Reply To: Không ai thắng trong “Cuộc Chiến Việt Nam”

#23525
NCQT
Keymaster

XEM, SUY NGHĨ VỀ “CHIẾN TRANH VIỆT NAM”
Tác giả: Vũ Ngọc Phương *

Trong lịch sử thế giới hiện đại, sự kiện Đại chiến Thế giới lần thứ 2 và Chiến tranh Việt Nam sẽ mãi là sự kiện lớn làm thay đổi thế giới hiện đại. Hậu quả của hai sự kiện mãi còn là nguồn nghiên cứu tranh luận không ngừng trong nhiều thế kỷ sau này. Phim “ Chiến tranh Việt Nam” là một bộ phim tài liệu lịch sử công phu, nhiều tư liệu quý không chỉ cho người Mỹ mà cho nhân loại – những ai quan tâm đến lịch sử phát triển xã hội.

Ở một tầm vóc lớn hơn “Chiến tranh Việt Nam” không thể chỉ bình luận thắng, thua hay không ai thắng trong cuộc chiến này vì đây là một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ ở Mỹ và ở các cuộc chiến trên thế giới trước đó nhưng lại là cuộc chiến truyền thống của Người Việt chống lại sự can thiệp của Ngoại bang. Đối với Việt Nam – Dân tộc Việt được người Cộng sản gọi là Chiến tranh Nhân Dân. Đó là một trận chiến trường kỳ, dai dẳng, không có chiến tuyến, không thể rõ đâu là Việt cộng, đâu là Dân thường. Sự thật đó được chính các nhà chiến lược, các nhà chính trị, các học giả toàn thế giới trong đó có Mỹ công nhận.

Vấn đề ở đây cần thấy rõ trong phim “ Chiến tranh Việt Nam” cung như nhiều phim tài liệu cùng chủ đề – Một sự thật lịch sử là gần hết cả người Mỹ và người của chính Việt Nam Cộng hòa đều phản đối, đều chống lại việc thời kỳ đó Chính Phủ Mỹ tham gia, tiến hành chiến tranh Việt Nam. Ở đây cần quay lại khái niệm Chiến tranh phi nghĩa và Chiến tranh chính nghĩa. Ở phương Tây thường có cách suy diễn cực đoan xuất phát từ quan điểm đối kháng từ sự thù ghét Chủ nghĩa Cộng sản rằng “ Thời kỳ chiến tranh Việt Nam với dẫn chứng rằng ở miền Bắc Việt Nam cũng có phong trào phản chiến như sự kiện đồng ý hay không đồng ý trong giới lãnh đạo Bắc Việt Nam về Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, hay sự đào ngũ của một số người Bắc Việt Nam khi phải vào miền Nam”. Xét rõ ở bất kỳ thời đại nào, dân tộc nào, con người nào cũng như vậy tham sống, sợ chết. Ở miền Bắc Việt Nam tuyệt nhiên không hình thành “Phong trào phản chiến” như cách diễn giải của một số học giả Phương Tây và một số người Việt như vậy là không khách quan khoa học. Tại sao người Việt trong sự đói nghèo lại chịu hy sinh cùng cực một cách tư giác như vậy nếu không phải là truyền thống đặc sắc của Dân tộc Việt “ Sẵn sàng hy sinh vì Độc lập, Tự do, toàn vẹn lãnh thổ, quyết không chịu mất nước, quyết không chịu làm nô lệ,…” trong triết lý này Cộng sản Việt Nam đã đúng khi hiểu rõ sức mạnh truyền kỳ của Dân Việt.

Chiến tranh Việt Nam là một cuộc đối đầu lịch sử giữa chủ nghĩa Tự do Mỹ và chủ nghĩa Dân tộc Việt, tuyệt đối không phải sự phát triển của Chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Nam Á như nhận định của Mỹ và đồng minh phương Tây và một số người Việt Nam Cộng hòa. Vì không hiểu nên thất bại. Sau chiến tranh Việt Nam, người Mỹ và những tư tưởng Thế giới Tự do có rút ra được bài học gì, đây là còn nhiều quan điểm cần nghiên cứu, tranh luận rất lâu dài. Một sự kiện lớn như “ Chiến tranh Việt Nam” phải có một khoảng lùi xa hơn nữa mới thấy hết được tầm vóc của nó, không khác gì đứng dưới chân tòa nhà chọc trời, càng lùi xa càng thấy cao lớn, hùng vĩ. Đã là chiến tranh, biện pháp tột cùng của chính trị, không thể tránh khỏi hy sinh, tổn thất, nhất là đối với một Dân tộc nghèo khổ tột cùng sau hàng nghìn năm bị áp bức, bị nô lệ, bị bóc lột cùng kiệt của xâm lược Ngoại bang. Vì vậy cách duy nhất để có độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ là phải hy sinh tính mạng, của cải để giành lại cho được độc lập, tự do. Bằng lịch sử nhiều nghìn năm của Dân tộc Việt đã cho thấy đây là một Dân tộc rất đặc biệt trong toàn thể Nhân loại thường tiến hành một cuộc chiến Toàn Dân chống lại sự xâm lược của Ngoại bang một cách anh hùng, quả cảm – Đó là cuộc kháng chiến chính nghĩa của Người Việt, tự họ biết rõ nên sẵn sàng hy sinh.

Trong lịch sử Nhân loại đã chỉ rõ những người thành công trong chiến tranh không có nghĩa là sẽ thành công trong hòa bình, ở nước nào cũng vậy. Thường khi đất nước đã trở lại hòa bình, khôi phục kinh tế, xã hội thì những Nhà Lãnh đạo chiến tranh thường mắc nhiều sai lầm vì đã áp dụng cách lãnh đạo chiến tranh cho việc lãnh đạo hòa bình. Tất cả các thành công và hậu quả chiến tranh, hòa bình đều tuân theo một quy luật phát triển tất yếu. Vì thế mọi sự nhận định cần khách quan khoa học đúng với giai đoạn phát triển, đúng với hoàn cảnh lịch sử thì nhận định đó thật sự thuyết phục được Nhân Tâm.

Sau “ Chiến tranh Việt Nam” tình trạng suy thoái, hỗn loạn là tất yếu. Không có mấy người vượt trên lịch sử để thấy được cần hòa giải giữa hai chiến tuyến tư duy là thế nào, ở cuộc chiến Bắc – Nam Hoa Kỳ, ở chiến tranh Thế giới 2,… đều thấy không thể hòa hợp được thì sự ra đi sẽ là tất yếu, đó cũng là bi kịch chiến tranh và hòa bình. Cuộc di tản sau 1975 của một số lớn người Việt là một bi kịch lịch sử cả cho người ở lại và người ra đi. Hiện chưa thật rõ số người di tản là bao nhiêu? Có thể vĩnh viễn không thể xác định được vì một nước trải qua cuộc chiễn dữ dội, tàn khốc 30 năm, thực ra còn lâu hơn thế nếu nói từ khi Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam năm 1858.

Vì vậy sau khi đọc “ Không ai thắng trong Cuộc chiến Việt Nam” của tác giả Nguyễn Nhật Huy thấy chỉ là cảm tính, không khoa học, kém thuyết phục vì sự thiếu lozic.

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2017
_____________________________

* Đã chứng kiến cả hai cuộc chiến tranh Pháp – Việt và Mỹ – Việt.