Kỳ 5: Đại tướng La Thụy Khanh nhảy lầu tự vẫn
Bị giam trong phòng “tội phạm đặc biệt” cùng dãy hành lang với nguyên soái Bành Đức Hoài ở bệnh viện Quân Giải phóng nhưng đại tướng La Thụy Khanh không hề hay biết…
Mãi đến khi được phép ra ngoài tập đi lại từng bước ông mới thấy một phòng tương tự gần nơi mình nằm có lính cầm súng gác và một tấm bình phong che chắn cửa ra vào. Ông nói bâng quơ: “Chẳng hiểu ai bị nhốt trong ấy”.
Con gái Điểm Điểm của ông thưa: “Nghe nói họ nhốt bác Bành Đức Hoài!” Từ đó ông ngầm để ý xem các hộp cơm do lính gác đem vào cho Bành Đức Hoài ăn, lúc bưng ra vơi hết hay còn. Hễ hôm nào nguyên soái bỏ ăn là hôm ấy hộp còn nguyên. Không ít lần La Thụy Khanh thấy không những các hộp cơm còn nguyên mà kèm theo tiếng la hét đập phá vang ra từ căn buồng tối tăm ấy.
La Thụy Khanh khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an
Những lần như thế, La Thụy Khanh không khỏi hồi tưởng lúc Bành Đức Hoài bị bãi chức vào năm 1959, Lâm Bưu lên thay làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thì quan hệ giữa La Thụy Khanh và Lâm Bưu chưa rạn nứt.
Sang đầu thập niên 1960, Lâm Bưu mới lộ dần “khoảng cách” đáng sợ. Nhất là từ tháng 1.1965, khi Lưu Thiếu Kỳ với tư thế Chủ tịch nước, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, đã đề nghị đưa Tham mưu trưởng La Thụy Khanh vào danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng: “tuy đây chỉ là chức vụ danh dự, không có thực quyền, nhưng sự đề bạt này có nghĩa là đã đưa La Thụy Khanh đứng vào hàng ngũ các nguyên soái” (Tân Tử Lăng – tài liệu đã dẫn trong Kỳ 2) – gây “khó chịu” cho Lâm Bưu. Vài tháng sau, Lâm Bưu tố cáo thẳng thừng với Mao Trạch Đông về “nguy cơ Lưu Thiếu Kỳ và La Thụy Khanh đang cấu kết để mưu nắm hết quân quyền”. Nhưng La Thụy Khanh đang được Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Hạ Long và các lãnh đạo Quân ủy trung ương ủng hộ, nên Lâm Bưu chưa bức hại được.
Đợi đến dịp Giang Thanh cùng ra tay, mối nguy hiểm mới thực sự đến bên thềm nhà La Thụy Khanh. Nguyên đêm 26.11 năm ấy, Giang Thanh gặp La Thụy Khanh đòi cấp quân phục cho mình để mặc trong các cuộc tọa đàm về tình hình văn nghệ quân đội (làm “ngòi nổ” cho cuộc cách mạng văn hóa) nhưng La Thụy Khanh từ chối “vì bà ta không có quân tịch”.
Giang Thanh hậm hực ra về, lúc đó Lâm Bưu mới phái vợ mình là Diệp Quần đáp máy bay bí mật đến gặp Mao Trạch Đông vào 5 giờ sáng ngày 1.12 tại một biệt thự ở Hàng Châu để “báo cáo khẩn cấp” về La Thụy Khanh.
Không lâu sau, Mao Trạch Đông giao Lâm Bưu chủ trì Hội nghị Thường vụ Bộ chính trị mở rộng họp tại Thượng Hải từ ngày 8 đến 15.12.1965 với 38 người, trong đó có các lãnh đạo trung ương và tướng lĩnh cao cấp, để Diệp Quần lần đầu tiên và bất ngờ đứng lên tố cáo “La Thụy Khanh âm mưu cướp quyền lãnh đạo quân đội, ép Lâm Bưu nhường ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”. Mặc dầu “Bành Chân, Lưu Bá Thừa bỏ phiếu chống, Lưu Thiếu Kỳ, Trần Văn, Đặng Tiểu Bình. Hạ Long, Lục Định Nhất, Lý
Phú Xuân, Đàm Chấn Lâm bỏ phiếu trắng” nhưng cuối cùng hội nghị vẫn quyết định:
Tước hết các chức vụ: Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng, Tổng tham mưu trưởng quân đội của La Thụy Khanh.
La Thụy Khanh không được phép có mặt tại Hội nghị để bào chữa cho mình, xin gặp Mao Trạch Đông và Lâm Bưu nhưng cũng bị bác bỏ. Ông đóng cửa suốt mấy tháng liền trước và sau Tết nguyên đán năm ấy không muốn tiếp khách cho đến khi hay tin Quân ủy Trung ương theo lệnh Lâm Bưu và Giang Thanh vừa lập Tổ chuyên án để thẩm tra đấu tố ông. Không chịu nổi nghịch cảnh, ngày 18.3.1966 đại tướng La Thụy Khanh đã nhảy lầu tự tử.
Nhưng ông không chết, bị gãy chân và cần được chữa chạy gấp. Song Lâm Bưu đã có chỉ thị phải làm chậm quá trình cấp cứu để dành thời gian đấu tố ông, khiến sau này phải phẫu thuật cắt bỏ đi gần nửa chân trái, rồi tháo luôn phần xương chân còn lại, làm vị đại tướng nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, một trong những tham mưu hàng đầu trong cuộc “vạn lý trường chinh” ngày nào phải chống gậy khập khểnh đi qua mùa gió loạn…
Về giai đoạn trên, tài liệu Tân Tử Lăng nhận định: Mao Trạch Đông “hy sinh” La Thụy Khanh (để Lâm Bưu bức hại), sau đó tính tới “đối thủ” khác (triệt hạ Lưu Thiếu Kỳ và tăng cường quyền uy cho Lâm Bưu), để “dấy lên phong trào quần chúng học tập và vận dụng tác phẩm của Mao mang màu sắc cuồng nhiệt tôn giáo trong 3 triệu quân nhân – đây là sự chuẩn bị về dư luận, tư tưởng và chính trị quan trọng nhất cho đại cách mạng văn hóa”, đạt “kỷ lục thế giới” về ngót 5 tỷ cuốn “Mao tuyển” trích lời “giáo huấn” của Mao Trạch Đông được in ra giữa thời đói kém.
Để rồi sau 10 năm Đại cách mạng văn hóa “theo Diệp Kiếm Anh tiết lộ tại lễ bế mạc Hội nghị công tác trung ương ngày 13.12.1978: có 20 triệu người chết, 100 triệu người bị đấu tố, lãng phí 800 tỷ nhân dân tệ” – để lại một nước Trung Hoa đầy ngập oan hồn… (còn nữa)