Trần Văn Lý, cựu Thủ hiến Trung phần, Nguyễn Tiến Hỷ, bác sĩ, Trần Văn Đỗ, cựu Bộ trưởng ngoại giao, Lê Ngọc Chấn, cựu Bộ trưởng quốc phòng, Lê Quang Luật, cựu Bộ trưởng thông tin, Lương Trọng Tường, cựu Thứ trưởng kinh tế quốc gia, Nguyễn Tăng Nguyên, cựu Bộ trưởng lao động và thanh niên, Phạm Hữu Chương, cựu Bộ trưởng y tế và Công tác xã hội, Trần Văn Tuyên, cựu Bộ trưởng thông tin và tuyên truyền, Tạ Chương Phùng, cựu tỉnh trưởng Bình Định, Trần Lê Chất, tiến sĩ và Hồ Văn Vui, linh mục.
Ngày 26-4-1960, họ đã cùng ký tên vào một tuyên cáo kêu gọi chánh quyền nên cải tổ và đích thân hai ông Trần Văn Văn và Phan Khắc Sửu mang đến tận Dinh Độc Lập chuyển cho Ngô Đình Diệm.
Tất nhiên thái độ ôn hòa của họ không khiến họ Ngô thay đổi chánh sách. Nhưng tuyên cáo ấy, sau đó họp báo ở khách sạn Caravelle, đã làm chấn động chánh trường miền Nam Việt Nam.
Tuyên cáo của 18 nhân vật thuộc Nhóm Caravelle đụng chạm đến tất cả các mặt trong xã hội “với mục đích phơi bày với Tổng thống tất cả sự thật trong niềm hy vọng là chính quyền sẽ lưu tâm để gấp rút thay đổi chính sách, hầu cứu vãn tình hình hiện nay để đưa quốc dân ra khỏi cơn nguy biến” để “toàn dân sẽ lại tìm thấy được nền Hòa bình cần thiết để đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, để dựng lại ngôi nhà đã bị phá hủy, để đặt lại được cái cày trên những mảnh đất từng bị bỏ hoang.
Nhân dân hy vọng rằng… không còn là con mồi cho sự tàn bạo và áp lực của một phe phái nào, không còn bị đối xử như cu-li, không còn một nền độc quyền nào thao túng, không còn bị sự cướp bóc của công chức tham nhũng và độc đoán”.
Về chánh trị, Nhóm cho rằng “hiến pháp đã được lập ra nhưng chỉ có hình thức. Và Quốc hội tuy có đấy nhưng những cuộc thảo luận luôn luôn được diễn ra chỉ theo đường hướng của chính quyền. Và những cuộc bầu cử phản dân chủ. Toàn là những phương pháp và “trò hề”…
Về chánh quyền thì “Thực quyền không còn ở trong tay của những người đáng lý có trách nhiệm của “gia đình”, nơi từ đó các mệnh lệnh được truyền ra. Điều này làm cho guồng máy hành chánh bị chậm lại, làm tê liệt mọi sáng kiến và làm nản lòng mọi người có thiện chí. Đồng thời, không một tháng nào trôi qua mà báo chí không đăng đầy những chuyện hối lộ không thể che dấu được, những chuyện này trở thành một chuỗi dài những giao dịch phi pháp hằng triệu bạc.
Guồng máy hành chánh, vốn đã bị đình trệ bây giờ hầu như hoàn toàn trở nên tê liệt. Nền hành chánh cần được cải tổ gấp rút. Những người có khả năng phải được đặt đúng vào những chức vụ từ trên xuống dưới, hệ thống hành chánh và kỷ luật phải được tái lập, quyền lực và trách nhiệm phải đi đôi với nhau; sự hữu hiệu, sáng kiến, lòng ngay thẳng và tính cần kiệm phải là những tiêu chuẩn để dùng vào việc thăng thưởng, khả năng nghề nghiệp phải được tôn trọng. Phải loại trừ tình trạng ban phát ân huệ bằng vào những liên hệ gia đình hay phe phái. Những kẻ buôn bán quyền hành, tham nhũng và lạm dụng quyền thế phải bị trừng trị”.
Sĩ quan Quân đội VNCH bị xem như gia nhân, lội nước đẩy thuyền cho Tổng thống
Về kinh tế xã hội thì “những ngân khoản bồi thường chiến tranh lớn lao, mức lời cao đẻ ra từ công khố phiếu quốc gia, một chương trình ngoại viện khổng lồ, một thị trường bành trướng và đủ sức nhận vốn đầu tư của ngoại quốc. Đó là nhiều điều kiện thuận lợi có thể biến Việt Nam thành một quốc gia sản xuất cao và thịnh vượng. Thế mà hiện nay nhiều người không có việc để làm, không có nhà để ở và không có tiền bạc…”
Bắt bớ
Tuyên cáo của Nhóm Caravelle là một cái bạt tai vào mặt chế độ Ngô Đình Diệm.
Sau đó, cố vấn Ngô Đình Nhu gọi mỉa mai nhóm nầy là “nhóm xa lông, nhóm phòng trà” và đã bắt cả nhóm đưa ra toà án quân sự với tội danh “phá rối trị an”. Thế nhưng tòa án quân sự ngày 11 và 12-7-1960 đã tuyên bố tha bổng tất cả.
Dù vậy, đến cuối tháng 10-1960, Diệm cũng cải tổ nội các khi có tới 4 bộ trưởng ra đi vì bất đồng nội bộ. Đó là các ông Lâm Lễ Trinh, Bộ trưởng nội vụ, Trần Trung Dung, Bộ trưởng quốc phòng, Trần Chánh Thành, Bộ trưởng thông tin và Nguyễn Văn Sĩ, Bộ trưởng tư pháp.
Tháng 11-1960, sau cuộc đảo chánh bất thành của một số sĩ quan do Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông cầm đầu, thì một số thành viên nhóm Caravelle lại bị bắt và bị đày ra Côn Đảo như trường hợp ông Phan Huy Quát.
Nhà báo Malcom Browne đã viết “và thế là khách sạn Caravelle, khách sạn hiện đại nhứt, sang trọng nhứt trong thành phố thời bấy giờ, đã trở thành biểu tượng thường trực của sự phản bội trong con mắt gia đình họ Ngô.
Sự ngờ vực của Tổng thống đối với khách sạn nầy không chỉ nhắm đến những người Việt Nam thường lui tới đây mà còn đến cả những thông tín viên Hoa Kỳ nữa”.
Và không chỉ là nơi để các nhân sĩ, trí thức lên tiếng, khách sạn Caravelle còn được coi là trung tâm báo chí. Dù trong một lời quảng cáo cho khách sạn Caravelle ở Mỹ, người ta ghi rõ rằng “không có câu lạc bộ báo chí ở khách sạn Caravelle”.
Nhưng trên thực tế, khách sạn nầy là một trung tâm của báo chí nước ngoài tới Sài Gòn đưa tin về chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn từ 1965-1975. Câu lạc bộ báo chí đã hoạt động ra sao? Mời bạn đọc tiếp kỳ sau.
TRẦN NHẬT VY – NGUYỄN VĂN NHẬT
Nguồn: Tuổi trẻ
-
15/02/2016 at 06:14 #14307NCQTKeymaster
Đảo chính Ngô Đình Diệm bắt đầu từ khách sạn Caravelle?
TTO – Trong một quảng cáo cho khách sạn Caravelle ở Mỹ, người ta ghi rõ rằng “không có câu lạc bộ báo chí ở khách sạn Caravelle”. Nhưng thực tế khách sạn này là một trung tâm báo chí nước ngoài tới Sài Gòn đưa tin về chiến tranh Việt Nam từ 1965-1975.
Trước năm 1965, năm quân Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, Caravelle vẫn là nơi các nhà báo, các thông tin viên quốc tế đến Sài Gòn làm việc cư trú dù giá phòng mắc hơn khách sạn Continental nằm đối diện.
Bởi ở đây ngoài món ăn rất ngon nấu theo đúng phong cách châu Âu, phục vụ tốt, hệ thống điện thoại luôn hoạt động và lại có một sân thượng tuyệt vời để ngắm Sài Gòn cũng như quang cảnh ven Sài Gòn mà không cần phải đi xa.
Điểm đi và đến!
Có lẽ những nhà báo đầu tiên tới khách sạn Caravelle là những thông tín viên của AP (Associated Press), UPI (United Press International), Reuters và AFP (Agence France Press). Sau đó là vài cộng tác viên của tạp chí Time (của Mỹ), thông tín viên tờ Times (của Anh) và tờ Le Figaro.
Đó là năm 1961. Cuối năm này, Malcom W. Browne, trưởng phân xã của AP, đã đến đây cư ngụ “dài hơi”. Và rồi vài tháng sau Peter Arnett đến cư ngụ.
Về sau, Arnett đã đoạt giải Pulitzer khi chuyển sang làm thông tín viên cho CNN (Cable news network). Rồi tháng 6-1962, có một nhà báo người New Zealand cũng đến đây cư trú.
Từ khách sạn, họ có thể có mặt kịp thời ở các cơ quan chính quyền nằm gần đó. Mặt khác, họ cũng có thể nghe ngóng các câu chuyện ở quán cà phê Givral nằm đối diện, từ nhà hàng Cheap Charlie nằm phía sau khách sạn hay từ cà phê mái hiên của Continentel phía bên kia đường… những nơi mà giới nhà báo nước ngoài đặt cho cái tên khá kêu “đài phát thành vỉa hè đại lộ Catinat”.
Bởi đến những nơi này đều là các vị tai to mặt lớn, là dân biểu từ trong hạ nghị viện (Nhà hát thành phố) bước ra, là sĩ quan cao cấp… các cuộc nói chuyện lặt vặt của họ lại đáng tin tưởng hơn là đài phát thanh Sài Gòn! Và điều đáng nói hơn là khi tập họp lại những chuyện lặt vặt ấy thì thế giới lại chú ý nhiều hơn là nguồn tin chính thống.
Nơi đây, các nhà báo cũng có thể nhanh chóng biết được một tin gì đó “đối lập” từ hạ nghị viện, hay phỏng vấn dễ dàng một nhân vật đáng chú ý của Việt Nam đương thời.
Trong nghề báo có một điều lạ mà chưa ai giải thích được là giới nhà báo thường tập họp gặp nhau tại một địa điểm quen thuộc nào đó để trao đổi thông tin. Xưa nay đều vậy!
Do đó, khi thông tin của các đài báo từ khách sạn Caravelle được chú ý thì nơi đây đương nhiên trở thành nơi tập họp của báo giới nước ngoài, thậm chí có không ít nhà báo người Việt làm việc cho các hãng thông tấn quốc tế.
Và kể từ đó, Caravelle trở thành điểm đi và đến của hầu hết nhà báo nước ngoài đến Việt Nam làm việc.
Họ đến để gặp gỡ nhau bên quầy rượu sau những ngày dài làm việc ở xa Sài Gòn. Họ trao đổi những khuynh hướng khác nhau đang phát triển ở Nam Việt Nam… Dĩ nhiên là chính quyền Ngô Đình Diệm với một bộ máy mật vụ dày đặc không thể bỏ qua một nơi như vậy.
Các nhân viên chính phủ “buộc tội” các nhà báo ở đây rằng “hầu hết những ý kiến và nhận định của báo giới ngoại quốc chỉ là những lời thêu dệt xuất phát từ những chiếc ghế ở quầy rượu của khách sạn Caravelle”. Họ đã làm “tồi tệ” thêm những điều đã rất lộn xộn…
Nhưng tất cả mọi thứ đã không ngăn được dòng các nhà báo nước ngoài đến Việt Nam, tới Sài Gòn là phải ở khách sạn Caravelle.
Nơi “khởi nguồn” đảo chính!
Từ tháng 9-1963, các nhà báo ở Caravelle đã có những bài đồn đoán rằng sẽ có một cuộc thay đổi lớn ở Việt Nam. Họ ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo đang bị Diệm đàn áp tơi tả.
Ngày 6-5-1963, hai ngày trước lễ Phật đản, lệnh từ Phủ tổng thống “cấm treo cờ Phật giáo ngoài khuôn viên cơ sở tôn giáo” do Quách Tòng Đức, đổng lý văn phòng Phủ tổng thống, ký.
Ở Huế, các phật tử bắt đầu bị cảnh sát đàn áp từ ngày 7-5, rồi ngày 8-5 có người chết trước Đài phát thanh Huế khi phật tử đề nghị cho phát thanh bài nói chuyện của thượng tọa Trí Quang.
Rồi từ Huế các cuộc biểu tình lan tới Sài Gòn với đòi hỏi 5 điểm cuốn hút nhiều giới tham gia. Ngày 11-6, hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng (Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu) quận Đô thành Sài Gòn.
Ngày 4-8, đại đức Thích Nguyên Hương tự thiêu trước dinh tỉnh trưởng Phan Thiết; ngày 13-8, đại đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu trước chùa Phước Duyên, Huế; ngày 15-8, ni cô Thích Nữ Diệu Quang tự thiêu tại Ninh Hòa (Khánh Hòa); ngày 16-8, hòa thượng Thích Tiêu Diêu tự thiêu tại chùa Từ Đàm, Huế; ngày 10-9, đại đức Thích Thiện Mỹ tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn; ngày 5-10, đại đức Thích Quảng Hương tự thiêu trước chợ Bến Thành.
Cũng khi đó, Washington kết luận rằng Tổng thống Diệm hoàn toàn không có khả năng chiến thắng cộng sản! Bộ Ngoại giao Mỹ thấy cần ủng hộ một cuộc nổi dậy để loại bỏ Diệm và người em trai là Ngô Đình Nhu.
Và cũng từ đó, các nhà báo nghe được những tin đồn về một cuộc đảo chính đã được trao đổi giữa các thông tín viên và các viên chức cấp thấp của Mỹ tại khách sạn Caravelle. Các nhân viên của khách sạn cứ làm như không biết các cuộc họp “mật”.
“Họ biết rằng chúng tôi là những người chống Ngô Đình Diệm và chống chiến tranh. Họ không làm bất kỳ điều gì để ngăn cản các cuộc họp” – ông Nguyễn Đình Đầu khi đó là một giáo sư trung học đã nhớ lại.
Lấy lý do tình trạng hỗn loạn có lợi cho Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, trung tướng Trần Văn Đôn, quyền tổng tham mưu trưởng quân đội, đã ủng hộ biện pháp “thiết quân luật” của Diệm.
Sài Gòn yên tĩnh, không có đảo chính, không có điều quân. Nhưng sau khi có một bản đề nghị cải cách dài 20 trang do ông Đôn và tướng Dương Văn Minh thảo ra cũng không có hồi đáp, các tướng lãnh Sài Gòn đã bí mật họp tại Caravelle để âm mưu lật đổ Diệm.
Tối hôm bầu cử quốc hội Việt Nam vào cuối tháng 9-1963, Đôn giữ chỗ tại quầy rượu khách sạn Caravelle cho một cuộc hẹn với bạn đồng học cũ và là bạn uống rượu, thiếu tướng Tôn Thất Đính. Bên ly rượu Scotch và sau đó tại hộp đêm La Cigale, Đôn và Đính bắt đầu thảo luận kế hoạch đảo chính.
Cuộc đảo chính đã diễn ra ngày 1-11-1963 và diễn ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Trong tác phẩm Saigon Anthony Grey viết “Khi lực lượng đảo chính tiến vào dinh Gia Long, một ký giả người Anh trốn trên sân hiên tầng 10 khách sạn Caravelle để nhìn toàn cảnh trận đánh. Trên tầng mái vắng lặng của khách sạn Caravelle, Naomi Boyce Lewis đứng đằng sau phóng viên ảnh người Scotland của cô. Cắn chặt môi dưới với sự kích động, anh lia ống kính máy ảnh chầm chậm lướt qua toàn cảnh rộng lớn của những con đường có hàng cây từ dinh Gia Long. Từ điểm cao này, nữ phóng viên thấy lực lượng đảo chính tiến vào thành phố theo ba trục từ Tây Ninh, Bến Cát và Biên Hòa trông như những đoàn côn trùng ăn thịt chầm chậm bò đi rồi tụ hội lại”.
Còn Peter Arnett và Malcom Browne cũng leo lên nóc khách sạn sau đó đã nghe và thấy cuộc nổi dậy. Họ thấy và nghe các cuộc tấn công lực lượng phòng vệ Phủ tổng thống của phe đảo chính.
Trong khi đó, Sài Gòn vẫn tấp nập xe cộ, trừ vài con đường đi qua hoặc đi kế bên dinh Gia Long. Grey viết tiếp “bên ngoài khách sạn Caravelle, một viên cảnh sát ngồi trên xe jeep đang cố gắng một cách tuyệt vọng để lột bộ đồ cảnh sát trước khi những người đảo chính kịp nhận ra. Một người đi bộ chạy như điên quanh góc đường, đạn bắn theo nháng lửa kế gót chấn anh ta. Một người chạy trốn vào nhà vệ sinh ven đường một vài giây trước khi bức tường của nhà vệ sinh bị đạn súng máy bắn lỗ chỗ, rồi năm phút sau anh ta chạy vụt ra mà không bị gì cả. Trong khi xe tăng khạc đạn ầm ầm thì đám con nít chạy theo ngay dưới họng súng để… lượm vỏ đạn bằng đồng!”.
TRẦN NHẬT VY – NGUYỄN VĂN NHẬT
Nguồn: Tuổi Trẻ
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.