Cải tạo đảo: Bước đi thay đổi cục diện ở Biển Đông

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

  • This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 9 years ago by NCQT.
Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #7203
      NCQT
      Keymaster

      Cải tạo đảo: Bước đi thay đổi cục diện ở Biển Đông

      Các dự án cải tạo đảo và xây dựng quy mô lớn và chưa có tiền lệ của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa khi hoàn tất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tranh chấp giữa các bên và cạnh tranh giữa các cường quốc ở Biển Đông.

      Gần đây báo chí quốc tế đã đưa tin rất rộng rãi về việc Trung Quốc đang tiến hành các dự án cải tạo đất trên sáu trong số bảy thực thể mà nước này chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, nhằm biến các đảo đá và bãi chìm này thành các đảo lớn với đường băng, cảng tàu và các cơ sở quân sự và dân sự khác. Khi các công trình này hoàn tất, chỉ riêng Đá Chữ Thập sẽ có diện tích ít nhất hai cây số vuông – bằng diện tích của tất cả các đảo khác ở quần đảo Trường Sa cộng lại.

      Các quan chức và học giả Trung Quốc đã đưa ra nhiều lý do để biện minh cho bước đi chiến lược của Trung Quốc, bao gồm nhu cầu nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn ở Biển Đông, cải thiện điều kiện sống và làm việc của các công dân Trung Quốc trên các thực thể đó và nhu cầu thiết lập một căn cứ hỗ trợ cho hệ thống radar và tình báo của Trung Quốc. Đại biểu của Trung Quốc cũng đã nhiều lần phàn nàn tại các hội thảo, hội nghị quốc tế rằng không công bằng khi chĩa mũi dùi chỉ trích vào Trung Quốc trong khi các bên yêu sách khác ở Biển Đông đã thực hiện các hoạt động cải tạo đất, Trung Quốc là bên yêu sách cuối cùng xây dựng đường băng ở đó.

      Bất kể lý do là gì, các dự án cải tạo đất quy mô lớn và chưa có tiền lệ của Trung Quốc khi hoàn tất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tranh chấp giữa các bên và cạnh tranh giữa các cường quốc ở Biển Đông.

      Các đội tàu cá của Trung Quốc, vốn đã được hưởng sự ủng hộ về tài chính, kỹ thuật và hành chínhcủa chính quyền trung ương và địa phương, có thể sử dụng các cơ sở tiện ích trên các hòn đảo được mở rộng này để tăng thời gian và mở rộng phạm vi của các hoạt động đánh bắt. Điều này sẽ châm mồi cho căng thẳng và tạo ra đối đầu khi các đội tàu cá của Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của các bên khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Indonesia và va chạm với lực lượng tàu cá và chấp pháp của các quốc gia trên.

      Các hòn đảo được mở rộng với đường băng và cảng biển có thể sẽ củng cố năng lực uy hiếp của Trung Quốc, cho phép Trung Quốc triển khai nhanh chóng và hùng hậu các tàu và máy bay quân sự, bán quân sự và giả dân sự đến khu vực phía nam và trung tâm Biển Đông trong trường hợp xảy ra chạm trán với các bên yêu sách khác.

      Tạp chí Thông tin Tình báo Quốc phòng Jane’s Defence Weekly cho rằng các cơ sở của Trung Quốc trên các hòn đảo được cơi nới này “được xây dựng với chủ đích nhằm ép buộc các bên yêu sách khác phải từ bỏ yêu sách chủ quyền và sự kiểm soát của mình trên các đảo ở Trường Sa.” Khó có khả năng các bên khác từ bỏ yêu sách chủ quyền và sự kiểm soát của mình trên các đảo hiện nay ở Trường Sa, tuy nhiên những cơ sở đó sẽ tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc phong tỏa các tuyến đường tiếp tế của Việt Nam, Philippines đến các đảo và đá mà họ đang kiểm soát ở Trường Sa. Nỗ lực của Trung Quốc trong việc bao vây các tuyến đường tiếp tế của Trung Quốc ởbãi cạn Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) trong nửa đầu năm 2014 đã minh chứng cho điều này.

      Nhìn ở góc độ lạc quan hơn, việc sở hữu các đảo lớn với các cơ sở quân sự và dân sự hiện đại có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu của Trung Quốc sẽ khiến cho nước này giảm động lực muốn tấn công các đảo do các bên khác kiểm soát.

      Khác với sự hiện diện của các bên yêu sách khác ở Trường Sa, với mục tiêu chính là chứng minh sự quản lý hiệu quả các đảo do họ kiểm soát bằng cách xây dựng các đường băng có thể hỗ trợ cho việc tiếp tế các đảo, sự hiện diện càng tăng về mặt quân sự của Trung Quốc là nhằm đẩy mạnh khả năng triển khai sức mạnh, nếu không muốn nói là làm chủ cả Biển Đông. Mạng lưới các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, nối liền căn cứ Tam Á ở đảo Hải Nam, đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa ở phía tây, với các “hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm” ở Đá Chữ Thập, Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên và Đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa ở vùng trung tâm và phía nam Biển Đông, và với các căn cứ tiềm năng ở Bãi Vành Khăn và Bãi cạn Scarborough ở phía đông sẽ tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông (khi được thiết lập). Liên hoàn căn cứ này cũng sẽ gia tăng năng lực của Trung Quốc trong các hoạt động: quấy nhiễu các hoạt động quân sự của Mỹ trên biển và trên không; săn tàu ngầm của Mỹ; và lần đầu tiên đặt nước Úc trong tầm ngắm của máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc; kiểm soát hay ít nhất là gửi tín hiện răn đe về khả năng phong tỏa các tuyến đường cung cấp năng lượng trọng yếu từ Trung Đông đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

      Từ góc độ luật pháp quốc tế, các nhà bình luận đã chỉ ra rằng các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là các điều khoản yêu cầu tất cả các bên phải kiềm chế và không tiến hành các hoạt động đơn phương có thể làm thay đổi vĩnh viễn nguyên trạng liên quan đến các khu vực tranh chấp. Các hoạt động nạo vét và xây dựng của Trung Quốc đang làm tổn hại đến hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa, điều này cho thấy Trung Quốc không hề coi trọng “nghĩa vụ hợp tác” với các quốc gia có thể bị ảnh hưởng về môi trường. Không những thế, các hoạt động này trái với Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế thực hiện các hoạt động có thể làm phức tạp hay leo thang tranh chấp. Bằng việc đưa các quốc gia vào “tình thế đã rồi” trong quá trình đàm phán về một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông – một trong những mục đích chính là nhằm duy trì nguyên trạng, Trung Quốc đang dập tan bất kỳ hy vọng mong manh nào về một văn kiện có ý nghĩa giúp quản lý vùng biển đầy căng thẳng này.

      Cho đến này, chỉ có ba quốc gia – Việt Nam, Philippines và Mỹ – phản đối các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc nhưng rõ ràng các phản đối ngoại giao thôi không tác động gì nhiều đến ý chí và tính toán của Trung Quốc. Một quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thẳng thừng tuyên bốTrung Quốc có thể thực hiện bất kỳ hoạt động xây dựng nào trên những đảo, đá thuộc “chủ quyền” của họ.

      Xét đến những lợi ích đang bị đe dọa và một số lượng lớn các chủ thể bị ảnh hưởng bởi hoạt động này, tất cả các nước ven biển và các bên liên quan cần nhanh chóng phối hợp hành động để ngăn vùng biển chung này trở thành chiếc ao riêng vĩnh viễn, trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn màng.

      Trần Trường Thủy

      Trần Trường Thủy là Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông. Bản gốc bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang Asia Maritime Transparency Initiative.

      Kim Minh (dịch)

      Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.