NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 11 replies, 1 voice, and was last updated 10 years, 3 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
02/07/2014 at 00:19 #3001NCQTKeymaster
Kỳ 1: Về bốn người vợ của Mao Trạch Đông
Mao Trạch Đông với người vợ thứ tư Giang Thanh và con
Sau 41 năm nắm quyền lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông qua đời lúc 0 giờ 10 phút ngày 9.9.1976, thọ 83 tuổi, để lại không ít sóng gió trên chính trường Trung Quốc cùng những “trang tình sử” trong chuyện đời riêng của ông đang dần dần được sách báo Trung Quốc ngày nay viết đến…
Cuốn Bốn người vợ của Mao Trạch Đông do hai nhà văn Trung Quốc Tôn Hồng Quân và Lương Tú Hà chấp bút, Trung tâm tư liệu – Đại học Nhân dân Trung Quốc giới thiệu (Võ Toán biên dịch, NXB Lao Động, Hà Nội 2012) nhắc đến cuộc hôn nhân đầu tiên trong đời Mao Trạch Đông với La tiểu thư – một cô gái xinh đẹp sinh trưởng trong một gia đình phú hộ ở thôn Xích Vệ, xã Dương Lâm, huyện Tương Đàm (Hồ Nam) vào năm Mao Trạch Đông mới… 14 tuổi (1907). Năm ấy La tiểu thư lên 18 (sinh 1889, hơn Mao Trạch Đông 4 tuổi).Mối duyên đầu đời này do cha mẹ hai bên tác thành nhưng Mao Trạch Đông phản đối. Song cuối cùng lễ cưới rất linh đình, trang trọng vẫn được tổ chức dầu Mao thề rằng sẽ không bao giờ đụng đến người La tiểu thư dù chỉ là “chạm một ngón tay”. Cuộc ép gả này đã “khiến cho hai con tim trong trắng của họ (Mao và La tiểu thư) không có cách gì chấp nối lại cùng nhau” (sđd, tr.11).Ba năm sau ngày cưới, Mao Trạch Đông 17 tuổi, từ biệt gia đình đi học xa, La tiểu thư ở lại quê nhà, mang bệnh và qua đời ngày 10 tháng 2 năm ấy, lúc mới 21 tuổi – độ tuổi thanh xuân phơi phới nhưng chưa bao giờ được mãn nguyện vì yêu và không bao giờ ngờ rằng chồng mình sau này trở thành lãnh tụ Đảng Cộng sản, nắm trong tay quyền lực cao nhất ở nước Trung Hoa bao la…Cùng Giang Thanh – người vợ bị đưa ra tòa án tối cao xét xử gây chấn động năm 1980La tiểu thư mất, cảnh giới ái nghiệp của Mao Trạch Đông hầu như vẫn lặng đi suốt bảy tám năm liền. Đến 25 tuổi (1918) trái tim ông lần đầu tiên mới thật sự rung động trước “thiên kim tiểu thư” Dương Khai Tuệ – con gái duy nhất của nhà nho lỗi lạc đương thời Dương Xương Tế – thầy dạy của mình. Họ yêu nhau.Với Mao Trạch Đông: “Người đời tri kỷ chỉ ta với nàng” (sđd, tr. 25). Dương Khai Tuệ thì: “Mình cảm thấy mình được sinh ra trên cõi đời này vì mẹ mình một phần, phần nữa cũng là vì anh ấy” (sđd, tr.14). Cưới nhau vào mùa đông năm 1920, họ động phòng hoa chúc ở “ngôi đền Thanh Sơn dưới ngọn núi Diên Cao”, nơi đó mọi thứ như giường, chăn, gối, ghế tựa đan bằng mây đều cũ, duy chỉ có “chậu hoa sơn trà đặt bên cửa sổ, với những phiến lá màu xanh sẫm cùng nhiều nụ hoa chúm chím, là mang lại cho căn phòng tân hôn này một nguồn sinh khí bất tận” (sđd, tr.23).Từ đó đến suốt bảy năm sau, Khai Tuệ đã “dùng đôi vai mảnh khảnh của mình gánh vác cùng một lúc mấy trách nhiệm liền, vừa làm vợ, làm thư ký riêng, vừa làm trợ lý cho Mao Trạch Đông” (sđd, tr.23). Đến tháng 9.1927, theo chỉ định của Mao Trạch Đông, Dương Khai Tuệ bí mật về lại quê nhà ở bản Thương để lãnh đạo phong trào cách mạng ở vùng ấy cho đến ngày bị bắt đã “ung dung bình thản bước ra pháp trường” trong cuộc hành quyết ngày 14.11.1930, lúc mới 29 tuổi.
Người vợ tiếp theo của Mao Trạch Đông cũng hết sức xinh đẹp, sinh năm 1909 (kém Mao Trạch Đông 16 tuổi) là Hạ Tử Trân, có ngót 10 năm chung sống với 6 lần sinh nở. Đến năm 1936, Hạ Tử Trân đã bước ra khỏi cuộc đời của Mao Trạch Đông từ một “nghịch duyên” như thế nào xin được kể sau.
Bây giờ nói đến người vợ thứ tư là Giang Thanh. Giang Thanh sinh năm Giáp Dần 1914, cầm tinh con Cọp (Mao Trạch Đông sinh năm Quý Tỵ 1893, cầm tinh con Rắn). Khi Mao Trạch Đông tiến về Bắc Kinh, tự tay kéo lá cờ đỏ năm sao lên Thiên An Môn trịnh trọng tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 10.1949, lúc ấy Giang Thanh 35 tuổi nghiễm nhiên trở thành “đệ nhất phu nhân”. Đến 31 năm sau (tháng 11.1980), sự đời thay đổi, Giang Thanh bị đưa ra Tòa án nhân dân tối cao xét xử và đã làm dư luận thế giới giật mình bởi những lời tuyên bố đầy “ấn tượng” như:
– “Tôi là con chó của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Ông ấy bảo tôi cắn ai thì tôi phải cắn người đó”.
Một trong những người bị “cắn” đau nhất là nguyên soái Bành Đức Hoài – nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – từng được Mao Trạch Đông quý trọng ân cần gọi: “Bành đại tướng của tôi”. Nhưng Giang Thanh sai Hồng vệ binh đánh gãy xương sườn nguyên soái, rồi dắt đi rêu rao nhục mạ khắp phố phường trước khi giam 8 năm cho đến ngày ông chết trong bóng tối ra sao? (còn nữa)Nguồn: Một thế giới -
02/07/2014 at 00:23 #3004NCQTKeymaster
Kỳ 2 – Giang Thanh trước ngày lập ‘Đảng Hoàng hậu’
Lúc danh tiếng của nguyên soái Bành Đức Hoài đã vang dội ra khỏi biên giới Trung Quốc sau cuộc vạn lý trường chinh “hai vạn năm nghìn dặm” (1934 – 1936) thì Giang Thanh với “hai bàn tay trắng” mới lần đầu tiên tìm đến căn cứ Diên An ra mắt Mao Trạch Đông (vào mùa thu 1938)…
Giang Thanh với thế mạnh của phái đẹp có đôi mắt to lấp láy, mũi thanh tú và miệng hơi rộng nhưng “khi mím môi lại, thành đường kẻ chỉ, thì lại hóa ra một nét đẹp quý phái” hiếm có và rất quyến rũ, cùng thần thái lanh lợi khác người, đã sớm làm“thế giới nội tâm của Mao Trạch Đông phải rung lên đồng điệu” (sđd, tr.124).
Giang Thanh tìm thấy ở Mao Trạch Đông người đàn ông mong đợi về cả hai phương diện: nghị lực và quyền lực. Phía Mao Trạch Đông, ở tuổi 45 cũng nhận ra ở cô thư ký 24 tuổi đang giữ hồ sơ của Quân ủy Trung ương có những nét nhu mì làm dịu nỗi trống trải của ông sau ngày người vợ thứ ba (Hạ Tử Trân) từ biệt ra đi.
Để chung sống chính thức với Giang Thanh, Mao Trạch Đông yêu cầu điều tra về quá khứ của “cô ấy”. Và Khang Sinh (đồng hương với Giang Thanh) từng ở vị trí lãnh đạo Ban tổ chức Trung ương Đảng, chuyên gia Phòng mật vụ, đứng đầu ngành tình báo, đã bảo đảm với Mao Trạch Đông bằng văn bản về “lý lịch hoàn toàn trong sạch” của Giang Thanh.Tiếp đó, Mao Trạch Đông thỉnh thị ý kiến của Đảng. Ban Bí thư Trung ương chấp thuận để Mao Trạch Đông kết hôn Giang Thanh cuối năm 1938 với điều kiện Giang Thanh chỉ “phụ trách việc chăm sóc đời sống, ăn ngủ, sức khỏe” của Mao Trạch Đông và không được phép “đảm nhiệm bất kỳ chức vụ gì trong Đảng, không được có ý kiến về nhân sự của Đảng, cũng như tham gia các hoạt động chính trị khác trong vòng 20 năm”. Dĩ nhiên, Giang Thanh không vui gì lắm, nếu không muốn nói là bực bội đối với “khung” quy định ấy.
Ảnh: Mao Trạch Đông và người vợ thứ tư Giang Thanh thời trẻ (ảnh tư liệu Internet)Mãi 24 năm sau, vào tháng 9.1962, khi phu nhân tổng thống Indonesia: bà Sukarno sang thăm Trung Quốc, chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ cùng phu nhân Vương Quang Mỹ đón ngày 24.9 theo nghi lễ ngoại giao là đủ rồi. Nhưng bất thần, Mao Trạch Đông quyết định tiếp bà Sukarno buổi khác nữa, có cả Giang Thanh cạnh ông. Ngay sau buổi tiếp, Nhân dân nhật báo ngày 30.9 đã in trang đầu bức ảnh cỡ lớn chụp Mao Trạch Đông và Giang Thanh xuất hiện bên nhau trong buổi tiếp phu nhân tổng thống Sukarno. Đó là tín hiệu đầu tiên cho thấy Mao Trạch Đông muốn chính thức giới thiệu Giang Thanh bước lên vũ đài chính trị mà “không cần một lời tuyên bố” nào.
Về sau, ban đầu Mao Trạch Đông đưa Giang Thanh vào vị trí “Tổ phó thứ nhất của Tổ cách mạng văn hóa” (1966), rồi dần dần nắm thực quyền “thay thế cả Ban Bí thư và Bộ Chính trị, trở thành cốt lõi Bộ Tư lệnh mới của Mao Trạch Đông” để thật sự “leo lên đỉnh cao quyền lực”, ra tay “sát phạt” nhiều danh thần, mà nguyên soái Bành Đức Hoài là “tội phạm đặc biệt” số một.
Thật ra nguyên do (thường được các nhà nghiên cứu nhắc tới) có thể bắt nguồn từ năm 1959, khi Bành Đức Hoài mạnh miệng phê phán “bước tiến nhảy vọt” của Mao Trạch Đông đã “sai lầm từ gốc rễ”. Hơn 45 năm sau (tháng 9.2005), lời phê phán ấy mới chứng thực rõ ràng lần nữa qua số liệu chính thức được giải mật theo Quyết định của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc là: trong 4 năm thực hiện “bước tiến nhảy vọt” đã đưa đến thảm kịch: 37,55 triệu người chết đói (nhiều hơn số người chết trong chiến tranh thế giới thứ hai).
Tài liệu của Tân Tử Lăng – nguyên cán bộ nghiên cứu và giảng dạy tại Học viện Quân sự cấp cao, Đại học Quân chính, Đại học Quốc phòng Trung Quốc – bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam – ghi nhận về một trong những cảnh đau lòng nhất trong “nạn đói lịch sử” ấy, cho biết vì không còn gì ăn nên “nạn ăn thịt người đã diễn ra ở Tứ Xuyên và nhiều nơi khác – khi chôn người chết chỉ vùi nông, tối đến bới lên xẻo lấy thịt ăn, hoặc tang chủ đã lóc thịt thân nhân trước khi mai táng. Tàn nhẫn hơn là nạn ăn thịt trẻ con, điển hình là chuyện xảy ra ở Đội sản xuất số 1, Đại đội 5, Công xã Đông Dương, huyện Sùng Khánh, Khu Ôn Giang, tỉnh Tứ Xuyên.
Theo lời Trịnh Đại Quân, nguyên cán bộ Ban công tác nông thôn huyện Sùng Khánh. Đội sản xuất trên có 82 hộ, 491 nhân khẩu, chỉ trong một năm từ tháng 12.1959 đến tháng 11.1960, đã có 48 bé gái 7 tuổi trở xuống bị người lớn ăn thịt, chiếm 90% số bé gái cùng độ tuổi ở nơi này, 83% số gia đình ở đội này từng ăn thịt người.Chuyện đau lòng đó diễn ra trong bối cảnh lương thực hết sạch, mọi người từng nhiều ngày phải ăn giun dế, côn trùng, lá cây, vỏ cây, cỏ dại, và cả đất thô. Kế toán Vương Giải Phóng là người đầu tiên phát hiện vụ ăn thịt trẻ con. Hồi đó, tuy nhà ăn tập thể thực tế đã ngừng hoạt động vì không còn lương thực nữa, nhưng lệnh cấm các gia đình nấu nướng vẫn còn hiệu lực, bếp nhà ai nổi lửa là phạm pháp.
Đêm ấy, đến lượt Vương cùng hai người khác đi tuần. Các mái nhà phủ trắng tuyết đầu mùa sáng hẳn lên khi vầng trăng nhô ra khỏi đám mây. Nhóm tuần tra phát hiện một dải khói mỏng tỏa ra từ mái nhà bần nông Mạc Nhị Oa.
Họ chia tay nhau bao vây vu hồi, rồi đồng loạt bấm đèn pin nhảy vào nhà, nổ một phát súng cảnh cáo: tất cả ngồi im ! Đèn dầu được châm lên, nhà Nhị Oa có 8 nhân khẩu, đã chết đói 2, còn lại 6 người, nhưng lúc này chỉ thấy có 5. Thành viên thứ 6 là bé gái Thụ Tài 3 tuổi vừa bị giết hại, xẻ ra lấy thịt, đang luộc trong nồi” (còn nữa). -
02/07/2014 at 00:27 #3005NCQTKeymaster
Kỳ 3: Mật lệnh sau “bức tường đỏ”
Một đêm cuối năm 1966, thủ tướng Chu Ân Lai nhận điện thoại cầu cứu khẩn cấp từ Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) gọi về theo đường dây đặc biệt, báo tin nhóm Hồng vệ binh từ Bắc Kinh tới, đã trèo tường leo vào nơi nguyên soái Bành Đức Hoài đang ở bắt ông đi mất…
Thời hoàng kim: Bành Đức Hoài ký thỏa thuận đình chiến trong chiến tranh Triều Tiên 1953Suốt đêm ấy, Chu Ân Lai không ngủ vì mới hôm nào “Bộ trưởng Bộ công nghiệp than Trương Lâm Chi bị phái tạo phản đấu đá bức cung đến nỗi phải bỏ mạng (…) Những sự việc vô thiên vô pháp cứ liên tiếp xảy đến: La Thụy Khanh (đại tướng), Trần Nghị, Hạ Long (nguyên soái) bị đấu”, giờ đây Hồng vệ binh ngang ngược đòi giải “tên tội phạm đặc biệt” Bành Đức Hoài về Bắc Kinh thẩm vấn.
Chu Ân Lai lập tức chỉ thị Bộ tư lệnh Vệ Tuất đưa lực lượng đến ga Bắc Kinh chờ sẵn để “bố trí chỗ ở và học tập cho đồng chí Bành Đức Hoài thật chu đáo”. Và lệnh quân khu Thành Đô phái người cùng đi với Hồng vệ binh “hộ tống đồng chí Bành Đức Hoài trở về Bắc Kinh (…) đảm bảo tuyệt đối an toàn”. Nhưng Hồng vệ binh chỉ “tuân theo thánh chỉ của Giang Thanh, không còn coi trọng các chỉ thị của thủ tướng Chu Ân Lai nữa” (sđd, tr.235). Điều ấy nêu rõ qua bài viết của Tạ Liễu Thanh đăng trong phần phụ lục cuốn “Bốn người vợ của Mao Trạch Đông” tóm lược dưới đây.
Từ mùa hè 1966, đằng sau “bức tường đỏ” của Trung Nam Hải (trung tâm quyền lực chính trị cao nhất của toàn Trung Quốc) cuộc “Đại cách mạng văn hóa vô sản long trời lở đất” đã được vạch sẵn. Đến 13.12.1966, gió bấc thổi lạnh khắp đường phố Bắc Kinh nhưng không khí trong tòa nhà Quốc hội vẫn bừng nóng bởi những lời kích động của Giang Thanh trong buổi huấn thị các “tiểu tướng” Hồng vệ binh, rằng: Bành Đức Hoài hiện đang ở Thành Đô như “một ông vua chư hầu không ai dám đụng đến” và hạ chỉ:
– “Các cậu phải bắt hắn trở về Bắc Kinh, quật ngã hắn xuống đất” (sđd, tr. 217-218)
Thân phận nguyên soái Bành Đức Hoài sau khi bị người vợ thứ 4 của Mao Trạch Đông hạ chỉTuân lệnh, Vương Đại Tân cùng Hồng vệ binh có mặt ở Thành Đô đêm Giáng sinh 24.12.1966. Ngay đêm ấy những khẩu hiệu cỡ lớn đột ngột xuất hiện đầy rẫy trên các tường nhà viết chữ lớn: “Nã pháo vào Bành Đức Hoài!”.
Sớm hôm sau 25.12, Hồng vệ binh “giải Bành Đức Hoài đến nhà ga, vừa kéo vừa đẩy, bắt ông phải lên con tàu đi Bắc Kinh”. Giữa khuya, Hồng vệ binh không để ông già 68 tuổi như Bành Đức Hoài ngủ yên mà thay nhau “thét vào tai ông”, bắt khai rõ những “tội trạng phản cách mạng” ngay trên tàu. Rạng sáng 26.12, ông quá khát nước, lảo đảo lần bước vào buồng vệ sinh “vặn vòi nước, vụm hai tay vốc lên mấy vốc, ghé miệng uống ừng ực” (sđd, tr.257).
Những người đi cùng chuyến tàu khó hình dung ông già phờ phạc đứng trước mặt họ từng có thời trẻ lẫy lừng đánh Đông dẹp Bắc, chiếm ải Lâu Sơn, đoạt thành Tuân Nghĩa, tiêu diệt 2 sư đoàn, 8 trung đoàn, bắt sống hơn 3000 binh sĩ của đối phương và đích thân chỉ huy đánh tan một vạn quân Mã hồi hung hãn tại thị trấn Ngô Khởi, giành “thắng lợi lớn nhất trên đường trường chinh vạn dặm của Hồng quân”… Nhưng giờ đây vị nguyên soái ấy từ toa lét bước ra với hình hài tiều tụy đang bị đám Hồng vệ binh vô danh quát mắng, có tên giơ tay đòi đánh, ông ngẩng mặt lên nói rõ từng tiếng một:
– “Ta già rồi, năm nay đã gần 70 tuổi, hồi ta còn trẻ, một mình ta đánh gục 20 người, đánh đến mức kẻ nào bỏ chạy thì bỏ chạy, kẻ xin tha mạng thì tha cho, nhưng không bao giờ ta đánh một ông già”.Chẳng cần nghĩ tới đạo lý của câu nói ấy, đến Bắc Kinh, hơn 60 Hồng vệ binh theo khẩu lệnh của Giang Thanh đã lôi “ông già” ra trước Học viện Hàng không đấu tố lần thứ nhất vào 19.7.1967.
Lúc “cao trào”, một Hồng vệ binh khỏe mạnh đã nhảy luôn lên bàn mắng nhiếc, gọi ông bằng mầy: “Mầy chống Mao chủ tịch phải không?”, rồi đấm mạnh vào mặt. Ông già loạng choạng ngã xuống. Đám còn lại túa đến lôi ông dậy đánh tiếp đến ngất xỉu, đưa vào bệnh viện 267. Kiểm tra X-quang thấy sườn bên phải gãy xương số 5, nứt xương số 10, máu tụ ngực trái, tổn thương nặng ngực phải.
Từ đó đến năm 1971, Tổ chuyên án tiếp tục thẩm vấn ông lạnh lùng và dã man với hơn 150 lần, dẫn đến phải nằm liệt giường, tàn phế. Bác sĩ Trại giám sát biết không chữa chạy nổi mới chuyển ông vào bệnh viện Quân giải phóng. Tỉnh dậy, ông thấy tờ bệnh án treo ở đầu giường không viết tên mình (để bảo mật), thay vào đó bằng con số: “Họ tên: 145” (lấy tên giường số 5, buồng 14). Ông uất ức la to:
– Ta không phải con số 145! Ta là nguyên soái Bành Đức Hoài !.Nhưng không ai nghe cả, họ chỉ theo mật lệnh sau “bức tường đỏ” Trung Nam Hải để lấy giấy báo dán kín tất cả cửa sổ, không cho một chút ánh sáng nào lọt qua, làm căn phòng ông nằm trở nên tối om suốt ngày, nhằm giam ông vào thế giới của “địa phủ” ngay giữa trần gian… (còn nữa)
-
02/07/2014 at 00:32 #3006NCQTKeymaster
Kỳ 4: Phu nhân ‘không được chết’
Không chỉ phải nghe hết bản cáo trạng do chánh án Giang Hoa tuyên đọc tại “phiên tòa thế kỷ” ngày 20.11.1980 về tội ác của Giang Thanh và “đồng đảng” – mà Giang Thanh còn phải đối diện với những “cái nhìn phán xét” của các phu nhân có chồng bị hại đang hiện diện tại phiên tòa như bà Vương Quang Mỹ (vợ chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ), Tiết Minh (vợ nguyên soái Hạ Long), Hách Trị Bình (vợ đại tướng La Thụy Khanh)…
Vợ chồng nguyên soái Bành Đức HoàiVà cả phu nhân Phố An Tu (vợ nguyên soái Bành Đức Hoài) nữa. Bà là người “dịu dàng nho nhã” đã bị Hồng vệ binh đối xử thô bạo “túm tóc, đập đầu vào tường”, ép phải lên án chồng mình về “hành vi phạm tội” với những nội dung bịa đặt trắng trợn và thâm độc, vu cáo Bành Đức Hoài là người: “cầm đầu phái chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, cấu kết với nước ngoài phản bội tổ quốc, chống Mao chủ tịch, cố ý hại chết con trai của Mao chủ tịch là Mao Ngạn Anh ở mặt trận Triều Tiên (!)” Song trước sau phu nhân Phố An Tu vẫn một mực bảo vệ thanh danh của nguyên soái Bành Đức Hoài qua thái độ im lặng nhẫn chịu, Hồng vệ binh đưa “tối hậu thư” bằng miệng:
– “Mầy mà không khai ra, bọn tao sẽ đập chết cái đầu chó của mầy!”.
Quá uất giận, bà tìm cách lẻn ra phía Tây ngoại ô Bắc Kinh uống thuốc tự vẫn bên hồ Côn Minh (trong Di Hòa viên). Người quanh vùng kịp phát hiện đưa vào Bệnh viện số 3 thuộc Học viện Y học Bắc Kinh cứu sống và tìm thấy trong túi áo của bà còn rất nhiều những viên thuốc ngủ…
Vậy là bà “không được chết”, mà “phải sống” để tiếp tục mở mắt nhìn những cảnh đau lòng khác ập tới với mình và những người chung quanh trong cơn lốc “cách mạng văn hóa”. Có một lần bà gặp lại nguyên soái chồng mình bất ngờ và chóng vánh, chỉ trong vài tích tắc của buổi chiều thê lương ngày 11.8.1967 lúc bà bị trói dẫn đi đấu tố. Bà thấy một đám Hồng vệ binh khác đang áp tải một “tội phạm” đến gần – cũng bị trói hai tay như bà – rất nhanh bà biết đó là chồng mình: Bành Đức Hoài. Họ nhận ra nhau nhưng “không thể nói với nhau một lời nào” (dầu đã 2 năm xa cách). Đó là “cái nhìn ngắn ngủi” vĩnh biệt nhau ngay khi còn sống. Bởi sau đó hai người vĩnh viễn không bao giờ còn dịp gặp nhau lần nữa.
Đến thời điểm ấy, chồng bà đã bị các tổ chức tạo phản đưa đi khắp nơi, từ Đại học Thanh Hoa và nhiều trường trung học khác, đến trụ sở Ủy ban Khoa học Quốc phòng, Tổng bộ Quân giải phóng với “6 lần bị đấu tố có sự tham gia của hơn 10.000 người và 7 lần bị đưa đi bêu phố” giữa Bắc Kinh. Để đẩy cuộc đấu tố Bành Đức Hoài lên đỉnh điểm, chỉ 4 ngày sau cuộc gặp “nhìn nhau lần cuối” giữa phu nhân và nguyên soái nói trên, đêm 15.8 “Đài phát thanh Nhân dân trung ương đã chính thức đưa tóm tắt về Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc khóa 8 lần 8 của Đảng Cộng sản Trung Quốc về sai lầm của tổ chức phản Đảng do Bành Đức Hoài cầm đầu. Hôm sau Nhân dân nhật báo còn đăng tóm tắt Nghị quyết trên kèm xã luận: Bành Đức Hoài và những trách nhiệm không thể trốn tránh sau hậu trường” khác nào “bản án tử hình” đối với nguyên soái Bành Đức Hoài được tuyên trước công luận một cách “khéo léo”. Nếu Mao Trạch Đông không đồng ý, chắc chắn Giang Thanh và đồng đảng khó có thể nêu “bản án” ấy trên sân khấu công luận đương thời như thế.
Những tình tiết và trích dẫn trên đây, trong kỳ báo này, là từ cuốn “Giờ phút cuối cùng của 9 vị nguyên soái Trung Quốc” (GPCC), nguyên tác: La Nguyên Sinh, NXB Thanh Niên Trung Quốc 2004 (Nguyễn Gia Linh biên dịch, NXB Lao Động 2009), ghi nhận:
“Ngày 29.11.1974, thời tiết Bắc Kinh rất lạnh, gió mùa đông bắc thổi rin rít, lay động cả các cành cây trơ trọi, hất hết cát bụi vào người đi đường. Bên ngoài cửa sổ buồng bệnh số 14 ở Bệnh viện Quân giải phóng gió lạnh gào thét, thổi hất tung những mảnh giấy báo bị xé vụn… Trong phòng, Bành Hoài Đức đã mất đi hết cảm giác, mồm và mũi cùng bị chảy máu. 14 giờ 52 phút chiều cùng ngày, trái tim ấy đã ngừng đập, mà bên cạnh không có lấy một tiếng khóc của người thân”.
Cái chết của Bành Đức Hoài không những là một bi kịch trong lịch sử Trung Quốc, mà còn để lại một trang bi thảm về chặng đời cuối cùng của một danh tướng có tên trong lịch sử quân sự thế giới. Thi hài của Bành Đức Hoài chưa được khâm liệm, Tổ chuyên án đã báo cáo: “Bành Đức Hoài là phần tử phản bội tổ quốc, âm mưu đoạt quyền, phản cách mạng. Chúng tôi xin đề nghị đổi tên hắn thành “Vương Xuyên” và hỏa táng thi thể, sau đó chôn tro xương ở một nghĩa địa công cộng”.
Lúc ấy với chức vụ Phó chủ tịch Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Vương Hồng Văn đã đồng ý phê duyệt báo cáo trên. Nên tro xương của nguyên soái Bành Đức Hoài bị đựng trong một chiếc hộp bằng gỗ sơ sài, bên ngoài ghi “số 273” kèm mấy chữ gọn lỏn: “Vương Xuyên, đàn ông” – chẳng ai biết đó là tro tàn của một vị khai quốc công thần của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa… (còn nữa)
-
02/07/2014 at 00:35 #3007NCQTKeymaster
Kỳ 5: Đại tướng La Thụy Khanh nhảy lầu tự vẫn
Bị giam trong phòng “tội phạm đặc biệt” cùng dãy hành lang với nguyên soái Bành Đức Hoài ở bệnh viện Quân Giải phóng nhưng đại tướng La Thụy Khanh không hề hay biết…
Mãi đến khi được phép ra ngoài tập đi lại từng bước ông mới thấy một phòng tương tự gần nơi mình nằm có lính cầm súng gác và một tấm bình phong che chắn cửa ra vào. Ông nói bâng quơ: “Chẳng hiểu ai bị nhốt trong ấy”.
Con gái Điểm Điểm của ông thưa: “Nghe nói họ nhốt bác Bành Đức Hoài!” Từ đó ông ngầm để ý xem các hộp cơm do lính gác đem vào cho Bành Đức Hoài ăn, lúc bưng ra vơi hết hay còn. Hễ hôm nào nguyên soái bỏ ăn là hôm ấy hộp còn nguyên. Không ít lần La Thụy Khanh thấy không những các hộp cơm còn nguyên mà kèm theo tiếng la hét đập phá vang ra từ căn buồng tối tăm ấy.
La Thụy Khanh khi còn là Bộ trưởng Bộ Công anNhững lần như thế, La Thụy Khanh không khỏi hồi tưởng lúc Bành Đức Hoài bị bãi chức vào năm 1959, Lâm Bưu lên thay làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thì quan hệ giữa La Thụy Khanh và Lâm Bưu chưa rạn nứt.
Sang đầu thập niên 1960, Lâm Bưu mới lộ dần “khoảng cách” đáng sợ. Nhất là từ tháng 1.1965, khi Lưu Thiếu Kỳ với tư thế Chủ tịch nước, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, đã đề nghị đưa Tham mưu trưởng La Thụy Khanh vào danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng: “tuy đây chỉ là chức vụ danh dự, không có thực quyền, nhưng sự đề bạt này có nghĩa là đã đưa La Thụy Khanh đứng vào hàng ngũ các nguyên soái” (Tân Tử Lăng – tài liệu đã dẫn trong Kỳ 2) – gây “khó chịu” cho Lâm Bưu. Vài tháng sau, Lâm Bưu tố cáo thẳng thừng với Mao Trạch Đông về “nguy cơ Lưu Thiếu Kỳ và La Thụy Khanh đang cấu kết để mưu nắm hết quân quyền”. Nhưng La Thụy Khanh đang được Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Hạ Long và các lãnh đạo Quân ủy trung ương ủng hộ, nên Lâm Bưu chưa bức hại được.
Đợi đến dịp Giang Thanh cùng ra tay, mối nguy hiểm mới thực sự đến bên thềm nhà La Thụy Khanh. Nguyên đêm 26.11 năm ấy, Giang Thanh gặp La Thụy Khanh đòi cấp quân phục cho mình để mặc trong các cuộc tọa đàm về tình hình văn nghệ quân đội (làm “ngòi nổ” cho cuộc cách mạng văn hóa) nhưng La Thụy Khanh từ chối “vì bà ta không có quân tịch”.
Giang Thanh hậm hực ra về, lúc đó Lâm Bưu mới phái vợ mình là Diệp Quần đáp máy bay bí mật đến gặp Mao Trạch Đông vào 5 giờ sáng ngày 1.12 tại một biệt thự ở Hàng Châu để “báo cáo khẩn cấp” về La Thụy Khanh.
Không lâu sau, Mao Trạch Đông giao Lâm Bưu chủ trì Hội nghị Thường vụ Bộ chính trị mở rộng họp tại Thượng Hải từ ngày 8 đến 15.12.1965 với 38 người, trong đó có các lãnh đạo trung ương và tướng lĩnh cao cấp, để Diệp Quần lần đầu tiên và bất ngờ đứng lên tố cáo “La Thụy Khanh âm mưu cướp quyền lãnh đạo quân đội, ép Lâm Bưu nhường ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”. Mặc dầu “Bành Chân, Lưu Bá Thừa bỏ phiếu chống, Lưu Thiếu Kỳ, Trần Văn, Đặng Tiểu Bình. Hạ Long, Lục Định Nhất, Lý
Phú Xuân, Đàm Chấn Lâm bỏ phiếu trắng” nhưng cuối cùng hội nghị vẫn quyết định:
Tước hết các chức vụ: Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng, Tổng tham mưu trưởng quân đội của La Thụy Khanh.La Thụy Khanh không được phép có mặt tại Hội nghị để bào chữa cho mình, xin gặp Mao Trạch Đông và Lâm Bưu nhưng cũng bị bác bỏ. Ông đóng cửa suốt mấy tháng liền trước và sau Tết nguyên đán năm ấy không muốn tiếp khách cho đến khi hay tin Quân ủy Trung ương theo lệnh Lâm Bưu và Giang Thanh vừa lập Tổ chuyên án để thẩm tra đấu tố ông. Không chịu nổi nghịch cảnh, ngày 18.3.1966 đại tướng La Thụy Khanh đã nhảy lầu tự tử.
Nhưng ông không chết, bị gãy chân và cần được chữa chạy gấp. Song Lâm Bưu đã có chỉ thị phải làm chậm quá trình cấp cứu để dành thời gian đấu tố ông, khiến sau này phải phẫu thuật cắt bỏ đi gần nửa chân trái, rồi tháo luôn phần xương chân còn lại, làm vị đại tướng nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, một trong những tham mưu hàng đầu trong cuộc “vạn lý trường chinh” ngày nào phải chống gậy khập khểnh đi qua mùa gió loạn…
Về giai đoạn trên, tài liệu Tân Tử Lăng nhận định: Mao Trạch Đông “hy sinh” La Thụy Khanh (để Lâm Bưu bức hại), sau đó tính tới “đối thủ” khác (triệt hạ Lưu Thiếu Kỳ và tăng cường quyền uy cho Lâm Bưu), để “dấy lên phong trào quần chúng học tập và vận dụng tác phẩm của Mao mang màu sắc cuồng nhiệt tôn giáo trong 3 triệu quân nhân – đây là sự chuẩn bị về dư luận, tư tưởng và chính trị quan trọng nhất cho đại cách mạng văn hóa”, đạt “kỷ lục thế giới” về ngót 5 tỷ cuốn “Mao tuyển” trích lời “giáo huấn” của Mao Trạch Đông được in ra giữa thời đói kém.
Để rồi sau 10 năm Đại cách mạng văn hóa “theo Diệp Kiếm Anh tiết lộ tại lễ bế mạc Hội nghị công tác trung ương ngày 13.12.1978: có 20 triệu người chết, 100 triệu người bị đấu tố, lãng phí 800 tỷ nhân dân tệ” – để lại một nước Trung Hoa đầy ngập oan hồn… (còn nữa)
-
02/07/2014 at 00:37 #3008NCQTKeymaster
Kỳ 6: Ai đặt máy nghe lén trong buồng ngủ Mao Trạch Đông’?
Khi phát hiện buồng ngủ của mình trên toa xe lửa “tuần du” đến Hồ Nam bị đặt máy nghe lén hiện đại, Mao Trạch Đông không khỏi kinh ngạc, gọi ngay những người có trách nhiệm cao nhất về an ninh đang ở quanh mình và cả Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ từ Bắc Kinh bay đến giải trình…
Tháng 2.1961, chuyến xe lửa tuần du phương nam của Mao Trạch Đông dừng lại tại thủ phủ tỉnh Hồ Nam, một nữ nhân viên xinh đẹp trong tổ phục vụ của Mao Trạch Đông đã bất thần báo cáo với ông:“Thưa Chủ tịch, có người nào đó đã đặt máy nghe trộm trong buồng ngủ của Chủ tịch!”. Ông hỏi đôi ba lần vì sao biết?. Cô ta trả lời vì người bạn trai cùng tổ của cô tiết lộ: “Anh đã nghe được tiếng nói của em trong buồng ngủ của Mao Chủ tịch”. Mao Trạch Đông gọi ngay Dương Thượng Côn (*) đến, hỏi thẳng mặt: “Ai bảo các ông đặt máy nghe trộm trên xe lửa?”. Tài liệu Tân Tử Lăng cho biết câu đáp của Dương Thượng Côn và chi tiết tiếp đó (tóm lược) như sau:
– “Thưa Chủ tịch, từ ngày phát động “bước tiến nhảy vọt” đến nay, Chủ tịch thường tiếp một số đồng chí trên xe lửa, triển khai nhiều ý kiến mà thư ký không thể ghi chép đầy đủ hết, bỏ sót nhiều chỉ thị quan trọng của Chủ tịch. Vì thế Ban Bí thư quyết định đặt máy nghe trên xe lửa để ghi lại những gì Chủ tịch nói ra…”.
Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ bị Hồng vệ binh đấu tốGiận lắm, nhưng bản lĩnh tự kiềm chế của Mao Trạch Đông rất thượng thừa, nên ông chỉ nói nhỏ nhẹ, vừa phải: “Các ông tốn nhiều công sức tôi không trách. Tôi hỏi thiết bị nghe lén do ai cung cấp?”. Dương Thượng Côn đáp: “Thưa Chủ tịch, thiết bị nghe lén hiện đại nhập từ nước ngoài thông qua con đường hữu quan với danh nghĩa của Văn phòng Trung ương Đảng ta”. Mao tiếp: “Lắp đặt từ bao giờ?”. “Dạ, từ tháng 1 năm 1959 đến nay”. Mao Trạch Đông hỏi: “Đã hơn hai năm rồi đấy, mà tôi chả biết chút nào. Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình có biết không?”. Dương Thượng Côn đáp: “Hai đồng chí ấy tán thành”.
Rời khỏi cuộc tra vấn trên, Dương Thượng Côn lạnh toát mồ hôi, điện thoại ngay cho Lưu Thiếu Kỳ. Lưu Thiếu Kỳ lập tức đáp máy bay đến gặp Mao Trạch Đông để “trình nghị quyết của Ban Bí thư tháng 12.1958 về việc đặt máy ghi âm tại buồng ngủ của Mao trên xe lửa và giải thích việc này chỉ nhằm bám sát, học tập chỉ thị của Mao không có ý gì khác” và đề nghị kiểm tra, tiêu hủy toàn bộ số băng ghi âm cùng các bản chỉnh lý lưu trữ tại phòng bảo mật của văn phòng Trung ương. Lưu Thiếu Kỳ nói tuy đây là chủ kiến của Ban Bí thư, nhưng Lưu đã “tán thành cho làm, nên ông xin lỗi Mao Trạch Đông và sẵn sàng chịu kỷ luật”. Mao làm bộ tươi cười: “Các ông rõ là tốt bụng…” song thòng thêm một câu có ý trách Lưu Thiếu Kỳ đã “làm một việc không hay lắm”.
Từ đó, theo nhận định của Tân Tử Lăng: “Mao Trạch Đông không tin cậy Lưu Thiếu Kỳ và Ban Bí thư nữa, nó là bước ngoặt khiến quan hệ Mao Trạch Đông – Lưu Thiếu Kỳ trở nên thù địch”. Tế nhị và “nguy hiểm” nhất là: Lưu Thiếu Kỳ thấy rõ sai lầm của Mao Trạch Đông trong “bước tiến nhảy vọt” – điều mà Mao Trạch Đông rất “kỵ” – tất yếu dẫn đến bi kịch cuối đời Lưu Thiếu Kỳ như sau:
Ngày 6.1.1967 Giang Thanh đạo diễn việc đưa phu nhân Vương Quang Mỹ (vợ Lưu Thiếu Kỳ) đến Đại học Thanh Hoa phê đấu. Đêm 13.1, Lưu Thiếu Kỳ đến gặp Mao Trạch Đông lần cuối xin từ chức Chủ tịch nước để “cùng vợ con về quê làm ruộng”. Nhưng vẫn không xong, vì sau đó Giang Thanh vận động hơn 300.000 người dự đại hội phê phán Vương Quang Mỹ “Từ sáng sớm, ôtô của Hồng vệ binh đã vào Trung Nam Hải bắt người. Vương Quang Mỹ bị dẫn đến tầng 7 tòa nhà chính của Đại học Thanh Hoa, bị cưỡng bức mặc bộ trang phục hồi đi thăm Indonesia và bị choàng lên cổ một chiếc “dây chuyền” cực lớn xâu bằng những quả bóng bàn (…). Hôm sau, tin ảnh về “ba lần thẩm vấn Vương Quang Mỹ” xuất hiện trên các bản tin của Hồng vệ binh làm chấn động dư luận thế giới”, vì qua đó “sự tôn nghiêm của Lưu Thiếu Kỳ trên cương vị Chủ tịch nhà nước Trung Quốc bị quét sạch trơn”.
Ngày 5.8.1967, Giang Thanh và đồng đảng triệu tập hơn 1 triệu người tụ về quảng trường Thiên An Môn để hỏi tội Lưu Thiếu Kỳ (và Đặng Tiểu Bình, Đào Chú) rồi đấu tố họ tại chỗ. Riêng Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ bị đánh sưng mặt, tuột cả giày, lảo đảo đi hai chân không rời khỏi quảng trường. Khoảng hơn một tháng sau, ngày 13.9.1967 mới thực sự là ngày đại nạn, ly tan của gia đình Lưu Thiếu Kỳ, phu nhân Vương Quang Mỹ bị bắt, ba người con ở tuổi đi học phải chịu thẩm tra và ông “bị giam ngay trong văn phòng Chủ tịch nước (…) mấy lần đấu đá khiến bị thương nặng nề (…) mỗi bữa ăn khoảng cách đến nhà ăn chỉ chừng 30 mét, mà ông phải lê đôi chân bị thương đi mất 50 phút. Người ta đã nhắc nhở lính canh không được đỡ giúp” – năm ấy ông 69 tuổi… (còn nữa)
Nguồn: Một Thế giới
-
02/07/2014 at 00:39 #3009NCQTKeymaster
Kỳ 7: Chủ tịch nước ‘không nghề nghiệp’
Mỗi dịp lễ lớn, ảnh chân dung Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ được phóng to đặt ngang bằng với ảnh Chủ tịch đảng Mao Trạch Đông trên trang nhất các tờ báo phát hành toàn Trung Quốc một cách trang trọng. Thế mà khi chết, thi hài Lưu Thiếu Kỳ bị bí mật đưa vào lò hỏa táng dưới cái tên lạ hoắc: “Lưu Vệ Hoàng: không nghề nghiệp”…
Vương Quang Mỹ và cố Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Lưu Thiếu KỳĐược Mao Trạch Đông bật đèn xanh, Giang Thanh ngang nhiên vượt “lằn ranh” của hiến pháp, sai đem Chủ tịch nước ra trước đám đông luận tội. Có lần ngót một vạn rưỡi người của hơn 500 tổ chức tạo phản từ khắp nơi được lệnh kéo về Bắc Kinh, dựng 7.000 căn lều bên “bức tường đỏ” Trung Nam Hải, tuyên bố lập “phòng tuyến lửa” chống Lưu Thiếu Kỳ. Ròng rã suốt mấy chục ngày đêm, 500 loa phóng thanh của Hồng vệ binh lớn tiếng rêu rao nhiều tội trạng tưởng tượng của Chủ tịch nước – tội nào cũng có thể đưa vào khung tử hình, như: “phản quốc, làm nội gián và tay sai Quốc Dân Đảng, chống Mao Chủ tịch” v.v…
Đợi tình thế chín muồi, Giang Thanh chính thức đệ trình báo cáo “khống” về những “tội lỗi đáng chết” ấy của Lưu Thiếu Kỳ lên Hội nghị Trung ương 12, khóa 8 – do Mao Trạch Đông chủ trì tại Bắc Kinh (từ 13 đến 31.10.1968) – để “ép” hội nghị biểu quyết công khai (bằng giơ tay), quyết định: “Khai trừ vĩnh viễn Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi Đảng”.
Chờ đúng ngày sinh nhật lần thứ 70 của Lưu Thiếu Kỳ (24.11.1968), Giang Thanh mới chuyển băng ghi âm nghị quyết trên để Lưu Thiếu Kỳ nghe, làm ông bị sốc, ức nghẹn không nói được lời nào, thở dồn dập và ngã xuống giường sốt cao đến 400, huyết áp vượt mức báo động 260/130. Sau “món quà sinh nhật” đầy ác tâm ấy của Giang Thanh, ông gần như rơi vào tình trạng nửa sống nửa chết, đến tối 17.10.1969 hơi thở yếu thấy rõ. Được tin, Hồng vệ binh theo lệnh Giang Thanh gấp rút đưa ông lên máy bay quân sự chở tới kho bạc cũ ở Khai Phong giam giữ. Nơi này có những cánh cửa bằng thép che chắn bên ngoài. Dưới đất có hai trung đội vũ trang canh gác ngày đêm. Trên cao bố trí 4 khẩu súng máy ở các mái nhà quanh đó chĩa xuống.
Bị giam trong “lòng chảo” trá hình như vậy, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ kiệt sức dần và qua đời lúc 6 giờ 40 phút sáng 12.11.1969 dưới nền đất lạnh. Quanh ông tuyệt nhiên không có một người thân. Phu nhân Vương Quang Mỹ đang bị cô lập. Vệ sĩ của ông là Lý Thái Hòa đến nhận xác, thấy từ khóe miệng của Chủ tịch vài vệt máu chưa kịp khô, nhưng tay chân đã cứng. Người vệ sĩ trung thành dùng kéo xén bớt mái tóc bạc quá dài đã nhiều ngày không ai cắt giúp, lấy tay vuốt mắt, mặc quần áo và xỏ “giày vĩnh biệt” cho ông.
Cùng lúc đó, nhân viên Tổ chuyên án do Giang Thanh phái đến đưa máy ảnh lên chụp cảnh tượng trên (để mang về trình báo Mao Trạch Đông) và hối thúc đưa nhanh thi hài “tên phản Đảng” ra xe. Đó là chiếc xe quân sự quá nhỏ làm hai chân của xác chết phải lòi ra một khúc khỏi thùng xe. Thi hài Lưu Thiếu Kỳ hỏa táng dưới cái tên “Lưu Vệ Hoàng, không nghề nghiệp” – đồng nghĩa với tình cảnh của một người chết vô danh (tuy có tên nhưng mới vừa đặt – không ai biết), vô gia cư (chẳng có ai nhận về chôn) và… vô nghề nghiệp!
Viết về thời kỳ bức hại phi pháp thảm khốc tương tự, sách báo Trung Quốc những năm gần đây có nhiều nhận định khác nhau về vai trò Mao Trạch Đông và Giang Thanh. Đại khái có 3 cách nhìn: 1. Như cuốn “Bốn người vợ của Mao Trạch Đông” có ẩn ý “đổ tội nhiều hơn cho Giang Thanh”. 2. Hoặc cuốn “10 năm cuối đời của Mao Trạch Đông” do Trần Trường Giang (người trực tiếp bảo vệ Mao Trạch Đông 27 năm, đến khi Mao Trạch Đông qua đời) hầu như “đổ hết tội cho Giang Thanh”. 3. Có khoảng cách khá xa so với những ý kiến tương tự như hai cuốn trên là nhận định của nhà nghiên cứu Tân Tử Lăng, đã đẩy vai trò “sáng tạo và đạo diễn” thảm kịch lịch sử về phía Mao Trạch Đông, mà Giang Thanh là “diễn viên” xuất sắc nhất. Thử nêu dưới đây vài nội dung cụ thể của “3 cách nhìn” đó.
Mở đầu với cuốn “Bốn người vợ của Mao Trạch Đông” (sđd Kỳ 1) phân tích sự khác biệt về tính cách và sở thích giữa hai người: “Mao Trạch Đông chuyên đi xe lửa, Giang Thanh lại chỉ thích đi máy bay. Trong văn học và hý kịch, Mao Trạch Đông thích cổ điển, còn Giang Thanh thì chỉ thích hiện đại. Mao Trạch Đông thường làm việc ban đêm, ngủ dậy muộn, Giang Thanh thì dậy rất sớm. Khi ăn, Mao Trạch Đông ăn ngốn ăn ngấu, không kén cá chọn canh, Giang Thanh thì chỉ thích của lạ, ăn tươi sống. Mao Trạch Đông rất thích ăn cay, Giang Thanh không thích.
Mao Trạch Đông không cho phép để hoa cỏ, đồ vật trang trí và các con vật nhỏ trong nhà. Giang Thanh thì thích trồng hoa lan và nuôi khỉ. Mao Trạch Đông có gì mặc nấy, Giang Thanh thì rất cầu kỳ, hàng tuần cứ phải dành riêng thời gian để chọn quần áo, thị thích màu cà phê, rất ghét màu vàng, có khi một ngày phải thay ba bộ quần áo – Mao Trạch Đông không thích nghe bác sĩ giảng giải, mà các nhân viên y tế lại là khách thường xuyên trong đời sống của Giang Thanh”, nên có lần Mao Trạch Đông nhận xét: “một người không chịu rèn luyện thân thể, chỉ có ăn ngon mặc đẹp, ở sướng, ra khỏi cửa là ngồi xe ô tô (như Giang Thanh) thì người ấy lúc nào cũng bệnh!” (còn nữa)
-
02/07/2014 at 00:42 #3010NCQTKeymaster
Kỳ 8: Giang Thanh ‘một bước lên trời’
Tro tàn hỏa táng Lưu Thiếu Kỳ chưa kịp nguội, thì đến lượt Phó thủ tướng Đào Chú – người dám đập bàn chỉ trích thẳng mặt Giang Thanh – phải nhận lấy “cái chết lưu đày” ở An Huy giữa một ngày tuyết lạnh cuối năm 1969…
Ở tuổi xế chiều, hai vợ chồng Mao Trạch Đông – Giang Thanh vượt qua những cách biệt về sở thích riêng trong cuộc sống hằng ngày, để tìm đến “một chỗ chung” hòa hợp trên chính trường đang “nóng” của những năm 1966 – 1976.
Mao Trạch Đông và Giang Thanh – người được tạp chí Time bình chọn là một trong 25 người phụ nữ quyền lực nhất thế kỷ 20Cuốn “Bốn người vợ của Mao Trạch Đông” viết: “Quan hệ hôn nhân của họ lúc bấy giờ đã trở thành chủ yếu là quan hệ hôn nhân mang màu sắc chính trị. Do đó tại Đại hội IX năm 1969 Giang Thanh đã ung dung một bước đến trời, trở thành Ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng.” (tr.175).
Đại hội trên kéo dài từ ngày 1 đến 24.4.1969 đưa Giang Thanh lên đỉnh cao mới và chính thức nhận chìm Lưu Thiếu Kỳ (theo biểu quyết từ Hội nghị lần thứ 12 – khóa VIII – Xem kỳ 7). Cuốn “Mười năm cuối đời của Mao Trạch Đông” do Trần Trường Giang và Triệu Quế Lai viết (*) nhận xét “quyết định sai lầm tai hại” của Đại hội IX là đã tạo thế lực cho Giang Thanh (và “tập đoàn Lâm Bưu”) lộng hành.
Mao Trạch Đông còn khẳng định đã “đưa vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc các nhân tố mới, có bầu nhiệt huyết mới, tăng cường thêm sinh lực” (ám chỉ các “lãnh tụ” của đại cách mạng văn hóa vừa được bầu vào BCH TW Đảng) song “Chủ tịch không ngờ chúng đi ngược lại ý nguyện của Người (…) không những không thực hiện được mục tiêu sự nghiệp của Chủ tịch mà còn gieo mầm bạo loạn cho Trung Quốc sau này. Thật bất hạnh vô cùng”. Viết như thế, tác giả “Mười năm cuối đời của Mao Trạch Đông” cho đường lối và mục tiêu của Mao Trạch Đông vẫn đúng, chỉ có tập đoàn Giang Thanh thực hiện sai.Nhưng một số nhà nghiên cứu trong đó có Tân Tử Lăng nhận định khác hẳn. Hãy lùi lại hơn nửa năm trước Đại hội IX ấy, tức vào tháng 8.1968, Hồng vệ binh đem 3 cặp vợ chồng của Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tử Bình và Đào Chú ra quảng trường Thiên An Môn đấu tố, bắt cả 6 người ngồi theo kiểu “bó gối”, thay nhau đấm đá túi bụi. Đào Chú mang thương tích đầy người vì ông phản ứng dữ dội nhất và cũng vì ông là đối tượng cá biệt có “ân oán riêng” với Giang Thanh. Chuyện thế này:
Đào Chú thuộc thế hệ cách mạng kỳ cựu, làm Bí thư thứ nhất Cục Trung Nam kiêm Chính ủy thứ nhất Đại quân khu Quảng Châu. Khi đại cách mạng văn hóa sắp bùng nổ lớn, Mao Trạch Đông gọi ông về Bắc Kinh, giao giữ Thường trực Ban bí thư, Phó thủ tướng, Cố vấn Tổ cách mạng văn hóa. Một lần nọ, Giang Thanh dựa thế chồng mình “sai” Đào Chú mang chỉ thị đến Viện Khoa học xã hội…Đào Chú chống lại, không đi. Giang Thanh trợn mắt, đập tay xuống thành ghế, quát: “Ông phải đi. Không đi không được”. Đào Chú không khuất phục, cũng đập tay xuống mặt bàn, hét trả: “Không đi ! Đây là tổ chức của Đảng, bà can thiệp quá nhiều rồi !”
Câu nói Đào Chú “vừa đúng, vừa sai”. Đúng vì bấy giờ Giang Thanh không phải là Ủy viên Trung ương Đảng nên chẳng đủ tư thế để “sai bảo” hoặc “bắt bẻ” một Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị như Đào Chú được. “Sai” vì “Giang Thanh ra lệnh với thân phận hoàng hậu, đại bất kính với hoàng hậu là đại bất kính với hoàng đế, làm sao Mao Trạch Đông có thể bỏ qua” (Tân Tử Lăng). Nên chẳng ngạc nhiên chút nào khi Mao Trạch Đông để yên cho Giang Thanh hành động, hạ chỉ điều một đám Hồng vệ binh xâm nhập vào tòa nhà Quốc hội nhục mạ Đào Chú liên tục trong 6 giờ liền ngày 30.12.1966.
Đến chiều 4.1.1967, đoàn tạo phản to tiếng phê phán Đào Chú “không đi theo đường lối Mao Chủ tịch” để ngay tối hôm ấy bắc loa phóng thanh hô to khẩu hiệu “Đánh đổ Đào Chú !” quanh “bức tường đỏ” Trung Nam Hải. Mấy ngày sau, Đào Chú không bao giờ nhận được các tài liệu “tham khảo nội bộ” nữa, đường dây “điện thoại đỏ” dành riêng cho ông cũng bị cắt bỏ thẳng thừng. Không mấy chốc từ vị trí là nhân vật số 4 trong Đảng, Đào Chú trở thành “phạm nhân” luôn có 2 tiểu đội canh giữ bên ngoài, 3 vọng gác thiết lập trong khuôn viên nhà. Ngay phòng ngủ của ông cũng luôn luôn có các nhân viên đội đặc vụ lận súng ngắn thay nhau đứng ở đầu giường suốt 24/24 giờ, không để ông ngủ yên, dường như họ muốn dòm ngó xoi mói vào cả những giấc mộng không thành của người Chính ủy Đại quân khu Quảng Châu năm nào. Tân Tử Lăng viết:
“Việc Đào Chú bị đánh đổ với tội danh “phái bảo hoàng lớn nhất” đã chỉ ra phương hướng hành động cho các tổ chức tạo phản” do Giang Thanh ra mặt ủng hộ để làm loạn quân đội, như phê phán Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Tiêu Hoa là “hạng chính khách tư sản” và bắt “Phó tư lệnh Đại quân khu Nam Trung: Nhiếp Phượng Trí cho vào bao tải, đánh gãy 8 chiếc răng – Phó tư lệnh Đại quân khu Nam Kinh kiêm tư lệnh Hạm đội Đông Hải Đào cũng bị dìm trong giếng nước tại nhà khách của hạm đội, đầu chúc xuống, chết sặc. Nhiều tướng lĩnh cấp cao bị tùy tiện bắt giam, khám nhà, hành hạ, có người tự sát, lãnh đạo Quân ủy trung ương lòng như lửa đốt”… (còn nữa)
Nguồn: Một Thế giới
-
02/07/2014 at 00:45 #3011NCQTKeymaster
Kỳ 9: Đại hội của 7.000 người lãng mạn chính trị
Lần đầu tiên dưới “triều đại” Mao Trạch Đông, hơn 7.000 đại biểu cả nước đã về dự một đại hội hiếm có vì được phép bàn tới những sai lầm của Chủ tịch đảng Mao Trạch Đông – để rồi sau đó không ít người trong số họ phải đứng trước họng súng tra hỏi bởi phái tạo phản của Giang Thanh…
Giang Thanh trong phiên tòa xử “bè lũ bốn tên” (tư liệu Internet)Cuốn “Ảnh hưởng Trung Quốc sử 100 danh nhân” do Vương Huệ Mẫn chủ biên, Nhân dân xuất bản xã ấn hành, Bắc Kinh 1999 (Nguyễn Thanh Hà, Trần Trọng Vân, Nguyễn Giang Linh dịch, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2003) phần viết về Mao Trạch Đông, kết luận: “Những năm tháng cuối đời, Mao Trạch Đông phạm phải một loạt các sai lầm tả khuynh, đặc biệt là cuộc Đại cách mạng văn hóa năm 1966 – 1976 gây nên 10 năm nội loạn tang thương”.
“Nội loạn” thế nào?
Nhật ký của nguyên soái Lâm Bưu (thay Bành Đức Hoài làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thay Lưu Thiếu Kỳ đứng ở vị trí số 2 sau Mao Trạch Đông – với chức danh: Phó chủ tịch đảng duy nhất và mệnh danh: Phó Thống soái), chép: “Giang Thanh thực hiện cuộc đấu tranh đoạt quyền ở Thượng Hải” đầu năm 1967 theo ủy quyền của Mao Trạch Đông và tiếp đó lần lượt “cướp quyền” trên phạm vi toàn quốc tại: Sơn Tây (14.1), Quý Châu (25.1), Sơn Đông (27.1), Bắc Kinh (28.1), Hắc Long Giang (31.1): “nã pháo, đánh đập, cướp bóc, bắt người, đấu đá, gieo hận thù khắp nơi”.
Theo tài liệu Tân Tử Lăng: “bộ máy đảng và chính quyền các cấp bị Hồng vệ binh đánh cho tơi tả (…) Những ai tham gia ban lãnh đạo (của phái tạo phản Giang Thanh) đều có xe hơi riêng, thư ký riêng, thật hấp dẫn, nên nhiều kẻ có dã tâm điên cuồng lao vào cuộc đấu tranh đoạt quyền, thế là diễn ra nội chiến toàn diện – bắt đầu là gậy gộc cuốc xẻng, rồi phái tạo phản cướp vũ khí của quân đội (hoặc quân đội cung cấp vũ khí cho phái tạo phản mà mình ủng hộ) có từ súng trường tự động đến súng máy, lựu đạn, thậm chí pháo lớn. Ở thành phố Thành Đô có cả xe tăng. Chỉ qua 20 tháng, xã hội đại loạn, đấu tranh cướp quyền và chống cướp quyền nổ lớn. Ở 29 tỉnh và thành phố trong cả nước đã thành lập chính quyền mới mang tên “Ủy ban cách mạng”. Các bí thư tỉnh ủy và tỉnh trưởng hầu hết bị đánh đổ (…) Vì sao Mao Trạch Đông tự hủy hoại giang sơn của mình như vậy? Phải chăng Mao Trạch Đông phát điên rồi?”. Tân Tử Lăng khẳng định: “Không, Mao không điên, mục tiêu của ông ta là nhằm trừng trị những ai tham gia Đại hội 7.000 người” từng gây bất lợi cho ông.
Vậy “Đại hội 7.000 người” qui tụ những ai?
Gồm đại biểu tỉnh ủy, thành ủy, khu ủy, huyện ủy, lãnh đạo các nhà máy, hầm mỏ quan trọng và cán bộ cốt cán trong quân đội (khai mạc 11.11.1962). Họ đều là những người từng trải trong trận mạc và đấu tranh ngoại giao. Song đứng trước Mao Trạch Đông thời điểm ấy, họ là những nhà “lãng mạn chính trị”, vì dám đề cập đến thảm cảnh đất nước dẫn đến cái chết của hơn 37 triệu rưỡi người sau 3 năm thực hiện “bước tiến nhảy vọt” do Mao Trạch Đông phát động (1958-1961) – với hai “dấu nhấn” về: 1. Phá sản kế hoạch “tăng nhanh sản lượng thép” . 2. “Công xã nhân dân” bị tàn lụi cùng “nhà ăn tập thể”.
Nói “nhà ăn tập thể” trước:
Mao Trạch Đông chỉ thị “cả nước thực hiện một số lý tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng” bằng cách xây dựng “công xã nhân dân” vào năm 1958 theo điều lệ vắn tắt, quy định: “các hợp tác xã hợp nhất thành “công xã” phải nộp toàn bộ tài sản công hữu. Xã viên phải nộp lại “đất phần trăm” và toàn bộ tư liệu sản xuất của xã viên thuộc sở hữu của công xã, song có thể giữ lại một ít gia súc, gia cầm. Căn cứ vào nhu cầu, công xã có thể dỡ dần nhà riêng của xã viên để lấy vật liệu sử dụng, nhà mới dựng thuộc sở hữu của công xã, xã viên muốn ở phải trả tiền thuê. Phần quan trọng của điều lệ này là: nông dân bị tước đoạt hết ruộng đất, nhà cửa, gia súc, cây cối…”.
Thay vào đó họ chỉ hưởng một điều rất phù du là “già trẻ, nam nữ, gái trai đến ăn tại bếp tập thể không phải trả tiền” (cùng với lệnh cấm không được đỏ lửa nấu ăn tại nhà riêng!). Đó thật là điều “không tưởng” quá lớn.
Vì thực tế cho thấy, lúc đầu nhà ăn tập thể nhộn nhịp và thu hút mọi người với các khẩu hiệu nghe rất kêu như: “ăn thật no” và “không phải trả tiền”. Thậm chí nhiều nhà ăn tập thể viết rõ lớn: “ăn no, ăn ngon, ăn sạch”, hoặc “mỗi bữa 4 món thức ăn”. Có nơi tuyên bố: “phấn đấu một tháng 90 bữa ăn, không bữa nào có món ăn trùng lặp, ngang tiêu chuẩn bếp ăn của vua chúa Trung Quốc”. Có nơi coi nhà ăn tập thể là “khởi điểm để tiến lên chủ nghĩa Cộng sản trong vòng 3 năm”! Hơn 3.910.000 nhà ăn tập thể với khoảng 400 triệu người tham gia hoạt động, chiếm 72,6% nhân khẩu trong các “công xã” cuối năm 1959.
Nhưng chẳng mấy chốc – thực tế nghiệt ngã đã ập xuống, như Tân Tử Lăng viết tiếp: “lương thực thực phẩm cạn dần, từ thả sức ăn ngày 3 bữa cơm, chuyển sang ăn cháo, rồi cháo loãng, đến rau dại. Dẫu vậy lãnh đạo địa phương không dám giải tán nhà ăn tập thể” vì sợ làm sai chỉ thị Mao Trạch Đông.
Dầu phải ăn cháo loãng nhưng nông dân không thể rời nhà ăn tập thể vì “toàn bộ khẩu phần lương thực của họ do nhà ăn quản lý hết rồi”. Theo thói quen sẵn có, tới bữa, họ vẫn phải đến sắp hàng để chờ đợi một “phép lạ”, song nạn đói ngày càng tràn tới gần, như ở huyện Tỉnh Nguyên (Tứ Xuyên), bình quân “mỗi người một ngày được phân phối không đến 100 gam lương thực, cứ 8 người có một người chết đói” (còn nữa)
-
02/07/2014 at 00:47 #3012NCQTKeymaster
Kỳ 10: “Bớt vài tấn đất” ngọn Chomolungma vẫn cao như thế?!
“Sấm sét” nổ lớn ngay những giờ đầu của “Đại hội 7.000 người” bởi các đại biểu tập trung phản đối nội dung bản báo cáo do Ủy ban khởi thảo của Mao Trạch Đông soạn ra…
“Bước đại nhảy vọt” của Mao đã khiến hơn 35 triệu người dân Trung Quốc chết đóiNguyên do: dự thảo báo cáo đó muốn trút hết lỗi lầm trong những năm thực hiện “bước tiến nhảy vọt” cho lãnh đạo các địa phương từ cấp tỉnh trở xuống. Trong lúc Mao Trạch Đông mới chính là người gây hậu quả thảm khốc, đưa số người chết đói chiếm tỷ lệ 5,11% dân số cả nước và dẫn đến tình trạng rối bời khắp nơi. Có những trường hợp cố gắng “tự tháo gỡ”, như Bí thư tỉnh ủy An Huy là Trương Khải Phong ra lệnh giải tán toàn bộ hơn 4.000 nhà ăn tập thể ở huyện Vô Vi, bị Mao Trạch Đông phê bình là đã: “đứng trên lập trường giai cấp tư sản, mưu toan phá hoại nền chuyên chính vô sản, chia rẽ đảng Cộng sản”. Ông chỉ thị phải tiếp tục duy trì thiết chế “công xã nhân dân” với “bếp ăn tập thể”, đẩy An Huy trở thành tỉnh có tỷ lệ người chết đói cao nhất nước (chiếm 18,37% – tiếp đến là Tứ Xuyên 13,07%, Quý Châu 10,23%, Hồ Nam 6,81%, Cam Túc 6,45%, Hà Nam 6,12%, Hà Bắc 11%, Giang Tây 1,06%, Thiểm Tây 1,02%, Cát Lâm 0,94%, Chiết Giang 0,55%, Sơn Tây 0,37%…).
Tài liệu Tân Tử Lăng:
Từ mùa hè 1958, do sức ép từ trên xuống, các nơi đều phải khai tăng sản lượng lương thực lên gấp bội: “Dựa vào con số lương thực tự báo đó, trên lại giao mức lương thực phải bán cho nhà nước. Cán bộ cơ sở và nông dân đứng trước một thực tế gay gắt: nếu bán lương thực theo chỉ tiêu, thì không còn cái ăn và cũng hết sạch cả hạt giống”. Vì thế nông dân tìm mọi cách cất giấu lúa gạo khắp nơi: “Chôn dưới hầm, dưới gốc cây, chân tường, vùi trong thức ăn gia súc, thậm chí chia thành gói nhỏ, cài trong tổ chim trên cây cao, hoặc đặt dưới hố nước tiểu”. Để truy bức, các đội công tác đặc biệt được phái xuống nông thôn phát động mọi người tố giác lẫn nhau. Không khí nghi kỵ, rình rập, tố cáo bao trùm lên đời sống của 500 triệu nông dân. Kể cả các đội trưởng sản xuất bị quy tội che chở hoặc đứng về phía nông dân trong cuộc cất giấu lương thực ấy cũng phải chịu bắt bớ, tra khảo, vùi dập tàn nhẫn.
Dư luận thế giới chú ý đến tuyên bố của Mao Trạch Đông ngày 3.9.1958 về “bước nhảy vọt” thần kỳ: “Sản lượng lương thực năm nay có thể tăng xấp xỉ gấp hai lần năm ngoái: từ 185 triệu tấn lên khoảng 370 triệu tấn – nếu năm 1959 tới lại tăng gấp hai lần năm nay, thì sẽ lên 750 triệu tấn”. Song lãnh đạo các tỉnh báo cáo không đủ lương thực để nộp theo dự tính, làm Mao Trạch Đông sốt ruột “bởi đây là việc thật bẽ mặt” với quốc tế. Ông tự mình viết thông tri gởi khắp nơi nhấn mạnh“vấn đề phổ biến trong cả nước là các công xã, đội trưởng sản xuất che giấu sản lượng, chia nhau lương thực, tình hình nghiêm trọng phải giải quyết ngay” và cần thiết “phải tiến hành một đợt kiên quyết mới giải quyết được”. Kiên quyết như thế nào Mao Trạch Đông không chỉ rõ, cứ để lửng lơ “cho cấp dưới đầy đủ không gian tha hồ tưởng tượng, phát huy”. Tân Tử Lăng nhận định: “thủ đoạn “giáo dục kiên quyết” moi cả khẩu phần lương thực của nông dân là nguyên nhân chủ yếu gây chết đói trên quy mô lớn” và nêu ra trường hợp điển hình sau:
“Tỉnh Hà Nam vụ thu 1958 có tới 50% mùa màng bị hư hỏng ngoài đồng. Năm 1959 sản lượng lương thực giảm, chỉ có 9,75 triệu tấn, nhưng các nơi báo lên không thực: tới 22,5 triệu tấn!. Bí thư tỉnh ủy Ngô Chi Phí lấy đó làm cơ sở giao chỉ tiêu cưỡng bức thu mua lương thực, cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ bị coi là “Bành Đức Hoài con”. Chuyên khu Tín Dương thực sản chỉ có 2 triệu tấn, Bí thư Khu ủy Lộ Hiến Văn vống lên 4,15 triệu tấn, tỉnh giao chi tiết thu mua 48 vạn tấn đã là quá cao, Khu ủy xung phong nhận 52 vạn tấn. Khẩu phần lương thực, hạt giống và thức ăn gia súc của nông dân bị cướp đi rất nhiều, bình quân đầu người chỉ còn hơn 50kg, đủ ăn trong 4 tháng, một số huyện thậm chí không đủ 3 tháng. (…) Để quán triệt tinh thần “kiên quyết giáo dục” của Mao Trạch Đông, Khu ủy đã tổ chức cuộc họp 6.000 người ở huyện Hoàng Xuyên, lôi hơn 60 người ra đấu tố, lại lôi thêm 4 người từ nhà tù ra xét xử công khai. Những nông dân đến dự đều gầy gò, vàng vọt, khoảng 40% mắc bệnh phù thũng, một người chết đói tại chỗ, 19 người chết trên đường về nhà. (…) Mùa xuân 1960, có làng 80 ngày người dân không được một hạt lương thực vào bụng. Nhiều người bỏ đi nơi khác kiếm ăn. Vậy mà Bí thư Khu ủy Lộ Hiến Văn vẫn lên giọng: “Không phải thiếu lương thực, mà lương thực rất nhiều, 90% là vấn đề… tư tưởng” (!). Ông ta chỉ thị cho cán bộ cơ sở và dân quân phong tỏa mọi nẻo đường, không cho dân chúng bỏ đi nơi khác”. Điểm lại quá khứ đó, “đại hội 7.000 người” không đồng ý với nội dung dự thảo làm Mao Trạch Đông trực nhận một điều không vui đối với mình: “đại đa số cốt cán không còn ủng hộ ông ta” như trước kia nữa. Mao Trạch Đông phải giao một ủy ban 21 người trong đó có Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình và Bành Chân chỉnh sửa lại báo cáo.
Sau 4 ngày soạn thảo, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình đều nhận trách nhiệm về mình để làm nhẹ bớt sai lầm của Mao Trạch Đông. Còn Bành Chân (một trong “bát đại nguyên lão” của Đảng Cộng sản Trung Quốc – từng làm Thị trưởng thành phố Bắc Kinh) phát biểu một câu làm Mao Trạch Đông sững người, để bụng: “Uy tín của Mao chủ tịch nếu không cao như ngọn Chomolungma của dãy Hy Mã Lạp Sơn thì cũng cao tựa Thái Sơn, nên dù có “bớt đi vài tấn đất” vẫn cao như thế. Cũng chẳng phải Mao Chủ tịch không có khuyết điểm gì. Nếu một phần trăm, một phần nghìn sai lầm của Chủ tịch mà không được kiểm điểm, thì sẽ để lại ảnh hưởng xấu trong Đảng ta”. Về sau Bành Chân bị thất sủng… (còn nữa)
Nguồn: Một thế giới
-
02/07/2014 at 00:50 #3013NCQTKeymaster
Kỳ 11: Lâm Bưu cướp diễn đàn “cứu giá“
Nếu Bành Chân xem uy tín Mao Trạch Đông chỉ cao ngang “núi Thái Sơn” thì nguyên soái Lâm Bưu không mấy chốc đã nâng thêm “chiều cao” đó lên tận đỉnh Chomolungma của thế giới và nêu nhận định ngược đời của mình trước 7.000 đại biểu: “bước tiến nhảy vọt và công xã nhân dân là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo” (!)
Lâm Bưu và Mao Trạch Đông (trái)Các tác giả cuốn “Mười năm cuối đời của Mao Trạch Đông” (sách đã dẫn ở kỳ 8) qua lần gặp đầu tiên đã mô tả Lâm Bưu – danh tướng một thời của Hồng quân Trung Hoa – có “dáng người không cao to, khuôn mặt trắng bệch, từ trên xe bước xuống, đi bộ một vài bước cũng phải có người dìu”. Lần ấy, Diệp Quần – vợ Lâm Bưu – đi theo sau, phân bua: “Tổng tư lệnh Lâm sức khỏe không được tốt, sợ gió, sợ ánh sáng, sợ lạnh, sợ ra mồ hôi”. Suốt 20 năm tiếp đó (1951 – 1971), họ còn gặp Lâm Bưu rất nhiều lần nữa ở Trung Nam Hải, ghi lại: “Mùa đông ngồi trong xe bảo hiểm có khí nóng, mà Lâm Bưu vẫn phải mặc bao ống quần” và cũng phải “có người dìu đến phòng trực ban của cảnh vệ để cởi bỏ áo khoác, tháo khăn quàng cổ, cất mũ, sửa sang lại quần áo đầu tóc” rồi mới vào gặp Mao Trạch Đông. Xong việc, Lâm Bưu quay trở ra lấy đồ mặc, mất thời gian hơn người khác, nên “những lần Mao Chủ tịch yêu cầu Lâm Bưu tiếp khách nước ngoài phải chờ đợi ông khá lâu”. Con người bề ngoài yếu ớt, sợ cả “gió và ánh sáng” ấy lại đã “cướp diễn đàn” để giải nguy – “cứu giá” Mao Trạch Đông ít nhất hai lần.
Lần đầu vào tháng 9.1960, sau thất bại nặng nề của “bước tiến nhảy vọt”, lúc Mao Trạch Đông bị đẩy xa vị trí của mình một khoảng (không chỉ huy sản xuất công nông nghiệp nữa), Lâm Bưu đã triệu tập Hội nghị Quân ủy Trung ương mở rộng, để ra nghị quyết ủng hộ Mao Trạch Đông, xem tư tưởng Mao Trạch Đông “là kim chỉ nam của quân đội và toàn dân Trung Quốc”, chống lại “những người lấn quyền” và “đang khủng hoảng niềm tin vào Mao Chủ tịch” (như nguyên soái Chu Đức và Đặng Tiểu Bình phát biểu: “hoan nghênh Mao thôi chức Chủ tịch đảng”. Chu Ân Lai nhẹ nhàng hơn: “Chủ tịch tạm lui về tuyến hai, Chủ tịch vẫn là chủ tịch”.)
Lần thứ hai ở “Đại hội 7.000 người”, Lâm Bưu không nhắc gì đến hậu quả của chỉ thị tai hại của Mao Trạch Đông buộc toàn dân phấn đấu tăng sản lượng thép từ 5,35 triệu tấn (1957) lên gấp đôi: 10,7 triệu tấn (vào 1958). Chỉ thị phổ biến tháng 8.1958 lúc chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm, không thể nào đủ sức lo liệu thêm 6,2 tấn thép cho đủ sản lượng trên. Nhưng Mao Trạch Đông bất kể quy luật kinh tế và nhất mực buộc phải “kết hợp giữa Các Mác và Tần Thủy Hoàng” để hoàn thành, nếu cần thiết vẫn phải “tháo dỡ các đường sắt tạm thời không có giá trị kinh tế như: đường sắt Ninh Ba, đường sắt Giao Đông” để làm nguyên liệu đúc thép. Vào cuộc, Nhân dân nhật báo đăng bản tin “hoang tưởng”: tỉnh Hà Nam chỉ trong vòng 5 ngày (từ 10 đến 15.9) đã nâng số lượng lò luyện gang trong tỉnh lên 45.000 cái, huy động 3,6 triệu nông dân với 407.000 xe vận tải các loại, để mỗi ngày sản xuất 18.693 tấn gang. Thủ tướng Chu Ân Lai tiến hành thẩm định mới biết đó là “thành tích ảo”. Những “kỳ tích” tưởng tượng với hàng loạt con số sản lượng phóng lên đến “tận cung trăng” tương tự như Hà Nam, dẫn đến công bố của Tân Hoa Xã: sản xuất 11,08 triệu tấn thép trong năm ấy (tăng hơn mong muốn của Mao Trạch Đông) và 13,69 triệu tấn gang! (tài liệu sau này cho biết trong đó có 3,08 triệu tấn thép và 4,16 triệu tấn gang phế phẩm, hoàn toàn không thể gia công sử dụng. Giá thị trường một tấn gang lúc đó là 150 nhân dân tệ (NDT), gang làm ra theo phương pháp thủ công phải cõng giá thành lên 315 NDT, nhà nước phải trợ giá 5 tỷ NDT cho “thắng lợi tinh thần” của việc ồ ạt làm gang thép ấy!”. Dầu Lâm Bưu không nhắc đến, song các đại biểu vẫn bàn tán về những tổn thất liên quan qua “đại hội 7.000 người” tháng 1.1962.
Vào thời điểm đó, Lưu Thiếu Kỳ vẫn còn trên đỉnh cao quyền lực (được Mao Trạch Đông giới thiệu với nguyên soái Anh Mongtgomery: “Khi tôi chết, ông ta sẽ lên thay”) – trên diễn đàn “đại hội 7.000 người”, vào phiên họp toàn thể ngày 27.1, thẳng thắn phân tích nguyên nhân dẫn đến thảm họa trong đại nạn “công xã nhân dân”, “nhà bếp tập thể” và “ảo ảnh công nghệ thép” là do:
– 3 phần thiên tai, 7 phần nhân họa.
Lưu Thiếu Kỳ muốn nói Mao Trạch Đông phải gánh 70% trách nhiệm, cả hội trường vỗ tay hoan nghênh, tất nhiên không khỏi làm Mao Trạch Đông căm tức. Nhật ký của Đặng Dĩnh Siêu (vợ Chu Ân Lai) ghi rằng, cũng tại đại hội trên: “nhiều người yêu cầu Mao Trạch Đông rút lui”. Đang lúc Mao Trạch Đông bị bao vây, đơn độc, Lâm Bưu xuất hiện đúng lúc mang đến cho Chủ tịch của mình “vòng hào quang mới”, với khẳng định: “đường lối chung, cũng như bước tiến nhảy vọt và công xã nhân dân là đúng đắn, sáng tạo, những khó khăn vấp phải là do không làm theo chỉ thị của Mao” (!). Lâm Bưu dứt lời, Mao Trạch Đông đứng dậy vỗ tay, Lưu Thiếu Kỳ và Thường vụ Bộ chính trị ngần ngừ một lát mới đứng lên “vỗ tay theo” – 7.000 đại biểu tuy “gật đầu” nhưng “không chấp thuận”, nên ai đó trương khẩu hiệu: “Đả đảo Mao Trạch Đông!” trong hội trường ngay sau buổi đó… (còn nữa)
-
02/07/2014 at 00:52 #3014NCQTKeymaster
Kỳ 12 – Kế hoạch số 571: Mưu sát Mao Trạch Đông
Bản kế hoạch tuyệt mật mang tên “Kỷ yếu công trình 571” soạn thảo tại căn hầm nằm dưới một tòa nhà ở Thượng Hải nhằm mưu giết Mao Trạch Đông đã không loại trừ việc sử dụng các phương tiện đặc chủng để thực hiện – kể cả dùng đến hơi độc hóa học lẫn… vũ khí vi trùng!
Gia đình Lâm Bưu – Diệp Quần (tư liệu Internet)Lúc quan hệ giữa Mao Trạch Đông và Lâm Bưu đang thời kỳ “trăng mật” – Lâm Bưu nhiều lần nâng Mao Trạch Đông lên “nóc nhà thế giới”, như nói: “Mao Chủ tịch là thiên tài vĩ đại nhất của giai cấp vô sản !” (tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng – Bắc Kinh 5.1966).
Đáp lại, Mao Trạch Đông tuyên bố: Lâm Bưu là người bạn chiến đấu thân thiết và là người sẽ kế tục Mao Trạch Đông làm Chủ tịch đảng. Điều ấy ghi cả vào Điều lệ mới của đảng ở phần “cương lĩnh chung” (tại Đại hội 9 Đảng CSTQ – tháng 4.1969).
Từ đó “người nhà” của Lâm Bưu bành trướng thế lực ngày một lớn, chiếm 19 ghế lãnh đạo hàng đầu tại 29 tỉnh thành toàn Trung Quốc, giành 54 vị trí làm trưởng hoặc phó của các Đại quân khu… Ảnh hưởng của Lâm Bưu cùng các diễn tiến phức tạp sau hậu trường chính trị với Mao Trạch Đông từ năm 1969 đến đầu 1971 dẫn đến mâu thuẫn giữa hai người tới mức khó hàn gắn.
Phần Lâm Bưu, dầu ngoài mặt luôn luôn chứng tỏ “kiên trì quan điểm Mao Trạch Đông là thiên tài”, cũng như hô hào “tuyệt đối phục tùng Mao Chủ tịch”, nhưng bên trong âm thầm chuẩn bị đảo chánh, nhiều lần nói với vợ mình là Diệp Quần : “Bí quyết đảo chánh ở hai chữ “quyền” và “nhanh”. Các cuộc đảo chánh hiện đại có thể đoạt quyền trong một buổi sớm. Làm đảo chánh cần trả cái giá “đoạt quyền phải nhỏ nhất, nhỏ nhất, nhỏ nhất – thu hoạch phải lớn nhất, lớn nhất, lớn nhất – thời gian thực hiện phải nhanh nhất, nhanh nhất, nhanh nhất”…
Ở vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Lâm Bưu bí mật chọn những sĩ quan cao cấp, tin cẩn trong Bộ Tư lệnh không quân và các Quân đoàn tại Thượng Hải, Vũ Hán, Nam Kinh, Hàng Châu tiến tới thành lập Hạm đội liên hợp để giao con trai mình là Lâm Lập Quả làm Tư lệnh. Lâm Lập Quả tốt nghiệp khoa Vật lý Đại học Bắc Kinh năm 21 tuổi (1967), từng được Mao Trạch Đông ưu ái gọi: “tiểu tướng dám nghĩ dám làm”. Vì Lâm Lập Quả táo bạo đưa một lực lượng quân đội dưới quyền bạt nửa ngọn núi Hoàng Dương làm vị trí đặt radar hướng về phía thủ đô Moskva của Liên Xô với khả năng phát hiện nhanh “lúc Liên Xô khởi động phóng tên lửa xuyên lục địa” vào đất Trung Quốc. Năm Lâm Lập Quả 23 tuổi (1969) tư lệnh không quân Ngô Pháp Hiến (phe Lâm Bưu) bổ nhiệm Quả làm Phó chủ nhiệm Văn phòng kiêm Phó Ban tác chiến Quân chủng Không quân và đồng ý cho phổ biến trong nội bộ một nhận định “vượt khung” về Lâm Lập Quả: “Có đủ bản lĩnh của một lãnh tụ, nay biết được rồi chúng ta phải theo suốt đời dù bão táp mưa sa cũng không lùi bước” và “Lâm Lập Quả toàn tài, toàn soái, siêu tài, xứng đáng là người kế tục thuộc thế hệ thứ 3” (ý nói sau này Lâm Bưu làm Chủ tịch đảng thay Mao Trạch Đông, khi Lâm Bưu rời vị trí sẽ đến Lâm Lập Quả kế vị). Chẳng ngờ các phát biểu trên được “người ngoài cuộc” ghi âm và chuyển đến tận tay Mao Trạch Đông. Nghe xong, Mao Trạch Đông gọi Giang Thanh và những “tùy tướng” tin cẩn đến nghe, rồi phán – đại ý:
– Các người thấy rõ chưa, tôi còn chưa chết, đồng chí Lâm Bưu chưa lên thay mà đã vội vàng lo kiếm người kế tục mình. Chẳng lẽ một đứa trẻ ngoài 20 tuổi như Lâm Lập Quả được tâng bốc lên thành siêu thiên tài, chẳng phải nó là lãnh tụ đương không bỗng mọc ra từ nhà họ Lâm cho đảng ta à?
Mao Trạch Đông quyết định thanh trừng Lâm Bưu.
Lâm Bưu cũng không kém, đưa Lâm Lập Quả, Chu Vũ Trì, Vu Tân Dã, Lý Vĩ Tín nghiên cứu kế hoạch lật đổ Mao Trạch Đông, họp mặt bí mật tại căn hầm tòa nhà số 889 đường Cự Lộ (Thượng Hải) trong ba ngày 21 đến 24.3.1971 vạch sẵn kế hoạch mưu sát Mao Trạch Đông với tên gọi “kỷ yếu công trình 571”. Tài liệu Tân Tử Lăng tường thuật (tóm lược):
Điểm cốt yếu của kế hoạch trên là giết chết Mao bằng cách lợi dụng một cuộc họp cấp cao nào đó để “quăng mẽ lưới bắt gọn”. Hoặc “dùng các phương tiện đặc chủng như hơi độc, vũ khí vi trùng, tên lửa, máy bay ném bom”. Hoặc “dựng cảnh tai nạn ô tô ám sát bắn trực tiếp, bắt cóc để giết Mao Trạch Đông”. Soạn thảo xong, Lâm Bưu sai Lâm Lập Quả thành lập đội huấn luyện quân sự dành cho các cán bộ cơ sở, nhưng thực chất để đào tạo các phân đội cơ động có khả năng chiến đấu mạnh ở Thượng Hải để giành thế thượng phong vào giờ G. Khi hay tin Mao Trạch Đông rời Bắc Kinh để tuần du phương Nam ngày 15.8.1971 trên chuyến chuyên xa (xe lửa), Lâm Lập Quả ra lệnh:
– Hãy ra tay hạ Mao Trạch Đông tại Thượng Hải trên đường ông ta trở về Bắc Kinh trong chuyến khứ hồi bằng ba cách. Một là dùng súng phun lửa và B40 tấn công chuyên xa. Hai là dùng pháo cao xạ 100 ly chỉa nòng bắn thẳng cho cháy rụi. Ba là Vương Duy Quốc phải mang theo súng ngắn xâm nhập lên chuyên xa bắn chết Mao !.
Đến 10.9.1971, Mao Trạch Đông về tới Thượng Hải lúc 18 giờ 10 phút khi trời vừa chập tối và đêm ấy ở luôn trên chuyên xa, không bước xuống sân ga. Trưa hôm sau 11.9, bằng cách nào Vương Duy Quốc (người được giao nhiệm vụ ám sát) đã bước được lên xe lửa, ngồi vào bàn ăn trước mặt Mao Trạch Đông ?. (còn nữa)
Nguồn: Một thế giới
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.